Thanh Minh trong tiết tháng Ba

Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp thanh

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Tượng đài tri ân công dân Tiệp hy sinh vì nước Pháp-Père Lachaise Paris

Có lẽ ít người nghĩ rằng: một trong những điểm viếng thăm mà nhiều du khách phải đến cho bằng được, khi ghé Paris, là một nghĩa trang! Thật vậy, mỗi năm, người ta ước tính có hơn 3 triệu người từ khắp nơi trên thế giới đặt bước vào nghĩa trang Père Lachaise, lang thang trên những lối mòn hay các con đường lát đá ngang dọc để viếng phần mộ của những người nổi tiếng hoặc vô danh, yên tĩnh nằm cạnh nhau trong khoảng đất rộng 44 mẫu thuộc quận 20, nội thành thủ đô nước Pháp.

Cổng métro cạnh nghĩa trang-Père Lachaise Paris

Có thể nói đó là một thành phố nằm lọt thỏm trong một thành phố. Với 75,000 ngôi mộ, nhà mồ gia đình và vô số tượng, bia, đài tưởng niệm, hơn 4,000 cây xanh phủ bóng dọc các lối đi, nghĩa trang Père Lachaise được chia thành 97 khu, bao quanh bằng hơn 50 con đường với tên gọi riêng biệt. Được xem là một trong những nghĩa trang nổi tiếng nhất thế giới, Père Lachaise có lịch sử hơn 200 năm, nhưng trước đó, từ thời Trung cổ, đã từng là nơi trồng nho, lầu đài, nơi an dưỡng của các tu sĩ Dòng Tên, vườn tược và chốn tổ chức lễ hội của giới quý tộc. Vật đổi sao dời, phần đất nằm trên ngọn đồi phía đông thành phố này rốt cuộc thuộc về quyền sở hữu của Tỉnh trưởng tỉnh Seine để cuối cùng, biến thành nghĩa trang, với tên gọi Père Lachaise (*).

Mộ nhạc sĩ Frédéric Chopin-Père Lachaise Paris

Theo đúng sắc lệnh mang tính bình đẳng của Napoléon Bonaparte (**), Père Lachaise và các nghĩa trang khác của Pháp mở cửa đón nhận hài cốt của những người vô đạo, người bị rút phép thông công, dân Do Thái, người theo đạo Tin Lành, nghệ sĩ, gái điếm, người nghèo, vô gia cư … và chôn cạnh mộ phần của người Công giáo thuần thành và các vương gia, vọng tộc. Người được chôn cất đầu tiên tại đây là một bé gái 5 tuổi, nhưng nghĩa trang Père Lachaise không nhận được sự hưởng ứng của dân chúng Paris trong thời kỳ đầu: từ 1804 đến 1815, chỉ hơn 2,000 ngôi mộ và nhà mồ được đặt để. Vì thế, năm 1817, tỉnh trưởng Paris đã làm một màn quảng cáo ngoạn mục: cho di dời và an táng tại đây hài cốt của 4 người nổi tiếng, nhà soạn kịch Molière (tác giả các vở hài kịch «Dom Juan», «Thầy thuốc biết bay»… đã từng được lược dịch và trình diễn tại Sài Gòn), nhà văn chuyên viết truyện ngụ ngôn La Fontaine («Ve và Kiến», «Ếch muốn to bằng Bò», «Thỏ và Rùa»… với bản dịch qua thơ ngũ ngôn hay song thất lục bát của Nguyễn Văn Vĩnh) cùng đôi vợ chồng-tình nhân-giáo sư-tu sĩ triết gia-nhạc sĩ-thần học Abélard và nhà văn-mẹ bề trên Héloïse. Kết quả không cần phải chờ đợi, chỉ 13 năm sau, người ta đã đếm được thêm 31,000 ngôi mộ. Từ đó, Père Lachaise đã phải nới rộng thêm 5 lần để có diện tích như hiện nay.

Dốc vắng-Père Lachaise Paris

Bao gồm nhà nguyện, nơi tổ chức tang lễ cạnh nhà hỏa táng, hầm mộ nhiều tầng ngầm với gần 50,000 hộc đựng tro áp vào tường và hàng hàng lớp lớp mộ bia, Père Lachaise trở thành một «linh địa» giữa lòng Paris ồn ào náo nhiệt. Bước vào nghĩa trang, người nhàn du sẽ được nghe tiếng hót của hơn 40 loài chim làm tổ trong các tán lá luôn tỏa bóng râm mát ngay cả trong những ngày hè oi bức nhất, khi nhiệt độ ngoài trời của Paris đôi khi vượt quá ngưỡng 40°C. Ngoài hàng trăm con mèo thường trực trú ngụ tại đây, còn có thêm dơi, cú, sóc, nhím, chồn và một gia đình cáo được phát hiện năm 2020, khi cả thế giới bị cô lập vì đại dịch Covid-19. Ngoài 4 ngôi mộ của các danh nhân nêu trên, có thể nói, cùng với Điện Chư Thần Panthéon gần vườn Luxembourg, Père Lachaise chính là nơi hội tụ của tinh hoa nước Pháp và châu  u. Nhìn vào danh sách của những người an nghỉ tại đây, người ta thấy có nhà thơ Guillaume Apollinaire (với bài thơ 5 câu «Adieu», qua tay nhạc sĩ Phạm Duy, trở thành ca khúc «Mùa thu chết»), Paul Éluard, Alfred de Musset, nhạc sĩ Frédéric Chopin, Georges Bizet (tác giả vở opéra «Carmen»), Michel Legrand (có nhiều ca khúc được biết đến qua bộ phim «Summer 42» và các bộ phim khác), nhạc sĩ Ý Gioachino Rossini (nổi tiếng với vở opéra «Người thợ cạo thành Séville»), ca sĩ Hy Lạp Maria Callas, Edith Piaf (gắn liền tên tuổi với ca khúc «La vie en rose»), ca sĩ Mỹ Jim Morrison (người sáng lập ra ban nhạc rock The Doors, theo khuynh hướng chống chiến tranh Việt Nam), hoạ sĩ Georges Seurat (sáng tạo ra trường phái «Điểm hoạ»), Gustave Caillebotte, Eugène Delacroix (với bức tranh nổi tiếng «Tự Do dẫn lối nhân dân»), Jean-Baptiste Camille Corot, Ernst Max (thuộc trường phái «Dada» và «Siêu thực»), Camille Pissarro (phái «Ấn tượng»), hoạ sĩ-điêu khắc gia Ý gốc Do Thái Modigliani (sáng tác tranh chân dung cùng tượng với khuôn mặt, cổ và thân người dài ngoằng), nhà Ai Cập học Jean-François Champollion (người tìm cách đọc được lối chữ tượng hình của nền văn minh Ai Cập cổ đại), nhà văn Sidonie Grabrielle Colette (có ngôi trường màu đỏ ở quận 3 Sài Gòn mang tên bà), Alphonse Daudet (với tập truyện «Thư gửi từ cối xay gió»), Honoré de Balzac (tác giả của một trong những bộ tiểu thuyết đồ sộ nhất của văn chương Pháp, «Tấn trò đời», gồm 90 truyện dài ngắn), Marcel Proust (người viết bộ trường thiên tiểu thuyết «Đi tìm thời gian đánh mất», xuất bản ròng rã suốt 14 năm), nhà văn Ái-nhĩ-lan Oscar Wilde, hoá học-vật lý gia Louis Joseph Gay-Lussac (có các công trình nghiên cứu về hơi đốt), nhà thiên văn học-quốc trưởng Pháp François Arago, chính trị gia Georges Eugène Haussmann (người đã quy hoạch lại Paris để thành phố có bộ mặt thông thoáng như hiện nay), nhà thông thiên học Allan Kardec, kịch sĩ Marcel Marceau (người tác tạo ra nhân vật kịch câm Bip nổi danh thế giới), tài tử-ca kịch sĩ gốc Ý Yves Montand (từng là tình nhân của Edith Piaf, Marilyn Monroe và chồng của tài tử đoạt giải Oscar 1960 «nữ diễn viên xuất sắc nhất» Simone Signoret, ông nổi tiếng với ca khúc «Những chiếc lá chết», đã được các nhạc sĩ Phạm Duy, Lữ Liên, Y Vân, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Tuấn Kiệt, Phong Vũ… chuyển ngữ), nhà báo Victor Noir, nam tước Đức gốc Do Thái James de Rothschild (người sáng lập ra chi nhánh nhà băng mang tên ông tại Pháp), chủ gánh xiệc Achille Zavatta, kỹ sư Fulgence Bienvenüe (cha đẻ hệ thống xe điện ngầm métro của Paris)… Từng ấy vĩ nhân, biết viếng mộ người nào đây? Tùy bạn là fan của ai, tuỳ bạn yêu thích ngành nghề nào, nhưng nhìn chung, có 5 ngôi mộ được đặc biệt lưu ý.

Lối đi rợp mát bóng cây-Père Lachaise Paris

Trước tiên là lăng mộ rất lãng mạn của Abélard và Héloïse, đã an vị hơn 200 năm nay tại Père Lachaise. Được so sánh với những đôi tình nhân Tristan-Iseut hay Roméo-Juliette, nhưng Abélard và Héloïse lại là những nhân vật có thật ngoài đời, và thiên tình sử đầy đam mê giao thoa giữa thi ca và nhục dục, dẫn đến cả khổ dâm, khổ hình, phạm pháp, trộn lẫn dằn vặt, lưu đày, biệt giam, hận thù, tha thứ, nước mắt và cả máu của họ đã gây nhiều vụ xì-căng-đan suốt 30 năm đầu thế kỷ XII tại Pháp. Đó cũng là nguồn cảm hứng cho người đời sau vẽ tranh, viết kịch, dựng truyện, làm phim.

Mộ nhà báo Victor Noir-Père Lachaise Paris

Kế đến, là ngôi mộ bằng đá trắng của nhạc sĩ Chopin. Dòng nhạc lãng mạn của ông đã ảnh hưởng sâu đậm đến tâm tình của những người Việt Nam yêu chuộng âm nhạc cổ điển Tây phương, ngoài ra, còn được giới thiệu rộng rãi hơn qua tiếng hát Lệ Thu, Anh Ngọc, Thái Hoà … với các ca khúc «Sầu» (Phạm Duy), «Nhạc Buồn» (Anh Ngọc), «Sầu khúc» (Nguyễn Hoàng Đô)… dựa trên giai điệu mượt mà của Étude Op.10 n° 3 giọng Mi trưởng được viết trong thời gian Chopin sống tại Pháp, xa cách đất nước Ba Lan của ông, lúc đó đang bị Nga chiếm đóng. Nhạc sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, người đoạt giải nhất trong cuộc thi quốc tế mang tên Frédéric Chopin tại thủ đô Varsovie của Ba Lan năm 1980 cũng nói lên được phần nào sự gắn bó của nhạc Chopin với tâm hồn người Việt. Sau khi qua đời ở tuổi 39, thi hài Chopin được an táng tại Père Lachaise, trong khi trái tim ướp trong rượu cognac và được người chị đưa về đặt tại nhà thờ Thánh Giá ở Varsovie, nơi gia đình ông đến dự lễ mỗi sáng Chủ Nhật. Ngôi mộ của ông nằm cạnh một lối mòn nhỏ hẹp, nhưng lúc nào cũng đầy hoa. Phía trước khối chữ nhật đặt trên mộ, là chân dung bán diện đắp nổi của nhạc sĩ. Bên trên khối chữ nhật, có pho tượng cẩm thạch trắng của nữ thần âm nhạc Euterpe ôm cây đàn lia ngồi than khóc.

Mộ hoạ sĩ Eunène Delacroix-Père Lachaise Paris

Nhưng ngôi mộ được xem là có nhiều hoa tươi nhất nghĩa trang lại thuộc về nhà sư phạm-thông thiên học Allan Kardec. Dù qua đời từ năm 1869, nhưng sách của ông viết, với các đề tài về linh hồn, đồng cốt, mối liên lạc giữa người sống và cõi âm… hiện nay vẫn tiếp tục được in ấn. Học thuyết của ông được phổ biến khắp thế giới. Tại Việt Nam, ảnh hưởng của Allan Kardec thấy được rõ nhất qua tín ngưỡng đạo Cao Đài. Nhưng tư tưởng của ông đặc biệt in đậm vào đời sống tâm linh dân cư vùng Mỹ La-tinh nói chung và Brésil nói riêng. Ở đất nước chiếm phân nửa diện tích của châu Nam Mỹ này, tính đến năm 2000, có hơn 6 triệu người tin theo học thuyết của Allan Kardec. Nhiều đường sá, quảng trường, thậm chí cả trường học cũng mang tên ông. 4 con tem có chân dung ông đã được bưu điện nước này ấn hành. Năm 2019, để kỷ niệm 150 năm ngày mất của ông, bộ phim mang tên KARDEC đã được trình chiếu trên màn ảnh lớn và hệ thống Netflix của Brésil. Vì thế, không gì đáng ngạc nhiên khi có từng đoàn người vượt gần 7,000 cây số, từ nam bán cầu tìm đến Père Lachaise để đặt hoa tươi quanh ngôi mộ có hình dạng một cổ mộ cự thạch (dolmen), phía trên khắc dòng chữ «Sống, chết, lại tái sinh và tiến triển không ngừng, đó là Luật Lệ».

Xem thêm:   Kêng [đào] Panama

Nếu có ai đó nghĩ rằng: lang thang thăm thú giữa chốn «mồ yên mả đẹp» này, chắc chỉ có bọn mày râu thích tìm cảm giác mạnh, xin thưa, định kiến đó hoàn toàn sai đối với nghĩa trang Père Lachaise. Những dấu tích rõ rành rành để lại trên hai ngôi mộ của Victor Noir và Oscar Wilde đã hùng hồn chứng minh điều đó.

Mộ nhà thơ Guillaume Apollinaire-Père Lachaise Paris

Victor Noir, bút hiệu của Yvan Salmon, là một nhà báo trẻ, bị người anh em họ của hoàng đế Napoléon III, hoàng tử Pierre-Napoléon Bonaparte bắn chết năm 1870, lúc ông mới 21 tuổi. Nếu cuộc đời và sự nghiệp báo chí của Victor Noir không có gì đáng kể, chính cái chết của nhà báo này, như một giọt nước tràn ly, đã dấy lên phong trào phản đế sâu rộng: gần 100,000 người đã tham dự tang lễ của ông, báo trước sự sụp đổ của Đệ nhị Đế chế Pháp (Second Empire) và là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc nổi dậy của Công xã Paris (Commune de Paris) năm sau, 1871. Trên mộ của ông, đặt một pho tượng bằng đồng, to bằng người thật, mô phỏng lại tư thế nằm sau khi bị bắn chết. Tượng đồng, sau nhiều năm tháng, bị rỉ xanh, nhưng mũi, miệng, cằm, đầu hai mũi giày và đặc biệt phần nổi cộm dưới thắt lưng lại loáng bóng. Theo lời đồn đại, từ hơn trăm năm nay, các bà các cô hiếm muộn thường lẻn đến nằm, ngồi lên pho tượng của Victor Noir, với mong ước sẽ có được một mụn con, hay chỉ đơn giản hơn, vì mê mẩn trước khuôn mặt điển trai và thân hình khêu gợi của chàng nhà báo vắn số này!

Mộ nhà thông thiên học Allan Kardec-Père Lachaise Paris

Hẩm hiu hơn nhiều so với bức tượng đồng nằm trên mộ Victor Noir, phần trời cho đàn ông của pho tượng tạc trong khối đá nặng 20 tấn đặt tại mộ Oscar Wilde đã bị hai phụ nữ người Anh «thiến» đi bằng cách lấy đá ghè cho vỡ thành nhiều mảnh! Nổi tiếng cùng tác phẩm “Chân dung của Dorian Gray -The Picture of Dorian Gray”, với tiếng khen nhiều và lời chê cũng không thiếu, nhà văn người Ái-nhĩ-lan này đã có 14 tháng bị lao động khổ sai sau khi thua kiện vì bị tố cáo «tội» đồng tính luyến ái. Nhưng không vì thế mà ông bị phụ nữ tẩy chay, ngược lại là khác. Khối đá trên mộ ông đầy vết son môi, đến nỗi, sau nhiều lần tốn công sức và tiền bạc để tẩy rửa, ban quản trị Père Lachaise đã quyết định làm một hàng rào cao 2m bằng kính dày phủ nhựa bao quanh khối đá có pho tượng «Quỷ-Thần đang bay» phảng phất hình ảnh con bò mộng có cánh của nền văn minh Lưỡng hà địa. Nhưng điều này cũng không ngăn được người đến sau: dấu son vẫn tiếp tục phủ dày lên hàng rào kính này, bày tỏ niềm ngưỡng mộ của nữ giới đối với ông.

Mộ nhà văn Honoré de Balzac-Père Lachaise Paris

Mỗi lần vào Père Lachaise là một dịp để khám phá. Bạn có thể bắt gặp một cụ bà cặm cụi nhổ cỏ, cạo rêu cạnh ngôi mộ cũ với vài con mèo hoang quanh quẩn tìm hơi người, một chàng trai cầm bó hoa tươi ngồi trầm tư bên phiến đá hoa cương vừa đặt để, trên có khắc đôi dòng chữ còn sắc cạnh. Len lỏi theo lối mòn, đây bán thân một công nương có nụ cười tươi trên môi, đó thân hình dong dỏng săn chắc của một ngôi sao ballet vừa tắt nghỉ. Xa xa, một thiên thần cánh trắng dang tay che chở đóa hồng cuối mùa, cạnh đôi mắt tinh nghịch của bé gái độ tuổi chỉ vừa lên bảy, lên mười. Một chiếc vĩ cầm móp méo, một bảng pha màu hoen rỉ, một lồng kính nhốt bầy bướm muôn sắc, một bức tường thấm máu cả trăm người bị quân bảo hoàng xử bắn trong cuộc nổi dậy của những người cùng khổ, một tượng đài tri ân chiến sĩ trận vong, một bia tưởng niệm nạn nhân các trại tập trung quốc xã, của trận đại hoả hoạn hay mấy tai nạn phi cơ, một ngôi mộ đỏ đá granite của dòng họ Nguyễn Khoa nổi tiếng đất Thần kinh xa xôi… Muôn một ấy đã tạo nên tổng thể duy nhất không đâu có được của nghĩa trang Père Lachaise.

Mộ nhà văn Marcel Proust-Père Lachaise Paris

Với chiếc điện thoại di động trên tay mở để âm thanh vừa đủ nghe, cùng những bước chân đều đặn gõ nhịp trên nền đá lót gập ghềnh, du khách có thể trải hồn theo ca khúc «Cuộc đời hồng tươi-pink life» qua tiếng hát đắm say của Édith Piaf, người ca sĩ nhỏ bé gần như suốt đời mặc áo đen và suốt đời khổ lụy vì tình, hay cuốn theo dòng nhạc xoay tròn của Michel Blanc trong bài «The Windmills of Your Mind» đã được Khúc Lan viết lời Việt với tựa đề «Chiếc bóng trong hồn ta» và trình bày qua giọng ca tha thiết của Thanh Hà, rồi «Les feuilles mortes», thêm «Tristesse»… kỷ niệm, hồi tưởng cứ thế rủ nhau ùa về. Xưa và nay, cũ và mới, phải chăng, theo học thuyết của Allan Kardec, đúng ở chốn này, đang có sự giao hoà, đồng điệu giữa tâm kẻ đang sống và hồn người đã khuất?

Xem thêm:   Quý bà & sàn nhảy

 

CN

Thiais 04.2024

(*) Francois d’Aix de Lachaise (1624-1709), giáo sĩ Dòng Tên, người từng nghe vua Louis “Mặt Trời” XIV xưng tội trong suốt 34 năm.

(**) “Mỗi công dân đều được quyền chôn cất, không phân biệt giòng giống hay tôn giáo.”

Tài liệu tham khảo:

https://pere-lachaise.com/

https://fr.wikipedia.org/wiki/Cimeti%C3%A8re_du_P%C3%A8re-Lachaise

https://cdn.paris.fr/s/2022/08/24/2cf3d51cf65c4c28e8f52bcd9b08de0d.pdf

https://youtu.be/nzPvZVKoj1I?feature=shared

https://youtu.be/O1aVWu2rBhE?feature=shared

https://youtu.be/RrRbFP-DePA?feature=shared