Vẫn đang tiết Thanh Minh. Thanh Minh đi viếng mộ thân nhân và bạn bè là hợp với tâm linh người Việt mình. Hôm nay xin cùng nhà văn Lý Đợi ở trong nước đi thăm mộ Tạ Ký và Bùi Giáng ở Gò Dưa. Bùi Giáng và Tạ Ký là chỗ quen biết của Nguyễn này. Riêng Tạ Ký là bạn thân từ hồi Quốc Học Huế rồi vào tới Sài Gòn lên tới Đà Lạt … ở đâu cũng mối thân tình gắn bó. Chỉ sau 1975 một cơn gió bụi chia cách nhau. Bây giờ Tạ Ký về Gò Dưa. Xin theo chân Lý Đợi đi thăm bạn nhé. NGUYỄN & BẠN HỮU
Lý Đợi
Tạ Ký người làng Trung Phước, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, nơi nổi tiếng với cây cối và nước trong xanh. Làng trái cây Đại Bình (vì húy kỵ, dân quen gọi Đại Bường) gần quê ông gần như có tất cả loại trái cây phổ biến của Việt Nam, đặc biệt có cả các loại ngoại nhập vào Nam Kỳ như sầu riêng, măng cụt, sa-bô-chê (hồng xiêm), thanh long … Bản thân Tạ Ký rất yêu thích cây xanh, những bài thơ từ thời tiểu học ông đã dành tình cảm sâu đậm cho cây cối, phong thổ.
Rồi thời cuộc đưa đẩy, ông phải dần xa các màu xanh ấy, tính vào Đà Lạt ở luôn, nhưng cũng không ở được lâu, phải về Sài Gòn chật chội, rồi mất khá lặng lẽ tại Chợ Mới, tỉnh An Giang ngày 19/3/1979. Nếu không có nhà thơ Đynh Trầm Ca người thông thạo Miền Tây, thì có khi ngày nay mộ Tạ Ký cũng đã “thất lạc” giữa cuộc đời này. Đynh Trầm Ca và bạn hữu đã lo giúp việc cải táng, đưa về an vị tại nghĩa trang Gò Dưa (Thủ Đức) ngày 5/4/2001, cách nơi chôn cũ hơn 200 km. Ở nơi mới, Tạ Ký nằm khiêm nhường trong vài mét vuông, nhưng sạch sẽ, có trảng hoa nhỏ trên mộ, còn cây xanh thì không có, chỉ “hưởng chút bóng mát” ở các mộ kế cận. Nhưng ở đây, ông lại được nằm gần người bạn thuở thiếu thời, người đồng hương Bùi Giáng, quê hai người cách nhau chừng 50 km, thời ấy như vậy là xa xôi, nhưng vẫn có thư đi tin lại. Thời tuổi trẻ, hai ông có điểm chung là từng theo Việt Minh một thời gian, nhưng chỉ vài năm là họ bỏ về thành, rồi hành phương nam để thỏa chí hướng văn chương, giáo dục.
Cách mộ Tạ Ký chừng 10 mét là mộ Bùi Giáng, tuy không to, chỉ chừng 50 mét vuông, nhưng nếu so về bình quân, vẫn thuộc diện rộng rãi, tươm tất và tao nhã nhất khu này. Bùi Giáng dù nhớ cố quận, nhưng mê phố thị nhiều hơn, nên gần như suốt đời ông chẳng mấy tơ tưởng chuyện trở về quê cũ sinh sống. Bùi Giáng chẳng mấy mê say phong thổ, cây cối, mồ yên mả đẹp, nhưng quanh mộ ông cây cối xanh tươi, hoa nở bốn mùa. Bùi Giáng cũng từng đi miền Tây thăm Tạ Ký, lang thang dưới đó ít lâu rồi trở về Sài Gòn, làm nhiều câu thơ, bài thơ về thành phố này. Trong bài thơ Đêm Sài Gòn, có đoạn: “Đường vui ký ức giang hà/ Đường xa lăng lắc chan hòa lãng quên/ Rừng thưa thấp thoáng hiên thềm/ Dừng chân khoảnh khắc sương ghềnh vi vu”. Giữa họ là tình bạn thâm tình, tuy ít gặp nhau, nhưng đồng điệu và “tương kính như tân”, đủ để chia sẻ nhiều điều. Cả hai không hẹn sống chết gần nhau, nhưng cuối cùng lại nằm gần nhau nơi đất khách quê người. Mộ của hai người luôn sạch sẽ, tươm tất, do người mến mộ và cả các thợ thầy ở nghĩa trang này chủ ý dọn dẹp, tu bổ. Trong bài thơ Sầu ở lại của Tạ Ký, có đoạn: “Năm cùng tháng tận đời hoang vắng/ Bên quán ngờ đâu lại gặp mầy/ Gọi để mừng nhau khi hội ngộ/ Thì xin hãy cạn chục ly đầy”.
Mà nói đôi bạn này nằm nơi đất khách quê người cũng chưa hẳn đúng, hoặc chưa thật trọn vẹn. Vì vào năm 1966, Hội Trung Việt ái hữu, gồm đa số đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng di cư vào Sài Gòn và các vùng phụ cận, đã mua đất lập nên nghĩa trang Gò Dưa ở xã Tam Bình, quận Thủ Đức. Sau năm 1975, vật đổi sao dời, chính quyền mới tiếp quản và phân lô bán một phần đất nghĩa trang này cho các tổ chức, tư nhân. Cho nên, mộ phần Bùi Giáng và Tạ Ký tuy mua lại phần đất của gia đình ông Nguyễn Văn Tàu (1935-2007) và bà Phạm Thị Gái (1942-2015) người Thủ Đức, nhưng trước đó lại là đất của Hội Trung Việt ái hữu. Nhưng nếu cứ truy xét hoài như vậy, thì thật vô cùng, vì sở hữu chủ trước kia của hội này là ai. Chỉ thấy rằng, dù rất tình cờ và có lẽ cũng ngoài ý muốn của đôi bạn này, rốt cuộc họ lại về nằm rất gần nhau trên đất Gò Dưa, mà quê cũ của họ cũng rất nổi tiếng về dưa hấu, dưa gang, dưa leo, bí đao, bí rợ … Trên bia Tạ Ký có hai câu thơ: “… Thân cát bụi chẳng còn chi hối tiếc/ Nhưng lòng riêng khao khát chút Tình Thương”. Về diện tích, mộ của Bùi Giáng còn to hơn mộ của ông bà chủ đất, cũng chỉ chôn cách Bùi Giáng chừng 15 mét. Sát xung quanh họ còn có chừng chục ngôi mộ người Quảng Nam, có người hữu danh, có người vô danh, làm nên một “xóm đồng hương” kỳ lạ.
Nói về khắc thơ xung quanh mộ, có lẽ mộ Bùi Giáng thuộc hàng nhiều nhất, với gần 40 trích đoạn. Thế nhưng, điều lạ lùng, trên phiến đá chính trước mộ, lớn nhất, vốn trích khắc đoạn thơ tiêu biểu – cũng là thủ bút của Bùi Giáng, thì đến nay gần như đã trở thành “vô tự thiên thư”, vì chữ khắc lên đá đã mòn gần hết, dù mới hơn 20 năm thôi. Nó cũng rơi rớt như đời thơ của ông, với vô số bài viết tặng, viết ngẫu hứng bị thất lạc đó đây vậy. Tuy nhiên, dù thất lạc nhiều, thì Bùi Giáng cũng đâu thiếu thơ. Ngay sau bức tượng đồng do điêu khắc gia Trương Đình Quế (1939-2016) tạc rất đẹp, là bài thơ ‘Thần Tiên Trên Núi’: “Đùa với tuyết, rỡn với vân/ Một mình nhớ mãi gái trần gian xa/ Sương buổi sớm, nắng chiều tà/ Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu”. Hàng chục trích đoạn thơ khác vẫn còn rõ nét đến vằng vặc.
Phiến đá đề thơ nay gần thành “vô tự thiên thư” ở mộ Bùi Giáng
Với con mắt tham lam bình thường, tượng đồng này mà cân đồng bán cũng đã khá tiền, vậy mà bao năm qua vẫn nằm im tại chỗ, trộm cắp đôi khi cũng có nghĩa lý giang hồ, với tượng của “thi sĩ cái bang” như Bùi Giáng, họ đã dành ít nhiều tôn trọng. Đến mộ Bùi Giáng, đường đi bây giờ cũng khá thuận tiện, Google Maps chỉ gần như đến tận nơi, sai số chỉ vài chục mét; đến thắp nén nhang và đọc các trích đoạn thơ thôi cũng đã lý thú. Ví dụ một trích đoạn được khắc: “Buổi về đắm lụy điêu linh/ Còn nguyên xứ sở mang hình chiêm bao/ Máu se tàn lạnh điệu chào/ Trên đầu phố lạ vẽ màu quê chung”.
Cuộc đời và văn nghiệp Bùi Giáng thì đã nhiều người biết rồi, nên không nhắc lại ở đây. Riêng Tạ Ký, đời ông dành nhiều tâm huyết cho giáo dục hơn văn chương, nhưng dấu ấn trong thơ không hề phai nhạt. Ngoài các bài thơ lẻ, ông đã xuất bản hai tập thơ Sầu Ở Lại (1970) và Cô Đơn Còn Mãi (1975). Sau ngày 30/4, ông đi tù cải tạo 2 năm vì tội “giáo chức biệt phái”, “phát bệnh đột ngột” trong tù nên được “tạm tha” trước thời hạn. Ra tù, không thể sống tại Sài Gòn, lúc ấy đã đổi tên là TP.HCM, vì bị theo dõi và sách nhiễu liên tục, nên đến cuối năm 1978 thì Tạ Ký xuôi về sống ở tỉnh An Giang, mấy tháng sau thì mất trong cô độc, mộ phần ít được nhang khói, chăm nom.
LĐ
*Nguồn: Văn Việt