Mùa Oscars năm nay, phim ‘Oppenheimer’ đã “càn quét” như nhiều người dự đoán: đoạt cả thảy 7 chiếc tượng vàng. Phim hay nhất; Đạo diễn hay nhất (Christopher Nolan); Nam chính (Cillian Murphy); Nam phụ (Robert Downey Jr.); Nhạc phim v.v và v.v. Nhưng ngược lại, lần này The Oscars cũng mang đến nhiều bất ngờ thú vị ngoài sự tiên liệu của không ít dân trong nghề.

Nguồn ảnh: CTV       

Bất ngờ lớn nhất có lẽ là giải Nữ chính Xuất sắc – Best Actress, được trao cho Emma Stone trong phim ‘Poor Things’. Thật sự mà nói, sau khi Lily Gladstone đoạt cúp Nữ chính tại giải Golden Globe, rất nhiều người đã đoán (hay hy vọng) rằng cô sẽ là người da Đỏ đầu tiên thắng Oscar cho phim ‘Killers of the Flower Moon’ của lão tướng Martin Scorsese. Thành thử khi Emma Stone nghe tên mình được xướng lên, cô đã không giấu được sự ngạc nghiên cùng nỗi xúc động. Không những vậy, ‘Poor Things’ còn thu được thêm 3 giải nữa cho Y phục, Dàn dựng và Hoá trang.

Nguồn ảnh: Searchlight Pictures

Trong khi đó, không gây bất ngờ nhất là giải Nữ phụ Xuất sắc được trao cho Da’Vine Joy Randolph trong phim ‘The Holdovers’. Trước Oscars, Da’Vine đã thắng một loạt các giải khác như Golden Globe, Critics Choice, BAFTA v.v. cho vai một bà bếp vừa mất đứa con tại chiến trường Việt Nam. ‘The Holdovers’ thuộc thể loại bi hài (dramedy), đặt trong bối cảnh thập niên 1970, với khá nhiều bản nhạc đến từ giai đoạn lịch sử ấy nên nghe rất vui tai. Nó cũng được đề cử Best Picture và Best Actor; rất đáng xem.

Nguồn ảnh: Seacia Pavao/Focus Features

Như đã nói trong một bài điểm phim trên báo Trẻ trước đây, phim ‘Godzilla Minus One’ thật xứng đáng được đề cử cho hạng mục Visual Effects (Xảo thuật Hình ảnh). Tuy nhiên, không mấy ai ngờ nó sẽ thắng khi phải đối đầu với các phim thượng thặng khác như ‘Mission: Impossible’ hay ‘Napoleon’. Đội ngũ người Nhật, dẫn đầu bởi đạo diễn Takashi Yamazaki, mỗi người cầm trên tay một con Godzilla đồ chơi, đã bước lên sân khấu trong sự hò hét hết cỡ của các cổ động viên Nhật từ phía sau khán đường Dolby Theater. Xin chúc mừng các bạn!

Nguồn ảnh: Reuters

Một bộ phim Nhật khác cũng thắng xứng đáng trong hạng mục Phim Hoạt Hoạ, đó là phim ‘The Boy and the Heron’ (Cậu bé và con cò), của đạo diễn lão thành Hayao Miyazaki, 83 tuổi. Phim kể câu chuyện một cậu bé bị mất mẹ trong Đệ Nhị Thế Chiến, được một con cò mang đến một thế giới kỳ lạ nơi cậu có thể tiếp cận với người chết. Một trong những người lớn tuổi nhất thắng Oscar, Miyazaki đã thắng một lần trước với phim ‘Spirited Away’ năm 2003. Thật là một niềm tự hào cho điện ảnh Nhật.

Nguồn ảnh: GKIDS

Có lẽ Oscar 2024 nên được đặt tên là Oscar của chiến tranh, vì hầu hết các phim thắng giải đều có liên quan đến nó – nào là ‘Oppenheimer’ với bom nguyên tử, tới ‘Godzilla’ với phi công cảm tử Kamikaze. Nhưng thật hơn tất cả là bộ phim tài liệu mang tên ‘20 Days in Mariupol’, do thông tấn xã Associated Press và chương trình Frontline của đài PBS đồng thực hiện. Nó thuật lại những ngày đầu của cuộc chiến Ukraine sau khi Nga xua quân qua biên giới, giết hại dân lành không thương tiếc. Mstyslav Chernov, phóng viên chiến trường của AP, khi lên nhận giải đã không những không vui mà còn cay đắng nói, “Thà đất nước tôi không bị chiến tranh, để tôi không phải lên đây nhận giải Oscar này!”

Nguồn ảnh: AP

Một bộ phim khác với tiêu đề chiến tranh cũng đã thắng hạng mục Short Animated (phim hoạt hoạ ngắn). Đó là phim ‘War Is Over! Inspired by the Music of John & Yoko’. Lấy ý tưởng từ bản nhạc nổi tiếng “War Is Over” thường nghe vào dịp Giáng Sinh, phim kể câu chuyện2 binh sĩ thuộc phe thù địch trong Đệ Nhất Thế Chiến đối đầu nhau trong một ván cờ. Một con chim bồ câu (biểu tượng của hoà bình) có nhiệm vụ đưa thư, mang nước cờ từ bên này sang bên kia cho 2 kỳ thủ. Kịch bản được viết bởi Sean Lennon, con trai thứ của John Lennon; cậu và mẹ cậu, bà quả phụ Yoko Ono, cũng là nhà sản xuất.

Nguồn ảnh: ShortsTV

Trong tất cả các phim thắng giải năm nay, không phim nào đã làm cho người viết ưng ý bằng bộ phim đoạt giải Tài liệu Ngắn – Documentary Short. Nó kể câu chuyện về một tiệm sửa nhạc khí ở vùng Los Angeles, chuyên phục hồi những nhạc cụ hư cũ để giúp học sinh nhà nghèo có cơ hội học đàn, thổi kèn hay đánh trống. ‘The Last Repair Shop’ không đơn giản là câu chuyện về tình người, mà là một thông điệp gởi đến các bậc cha mẹ cũng như các nhà lãnh đạo trong ngành giáo dục. Nó giúp ta hiểu thêm về tầm quan trọng của âm nhạc nơi trường học trong việc phát triển trí năng cũng như tâm lý của trẻ em, góp phần xây dựng một xã hội đẹp đẽ và tốt lành hơn.

Nguồn ảnh: ShortsTV