Đêm nhạc hoà tấu “A Legacy of Sounds – Dòng Chuyển Của Âm Thanh” đã diễn ra vào ngày 6 tháng Tư tại Allen High School Performing Arts Center với sự hiện diện của khoảng 800 khán thính giả đến từ khắp nơi — California, Virginia, Houston, Austin, Dallas, Việt Nam… Chương trình đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Tất cả mọi người đều khen là “Quá hay!”, “Xuất sắc!”, “Amazing!”, Trên cả tuyệt vời!”… Và cũng không ít người tiếc rẻ, “Nếu biết chương trình như thế này thì tôi đã kêu gọi thêm bạn bè đi xem.”

Chương trình mở đầu với bản “Dạ Cổ Hoài Lang” do nghệ sĩ Chí Tâm (giữa) hát và đàn kìm, Hải Yến (phải) đàn bầu, Liên Hà (trái) đàn tranh, và Ian Bui đánh trống. (Bảo Huân/TRẺ)
Đây là chương trình nhạc Việt đầu tiên được tổ chức bởi một dàn nhạc giao hưởng Mỹ — Allen Philharmonic Symphony Orchestra (APSO), và một ban hợp xướng Mỹ — Allen Symphony Chorus. Ngoài những bản nhạc được soạn hay hoà âm phối khí bởi nhạc sĩ lão thành Lê Văn Khoa, còn có sự hiện diện của 4 nhà soạn nhạc sinh ra hoặc lớn lên ở hải ngoại — Patrick Vũ, Dylan Trần, Duy Trần và Ian Bui, và nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Pháp-Hy Lạp Danaë Xanthe Vlasse.

Kathy Litinas, chủ tịch APSO, và giáo sư nhạc sĩ Lê Văn Khoa. (Bảo Huân/TRẺ)
Đây cũng là lần đầu tiên một chương trình nhạc có đầy đủ lời nhạc tiếng Việt và tiếng Anh được chiếu lên màn ảnh lớn hai bên để tất cả mọi người có thể theo dõi và hiểu rõ những gì đang được hát. Ai cũng nói việc này đã giúp họ “enjoy” buổi diễn này rất nhiều, nhất là những người mang con mình đi xem. Có lẽ tất cả các chương trình nhạc trong tương lai nên làm theo kiểu này.

Phạm Hà (California), trong ca khúc Mơ Về Quê Tôi đầy cảm xúc khiến nhiều người đã rơi nước mắt. (Bảo Huân/TRẺ)
Ca sĩ Teresa Mai, tức Sangeeta Kaur, người Việt đầu tiên thắng giải Grammy, đã không làm cho bất cứ ai phải thất vọng. Ngoài giọng hát soprano thiên phú, cô còn có lối diễn xuất cực kỳ lôi cuốn và hấp dẫn. Chưa kể là cô còn có nguyên một dàn y trang vô cùng phong phú, thích hợp cho đủ thể loại âm nhạc.

Teresa Mai trong bài “Hương Xưa” của Cung Tiến. (Bảo Huân/TRẺ)
Các bản nhạc được chọn lọc rất kỹ lưỡng, để có thể thể hiện sự kết nối giữa Đông và Tây, giữa Âu và Á. Giữa các dòng âm thanh rất ư khác biệt và độc đáo. Ban nhạc Allen Philharmonic tuy mới chơi nhạc Việt lần đầu nhưng đã chứng tỏ họ nắm bắt được khá tốt phần hồn của văn hoá Việt.

Teresa Mai (Austin) và guitarist Đức Đạt (California), trong bài nhạc không lời mang tên “Chiều Thu” của Lê Văn Khoa cùng với ban hợp xướng. Tuy không lời nhưng vẫn có tiếng hát, thế mới hay! (Bảo Huân/TRẺ)
Nói đến diễn xuất thì phải công nhận hai ca sĩ từng đoạt Grammy là Sangeeta Kaur (trái), và Hila Plitmann (phải) đã cho khán giả Mỹ và Việt chứng kiến tận mắt, nghe tận tai tài năng xuất chúng của mình trong bài “Andromeda” cùng với pianist Robert Thies và soạn giả Danae Xanthe Vlasse, lần đầu tiên được công diễn trên thế giới, trước cả khi dĩa nhạc phát hành!!

Ảnh Bảo Huân/TRẺ
Tuy không có số liệu chính xác, nhưng nhìn sơ từ trên sân khấu ta có thể nhận thấy thành phần khán giả đêm hôm ấy có rất đông người Mỹ. Và hầu hết các bà các cô người Việt, kể cả một số em gái, đều mặc áo dài. Khán trường gần như kín mít, ai nấy im lặng theo dõi từng nốt nhạc, lời hát.

Hải Yến cùng cây đàn tranh trong bài “Trăng Rằm”, một phiên khúc trong bản “Symphony Vietnam 1975” của NS Lê Văn Khoa, dưới sự điều khiển tuyệt vời của nhạc trưởng Ryan Ross. (Bảo Huân/TRẺ)
Ý tưởng chính trong “Dòng Chuyển Của Âm Thanh” là sự chuyển động không ngừng trong âm nhạc Việt, tuôn chảy từ những thang âm cổ truyền ra đến biển nhạc giao hưởng của thế giới. Song, dù được thể hiện bởi hình thức hay phương tiện nào chăng nữa, nó luôn ẩn chứa nét văn hoá cũng như tâm hồn Việt Nam.

Nhạc trưởng Jon Lê Culpepper điều khiển ban hợp xướng Dallas Chamber Choir do anh sáng lập, trong bài “Đừng Đứng Bên Mộ Tôi Và Khóc” của nhà soạn nhạc trẻ Patrick Vũ với tiếng đàn piano của Patrick và cello của Sumo Bui. (Bảo Huân/TRẺ)
Lần đầu tiên một số bản nhạc kinh điển đã được thể hiện bởi một ca đoàn Mỹ bằng tiếng Anh. Từ những bài nhạc bi tráng trong Symphony Vietnam 1975 cho tới trường ca Hòn Vọng Phu bất hủ. Lời tiếng Anh đã được Ian Bui biên soạn hết sức công phu và chiếu lên màn hình. Một khán giả sau chương trình đã rơi nước mắt khi kể lại cảm xúc của mình khi được nghe và đọc những ca từ được tái thể hiện bằng tiếng Anh.

Allen Symphony Chorus trong bài Hòn Vọng Phu. Người đứng ở bìa phải phía trước là ca đoàn trưởng Rusty King. (Bảo Huân/TRẺ)
Ngoài ra, ca đoàn còn bỏ ra 2 tháng trời tập luyện hết sức nghiêm cẩn lời Việt trong một số bài. Khó nhất là bản “Việt Nam, Việt Nam!” của Phạm Duy, với cả hai lời Anh và Việt, được dùng để kết thúc đêm nhạc. Tất cả các nhạc sĩ và khán thính giả đã đứng lên đồng ca và vỗ tay theo nhịp, trong một bầu không khí vô cùng phấn khích, đầy xúc động. Thật là một đêm nhạc “Trên cả tuyệt vời!”

Từ trái: Phạm Hà, Hải Yến, Lê Văn Khoa, Ngọc Hà, Danae Xanthe Vlasse, Teresa Mai, Đức Đạt, Liên Hà, Dylan Tran, Robert Thies (Bảo Huân/TRẺ)
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.