Một Facebooker ở Sài Gòn đăng hình chụp cái lưng (của ai đó) xăm hình chân dung Hồ Chí Minh và chê xăm xấu. Lập tức có Facebooker nhảy vô comment “Làm người phải biết mang ơn. Bọn miền Nam này không biết mang ơn Bác Hồ.” Facebooker Sài Gòn trả lời: “Tao ở miền Nam bị ‘giải phóng’ cái là tao đói chết mẹ luôn thì tao phải “mang ơn” Bác mày ở chỗ nào?”

Một chị Facebooker đã “cứng” tuổi (ở Little Sài Gòn, Quận Cam) nêu thắc mắc rằng: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc gần 50 năm, những người đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh đó nay đã gần đất xa trời, đã qua đời khá nhiều rồi. Không hiểu sao lớp trẻ ở Việt Nam mở miệng ra là “ba sọc”, “đu càng”, “ba que” với giọng điệu rất tục tĩu, hung hăng như là có thù oán ghê lắm, muốn “ăn tươi nuốt sống” người mà chúng gọi là “ba sọc”, “đu càng”, “ba que”??? Thật là dễ sợ.”

Quả thật, câu hỏi là một thực tế hiện nay trên không gian mạng xã hội tiếng Việt. Nếu người đã tham gia vào cuộc chiến tranh, có ân oán, có mất mát, thì họ “thù ghét” nhau vẫn còn hiểu được. Đàng này đó là những kẻ khi chiến tranh kết thúc thì vài chục năm sau chúng mới ra đời, mà chúng thể hiện thái độ vô cùng hằn học, hằn học hơn cả những người lính trong cuộc thì quả là phải có lý do sâu xa.

Có người đưa đáp án là “Tại bọn chúng ngu” Có người lý giải rằng “Nó là tộc cối” Tôi thì cho rằng bất kỳ đứa trẻ nào mới sanh ra cũng như nhau, không có trẻ nào bị mặc định là “ngu” vì lý do “vùng miền.” Tôi biết không ít trường hợp “con ông cháu cha” miền Bắc đã du học và làm việc, giữ chức vụ trong các công ty Mỹ như Facebook, Google, YouTube, mà sau khi họ thôi việc công chúng mới biết họ là ai. Rõ ràng, những đứa trẻ “con ông cháu cha” đó không hề “ngu” vì nơi sinh hoặc vì dòng dõi xuất thân.

Xem thêm:   Sài Gòn yêu em vì đó là em

Để trả lời câu hỏi thượng dẫn, tôi phải làm công việc lật ngược dòng thời gian với chính bản thân tôi, đồng thời thu thập dữ liệu hiện nay, nhằm trình bày cho quý vị một đáp án tương đối đầy đủ và có tính logic nhứt, thuyết phục nhứt. Và tôi nhận thấy, đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã giăng một tấm lưới nhồi sọ thật vô cùng lớn bao trùm tất cả toàn cõi Việt Nam sau ngày 30 Tháng Tư Đen 1975.

Chiến tranh biên giới phía Bắc – 1979

Thuở nhỏ chưa biết gì thì gia nhập Đội Thiếu Niên Tiền Phong HCM, đi học phải đeo huy hiệu Măng Non và cờ đỏ sao vàng, quấn khăn quàng cổ đỏ, học các bài hát “Nhớ ơn Bác Hồ”. Tới 14 tuổi thì phải gia nhập Đoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM, cũng học “Nhớ ơn Bác Hồ” và “Căm thù Mỹ ngụy xâm lược”. Học môn Văn, môn Sử lớp Tám, lớp Chín là phải học “văn học cách mạng” và “hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc ta”. Môn Văn, môn Sử lớp Mười thì được học chút đỉnh về văn học cổ đại, cận đại nước ngoài, lịch sử cổ đại nước ngoài, cách mạng tư sản Pháp, cách mạng tư sản Anh, cách mạng tháng Mười Nga. Qua lớp Mười Một, Mười Hai thì nhồi đi nhồi lại “văn học cách mạng” và “hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc ta”, “nhồi” thêm môn Triết học Mác-Lênin nữa. Mấy ngày nay tôi đọc sách giáo khoa phổ thông mới, thấy chương trình còn chi tiết hơn, kinh khủng hơn thời tôi học, vì có thêm môn Giáo Dục Công Dân, Đạo Đức (không khác gì học nghị quyết đảng cộng sản)

Các đề thi học kỳ, tốt nghiệp, thi đại học thì đề thi đều hỏi xoáy sâu vào nội dung “chống Mỹ-ngụy cứu nước và sự tài tình của đảng ta.”

Lên đại học, sinh viên bắt buộc phải học môn Lịch Sử Đảng CSVN (nội dung y chang môn Sử lớp Mười Một, Mười Hai phổ thông, nhưng hô khẩu hiệu ca ngợi “đường lối sáng suốt” của đảng CSVN nhiều hơn) Môn Triết học Mác-Lenin, môn Kinh tế Chính trị học, môn Chủ Nghĩa Cộng Sản Khoa Học. Như vậy, sinh viên mất toi 1 năm cho các môn nhồi sọ đường lối cộng sản và là môn thi bắt buộc.

Xem thêm:   Ngày giỗ má

Về nhà, mở TV ra, nhìn lên sân khấu, thì những vở tuồng “cách mạng” như “Khách Sạn Hào Hoa”, “Người Ven Đô”, tố cáo “tội ác Mỹ-ngụy”, ca ngợi “cách mạng” được dựng đi dựng lại mỗi lần 10 năm, 20 năm, 30 năm … ăn mừng “Ngày Chiến Thắng 30-4”. Nghệ sĩ nào hát các tuồng này thì tuổi đời, tuổi nghề chẳng bao nhiêu, nhưng cứ được phong danh hiệu “Nghệ Sĩ Nhân Dân”; còn nghệ sĩ không hát mấy tuồng này thì cống hiến cho nghệ thuật cả đời, đã “Thất thập cổ lai hy” cũng chẳng phong danh hiệu . Lúc tôi còn nhỏ, tôi thích nghe radio tuồng “Khách Sạn Hào Hoa” bên nhà hàng xóm, vì có giọng ca độc lạ của nữ nghệ sĩ Mỹ Châu, nam danh ca Thanh Tuấn. Khi tôi bước vô tuổi “Tứ thập nhi bất hoặc”, hiểu được con người ta khi thất tình có thể tuyệt vọng chỉ muốn chết cho xong, thì tôi đặt câu hỏi: “Sao cách mạng ác quá vậy? Người yêu cô Hiếu đâu có chết, mà nói dóc là anh ta bị Mỹ-ngụy giết, rồi xúi cô Hiếu liều mạng đặt mìn khách sạn? Có phải cách mạng là dùng cô Hiếu làm vật hy sinh cho mục đích phải giết đối phương cho bằng được? Có bao nhiêu người vô tội chết oan khi khách sạn bị đánh sập vì cô Hiếu đặt mìn?”

Về điện ảnh, năm nào ăn mừng “Ngày Chiến Thắng 30-4” thì nhà nước cộng sản cũng đem 2 bộ phim “Biệt Động Sài Gòn” và “Ván Bài Lật Ngửa” ra ca ngợi để “đánh bóng” dĩ vãng, cho đội ngũ phóng viên viết hàng loạt bài ca ngợi các diễn viên trong 2 phim này.

Trong trường học ở Mỹ thì sách giáo khoa của chế độ VNCS có nội dung ca ngợi “cuộc chiến tranh thần thánh do Bác Hồ vĩ đại và đảng cộng sản lãnh đạo” được những vị “giáo sư khả kính” gốc Việt (về Việt Nam được đón tiếp nồng hậu) đem qua Mỹ giảng dạy cho trẻ em Mỹ gốc Việt.

Xem thêm:   Một mảnh đời tỵ nạn

Một cuốn tiểu thuyết kể về cuộc chiến tranh Việt Nam do một tay không biết gì về Việt Nam viết, được dựng thành phim và đẩy mạnh PR trên truyền thông với sự có mặt của những “đại nhân vật” showbiz gốc Việt ở Mỹ. Một cư dân tiểu bang California vừa xem phim và đưa ra nhận xét như sau: “… Từ TRUYỆN đến PHIM The Sympathizer, tất cả đều có mục đích bôi bác, làm xấu đi hình ảnh người lính, quân đội VNCH trong mắt người dân, ý nghĩa của cuộc chiến bảo vệ tự do của miền Nam, bên cạnh đó đề cao tinh thần yêu nước của cán bộ, quân đội cộng sản Bắc Việt, đồng thời bênh vực, bào chữa cho chính sách trả thù thâm hiểm, tàn độc, giam giữ, cải tạo quân, cán, chính miền Nam sau năm 1975.”

Gần 50 năm sau khi cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không bao giờ ngừng “nhồi sọ” cho lớp trẻ lòng căm thù chế độ VNCH miền Nam Việt Nam, căm thù những ai có dính dáng tới chế độ VNCH, căm thù tất cả những người tuy không có chút dính dáng gì tới VNCH nhưng đã “dám” công khai khen chế độ VNCH có nhiều ưu điểm hơn, tốt hơn chế độ Việt Nam cộng sản.

Tôi có cảm giác như người Việt bị ngập lụt trong cái “biển nhồi sọ” của đảng CSVN. E rằng không bao lâu nữa, những người gốc Việt không biết nói tiếng Việt (hoặc nói lơ lớ) một ngày nào đó “mở miệng ra là “ba sọc”, “đu càng”, “ba que”… hung hăng như là có thù oán ghê lắm” thì các nạn nhân cộng sản Việt Nam lại thêm một lần bị chết. Tôi nhớ tới nhân vật Dung của cố nhà văn Thạch Lam: “Lần này về nhà chồng, nàng mới hẳn là chết đuối, chết không còn mong có ai cứu vớt nàng ra nữa.”

TPT