Pierre Bellemare

Đào Duy Hòa

phỏng dịch

Parwonneh về đến nhà ở thành phố Dusseldorf lúc nửa đêm. Nàng dừng trước cửa căn hộ, trố mắt nhìn một trăm đoá hoa hồng ngát hương kết dính thành hình trái tim, bên trên là tấm thiếp ghi: “Trìu mến gởi: Parwonneh, người gởi: nhiếp ảnh gia Werner S”. Mặt sau tấm thiếp ghi dòng chữ: “Thứ lỗi vì đã làm phiền trước ngày em lên đường – Hợp đồng đặc biệt – Chiều mai từ 15 đến 19 giờ”. Bob, người yêu và là chồng sắp cưới của Parwonneh, ngạc nhiên hỏi, giọng ngờ vực:

– Gì thế em ?

– Lá thư hẹn làm việc ngày mai.

Với vẻ khinh miệt ra mặt, Bob nói:

– Nhiếp ảnh gia của em quen thói hoang phí hàng trăm bông hồng mỗi khi gởi thư cho em vậy sao ?

–   Không phải thế đâu, Bob. Werner biết chúng mình sẽ đi nghỉ vào ngày mai và đây hẳn là một hợp đồng quan trọng. Vì thế mà anh ta gởi tặng hoa hồng. Anh không thấy anh ta quá  lịch sự đó sao, anh yêu ?

Bằng giọng khô khan, Bob đáp lời:

– Anh không thấy lịch sự chút nào cả. Nếu có ai đó gởi hoa hồng cho em thì người đó phải là anh. Chúng mình sẽ cưới nhau trong vòng một tuần nữa, em nhớ không ?

– Nghe này, Bob. Anh không nên ghen tuông với Werner mới phải. Dù sao anh ta cũng luống tuổi và em ngồi mẫu cho anh ta đã hơn ba năm…

–  Và anh ta đã đưa em lên đài danh vọng như hôm nay… Anh đã chán ngấy điệp khúc cũ rích của em rồi. Em sẽ từ chối hợp đồng chứ ?

– Em sẽ nhận lời thôi.

– Ngày mai mình đi rồi, em không được làm thế. Bố mẹ anh mong gặp mặt em !!!

Giọng bình thản, Parwonneh đáp:

– Em sẽ đến với anh và bố mẹ bằng chuyến bay tiếp sau.

– Em cần tiền đến vậy sao?

– Không phải vì tiền đâu, Bob. Ðây là vấn đề nghề nghiệp, tình đồng nghiệp nên em không thể từ chối.

– Nhưng anh muốn em từ chối !

– Không thể được. Và anh đừng nói chuyện với em với giọng điệu như thế. Em không thích mệnh lệnh đâu.

– Em không thích làm theo ý anh ư ? Em chỉ muốn làm theo yêu cầu của hắn, người chuyên chụp ảnh khỏa thân?

– Ðó là nghề của anh ta và của em.

– Giờ thì anh đã rõ. Em quan tâm đến hắn và chính em hơn là anh !

Thắm Nguyễn

Parwonneh hạ giọng:

– Thôi không nói tào lao nữa. Anh giúp em mang hoa vào đi.

– Anh không thích hoa của hắn. Nơi thích hợp của chúng là sọt rác.

Một cú đá vì ghen hất những đóa hoa lăn lóc xuống cầu thang. Parwonneh đi vào phòng và đóng sầm cửa lại, và Bob đi xuống cầu thang về nhà. Vài phút sau, chị gác cổng chung cư đến nhặt những đoá hoa tội nghiệp về cho vào bình…

11 giờ sáng hôm sau, Parwonneh thức dậy. Nàng vươn vai nằm nghe lời đáp cài tự động từ chiếc điện thoại: “Em yêu, hãy thứ lỗi cho anh. Anh mất khôn vì ghen. Tay nhiếp ảnh ấy luôn làm anh nổi cáu và anh có cảm giác như hắn áp đặt quyền hạn lên em. Chuyến phi cơ 8 giờ tối nay sẽ đưa em đến Canaries. Anh sẽ đón em tại đó. Vé phi cơ anh đặt dưới cửa nhà em”.

Mở cửa ra, Parwonneh một lần nữa ngạc nhiên nhìn một trăm đoá hoa hồng, ngay giữa là tấm vé phi cơ. “Quả là phí của ! Làm gì với trăm hoa hồng trong khi mình vắng nhà”, nghĩ thế, Parwonneh nói vọng xuống cầu thang:

– Chị Scholtes ! Chị có đó không ?

Scholtes, chị gác cổng, xuất hiện ở đầu cầu thang. Parwonneh cười tươi:

– Chị có cần hoa hồng không ? Khoảng một giờ nữa thì tôi đi làm, sau đó lên phi cơ…

Scholtes bước lên gom nhặt trăm đóa hoa hồng vào cái rổ:

– Hoa hồng hôm nay đẹp hơn tối qua. Tiếc thật, phòng tôi đã có nhiều hoa hồng. Ðiệu này chắc tôi thành người bán hoa mất !

– Nếu bán được chị cứ bán hoặc cất giữ hay tặng ai đó tùy chị!

Nói xong, Parwonneh quay vào phòng nghe tiếp lời đáp cài tự động từ chiếc điện thoại: Giọng cha nàng đều đều: “Chúc con gái cưng chuyến đi nghỉ vui vẻ và hạnh phúc. Hẹn sớm gặp lại con gái”. Cuộc gọi tiếp theo là của nhiếp ảnh gia Werner:”Ðã 10 giờ sáng. Anh biết em vẫn chưa thức. Buổi ngồi mẫu chiều nay sẽ làm em thích thú. Mười hai chiếc áo dạ hội cho tạp chí Vogue. Người làm tóc sẽ đến lúc 11 giờ 30 và chuyên viên hoá trang đến lúc 12 giờ trưa. Trang điểm cho đẹp lên em nhé. Hẹn gặp lại em chiều nay”.

Parwonneh mở cửa cho người làm tóc vào. Ðó là chàng trai trẻ. Họ đã làm việc chung với nhau từ lâu nên Parwonneh không ngần ngại trao đổi mọi thứ trên đời trong lúc làm tóc. Ðến lượt cô chuyên viên hoá trang làm mặt. Chị ta soi mặt Parwonneh qua kính lúp rồi nhận xét:

Xem thêm:   Khóc một chút rồi thôi

– Màu da tẻ nhạt, vài vết chân chim nơi khóe mắt… Lại một đêm đi chơi về khuya phải không, cô bé? Không sao, hoá trang sẽ làm em đẹp như thiên thần.

Người gốc Ả Rập, Parwonneh năm nay hai mươi hai tuổi và là một trong số mười người mẫu đẹp nhất nước Ðức hiện nay. Mái tóc dài đen tuyền, đôi mắt màu xanh lục bảo… với các số đo: 1.70m – 89 – 90. Hình của Parwonneh được trưng bày ở hầu hết các hãng quảng cáo danh tiếng. “Papillon” là tên được mọi người gọi nàng khi làm việc. Trong vòng 5 năm, thu nhập của giai nhân Papillon cao gấp mười lần một tổng giám đốc công ty!

14 giờ 30, việc hoá trang hoàn tất. Papillon trở thành nữ hoàng đẹp lộng lẫy hơn bao giờ hết. Papillon bước lên taxi cùng với vali hành lý và chuyên viên làm tóc, hoá trang. Sau buổi ngồi mẫu, Papillon sẽ đáp phi cơ đi gặp người yêu. Trước sắc đẹp “nghiêng nước khuynh thành” của người mẫu Papillon, anh chàng lái taxi buột miệng buông ra câu chòng ghẹo:

– Nếu em cần một tài xế phục vụ dưới trướng thì anh xin tình nguyện.

– Ðược thôi. Hãy đến đón em lúc 19 giờ tại phòng chụp ảnh. Em sẽ bay lúc 20 giờ và không thể trễ hơn được.

Papillon tươi cười bước vào phòng chụp ảnh như một làn gió tươi mát ngát hương và Werner dang rộng đôi tay đón nàng bằng nụ hôn hai bên má:

–  Chúng ta bắt đầu thôi bố! Bố nói hôm nay em sẽ mặc 12 áo dạ hội, cái đầu tiên đâu nào?

– Ðừng gọi anh bằng bố có được không? Em quên rằng anh là người yêu thích nhất của em rồi sao!

Papillon hôn nhẹ lên trán của Werner:

– Bố chỉ là nhiếp ảnh gia mà em yêu thích nhất!

–  “Người yêu thích nhất hay nhiếp ảnh gia yêu thích nhất” cũng như nhau thôi. Em biết đấy, mỗi bức ảnh anh chụp cho em là một kỷ niệm tình yêu!

–  Thôi nào, Werner ! Em đã gặp nhiều rắc rối với chồng sắp cưới của em rồi. Ta bắt đầu thôi. Em không có nhiều thời gian đâu. Em sẽ bay vào lúc 8 giờ tối nay.

Sau cái nhăn mặt, Werner yêu cầu thợ làm tóc và chuyên gia hoá trang:

– Thôi được. Thêm tí phấn hồng trên má phải. Dùng son màu đỏ rực cho đôi môi… Sau khi xong nhiệm vụ, hai người có thể về trước. Hôm nay tôi muốn làm việc riêng với Papillon. Tôi cần tập trung toàn tâm toàn ý vào các bức ảnh tuyệt vời này… 12 cái áo dạ hội không chỉ đơn thuần là y trang mà chúng sẽ giúp mỗi bức ảnh trở thành một tuyệt tác phẩm… thậm chí còn hơn thế nữa. Tôi muốn chúng là những tác phẩm độc bản không thể có bức thứ hai!

15 phút sau, chỉ còn lại hai người trong phòng chụp. Chiếc áo đầu tiên làm bằng chất liệu lụa đỏ và được thiết kế theo kiểu xari của phụ nữ Ấn Ðộ. Mười một chiếc áo còn lại được mắc trên móc dọc theo tường…

Năm nay Werner đã 52 tuổi. Trước đây Werner từng là một chàng thanh niên đẹp trai, đã qua ba lần kết hôn nhưng đều kết thúc bằng ly hôn, từng nếm mùi thất bại và rơi vào tình trạng thảm thương. Cho đến một ngày kia, ông đam mê nghề nhiếp ảnh. Chỉ trong vòng vài năm, Werner trở thành chuyên gia chụp ảnh khoả thân, ảnh những siêu người mẫu cho các tạp chí thời trang nổi tiếng. Rồi ông gặp người mẫu Papillon, đoá hồng Ai Cập. Lúc bấy giờ Papillon vừa tròn 18 tuổi và là người mẫu ăn ảnh hiếm có. Nàng được mệnh danh là nữ hoàng của các tạp chí thời trang và quảng cáo. Rồi “chàng” Werner đắm đuối yêu Papillon bất luận tuổi tác chênh lệch. Từ năm 18 đến năm 22 tuổi, Papillon được Werner nâng niu như trứng mỏng. Werner thuê riêng cho nàng căn hộ sang trọng, tặng nàng những bộ trang phục bằng lông thú quý hiếm, vật trang sức đắt tiền, có thợ làm tóc và chuyên gia hoá trang riêng. Werner đang sống như ông vua già goá vợ mơ tưởng nàng công chúa trong truyện thần thoại. Nhưng cái lầu son mà Werner “nhốt” Papillon khiến nàng ngộp thở… Thế rồi điều gì đến phải đến: Bob, một chàng trai trẻ, năm nay vừa tròn 26 tuổi so với Werner năm nay đã 52. Chàng có mái tóc nghệ sĩ màu nâu sẫm so với cái đầu hói gần như hoàn toàn của Werner. Chàng còn là người thừa kế gia tài của một gia thế đã qua sáu thế hệ cha ông thuộc dòng dõi quý phái thượng lưu. Tặng phẩm trang sức quý giá như hột xoàn, châu báu là chuyện nhỏ đối với Bob. Ðặc biệt hơn nữa, phong cách tán tỉnh của chàng là tuyệt vời, không chê vào đâu được. Nếu trở thành vợ của Bob, Parwonneh, với biệt danh người mẫu Papillon, sẽ được dịp đi chu du khắp thế giới, gặp vua dầu lửa Onassis trên biển Ðịa Trung Hải, hội ngộ bà công tước Windsor ở Paris, diện kiến các ngài bộ trưởng, dùng cơm tối ở New York, ăn sáng ở Las Palmas… Với những ưu thế vượt trội quá cách biệt, Bob đương nhiên là người thắng cuộc, Werner đành chào thua…

Xem thêm:   Bị chôn sống

Thời gian trôi qua. Papillon mặc chiếc áo dạ hội thứ hai và đang ngắm nghía trước gương soi trong khi Werner điện thoại hỏi thăm mẹ như ông thường làm. Werner rất thương yêu và kính trọng người mẹ già gốc Do Thái đã 85 tuổi, bị liệt bại sau khi ra trại tập trung của Ðức quốc xã. Bố của Werner là người Ðức đã bỏ rơi người mẹ bại liệt mà Werner hết lòng chăm sóc, kính yêu. Giọng Werner nhỏ nhẹ qua điện thoại:

– Mẹ, hôm nay mẹ khỏe không? Con yêu mẹ lắm…

Papillon không nghe và cũng không quan tâm đến cuộc điện thoại giữa mẹ con Werner, nàng đang bận rộn ướm chiếc áo dạ hội thứ hai màu bạc.

Cả hai lại bận rộn bởi công việc ngồi mẫu và chụp ảnh. Werner dường như bị lôi cuốn vào những pô hình do chính mình bấm nút.

–   Ngồi như thế được đấy. Nâng cằm em lên một tí. Tay phải xê dịch vào trong độ mười phân. Tay trái đặt trên đùi… Ok, tốt lắm!

Chiếc áo dạ hội thứ ba bằng chất liệu muxơlin mỏng dính, mảnh khăn vàng quấn nơi cổ tương phản trên nền xanh lam áo dạ hội.

– Kiểu này anh muốn em ngồi hay đứng?

– Ðứng, em yêu. Ánh sáng chiếu từ phía sau sẽ làm nổi bật đường cong tuyệt đẹp của em…

Werner làm việc cần mẫn, tự tin. Có vẻ như ông đã đầu tư khá nhiều thời gian cho buổi chụp ảnh này.

Áo dạ hội thứ tư bằng chất liệu xa tanh màu vàng. Papillon đề nghị:

– Pô này em sẽ đứng một chân trên bậc thang, chân kia giơ cao lên trên không… có được không?

– Ok, đẹp lắm…

Áo dạ hội thứ năm. Papillon bực mình vì mặc vào, chỉnh tới sửa lui… nhưng nàng vẫn không vừa ý.

– Thôi em bỏ qua cái này đi, sẽ mặc lại sau.

Áo thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín rồi thứ mười vừa chụp xong. Werner làm việc tốc độ nhưng chuyên nghiệp. Papillon thì đã quen ngồi mẫu cho Werner nên đáp ứng tốt yêu cầu của nghệ nhân. Họ chỉ trao đổi rất ít. Thi thoảng, Werner mới chỉ dẫn cách ngồi, thế đứng cho Papillon. Werner dành phần lớn thời gian để bấm máy, trung bình anh bấm mười pô cho một tư thế ngồi, đứng ở nhiều góc độ khác nhau.

Papillon mặc lại áo dạ hội thứ năm màu trắng tạm bỏ qua lúc nãy. Nàng hỏi:

– Cái áo cuối cùng phải không anh?

– Còn một cái nữa. Rồi em sẽ thấy nó đẹp hơn cả.

Họ đã làm việc được ba giờ và cả hai hẳn đã thấm mệt. Papillon càu nhàu:

– Cái áo này thế nào ấy. Nó quá rộng, dường như nó được thiết kế cho người mẫu “bé bự”?

Werner đang chỉnh sửa đèn chớp. Papillon yêu cầu Werner lấy cho nàng kim ghim và kẹp để “bóp” cho cái áo “vừa vặn” hơn. Papillon phàn nàn:

– Tại sao anh lại cho thợ làm tóc và chuyên viên hóa trang về trước trong khi mình rất cần họ cho một buổi chụp ảnh quan trọng như thế này? Mồ hôi nhỏ giọt trên mặt em và cái áo thì quá rộng… thế mà không ai giúp em cả !!!

– Hôm nay là thứ Bảy, anh không muốn xâm phạm kỳ nghỉ cuối tuần của họ. Vả lại anh muốn buổi chụp hình này chỉ có mình anh và em thôi.

– Ðể làm gì cơ chứ?

– Sau buổi chiều nay, có thể em sẽ ra đi xa trong thời gian dài! Ai biết rồi đây mình có còn gặp lại nhau nữa không ?

– Em chưa bao giờ nói là em ngưng làm mẫu cho anh đâu nhé!

– Nhưng mà em và hắn sắp thành vợ chồng rồi còn gì!

– Werner, đừng có ghen tuông vô cớ như thế. Em và anh ta thật sự yêu nhau cơ mà.

– Rồi hắn sẽ biến em thành pho tượng khô cứng chứ không còn là người mẫu duyên dáng, sinh động bằng da bằng thịt nữa.

–  Cám ơn anh đã lo lắng cho em !!!

–  Ðành rằng anh ta giàu có, nhưng liệu quan hệ giữa em và hắn có bền vững ?

– Những lời anh thốt ra là vì ghen tị?

– Hoàn toàn không. Nhưng ý nghĩ em sẽ “kết liễu” đời mình trong vòng tay tên công tử bột đó làm anh sởn tóc gáy!

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

– Anh lại nói xấu người yêu của em nữa rồi. Ðã bao nhiêu lần em yêu cầu anh đừng xía vào đời tư của em?

– Anh biết rồi. Giữa em và anh coi như đã kết thúc. Thôi không nói đến chuyện đó nữa. Nào, em vào ngồi mẫu đi !

Áo dạ hội thứ mười một màu trắng tinh ôm ấp thân hình cân đối của Papillon ngồi trên chiếc ghế đẩu, đôi chân dài bắt chéo trong tư thế gợi cảm.

Áo dạ hội thứ mười hai cuối cùng màu đen bóng. Bằng giọng mệt mỏi, nhỏ nhẹ trầm buồn, Werner đưa ra lời chỉ dẫn:

– Hãy rắc ít kim tuyến lên người em và tuyệt nhiên không khoác thứ gì khác lên người.

– Ðợi em một giây, em đi mặc y phục trong suốt dính sát người.

Một giây của Papillon bằng năm phút, năm phút im lặng ngự trong căn phòng.

Papillon quay trở lại:

–  Anh thấy chưa, y phục trong vắt dính sát người như các vũ nữ hay mặc nhưng người xem nhìn không hề biết gì cả.

– Ðẹp thật. Anh sẽ chụp một loạt ảnh như thế. Trông còn đẹp hơn khi em mặc áo dạ hội. Chờ chút… Em quay lưng lại phía anh, một tay em cầm cổ áo, phần còn lại phủ dài lên bậc thang. Tuyệt vời. Em biết không, thân hình của em và áo dạ hội tượng trưng cho nét đẹp trinh nguyên… Ngẩng cổ cao lên tí nữa, vuốt mái tóc lại một chút. Ðược rồi. Giữ im trong tư thế này nhé, nhất là đừng quay đầu lại.

Lần này Werner chỉ bấm một pô duy nhất. Tiếng bước chân di chuyển nhẹ nhàng trên sàn phòng chụp, rồi một tiếng súng vang lên, nối tiếp tiếng thứ hai. Sau đó là tiếng xác người ngã xuống, không một tiếng la hét. Rồi tiếng bước chân di chuyển. Giọng Werner nói qua điện thoại:

– Mẹ, mẹ vẫn còn đó chứ? Xong rồi. Nàng đã chết. Trong giây lát nữa sẽ đến lượt con. Mẹ ôm hôn con và con dâu của mẹ nhé. Mẹ đừng đặt điện thoại xuống, mẹ hứa với con như thế mà…

Tại sao cảnh sát biết toàn bộ diễn tiến của vụ án mạng. Trước khi bắt đầu chụp ảnh, Werner gọi cho mẹ bại liệt và yêu cầu giữ máy điện thoại. Bên này đầu dây, Werner để máy trên bàn chứ không lắp vào bệ máy. Ngồi trong xe lăn, người mẹ tật nguyền theo dõi trong ba giờ ba mươi phút diễn tiến dẫn đến cuộc mưu sát. Giờ đây người mẹ đau khổ ấy sắp chứng kiến qua điện thoại cái chết của con trai.

Werner nốc hai ống thuốc tây với một ly rượu rồi quay lại điện thoại:

–  Con đã uống bốn mươi viên thuốc. Con sẽ không thể sống thiếu nàng, mẹ hiểu con không ? Thế thì chết sướng hơn sống… Vĩnh biệt mẹ…

Ba mươi phút sau đó, người lái taxi đến đón khách ra sân bay. Anh nhìn thấy ánh sáng tỏ bên trong phòng. Sau mấy lần gõ, anh đẩy cửa bước vào…

Chẳng bao lâu sau, cảnh sát đến phòng chụp… Họ nhận được cú điện thoại của người mẹ đau khổ thông báo con trai mình giết chết người yêu, uống thuốc, chờ cho thuốc ngấm rồi tự bắn vào đầu. Chiếc điện thoại vẫn nằm im trên bàn…

Khi cảnh sát điều tra đến hỏi, người mẹ thuật lại đầu đuôi câu chuyện mà bà nghe được qua điện thoại. Thanh tra cảnh sát hỏi:

– Tại sao bà không báo cho chúng tôi biết âm mưu của con trai bà để chúng tôi ngăn chặn? Bà có biết bà phạm tội đồng loã với kẻ giết người và cả với cái chết của con trai mình không?

– Quyền được chết là do chính mỗi chủ thể tự quyết định. Tôi học được điều này lúc ở trong trại tập trung. Nếu con trai tôi phải sống trong đau khổ, nó có quyền lựa chọn cái chết, không can dự gì đến tôi.

– Thế tại sao bà lại gọi cảnh sát khi mọi sự đã an bài? Và tại sao bà lại hứa với con trai bà sẽ không tiết lộ gì cả?

– Nó muốn cảnh sát hướng mối nghi ngờ vào người tình địch. Ðiều này là ngốc nghếch và sẽ làm cho cái chết của nó mất hết ý nghĩa!

– Bà không yêu con trai bà sao ? Vì nó nặng dòng máu Ðức hơn Do Thái?

– Không đời nào! Bố nó là người Ðức, nhưng nó thì không. Nó là con trai của tôi. Tôi sẽ mãi mãi hết mực yêu thương nó đến độ tôi tôn trọng sự tự do của nó. Sự tự do lựa chọn cái chết hay sự sống, điều mà tôi không có được!

Bức ảnh cuối cùng của Papillon là bức ảnh đẹp nhất dù người ta không nhìn thấy mặt cô ta. Người mẫu Papillon ngồi quay lưng lại với ống kính, với thần chết mà nàng không hề hay biết…

ĐDH

(Phỏng dịch từ nguyên tác “Le dernier millième de seconde”của Bellemare)