Bon Festival là một trong những dịp lễ quan trọng nhất của người Nhật, gần ngang hàng với ngày Tết. Tuy cùng nguồn gốc với Vu Lan của người Việt nhưng Bon mang sắc thái lễ hội và có nhiều sinh hoạt đa dạng và độc đáo hơn.

Màn múa nón trong lễ hội Bon tại vùng Tokushima. nguồn: wikimedia

Chữ Bon được rút gọn từ chữ Ullambana trong tiếng Phạn. Người Nhật phát âm là Urabon’e, Obon, hoặc đơn giản hơn nữa là Bon; người Việt thì đọc là Vu Lan Bồn hay Vu Lan. Cả hai đều có nguồn gốc từ truyền thuyết ngài Mục Kiền Liên theo lời Phật dạy, cứu được mẹ ra khỏi địa ngục ngạ quỷ. Cả hai đều là dịp để con cái báo hiếu cha mẹ, đều có tục cúng cô hồn.

Nhưng khác với Việt Nam, lễ Bon ở Nhật thường kéo dài 3 ngày liền và, tuỳ theo miền, có thể diễn ra vào giữa tháng Bảy hoặc giữa tháng Tám. Không những vậy, vì là dịp lễ lớn nên nhiều công xưởng còn cho nhân viên nghỉ việc để về quê thăm nhà. Vì thế, những ngày trước và sau lễ đường sá bao giờ cũng kẹt xe kinh khủng.

Những chiếc đèn thả trôi ra biển lớn, tiễn ông bà về thế giới bên kia. nguồn: nippon.com

Tuy đã xuất hiện ở Nhật lâu đời, Bon chỉ trở thành một trong những ngày lễ lớn vào thế kỷ thứ 17, và luôn diễn ra vào giữa tháng Bảy âm lịch giống như ở Việt Nam. Nhưng đến thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1912) do việc đổi từ nguyệt lịch sang dương lịch, một số địa phương bắt đầu tổ chức lễ hội vào giữa tháng Bảy dương lịch (July). Một số khác lại tổ chức vào giữa tháng Tám dương lịch (August). Số còn lại giữ nguyên như cũ, tổ chức vào rằm tháng Bảy âm lịch, tức thay đổi hàng năm tuỳ theo chu kỳ của mặt trăng.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Dù tổ chức vào tháng nào chăng nữa, Bon là dịp cho người Nhật đi tảo mộ, dọn cỏ, cúng kiến ông bà. Tục cúng cô hồn của họ hơi khác của ta một chút. Thường thì họ lập hai bàn thờ riêng biệt với hoa quả và thức ăn – một cho người thân, một cho các linh hồn vất vưởng. Bàn thờ Bon có bốn cọng tre ở bốn góc, rào quanh bởi những sợi dây kết bằng rơm để “che chắn tà ma”. Họ lấy trái dưa leo, cắm bốn cọng tre vào làm chân, tượng trưng cho con ngựa phi nước rút đưa hồn người thân từ cõi âm trở về dương thế. Xong họ lấy trái cà tím, cũng cắm bốn cọng tre làm chân, biểu tượng cho con bò đủng đỉnh trả hồn người thân trở lại cõi âm. (Lý do dùng dưa leo và cà tím đơn giản bởi vì thời điểm này là mùa thu hoạch của hai loại rau quả ấy).

Hai cỗ xe dùng để đón đưa ông bà: dưa leo làm ngựa, cà tím làm bò. nguồn: find-your-jpn.com

Ngày thứ nhất của lễ, gọi là Mukaebon, người Nhật có tục đốt lửa để soi đường cho linh hồn người thân biết đường trở về nhà. Ngày nay thay vì dùng lửa thì họ dùng những chiếc đèn lồng với bóng điện. Ngày cuối cùng, gọi là Okuribon, người ta một lần nữa đốt lửa tiễn đưa linh hồn quay về âm thế. Trong vùng Gozan Okuribi, đêm 16/8 người ta đốt năm ngọn lửa thật lớn trên năm đỉnh núi quanh thành phố  Kyoto. Ðây cũng là một tiết mục thu hút nhiều du khách. Ở một số nơi khác người ta thả những chiếc đèn giấy trên sông cho chúng trôi ra biển.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Tuy Bon là ngày lễ của Phật giáo, nhưng những người theo Thần Ðạo (Shinto) cũng tham gia. Vào ngày 14-15, tức cao điểm của lễ hội, người Nhật còn có các màn múa (odori) gọi là Bon Odori. Theo truyền thuyết, sau khi cứu được mẹ ra khỏi địa ngục, ngài Mục Kiền Liên đã nhảy múa vì quá mừng vui. Ðiệu múa Bon Odori xuất phát từ đó. Ngày nay một số địa phương đã biến Bon Festival thành một lễ hội nhiều ngày thật tưng bừng, với đủ thứ trò chơi giải trí, ăn uống, âm nhạc và vũ múa. Các vũ đoàn, gọi là Ren, tham dự lễ hội thường gồm nhiều thành phần nam nữ, nhiều lứa tuổi khác nhau.

Một đoàn Kumi Daiko biểu diễn màn đánh trống Taiko tại lễ hội Bon. nguồn: MRLAGU

Bon Odori có nhiều kiểu. Theo thông lệ thì các vũ công bước xung quanh một chính đài hình tròn gọi là yagura, nơi đặt dàn nhạc. Cách trang phục và điệu múa thay đổi tuỳ theo vùng. Có nơi thì người ta cầm quạt, nơi thì đội nón rơm, nơi thì cầm khăn trắng, nơi thì cầm nhạc cụ gõ tạo âm thanh v.v. Những bài nhạc được dùng cho các điệu múa cũng khác nhau. Ví dụ như tại Kyushu, vùng có nhiều hầm mỏ, người ta dùng bài dân ca về nghề đào mỏ; đồng thời điệu múa cũng có nhiều động tác tương tự như người phu mỏ đang làm việc.

Trẻ em trong các điệu vũ Bon Odori quanh chính đài Yagura. nguồn: japan times

Trong một cuộc thăm dò ý kiến gần đây, ngoài hai bài dân ca cổ truyền thì bài nhạc của loạt phim hoạt hoạ manga về chú mèo Doraemon đã được bầu chọn là bản nhạc cho Bon Odori được yêu thích nhất. Ðiều này chứng tỏ lễ hội Bon vẫn luôn tiến hoá theo thời gian. Không những vậy, các màn vũ Bon Odori còn được trình diễn tại lễ hội ở các nước có đông người Nhật định cư như Brazil, Peru… Tại Argentina, Bon Festival có thể thu hút hàng chục ngàn người mỗi năm.

Xem thêm:   Allen PAC

Ngoài ra tại lễ hội Bon bao giờ cũng có những đoàn trống Taiko đủ kích cỡ, gọi là Kumi Daiko. Taiko là một trong những nhạc cụ cổ truyền của người Nhật, du nhập từ Trung Quốc – hoặc có thể là Hàn Quốc, từ khoảng thế kỷ thứ 6. Trống Taiko được sử dụng trong những sinh hoạt khác nhau như quân sự, triều chính, chùa chiền, sân khấu, lễ hội v.v. Tuy nhiên, những dàn trống Kumi Daiko gồm mấy chục chiếc Taiko là một sáng kiến tương đối hiện đại, chỉ mới xuất hiện từ thập niên 1950. Người đi dự Bon Festival thường đứng thành vòng xung quanh Kumi Daiko để múa theo nhịp trống.

Ở “Mỹ”, lễ hội Bon Festival được tổ chức lần đầu vào năm 1910 tại Hawaii (tuy nhiên khi ấy Hawaii chưa chính thức là một tiểu bang). Phải đến năm 1931 mới có Bon Festival thật sự trên đất liền, tại ngôi chùa Phật Giáo lâu đời nhất trên nước Mỹ ở thành phố San Francisco. Ngày nay Bon Festival được tổ chức hàng năm tại rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ và Canada.

Riêng ở Texas, vào ngày 24/8, đoàn múa Austin Minyo Japanese Dance Troupe sẽ trình diễn các vũ điệu Bon Odori  tại trung tâm Asian American Resource Center ở Austin. Vào cửa miễn phí. Bà con trong vùng nếu rảnh nên đi chơi cho biết, xem người Nhật mừng lễ Vu Lan Bồn khác mình ra sao.

Lễ Vu Lan Bồn do cộng đồng người Nhật ở Kauai tổ chức hàng năm có rất đông người tham dự. nguồn: kauaifestivals.com

PA