Bộ Phương tiện Cơ giới California (Department of Motor Vehicle – DMV) hiện đang trong giai đoạn thí điểm thử nghiệm giấy phép lái xe kỹ thuật số (Digital Driver’s Licenses hoặc Digital ID) có chức năng giống như giấy phép vật lý (physical driver’s license hay là ID card hoặc plastic card) đang dùng phổ biến hiện nay, cho phép người tham gia mua hàng có giới hạn độ tuổi và lên các chuyến bay tại một số phi trường nhất định. DMV trả lời các đài truyền hình như KTLA 5, FOX40 News rằng hơn 1,000 người đang tham gia chương trình và đưa ra phản hồi.

Ông Gavin Newson – Thống đốc tiểu bang California đã phát biểu về chương trình, và Digital Driver’s Licenses (DMV) sau đó công bố thêm thông tin về chương trình này. Người phát ngôn của DMV cho biết Bộ sẽ mở rộng chương trình trong vài tuần tới, trước khi thực hiện rộng rãi hơn.

Giấy phép lái xe di động (The mobile driver’s licenses,) viết tắt là mDL, đang được chấp nhận tại một số cửa hàng chọn lọc trên toàn tiểu bang tham gia thí điểm, với điều kiện là businesses có đầu đọc ID kỹ thuật số theo tiêu chuẩn. Nghĩa là, số người tham gia thử nghiệm dùng mDL vẫn phải tiếp tục dùng song song với plastic card cũ khi mua vé máy bay ở các hãng hàng không và các cửa hàng không tham gia vào chương trình thử nghiệm. Gọi là mDL nghe có hơi “kỳ lọa”, bởi vì dù nó nằm trong smartphone hay plastic card nằm trong bóp/túi xách thì nó cũng là vật bất ly thân của người chủ, nên ở hình thức nào DL/ID cũng đều “di động” hết, chớ không đứng yên cố định một chỗ.

Hiện tại, chỉ có 6 địa điểm bán lẻ trong tiểu bang, 5 trong số đó ở Sacramento và một địa điểm khác ở Los Angeles, được trang bị để xử dụng mDL. Còn cụ thể hãng hàng không nào được tham gia chương trình thử nghiệm, hãng nào không tham gia thì không thấy đề cập rõ tên, nên khách hàng cũng cần có song song cả hai loại DL/ID để còn “Liệu cơm gắp mắm,” “Gặp thằng nào xào thằng nấy.”

Xem thêm:   Câu chuyện quý ông

Ngoài ra, một số trạm kiểm soát tại các phi trường ở San Jose, San Francisco và Los Angeles, và 26 sân bay khác ở Hoa Kỳ, sẵn sàng chấp nhận mẫu giấy tờ tùy thân mới.

Hiện tại, giấy phép không tương thích với các ví/bóp kỹ thuật số thông thường như Apple Wallet. Thay vào đó, những người tham gia chương trình thử nghiệm chỉ có thể truy cập bằng lái xe kỹ thuật số thông qua California DMV Wallet app, và DMV cho biết họ đang làm việc để bao gồm các nhà cung cấp ứng dụng (app) khác.

Theo CBS News, các đề nghị tương tự cho bằng lái xe kỹ thuật số đang được thông qua các cơ quan lập pháp tiểu bang Delaware và tiểu bang Iowa.

Tôi không biết California DMV Wallet app “chạy nhảy” có ngon lành hay không, nhưng tôi biết website về sức khỏe và trông coi chích vaccine Covid-19 (và app) của tiểu bang Cali chạy ì ạch, rối rắm lắm, dù nó có ngôn ngữ tiếng Việt, mỗi lần bấm “lật trang mới” tôi phải chờ đợi hơi lâu. Tôi vô website kiểm tra số lần đã chích vaccine của tôi nhưng tôi “mò mẫm” khá lâu mới lôi ra được thông tin của tôi. Nghĩ ngao ngán rồi bỗng có sự so sánh thôi hà.

Tìm hiểu trên mạng, tôi thấy cách dùng DD’sL là như thế này: Người khách giơ màn hình điện thoại cầm tay của mình ra, người nhân viên bên trong giơ cái “đầu đọc/scan tool” (giống cái đầu đọc cầm tay ở các chỗ “self checkout” của tiệm Walmart) rà vô ô vuông có in hình lăng quăng đen (gọi là QR code) trên điện thoại của khách. Lập tức, màn hình máy tính của nhân viên bên trong hiện lên đầy đủ hình ảnh, thông tin cá nhân, từng đường vân nhỏ trên DD’sL và dấu vân tay của người chủ QR code đó. Quả là vô cùng tiện lợi, nhưng mà là vô cùng tiện lợi cho nhân viên công lực chánh phủ và các chủ tiệm, còn tôi thì dấy lên mối nghi ngờ: Vậy thông tin khách hàng có bảo mật được hay không?

Xem thêm:   Một mảnh đời tỵ nạn

Khi tôi dùng các dịch vụ y tế, nơi nào cũng yêu cầu tôi đưa thẻ bảo hiểm y tế và D’sL để nhân viên họ photocopy lên tờ giấy khám bệnh của tôi trước mặt tôi, và họ trả giấy tờ gốc lại cho tôi liền. Như vậy, dù có muốn dùng máy ảnh/điện thoại chụp lại, họ cũng không thể. Mà làm giả D’sL của tôi từ bản photocopy trắng đen (trên hồ sơ bệnh án lưu trữ tại văn phòng bác sĩ) cũng là việc khó vô cùng. Còn dùng DD’sL như tôi kể ở trên, nếu người nhân viên kia có “tâm địa đen tối” thì họ lấy cắp bản digital và làm giả dễ ợt.

Ðối với nhân viên chánh phủ, người dân có thể tin được vào đạo đức nghề nghiệp và luật pháp trói buộc họ được khoảng 95% (không đánh cắp thông tin cá nhân người khác,) 5% còn lại thì “Phước chủ may thầy.” “Lọt sàng xuống nia,” biết đâu thông tin của mình lại xui xẻo rơi vô tay con số 5% đó? Chẳng phải vừa rồi có một số nhân viên chánh phủ bị truy tố ra tòa vì lợi dụng vị trí làm việc để đánh cắp thông tin người dân, lừa chánh phủ Mỹ và chiếm đoạt tiền trợ cấp cho dịch bệnh đó sao. Ðối với nhân viên các cửa hàng thì quý vị có dám đặt niềm tin trọn vẹn vào họ hay không?

Chánh phủ Liên Bang đã ban hành Ðạo luật Real ID năm 2005 để cố gắng ngăn chặn việc làm giả hoặc lấy bằng lái xe của những người không phải là cư dân hợp pháp của tiểu bang. Hình mờ và các tính năng thiết kế khác của Real ID rất khó sao chép, chúng cũng khó nhận ra bằng mắt thường trên plastic card. Nhưng liệu có gì bảo đảm tính bí mật cho một bản digital copy được chính khách hàng “dâng tận miệng” vào máy tính của đối tác giao dịch?

Ông Matt Dababneh (Dân Chủ) nói: “Mọi người sử dụng smartphone hàng ngày để đọc tin tức, mua sắm trực tuyến và kiểm tra tài khoản ngân hàng của họ. Tôi nghĩ rằng việc sử dụng một công cụ mà mọi người quen thuộc, chẳng hạn như ứng dụng di động, để lưu trữ phương tiện nhận dạng chính của họ sẽ là một lựa chọn hữu ích cho người dân California.” Hây dà! Mua sắm trực tuyến, đọc tin tức, kiểm tra trương mục ngân hàng… trên điện thoại, và “phơi bày” ID cá nhân trên smartphone là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Các hoạt động mà ông Dababneh đề cập thì không cần phải “show” ID cá nhân trên điện thoại.

Xem thêm:   Sài Gòn yêu em vì đó là em

Trong cộng đồng gốc Việt cũng lắm chuyện khôi hài. Có lần tôi đi nhờ xe một ông gốc Việt. Xe của ông nhìn rất mới, rất đẹp, ông cũng cầm trên tay cái smartphone “ngon” hơn smartphone tôi đang xài rất nhiều. Lên xe ngồi, ông hỏi địa chỉ nơi tôi ở. Tôi trả lời, ông bảo ông không biết khu đó, để chạy tới cây xăng trước mặt đổ xăng rồi hỏi đường đi. Tôi ngạc nhiên, hỏi: “Xe anh có màn hình GPS bự chảng vậy sao không gõ địa chỉ vô đó cho nó chỉ đường mình đi?” Ông trả lời: “Anh không biết dùng. Kêu thằng con nó cài đặt mà nó cứ đi hoài, không nhờ được”. “Sao anh không xài Google Map trên điện thoại?” Ông cũng nói: “Anh không biết dùng. Chỉ nghe, nói, nhắn tin thôi.” Lúc đó tôi nghĩ: Không lẽ mình nói thôi anh đổi cái xe anh lấy cái xe cùi bắp của em không GPS đi, anh xài cái xe mới này quá nhiều tiện ích mà anh không dùng thiệt là phí của.

Người lớn tuổi, giống như ông tôi vừa kể đó không phải là “quý hiếm” đâu, ngược lại, tôi đã gặp rất nhiều người không biết đọc tin tức, không biết tìm kiếm, không biết sử dụng Google Map, không biết dùng email, không dùng mạng xã hội… Họ xài smartphone như xài điện thoại “cục gạch” của hơn 20 năm trước. Như vậy, những thứ như DD’sL, hay mDL đối với họ là không tiện dụng.

TPT