Ngày xưa, búi tóc không chỉ dành cho phụ nữ mà cánh đàn ông cũng búi tóc. Và để trông đẹp hơn, người ta dùng chiếc khăn vải che đầu và che cả cái búi tóc sau gáy. Chiếc khăn có nhiệm vụ vừa bảo vệ tóc tránh cháy nắng và vướng víu cũng như giữ ấm phần đầu vừa che mớ tóc loà xoà trước trán cho gọn gàng và duyên dáng. 

Tranh vẽ phụ nữ miền Nam bới tóc (Ảnh: Trường Mỹ thuật Đông Dương) 

Tất nhiên, đối với nam giới dùng khăn búi tóc không phải để cho mình thêm duyên dáng, nó nghiêng về sự tươm tất che kín cái “củ tỏi” cho gọn gàng. Kiểu vấn khăn nam giới thường có một điểm chung là không để lộ mái tóc trước trán. Hầu hết nam giới đều chỉ vấn theo một kiểu búi tóc cột riêng sau gáy, và khăn vấn vòng cao trên đầu. Còn đối với phụ nữ, dùng cái khăn búi tóc có phần nghiêng về làm duyên cho nên các bà có nhiều kiểu vấn khăn, khá đa dạng. Các bà các cô luồn tóc vào khăn vấn quanh đầu, trùm khăn mỏ quạ hay quấn khăn vành, không trùm búi tóc. Các kiểu quấn khăn đầu này thường thấy ở miền Bắc và miền Trung. Khăn vấn đầu được xem như là một trang phục không thể thiếu đối với người phụ nữ và đã đi vào văn chương: “Miệng cười như thể hoa ngâu/Cái khăn đội đầu như thể hoa sen”.

Khi những người miền Trung đi mở đất phương Nam, họ mang theo cái khăn vấn đầu của lề thói cha ông vào vùng đất mới. Cái khăn vấn đầu che “củ tỏi” của đàn ông tồn tại cho đến những thập niên đầu của thế kỷ trước. Sau đó, nó được đơn giản lại chỉ còn chiếc khăn vấn trên đầu mà không che “củ tỏi”. Còn phụ nữ thì dùng khăn vuông rộng bản có thể che kín cái đầu và khuôn mặt chỉ hở đôi mắt khi làm đồng áng hoặc vắt ngang vai. Có lẽ khí hậu phương Nam nắng mưa hai mùa oi bức, vấn khăn đơn giản là điều sáng tạo. Cái búi tóc của nam giới trong miền Nam vẫn còn tồn tại ở một số ít người cho đến cuối thập niên 1960, mặc dù từ hơn nửa thế kỷ trước, khi phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh vận động ở miền Trung kêu gọi đàn ông Việt Nam nên cắt tóc ngắn, cắt móng tay, miền Bắc hưởng ứng bỏ tục nhuộm răng đen, ăn trầu sống theo lối văn minh của người châu Âu. Thế mới biết, để thay đổi một lề thói sinh hoạt của cha ông không dễ dàng gì.

Xem thêm:   Đông dược

Trong tác phẩm “Tuấn, chàng trai nước Việt” của nhà văn Nguyễn Vỹ kể lại nhân vật Tuấn, một thư sinh biểu hiện sự cách tân, đổi mới trước nhất là bản thân cúp tóc (cắt tóc) húi cua để được học ở một trường Tây theo yêu cầu của nhà trường. Khi hay tin đứa con trai mình cúp tóc, cả cha mẹ khóc oà lên la oán: “Ông cha đập bàn đập ghế, la hét om sòm: “Con có cha như cái đầu có tóc. Theo phong tục nước An Nam ta, con phải để tóc, ấy là để thờ cha mẹ, ấy là có hiếu. Cắt tóc đi cũng như là từ bỏ cha mẹ. Tao theo sách thánh hiền dạy lễ giáo từ xưa tới nay của nước An Nam như thế. Tao đây đã 50 tuổi, ông nội bà nội mầy đã quá vãng rồi, mà tao còn búi tóc để giữ đạo làm con cho trọn chữ hiếu. Huống chi ngày nay tao còn sống mà mầy lại cắt cái búi tóc bỏ đi sao được! Mầy mà nghe lời người ta cắt bỏ cái búi tóc, thì là tao nhảy xuống giếng tao tự tử. Chiều nay vô trường thưa với quan Ðốc học như thế”.

Đàn ông búi tóc củ tỏi vấn khăn ngày xưa (Nguồn: Manhhaiflickr)

Mặc dù bối cảnh xã hội của nhân vật sống trong nền văn minh làng xã phong kiến nhưng tác phẩm này ra đời vào năm 1969 và tóc của nhà văn khi ấy được cắt tỉa gọn gàng. Phải chăng đây là hồi ức của chính tác giả mượn hình ảnh nhân vật Tuấn thay mình? Mái tóc dù của nam hay nữ dưới mắt Nho giáo luôn được xem như một phần thân thể của mình do cha mẹ, ông bà tạo ra. Nhưng quy luật phát triển xã hội thay đổi không ngừng, cái đẹp thì giữ cái không còn hợp thời thì nên bỏ. Cha mẹ Tuấn đành theo thời đại nhưng phải dâng cúng lễ trình thưa: “Trên bàn thờ ông bà, có bày một hộp trầu cau, một nải chuối chín và một con gà luộc. Một mâm gỗ lớn đựng mười chén cháo, và mười đôi đũa, đặt trên bộ ván kê trước bàn thờ. Ông Xã thắp đèn hương, đứng khấn vái hồi lâu. Khấn xong ông lạy ba lạy, đến lượt mình, trong chiếc áo dài, khăn đen với cái búi tóc trên đầu, anh cũng lạy ba lạy. Anh gỡ cái khăn trên đầu ra, cung kính đặt nó trên một chiếc khay bên cạnh mâm cháo gà, vái thêm vái nữa rồi mới ngồi xuống ghế. Búi tóc được xổ ra. Một lọn tóc đen mướt chảy lòng thòng xuống đến nửa lưng. Mỗi mớ tóc xác xơ rơi xuống đất là một chút dĩ vãng đang rơi khỏi đầu óc của chàng trai nước Việt đương buổi giao thời”.

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

Cùng trong thời gian “Tuấn, chàng trai nước Việt” ra đời, tôi còn là một đứa trẻ học lớp Tư, bắt đầu hiểu biết đôi chút chuyện làng trên xóm dưới. Trong khu xóm của tôi vẫn có số ít ông lão đầu tóc bạc phơ còn đeo “củ tỏi” sau gáy.

Tôi nhớ chú Năm của thằng bạn trong xóm. Gia đình cha mẹ nó từ Bến Tre lên Sài Gòn sinh sống từ chục năm trước. Thỉnh thoảng chú Năm nó khăn gói lên Sài Gòn mang theo một giỏ đệm ốc bươu lên tặng ông anh Hai. Chú Năm lúc đó không phải tuổi trung niên, tóc còn đen nhưng búi một “củ hành” sau gáy. Một hôm, tôi qua nhà bạn ăn ốc bươu hấp sả, trong lúc ăn uống tôi nghe ba thằng Dũng nói: “Sao chú không cắt cái búi đi cho gọn mà cứ búi như tóc đàn bà?”. Chú Năm trả lời: “Ông bà mình từ nào giờ để vậy, thì mình để vậy có sao đâu. Hơn nữa tôi là dân làm ruộng, có sống ở thị thành đâu mà quan tâm lời dị nghị của thiên hạ”.

Phụ nữ miền Bắc vấn khăn (Ảnh: Internet)

Chuyện để búi tóc tôi từng nghe mấy người lớn tuổi trong xóm kể là theo truyền thống ông bà. Thoạt đầu tôi nghĩ chú Năm là người theo đạo Hoà Hảo. Những người tu đạo này thường vận quần áo bà ba trắng, chân mang guốc mộc, đầu để búi tó sau gáy. Nhưng hôm đó mới biết không phải theo đạo Hoà Hảo người ta mới để tóc dài búi tó “củ hành”.

Má tôi cũng vậy, tóc búi tó như bao phụ nữ có tuổi khác dù đang sinh sống ở thị thành. Ðây là một kiểu thời trang của hầu hết phụ nữ thời đó chứ không phải theo truyền thống của ông bà ngày trước. Những phụ nữ đứng tuổi, sinh đẻ nhiều, nguồn nước sinh hoạt hằng ngày không tốt dễ làm rụng tóc nên má tôi hay những người tóc ít đều phải dùng một lọn tóc mượn cặp thêm để búi tóc lên trông nó dày dặn, thẩm mỹ hơn. Búi tóc xong, má lấy cái túi lưới đen thưa trùm lên và gút lại cho khỏi bị bung ra khi làm việc. Nhiều khi ta vẫn thường nghe câu nói cửa miệng của mấy bà làm việc vất vả, than: “mần muốn sứt cái đầu tóc mượn” luôn.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 21 tháng 3 năm 2024

Tóc mượn là tóc thiệt đàng hoàng không phải tóc của người chết. Nhiều chợ lớn ở Sài Gòn có sạp chuyên bán tóc mượn bảo đảm “tóc thiệt”. Tóc mượn chưa thành lọn còn gọi là “tóc rối”. Thỉnh thoảng mấy người mua bán ve chai đi ngang qua nhà tôi cất giọng rao “Có ai bán tóc rối không?”. Tóc trên đầu không còn là điều thiêng liêng như quan niệm của Khổng giáo hồi xưa nữa. Có người vì nghèo túng còn đi bán tóc của chính mình. Tóc mượn thường là tóc của mình rụng ra hằng ngày, nhặt nhạnh, vuốt lại cất vào cái hộp để chục năm sau đem ra bó lại thành lọn tóc nhỏ để dùng. Có khi là tóc xin của người khác, dài quá cắt ngắn đi. Không biết má tôi có lọn tóc mượn hồi nào nhưng khi còn bé tôi đã biết đến nó. Mỗi tối trước khi đi ngủ má tôi lấy lọn tóc mượn ra, thoa chút dầu dừa lên rồi lấy lược chải cho đến khi bóng mượt, xong rồi mới đem cất vào hộp sắt tây đặt bên đầu giường như một vật bất ly thân.

Phụ nữ Tây Nguyên cũng bới tóc sau gáy giống như người Kinh (Ảnh: Internet)

Ngày nay, phụ nữ lớn tuổi búi tóc kẹp theo tóc mượn quả là hiếm hoi. Còn đàn ông dù sống ở vùng nông thôn quê mùa chắc cũng không còn để búi tóc “củ tỏi” nữa. Tôi mượn một truyện ngắn Tóc mượn 100 chữ của tác giả Minh Tâm đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 324 vào cuối thế kỷ 20 khơi lại ký ức của các bà các mẹ để kết thúc câu chuyện búi tóc ngày xưa.

Thuở trước mỗi khi bới đầu bà thường dùng một lọn tóc nhỏ thêm vào búi tóc. Bà bảo đó là “tóc mượn”. Tôi hỏi: -Mượn của ai? Bà cười. Bà bệnh nhiều không bới tóc nữa, thỉnh thoảng bà thoa dầu dừa tay run run chải lọn tóc mượn. Tôi hỏi: -Bà chải tóc làm gì? –Ðể dành cho mẹ con.

Bà mất, mẹ không bới đầu, lọn tóc mượn không ai nhớ tới. Một lần dọn dẹp chợt thấy lọn tóc, mẹ dửng dưng: -Ngoại mầy thiệt…

Tôi thấy nhớ bà, thương bàn tay run run chải tóc.”.

TN