Con nít trong xóm rần rần chạy lại nhà thằng Quân. Tụi nó bu đen bu đỏ trước hiên. Người lớn hiếu kỳ cũng xớ rớ chỉ trỏ… Thằng Quân bị lột trần truồng, bị trói chặt vào cây cột, trên người nó hằn đỏ những vết roi chi chít. Cả đám còn đang nhốn nháo thì ông Thái từ trong nhà bước ra, lấy roi vừa quất túi bụi vừa tra gạn:

– Ðồ mất dạy, đồ con lai, nuôi mầy uổng cơm! Mầy ăn cắp tiền của bà nội, vậy tiền đó giờ giấu chỗ nào?

Thằng Quân im lặng chịu đựng, mắt nó xanh lơ ngơ ngác như chú mèo con. Bà Cả, người mà nó kêu bằng nội vẫn ngồi trên bộ ván ngựa vấn điếu thuốc rê, bập khói phì phà, mùi thuốc lá khét lẹt, vẻ mặt bà không có một chút cảm xúc nào.

– Ðáng đời đồ con lai hư hỏng! Tao mới để ngàn bạc trong tủ sáng nay, vậy mà giờ không còn nữa. Mày không lấy thì ai vào đây?

Người ta nói, lúc thằng Quân một tuổi. Mẹ nó mang nó từ Sài Gòn về bảo:

– Nó bị mẹ nó bỏ, tôi thấy tội nên mang về nuôi.

Nhà nội nó phản đối ầm ĩ, ông Thái cũng không chấp nhận nhưng bà Thái thì cương quyết không bỏ nó. Cuối cùng cả nhà cũng phải nhượng bộ bà Thái. Xóm giềng thì xì xầm:

– Bà Thái lên Sài Gòn làm ăn, ngủ với Mỹ sanh ra thằng Quân.

Tiếng đời đơm đặt không biết đúng sai thế nào nhưng vô cùng khắc nghiệt. Người trong xóm kỳ thị ra mặt, người trong nhà hắt hủi và đối xử rất thậm tệ với nó. Thằng Quân trạc tuổi tôi. Bọn con nít trong xóm vẫn chơi chung và đi học chung với nhau, chỉ có thằng Quân là không được đi học. Nó phải ở nhà làm đủ việc, vậy mà cơm còn có bữa đói, riêng việc ăn đòn thì như cơm bữa. Mặc dù sống khổ sở, ăn uống thiếu thốn như vậy mà thằng Quân cứ nhổ giò cao lớn. Nó cao hơn tôi cả cái đầu, da nó trắng, lông vàng hoe, mắt xanh như viên bi. Nhìn nó giống hệt mấy thằng Mỹ con trong phim cao bồi vậy.

Tan buổi tắm sông, ai về nhà nấy. Hôm ấy thằng Quân bị một trận đòn thừa chết thiếu sống. Ông Thái còn xích chân nó trước hiên nhà suốt đêm luôn. Tụi tôi nhiều lúc thấy tội cho nó quá, nhưng đâu biết làm gì hơn. Lần nào chạy chơi trong xóm về nó cũng bị đòn cả. Ông Thái chửi thậm tệ:

– Thà nuôi chó giữ nhà còn có lợi hơn, nuôi mày chỉ tốn cơm vô ích!

Cứ như vậy đấy, thằng Quân lớn lên trong sự tàn nhẫn và ngược đãi của đời. Nó không biết cha nó đã đành, còn bà Thái có phải là mẹ ruột của nó không nó cũng không dám chắc, vì bà Thái ra ngoài cứ nói nhặt nó về nuôi. Bà Thái cũng không bao giờ nói cho nó biết sự thật. Nhiều lúc thấy nó ngồi ủ rũ trông tội làm sao. Nó sống trong nhà ông Thái mà cứ như người dưng hay đứa ở vậy. Da nó trắng sáng mà đời nó tối đen, mắt nó xanh mà tương lai nó như lỗ đen vũ trụ. Tôi gần nhà nó, thường chạy qua chơi, mỗi lần nó bị đòn là tôi trốn đi, vì thấy cảnh ông Thái cầm roi quất trông thật dã man.

Bảo Huân

Người ta bảo cuộc đời vốn vô thường, luôn thay đổi. Người đời mấy ai học được chữ ngờ! Một ngày kia người ở xóm chợ, xóm chùa, xóm đình… xì xầm bàn tán: “Nhà nào nuôi con lai sẽ được đi Mỹ”. Có người còn tỏ vẻ rành rõi: “Ai không muốn đi thì bán, con lai có giấy tờ mười cây, con lai không giấy tờ ba cây”.

Xem thêm:   Arkhom

Ông Thái lên xã làm giấy cho thằng Quân, tay chủ tịch ỡm ờ:

– Tôi biết thằng Quân ở nhà ông mười mấy năm nay, nhưng nó không có giấy khai sanh, làm sao nhập hộ khẩu nhà ông được?

Ông Thái nài nỉ:

– Cán bộ giúp em, em sẽ hậu tạ.

Y lại thủng thẳng:

– Con lai có giấy tờ mười cây, con lai không giấy tờ ba cây, vậy ông tính sao?

Ông Thái vặn vẹo hai bàn tay:

– Dạ, cán bộ tính sao em cũng chịu.

Y huỵch toẹt ra luôn:

– Giờ làm giấy khai sanh và nhập hộ khẩu cho nó phải tốn một cây, phải chia cho mấy chỗ chứ mình tôi không làm hết được!

Ông Thái chịu giá một cây. Chừng tháng sau thì thằng Quân thành người hợp pháp trong nhà ông Thái, mặc dù nó đã sống mười mấy năm ở đấy. Ông Thái lại vô thị xã làm hồ sơ. Tại Phòng Pháp lý của Sở Tư pháp có khá nhiều người cũng chung hoàn cảnh như ông, họ cũng đang làm hồ sơ xuất cảnh. Một người quen giới thiệu ông Thái với tay cò, y bảo:

– Bác vào trực tiếp thì lâu lắm đấy, có khi cả năm cũng không xong, tốn kém cũng không phải ít. Nếu bác chịu thì tôi bao trọn gói và bảo đảm trong vòng 5 tháng bác sẽ có đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Y đòi ba cây vàng, ông Thái kêu mắc quá thì y bảo:

– Ba cây mà nhiều cái nỗi gì! Sau này qua Mỹ lấy lại mấy hồi.

Sau một hồi cò kè, y đồng ý bớt cho một chỉ, giao trước một cây, khi nào hồ sơ đầy đủ thì giao nốt phần còn lại.

Ông Thái về kêu vợ:

– Bà nó đi chợ coi có gì ngon ngon mua nấu cho thằng Quân ăn ít bữa, thằng nhỏ cao mà ốm quá cũng khó coi.

Thằng Quân vẫn tỉnh bơ, mắt xanh lơ rất mông lung, không biết nó vui hay buồn. Từ hôm đó đời thằng Quân khác hẳn đi. Kế đó lên Sài Gòn phỏng vấn đậu, Ông Thái về quê mở tiệc ăn mừng. Bạn bè và bà con lối xóm ăn uống tưng bừng, họ còn chúc: “Gia đình ông Thái qua Mỹ sướng hén! Mai mốt lãnh lương bằng tiền đô thì giàu mấy hồi.”. Ông Thái cũng lâng lâng:

– Tui có phước được đi Mỹ, cũng nhờ nuôi thằng Quân mười mấy năm nay.

Trong tiệc có người nói nhỏ: “Mười mấy năm nay cứ thằng lai này thằng lai nọ, giờ thì con ngọt xớt!”. Người khác cũng khẽ khàng: “Oánh nó như oánh kẻ thù, giờ thì một cũng Quân hai cũng Quân.”.

Sang đến Mỹ, một khung trời mới lạ mở ra trước mắt, đất đai mênh mông, xa lộ thênh thang, nhà cửa phố xá trùng điệp, sản vật sung túc… mọi thứ đều nằm ngoài sức tưởng tượng, quá choáng ngợp luôn. Cả nhà không một ai biết chút tiếng Anh nào, nghề ngỗng cũng không… May nhờ có mấy hội đoàn đến giúp điền đơn, chở đi chỗ này chỗ kia. Rồi họ xin cho ông bà Thái vào làm trong hãng rau, ở đấy cần chăm chỉ làm chứ cũng chẳng cần tiếng Anh cho lắm. Quân và mấy anh em thì được giới thiệu đến mấy tiệm nails. Ngày đi làm, tối về học ESL. Thằng Quân xưa nay vốn không được đi học, giờ cầm bút sanh ngượng ngập, học cũng chẳng vô, chỉ vài hôm là bỏ luôn. Nó dốt nhưng ông trời khiến cho nó có tánh nhạy bén, nghe khách nói tiếng Anh một thời gian là nó cũng nói tiếng Anh như gió (mặc dù nó không biết mặt chữ, chỉ biết ký mỗi cái tên của nó). Nó lại khéo tay nên khách thích, tiền típ cũng nhiều. Giờ nó xủng xoẻn tiền chứ không phải thằng Quân ngày xưa, trên răng dưới dế. Ba năm sau nó thi đậu quốc tịch, nghĩ cũng ngộ, tiếng Anh tiếng u không biết, chỉ nói tiếng bồi mà nó đậu cái rụp mới hay chứ. Nó đổi tên Quân thành Quinte. Khách Mỹ và mọi người vẫn gọi tắt là thằng Khiu (Q).

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Có lần bà Thái cười:

– Mầy rảnh quá hén! Thằng Quân không chịu, đi đổi lấy thằng Cu (Q).

Cả nhà cười rần rần.

Kể từ bận đó, thằng Q bỏ nhà ra riêng luôn, nó mướn phòng ở chung với bạn bè, nó cắm đầu cắm cổ làm bảy ngày không nghỉ, tiệm mở giờ nào nó cũng quất. Nó dành dụm được năm mươi ngàn, vừa lúc chủ tiệm bán tiệm về Việt Nam chơi. Chủ tiệm xởi lởi, vả lại cũng muốn bán cho nhanh để đi nên rẻ hơn vài ngàn là ít. Thằng Q còn dư phước gặp thời nên làm gì cũng trúng, đụng đâu cũng thắng.

Tiệm Luxury Nails của thằng Q có 5 thợ, nó nữa là 6, làm mệt xỉu, bỏ bữa cơm trưa thường xuyên, làm như thế mà vẫn không kịp. Cũng may là ở thành Ất Lăng nói riêng, Ðào bang nói chung rất dễ dãi. Thợ làm nails chẳng cần có bằng, phần nhiều nghề dạy nghề, kẻ trước chỉ người sau.

Ðào bang quả là đất lành chim đậu, vật giá rẻ, đất đai và nhà cửa cũng rẻ, đời sống dễ chịu bởi thế người kéo về ngày càng đông. Thằng Q làm nails mười năm là mua được nhà, trả đứt bằng tiền mặt. Giờ đây nhà bà Thái không còn ai dám khi dễ nó nữa. Ngày trước nhà ông bà Thái đối xử tệ bạc tàn nhẫn với nó vậy mà giờ nó vẫn đối xử đàng hoàng. Thằng Q cũng quà cáp, tặng tiền cho mọi người vào những dịp lễ lộc, Tết tư, sinh nhật…

Ông Thái tính ướm hỏi, làm mai thằng Q cho đứa cháu họ hàng xa. Những tưởng thăm dò nào ngờ thằng Q chịu liền, có lẽ nó đã thấy con nhỏ rồi, khi nhìn hình thì nó ưng bụng ngay. Thật tình con nhỏ đẹp bá cháy, da trắng, tóc dài, mắt xinh, má hồng không ngờ ở dưới quê mà lại có người xinh đẹp như thế. Mọi việc tiến triển nhanh đến độ ông Thái cũng không ngờ. Thâm tâm ông Thái vẫn còn chút e dè và mắc cỡ vì những chuyện ăn ở tệ bạc ngày xưa. Ông Thái vẫn còn lấn cấn mỗi khi đụng mặt thằng Q, nhưng kể từ khi thằng Q chịu ưng con Quỳnh, cháu họ hàng xa của ông thì ông như cất được gánh nặng trong lòng, từ đó ông có vẻ thoải mái hơn nhiều. Ông Thái nói với vợ:

Xem thêm:   Tự thú

– Thằng Q coi vậy mà được!

Bà Thái nhếch mép cười khinh khỉnh

– Vậy mà ngày trước ông chửi mắng đánh đập tàn nhẫn, coi như của nợ, nào là con hoang, con lai, con rơi…

Ông Thái thẹn, chống chế:

– Sao bà cứ nhắc chuyện cũ hoài, sông có khúc người có lúc! Hoàn cảnh lúc ấy ai cũng vậy chứ đâu riêng mình tui với thằng Q.

Ông bà Thái và thằng Q về Việt Nam để lo chuyện cưới hỏi. Thằng Q về đến xóm cũ như một ông hoàng. Nó lai Mỹ trắng rất đậm, cao to, tóc vàng hoe, mắt xanh trông nó đẹp như tài tử, đã vậy có tiền đô xài thoải mái. Cả xóm ai cũng nhìn nó, trầm trồ khen, dường như nhiều người đã quên cái tuổi thơ đau khổ của nó.

Việc lễ nghĩa, quà cáp của đám cưới thông qua nhanh chóng. Họ nhà gái chẳng đòi hỏi gì, mà đòi hỏi gì nữa, con gái của mình được gả cho Việt kiều ngon lành như thằng Q là nhất thiên hạ rồi, là món quà quá tuyệt vời rồi. Duy có giấy “đăng ký kết hôn” thì bị ách lại ở Sở Tư pháp. Người ta đòi hỏi này nọ thực chất là vòi tiền chứ chẳng thiếu giấy tờ chi cả. Ông Thành, em ông Thái tức cũng là chú của thằng Q đứng ra lo việc này. Ông chú đi giao dịch về bảo:

– Tụi nó đòi năm trăm đô bao trọn gói.

Thằng Q móc ra một ngàn nhét vào tay ổng, ông chú cười híp mắt nói: “Chi nhiều vậy Q?”. Nói thì nói nhưng đút vào túi quần ngay lập tức.

Ðám cưới thằng Q làm ở Sở Tư pháp để họ cấp giấy hôn thú giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài. Có giấy hôn thú này mới có thể làm hồ sơ bảo lãnh được. Sau đó đãi tiệc ở nhà hàng Biển Xanh, một nhà hàng khách sạn lớn nhất thị xã.

Sau đám cưới hơn tháng, thằng Q quay về lại Mỹ. Nó nói với đám thợ:

– Về Việt Nam chơi một chuyến chừng hai tháng, quất sạch tiền để dành trong hai năm.

Vậy mà trong thời gian bảo lãnh và chờ đợi, năm nào thằng Q cũng gởi tiệm cho bạn coi để bay về Việt Nam vi vu ăn chơi và gặp vợ. Những lần về sau khi cưới, thằng Q ở khách sạn hoặc ở nhà vợ chứ chẳng còn về ở phía nhà ông Thái. Việc này cũng có nghĩa là ông chú mất hưởng xái gió Việt kiều. Ông Thành, em ông Thái, chú thằng Q đi nói với láng giềng:

– Mấy thằng lai ăn cháo đá bát, hồi nào giờ lớn lên ở đây, giờ chỉ biết có bên vợ.

Hàng xóm nhiều người biết chuyện nhưng chẳng ai hơi đâu can dự vào, tuy nhiên cũng có người cười ý nhị:

– Nó ở đây từ nhỏ, hồi nào giờ ai cũng biết mà!

TLTP