Nếu như có ai hỏi điểm nổi bật nhất của năm 2019 là gì thì câu trả lời chắc hẳn phải là biểu tình. Với những phong trào biểu tình rầm rộ nổ ra ở khắp nơi trên thế giới, từ Hồng Kông tới châu Mỹ Latinh tới Trung Đông tới châu Âu để phản đối nhà cầm quyền cũng như phản ảnh nỗi thất vọng về hiện trạng xã hội nơi họ sinh sống.

Biểu tình tại Hồng Kông – nguồn The Atlantic    

Tất cả những phong trào biểu tình này có một điểm chung là người biểu tình được trang bị bằng những kỹ thuật truyền thông hiện đại, với những ứng dụng tin nhắn được cài đặt trong điện thoại thông minh giúp họ có thể liên lạc và tổ chức biểu tình dễ dàng, với những loại bản đồ trực tuyến báo cho họ biết trước nơi nào có cảnh sát để tìm cách né tránh. Hôm nay biểu tình chỗ này, ngày mai tụ tập chỗ khác, phong trào biểu tình của năm 2019 là những cuộc biểu tình di động, biến hoá, và hơn nữa còn quy tụ được hàng trăm ngàn người tham dự đã gây được tiếng vang và sự chú ý toàn cầu.

Bắt đầu vào Tháng 6, hàng trăm ngàn người biểu tình trẻ kết nối nhau bằng những ứng dụng tin nhắn đã đổ xuống đường phố Hồng Kông để phản đối chính quyền trung ương Bắc Kinh đang tìm cách lấn lướt và kiểm soát đời sống của người dân trong thành phố.

Bốn tháng sau đó, những cuộc biểu tình chống chính phủ đã lan ra tới hơn một chục quốc gia. Từ Chile và Bolivia tới Lebanon và Tây Ban Nha, nhiều triệu người đã xuống đường biểu tình – đôi khi ôn hoà, nhưng cũng có lúc đầy bạo động.

Hàng ngàn người bị thương tích và hàng trăm người bị giết. Người biểu tình đã cho ngăn chặn nhiều đường phố, đóng cửa nhiều phi trường và tấn công những cơ sở công và tư là những nơi trở thành đối tượng trong cơn giận giữ của họ.

Vào hạ tuần Tháng 11 vừa qua, chính quyền Iran đã ra lệnh tắt internet và đưa lực lượng vũ trang tới để đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ trên khắp nước. Gần đây hơn Colombia trở thành quốc gia thứ năm phải đối đầu với những cuộc biểu tình khổng lồ nay đang lan nhanh trong khu vực Nam Mỹ.

Hiện nay còn quá sớm để có thể khẳng định rằng tình trạng bất ổn đang lan rộng khắp toàn cầu trong thời gian qua có sự liên hệ. Nhưng nhiều nhà phân tích thời cuộc đồng ý rằng chính phong trào biểu tình Hồng Kông phần nào đã gây cảm hứng và thúc đẩy người dân đổ xuống đường phố ở rất nhiều nơi trong khoảng thời gian cách nhau chỉ ít tháng – và họ thường chia sẻ chung những chiến thuật biểu tình và thậm chí cả những câu khẩu hiệu – và những phong trào biểu tình này nay dường như đã có một vài dấu hiệu cho thấy có thể một phong trào xã hội mới đang thành hình, làm ta không thể không nghĩ tới những biến động từng xảy trong quá khứ, như sự kiện Mùa xuân Ả Rập bắt đầu vào cuối năm 2010 chẳng hạn đã làm một số chế độ sụp đổ và một số khác lung lay tận gốc rễ.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Biểu tình tại châu Mỹ Latinh – nguồn Wikipedia

Nguyên nhân châm ngòi cho phong trào biểu tình từ nước này tới nước kia tuy có khác nhau, nhưng nói chung, nguyên nhân chính đằng sau tình trạng bất ổn là do những bất mãn về xã hội và kinh tế đã thúc đẩy người dân xuống đường, đưa ra những yêu cầu buộc chính quyền nơi họ sinh sống phải có những thay đổi.

Tại Barcelona, người biểu tình đã nổi giận vì những mức án tù vô lý dành cho một số nhà hoạt động ly khai muốn đòi độc lập cho khu vực nói tiếng Catalonia. Nhiều người dân sống trong khu vực giàu có ngày càng phẫn nộ về chính sách trợ cấp cho những khu vực nghèo hơn ở Tây Ban Nha bằng chính tiền đóng thuế của họ.

Tại nhiều thành phố nơi có biểu tình, mức thu nhập giữa giàu và nghèo có khoảng cách khác biệt khá lớn. Và những người trẻ chính là lực lượng nòng cốt tại nhiều khu vực nơi mà lớp người lớn tuổi thường tỏ ra nghi ngờ về khả năng kinh tế của họ. Và thế là cơn thịnh nộ bùng phát nhắm trực tiếp vào giới thượng tầng của hệ thống chính trị, là những người bị cho là không thấu hiểu cuộc sống của những người dân bình thường và chỉ biết lo phục vụ cho chính bản thân và cho những người thuộc tầng lớp của họ.

Ðể giúp cho các cuộc biểu tình vận hành được nhịp nhàng, và hơn nữa, quy tụ được con số người đông đảo chưa từng có là cả một thế hệ ứng dụng tin nhắn có mã hóa mới như WhatsApp và Telegram cho phép các nhóm người biểu tình mặc dù chưa bao giờ gặp mặt nhưng vẫn có thể giữ được liên lạc mà không cần biết danh tánh của nhau.

Xem thêm:   Dubai

Trong khi các diễn đàn như Twitter và Facebook là những kênh lý tưởng để truyền tải trực tiếp hình ảnh sống động đang diễn ra tại nơi biểu tình, thì những kỹ thuật mới hơn cho phép bất kỳ những ai đang có ý định tham gia biểu tình có thể liên lạc và nhập vào nhóm hoạt động để tạo sự đồng thuận trong hành động đưa tới những cuộc biểu tình ở quy mô lớn mà không sợ bị cơ quan an ninh nhận diện.

Trong khi đó, hệ thống internet kết nối toàn cầu giúp các nhà hoạt động học hỏi kinh nghiệm tổ chức bằng cách theo dõi và liên lạc với những người có cùng quan điểm ở những quốc gia khác.

Như tại Barcelona, các lực lượng ủng hộ phong trào độc lập đã phân phát những tờ truyền đơn với tựa là “Hồng Kông: chiến thuật của người biểu tình.” Họ nhắc lại câu châm ngôn trích ra từ một câu nói nổi tiếng về triết lý võ thuật của tài tử Lý Tiểu Long: “Hãy là nước” – và cũng là chiến thuật biến hoá, di động của phong trào biểu tình tại Hồng Kông trong những tháng qua.

Học sinh đi tuyến đầu biểu tình tại Barcelona ủng hộ độc lập cho Catalonia – nguồn Reuters

Người biểu tình Hồng Kông bắn tia laser để làm loá mắt cảnh sát và các máy thu hình trên đường phố. Người biểu tình tại Chile nay cũng đang sử dụng phương pháp đó.

Một điểm đặc biệt nữa ở các phong trào biểu tình hiện nay là đi trên tuyến đầu thường là những người trẻ và rất trẻ. Tại Chile, các cuộc biểu tình được khơi mào với các học sinh trung học phản đối giá vé và những chi tiêu khác ngày càng tăng cao bằng cách nhảy qua các cổng quay trước khi vào các trạm xe điện mà không chịu mua vé. Tại Hồng Kông, các em học sinh trai và gái xuất hiện tại các cuộc biểu tình diễn ra hằng đêm trong khi trên người vẫn còn mặc bộ đồng phục của nhà trường.

Sự hiện diện của họ đã làm đảo lộn quan điểm trước đây cho rằng thế hệ trẻ hiện nay chỉ là những con nghiện điện thoại thông minh, và về căn bản họ thờ ơ với thời cuộc, chỉ biết sống trong thế giới ảo của họ chứ không hiểu gì về đời sống thực tại. Nay quan điểm đó cho thấy không còn đúng nữa.

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

Nhưng có lẽ yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy cho các phong trào biểu tình lan thêm ra là vì họ đang thành công. Từ quốc gia này tới quốc gia khác, người biểu tình đã buộc các nhà lãnh đạo phải nhượng bộ trước những đòi hỏi ban đầu của họ, và họ vẫn tiếp tục xuống đường để đòi hỏi thêm nữa.

Tại Lebanon, Thủ tướng Saad Hariri đã phải rút lại mức thuế $6 đánh trên các cú gọi khi sử dụng ứng dụng WhatsApp, một trong những nguyên nhân đưa đến các cuộc biểu tình phản đối vào Tháng 10, và sau đó đã buộc Hariri phải từ chức. Nhưng nay người biểu tình còn đi xa hơn, đòi phải cải tổ lại hệ thống chính quyền dựa trên sự khác biệt về tôn giáo của quốc gia.

Tại Hồng Kông, những người biểu tình trẻ tiếp tục trở lại đường phố mặc dù sau khi đã đạt được điều mà trước đó không ai dám nghĩ tới là buộc chính quyền Bắc Kinh phải chùn bước.

Vào Tháng 8, lãnh đạo Hồng Kông được Bắc Kinh ủng hộ đã chính thức rút lại dự luật gây nhiều tranh cãi cho phép người dân Hồng Kông bị dẫn độ về Trung Quốc và bị truy tố trong một hệ thống luật pháp rất mờ ám – và đó cũng là nguyên nhân châm ngòi cho phong trào biểu tình. Nhưng nay người biểu tình còn biểu tình mạnh hơn nữa, đưa ra thêm những yêu cầu khác, trong đó đòi được quyền bầu cử tự do và mở cuộc điều tra về hành vi bạo lực của cảnh sát.

Quyết định tiếp tục biểu tình và đòi hỏi thêm những yêu cầu khác đã được truyền đi trên các ứng dụng tin nhắn, và cường độ của các cuộc biểu tình cũng tăng cao trong thời gian gần đây.

Các phong trào biểu tình của năm 2019 có đem lại được những thay đổi về lâu dài hay không thì còn phải chờ xem. Ảnh hưởng của phong trào lên xã hội cũng chưa thể biết được vì nay mới chỉ là giai đoạn đầu và thường thì phải mất vài năm mới thấy được kết quả. Nhưng có điều chắc chắn mà ai cũng thấy là nhiều phong trào biểu tình sẽ còn tiếp tục kéo qua năm mới và đương nhiên là chính quyền ở những nơi đó sẽ còn nhiều đêm mất ngủ.

VH

Arlington, TX