Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXXXVI

Tôi trình diện Phòng Nhân viên ở Yokosuka ngày 27 tháng 12 năm 1943. Ở đây cho biết việc bổ nhiệm tôi chưa được sắp xếp và yêu cầu quay lại sau Tết. Làm sao họ có thể chú tâm đến các ngày nghỉ lễ trong giai đoạn khủng hoảng này? Viên sỹ quan tiếp tục: “Ở nhà mấy ngày Tết thực là tuyệt diệu, phải không Ðại tá? Tôi đoán chừng đây là “tặng phẩm” của Bộ Tư Lịnh dành cho các chiến công của Ðại tá.” Thái độ của viên sỹ quan gây cho tôi sự oán ghét. Tôi muốn mắng vào mặt bọn người này nhưng tôi dằn được, và xoay lưng bước khỏi phòng.

Trường Ngư lôi ở Oppama. Tôi đi thẳng đến đó, bước vào phòng chỉ huy trưởng, và không còn dằn được nữa, tôi đã để cơn giận dữ bùng nổ trước mặt Phó Ðô đốc Omori. Ông tỏ vẻ khó chịu, nhưng kiên nhẫn nghe tôi nói rồi lên tiếng: “Tôi hiểu anh, Hara, nhưng những người ở đây, ở tại quê hương, họ chưa biết cuộc chiến đã đến giai đoạn sinh tử như chúng ta, đã từng ở mặt trận. Anh phải biết, cũng như tôi, rằng chúng ta không thể nào thay đổi thế giới, chúng ta bắt buộc phải kiên nhẫn và làm những gì có thể làm.”

Từ Oppama, tôi quay về gia đình ở Kamakura, lộ trình dài đúng 20 phút xe lửa, với một dư vị chua chát trong miệng. Trải qua nhiều tháng tôi mới được nhìn ngắm lại thị tứ này. Lòng tôi cảm thấy bồi hồi, Kamakura, một trong những nơi đẹp nhứt xứ Nhựt đang trở nên hoang vắng. Chưa một quả bom nào rơi xuống nhưng các cửa hàng đều trống rỗng. Dân chúng có vẻ mệt lả và đói kém. Cơn tức giận đã giảm bớt, thay vào đó là sự mệt mỏi chán chường. Tôi bước vào nhà với nhiều cảm giác lẫn lộn, nhưng khi vợ con đổ xô đến, tâm hồn trĩu nặng của tôi như được giải tỏa.

Ngày 10 tháng 1 năm 1944, tôi trở thành huấn luyện viên cao cấp của Trường Ngư lôi.

Một việc lạ lùng là Nhựt không sử dụng các tàu phóng lôi vào những ngày đầu cuộc chiến. Mãi bận tâm với các đại chiến hạm, Bộ Tư Lịnh không lo đến việc đóng loại tàu này. Các sỹ quan Nhựt đã phải nếm mùi sự nhanh nhẹn của các tàu phóng lôi Hoa Kỳ ở quần đảo Solomon. Trong tình thế hiện tại, việc phát triển khinh tốc đĩnh và huấn luyện thủy thủ là phản ứng tự nhiên, nhưng đã quá trễ.

Những sai lầm không chỉ trên phương diện tàu phóng lôi mà thôi. Ngay cả các dự án tuyển phi công và sáng chế radar cũng bị bỏ lửng quá lâu. Vào cuối năm 1943, các cơ xưởng của chúng tôi đã hoạt động cả ngày lẫn đêm trong việc sản xuất radar, lý do là vào thời gian đó chiến hạm Nhựt bị chiến hạm Mỹ có trang bị radar đánh chìm quá nhiều. Trước chiến tranh, hàng ngàn thanh niên xin học phi công nhưng Hải quân chỉ chọn lựa vài trăm người là cùng. Cho đến cuối năm 1943, Hải quân vẫn không thay đổi chính sách này. Ðến khi hầu hết phi công bị cuộc chiến thiêu rụi, Hải quân mới hối hả huấn luyện ồ ạt, nhưng số phi cơ sản xuất lại không đáp ứng nhu cầu đòi hỏi.

100 khóa sinh thụ huấn ở Trường Ngư lôi đều xuất thân từ các trường cao đẳng, thoạt đầu đã tình nguyện theo học các khóa phi hành. Sau 3 tháng huấn luyện sơ khởi, tất cả đột nhiên bị chuyển sang khóa huấn luyện trên biển. Lý do đơn giản là Hải quân không đủ phi cơ cho họ lái.

Các khóa sinh của tôi đều trên 20 tuổi, rất nhiệt tâm, nhưng tất cả đều thuộc thành phần trừ bị nên có vẻ tài tử, hoàn toàn khác biệt với các sỹ quan xuất thân từ Hàn Lâm viện trước đây. Tôi hiểu với những tay tài tử này, tôi cần phải kiên nhẫn.

Tôi đã rất cứng rắn và không ngần ngại chỉ trích các lỗi lầm của họ. Kỷ luật cũng áp dụng chặt chẽ, nhưng nhóm sinh viên trừ bị giống như các sinh viên dân sự. Tôi nhận thấy không thể nào áp dụng lối quở trách mà không giải thích tỉ mỉ các lỗi lầm của họ. Làm cách nào biến các tay tài tử này thành các thủy thủ phóng lôi chuyên nghiệp trong vòng 3 tháng?

Chiếc khinh tốc đĩnh đầu tiên đến trường vào tháng 2 với vận tốc 18 hải lý làm tôi thối chí. Sau khi chạy thử, tôi quay vào cầu tàu và mạnh miệng tuyên bố: “Ðây không phải là một tàu phóng lôi. Chỉ là du thuyền! Cái ngữ này vô dụng trên phương diện chiến đấu!”

Omori đứng lặng lẽ, mặt mày tiu nghỉu. Anh chàng kỹ sư phác họa đồ án chiếc tàu mặt xanh xám, biện hộ rằng chiếc tàu này được trang bị động cơ của máy bay cũ! Việc này không có gì khó hiểu, bởi lẽ chúng tôi không thể nào sản xuất máy móc mới đúng mức đòi hỏi. Khinh tốc đĩnh của Ðức lúc đó đã đạt vận tốc 45 hải lý. Bực mình và chán nản vô tả, tôi im lặng bỏ đi.

Một vài “tàu phóng lôi” khác được đưa đến, nhưng cũng chỉ là “du thuyền”. Tất cả các tàu này đều chạy bằng máy phi cơ cũ và không chiếc tàu nào đạt tốc độ hơn 25 hải lý. Vỏ của loại tàu này được làm bằng gỗ hoặc thép, dài khoảng 12.5m đến 15.5m; thủy thủ đoàn 7 người, trang bị 2 ngư lôi nhỏ và một đại liên 13 ly. Nhưng không chiếc nào đạt đến phẩm chất theo mong muốn của tôi.

Xem thêm:   Cháy chung cư mini ở Hà Nội

Chương trình huấn luyện kéo dài vài tuần lễ và kết thúc vào tháng 4 năm 1944. Những điều tôi nêu ra để lưu ý các sinh viên tốt nghiệp đã khiến cho Omori không hài lòng: “Các tàu phóng lôi của chúng ta, thực không may, đều dưới chân bất kỳ chiếc tàu nào cùng loại của đối phương. Như tôi đã từng lặp lại hàng ngàn lần với các anh, rằng chiến thắng của các anh sẽ nhờ cậy vào sự vụng trộm, bởi lẽ các anh sẽ không sống sót nếu mặt đối mặt với địch. Các anh phải lợi dụng mọi phương thức che giấu hoặc đánh lừa mới mong thành công.”

Giảng dạy là một công việc rất dễ chán. Các khung cửa sổ của lớp học nhìn ra hải cảng trầm lặng. Quang cảnh trước mắt gợi trong lòng tôi những tiếng gọi thì thầm của đại dương. Ðời sống trên một khu trục hạm là một đời sống đầy căng thẳng và nhọc nhằn, nhưng là một mừng vui hòa hợp lẫn lộn. Những cảm giác đó thiếu vắng ở đây.

Thỉnh thoảng tôi đến Tổng Hành Dinh Yokosuka để dọ hỏi tin về các chiếc tàu do tôi chỉ huy trước đây. Trong suốt năm 1943, khu trục hạm Amatsukaze đã hộ tống các đoàn chuyển vận giữa quê hương và Ðông Nam Thái Bình Dương mà không gặp tai nạn nào. Nhưng khi tôi đến trường này không lâu, tôi đã xúc động mạnh khi nghe tin Amatsukaze bị trúng ngư lôi phía Bắc đảo Trường Sa vào tháng Giêng năm 1944 và 80 thủy thủ thiệt mạng. Mặc dù hư hại nặng, Amatsukaze vẫn ráng lết đến cảng Sàigòn. Khu trục hạm Shigure vẫn làm nhiệm vụ hộ tống sau khi tôi rời khỏi Sasebo, tôi buồn hơn hết khi nghe tin chiếc tàu bị trúng bom vào ngày 17 tháng 2, với 21 thủy thủ tử vong.

Nhiều tin tức khủng khiếp khác dồn dập bay đến. Vào ngày 30 tháng 3, một Task Force Hoa Kỳ tấn công quần đảo Caroline, đập tan các hệ thống phòng thủ của Nhựt. Chiều ngày đó, Ðô đốc Koga rời khỏi đảo bay đến Davao, và từ đó không còn tin tức gì nữa.

Tôi được lịnh đến Kawatana, ngay sau khi khóa đầu kết thúc. Nhiệm vụ của tôi là thiết lập một quân trường mới ở đây, bởi lẽ Oppama không còn thích hợp với số khóa sinh ngày càng đông. Thuyên chuyển này sở dĩ xảy ra, có thể là do việc tôi luôn luôn than phiền về tình trạng trang thiết bị bết bát ở Oppama. Cho dù lý do nào đi nữa, sự thay đổi này vẫn được tôi tiếp nhận nồng nhiệt. Phiền não làm tôi mệt mỏi, nhưng viễn ảnh được chỉ huy một quân trường độc lập khiến tôi tươi tỉnh.

Kawatana là một làng đánh cá nhỏ nằm ven bờ vịnh Omura. Nhiều năm trước, Hải quân có một căn cứ thí nghiệm ngư lôi nhỏ ở đây, nhưng hiện thời cơ sở này không còn được sử dụng. Ðến Kawatana vào ngày 3 tháng 5, tôi nhận thấy nhà cửa tại căn cứ đều đổ nát. Tôi gặp khoảng mươi nhân viên bảo trì còn lưu lại. Khi biết tôi có ý định đặt cơ sở huấn luyện cho một chiến thuật mới trên mặt biển, họ vừa kinh ngạc vừa có vẻ chế giễu. Thái độ này khiến tôi buồn cười.

Viên sỹ quan cơ khí cho tôi biết Ðô đốc Koga xem như đã mất tích, và Ðô đốc Toyoda kế vị trong chức vụ Tổng Tư Lịnh Hạm đội Hỗn Hợp. Tin này khiến tôi kinh ngạc còn hơn khi nhìn thấy cảnh hoang tàn của ngôi trường tương lai do tôi chỉ huy. Tôi thấy Ðô đốc Toyoda không thể nào là nhân vật thích hợp cho chức vụ này. Khi tôi rời Oppama, ông còn chỉ huy căn cứ Yokosuka. Trước đó, vào những ngày đầu cuộc chiến, ông giữ chức vụ Tư lịnh Hải khu Kurê. Do đó Toyoda chưa bao giờ nhìn thấy tận mắt bất kỳ trận đánh nào. Vào thời gian khủng hoảng này, tại sao lại cắt đặt một nhân vật mà hầu hết các thủy thủ ở tiền tuyến không biết đến thành tích vào chức Tổng Tư Lịnh? Câu hỏi ám ảnh tôi suốt.

Một tuần sau đó, 200 khóa sinh nhập học. Như khóa huấn luyện ở Oppama, tất cả sinh viên đều đến từ các trường phi hành. Cùng với 6 sỹ quan phụ tá, tôi lại bắt đầu nghề thầy dạy đáng chán của mình.

Tiên liệu của tôi về Toyoda đã sớm chứng minh bằng một sự thực đau buồn. Chức vụ mới quá lớn đối với ông. Vào ngày 19 tháng 6, các hàng không mẫu hạm của Phó Ðô đốc Ozawa hứng chịu đại bại đầy bi thảm, trong một trận đánh được gọi chế giễu là “Cuộc bắn gà ở Mariana”. Kết quả, Ozawa mất 3 hàng không mẫu hạm và 500 phi cơ. Không Hạm đội cuối cùng của Hải quân tan tành.

Hầu như mỗi ngày đều có những tin gây bàng hoàng đến nỗi chúng trở thành quen thuộc. Một bản tin phát đi cho biết Saipan rơi vào tay địch và Phó Ðô đốc Nagumo đã tuẫn tiết. Tôi chết lặng khi nghe tin này. Ngay lúc đó, một công điện từ Yokosuka gửi đến, chỉ thị tôi từ đây trở về sau, việc huấn luyện phải nhắm vào mục đích chính là chống lại đổ bộ lên các bờ biển Nhựt.

Xem thêm:   Haymarket và Lễ Lao Động

Phản ứng của tôi đối với lịnh này là một cái gì mà tôi sẽ không bao giờ hiểu được, chỉ biết rằng nó gây cho tôi sự xúc động kỳ dị. Tay tôi run và mặt tôi đỏ bừng lên vì giận dữ. Tôi xé nát bức công điện, quăng vào sọt rác và ngồi xuống thảo một thỉnh nguyện thư dâng lên Thiên hoàng. Ðó là một hành động phạm thượng, nhưng lúc ấy tôi không thể nào tự kềm chế.

Tôi viết rằng Nhựt đang bại trận, và tôi kêu gọi Nhựt hoàng hãy nhìn thẳng vào tình thế. Tôi nêu ra các chức vụ then chốt trong Lục quân và Hải quân đều do các sỹ quan già nua, không quen với chiến tranh hiện đại, và các cuộc cãi cọ cứ tiếp tục xảy ra giữa Lục quân và Hải quân khiến cho hiệu năng trong cả hai lĩnh vực quân sự và kỹ thuật ngưng trệ. Tôi thúc giục Thiên hoàng hãy mưu tìm phương cách chấm dứt chiến tranh, và, xem như là bước đầu tiên, cách chức tất cả các đô đốc và tướng lĩnh thiếu năng lực.

Tôi đã thành một tay cuồng tín. Ðó có lẽ là hậu quả của những bực dọc kéo dài quá lâu trong công tác giảng dạy. Việc làm của tôi không chỉ có tính cách bất phục tùng mà còn khi quân… Và – theo luật của Hải quân – tôi có thể bị đưa ra tòa án binh. Nhưng tôi không hề nghĩ đến những điều này. Tôi quên mọi thứ, tôi chỉ biết quốc gia đang bước dần đến miệng vực.

Khi viết xong thỉnh nguyện thư, tôi đáp xe lửa lên Tokyo. Vào ngày 12 tháng 7, tôi đi thẳng vào Bộ Hải Quân, và người đầu tiên mà tôi gặp là Ðề đốc hoàng thân Takamatsu, bào đệ của Thiên hoàng. Tôi vồ ngay lấy ông.

“Hoàng thân! Ngài có thể tiếp riêng tôi được không?”

Hoàng thân nhìn tôi, ông nghĩ tôi là một tên dở khùng nhưng ông gật đầu. Tôi bước theo hoàng thân vào văn phòng riêng. Nơi đây, tôi trao thỉnh nguyện thư cho ông, yêu cầu ông dâng lên Thiên hoàng.

Ông hỏi: “Tôi có thể đọc trước hay không?”

Tôi đáp: “Dạ được, thưa ngài.”

Ông ngồi xuống mở thư ra và chăm chú đọc. Chân mày ông nhíu lại. Ðọc xong, ông quay lại nhìn tôi, hình như ông muốn xác định xem có phải tôi là một tên điên thực hay không, và ông xếp tờ giấy bỏ vào túi áo.

“Hoàn toàn đúng, Hara!” Ông vừa nói vừa đứng dậy. “Hãy bảo trọng lấy thân!”

Tôi không biết rõ những gì mà hoàng thân Takamatsu mưu tính, nhưng có điều ông giữ rất kín hành vi của tôi trong giới Hải quân. Nếu các lời lẽ tôi viết đến tai bộ trưởng, chắc chắn tôi sẽ không yên thân.

Sau khi trao thư, tôi lập tức đón xe lửa trở về Kawatana chờ phản ứng của Nhựt hoàng. Khi không thấy động tịnh gì hết, tôi dần dần định tâm và ý thức rằng hành động của tôi hoàn toàn vô nghĩa, nếu không nói là lăng nhục. Không Thiên hoàng mà cũng không bất kỳ ai khác trong hoàng tộc đưa ra biện pháp dựa trên thỉnh nguyện thư của tôi. Hơn nữa, dưới thể chế hiện thời, Thiên hoàng không có thực quyền, vì vậy, ngài không thể đưa ra bất kỳ hành động có tính cách quyết định nào. Tuy nhiên, Nhựt hoàng đã lấy lại chút ít quyền bính một năm sau, khi ngài tự quyết định đầu hàng.

Ðành chịu thua với số phận, tôi chăm chú với nhiệm vụ, và khóa học kết thúc vào tháng 7. Ðầu tháng 8, quân trường bị 400 tân khóa sinh tràn ngập. Khi nhìn thấy họ, thiếu mền, thiếu chiếu, nằm ngủ xếp lớp như cá mòi trên đất, tôi quyết định dẹp bỏ tất cả phiền muộn để trở về với bổn phận. Những thanh niên này đều yêu nước, họ xứng đáng với sự tận tụy của tôi.

Cuối giai đoạn huấn luyện, một thông cáo đầy bất ngờ cho biết việc thành lập Phi đội Thần Phong, một đơn vị tự sát gồm toàn những người tình nguyện. Tin tức gây choáng váng này đã khuấy động ngôi trường Kawatana một cách khủng khiếp. Nó cũng là một cú đấm thẳng vào tôi, vì từ lâu tôi vẫn luôn chủ trương sanh mạng người lính phải được bảo vệ. Từng nuôi nấng hy vọng ra đi và trở về cho các thủy thủ của tôi, chiến thuật mới này quả thực phi nhân tính. Trong căn phòng lặng lẽ, tôi bật khóc.

Vào cuối tháng 10, một người khách “không chờ đợi” đã đến. Là đồng đội cũ của tôi hồi còn ở Rabaul, Ðại tá Toshio Miyazaki, nguyên chỉ huy trưởng Hải đội 17, và hiện thời là huấn luyện viên cao cấp của Trường Ngư lôi Oppama.

Sau khi tuyên bố viếng thăm với tư cách riêng, Miyazaki tiết lộ cho tôi biết là đã đến đây bằng chuyến xe lửa đặc biệt có chở một món hàng lạ, và yêu cầu tôi đi xem. Bước vào sân ga, ông dẫn tôi đến một toa hàng có lính gác. Các kiện hàng được mang đến sở thí nghiệm ngư lôi và mở ra. Ðó là 3 tàu phóng lôi nhỏ với dụng cụ lặn dưới mặt nước, đóng bằng ván ghép và chạy bằng máy xe hơi, trông giống như loại xuồng máy. Ðiều mới lạ là phía trước chứa đầy chất nổ cực mạnh. Khi Miyazaki khẽ nói: “Ðây là các Kamikaze trên biển,” tim tôi nhói đau.

Xem thêm:   69 Năm Điện Biên Phủ - Đêm Gabrielle (kỳ 6)

Tôi hỏi về các dụng cụ lặn. Miyazaki giải thích: “Những cái đó để người nhái sử dụng. Với bình dưỡng khí, họ sẽ mang một khối chất nổ lặn xuống đáy biển để gắn vào chân vịt hoặc bánh lái tàu địch.”

Ông ta cùng tôi lặng lẽ trở lại trường, và ở đây, ông nói rõ từng chi tiết. Ý kiến về các tàu phóng lôi cảm tử là do Bộ Tư Lịnh Tối Cao đưa ra. Chiến thuật tự sát đã được quyết định dứt khoát.

Tôi nói: “Miyazaki, huấn luyện gấp rút các khóa sinh thì sẽ chẳng khác nào đút thịt vào miệng cọp. Tôi thấy rõ là họ ít dịp may sống sót. Kế hoạch đưa ra đã đành là phải thi hành, nhưng yêu cầu người khác cam tâm chịu chết, là một việc khác. Làm sao chúng ta có thể yêu cầu những người trẻ tuổi đó tự sát?”

Miyazaki nói một cách nghiêm nghị: “Hara, chúng ta chỉ còn một cách duy nhứt là thành thực giải thích cho họ hiểu tình thế tuyệt vọng ở hiện tại. Tôi sẽ đích thân kể lại cho các sinh viên của anh trường hợp thiệt mạng của những thủy thủ thuộc hải đội của tôi, mặc dù những thủy thủ này có nhiều năm kinh nghiệm. Tôi cũng sẽ nói với họ rằng hiện thời chúng ta đang hấp hối, tất cả binh sỹ đều đối mặt với tử thần. Tôi nghe tin các phi công Thần Phong đều nhứt quyết thực hiện các phi vụ tự sát sau khi nghe 500 phi công từng có hàng ngàn giờ bay đã bị giết như ruồi ở Mariana. Ðây là những dữ kiện hợp lý nhứt để trình bày với họ. Anh từng nổi tiếng là có phép lạ trong việc mang thuộc cấp trở về một cách an lành, do đó Phó Ðô đốc đã muốn tôi gặp anh để bàn thảo nhiệm vụ khó nuốt này.”

Tới đây, tôi và Miyazaki không còn gì để nói với nhau nữa.

Sáng hôm sau, tôi ra lịnh tập họp toàn trường. Miyazaki lên tiếng đầu tiên, giải thích về các tàu phóng lôi cá nhân, dụng cụ lặn và công dụng của chúng. Không khí trong sảnh đường căng thẳng. Khi Miyazaki dứt lời, tôi bước lên bục gỗ và lên tiếng: “Các anh đến đây để học hỏi về các loại tàu phóng lôi thông thường, nhưng vừa rồi các anh đã nghe qua hai loại vũ khí mới. Chúng sẽ nằm trong chương trình của trường này. Bắt đầu từ ngày mai, 3 lớp huấn luyện sẽ mở ra cho các anh. Các anh có quyền tự do chọn lựa một trong 3 lớp học đó, nếu xét thấy thích hợp với khả năng và khuynh hướng của mình. Tôi muốn sự lựa chọn của các anh không do áp lực của bất kỳ ai. Sự lựa chọn này phải từ ý thức của các anh. Ðây là quyết định của tôi. Trưa và chiều nay, tôi sẽ ở tại văn phòng để mỗi người trong các anh trình riêng với tôi về lựa chọn của mình. Sẽ không có bất kỳ tra hỏi hoặc yêu cầu giải thích nào.”

400 khóa sinh, từng người một, bước vào văn phòng của tôi. Người cuối cùng rời khỏi lúc 4 giờ sáng. Sau đó, tôi gọi Miyazaki. Có 200 sinh viên chọn tàu phóng lôi bình thường, 150 chọn tàu phóng lôi tự sát và 50 người chọn lớp người nhái.

Miyazaki, đã kiệt sức sau nhiều đêm mất ngủ, thở hắt ra. Tôi cũng không khác gì ông ta.

Các tàu phóng lôi tự sát được đặt tên rất thơ mộng – Shinyo – có nghĩa là “Kẻ lay động đại dương”. Người nhái mang tên Fukuryu, có nghĩa là “Rồng bò sát”. Hàng chục cơ xưởng Nhựt đã đóng khoảng 6,000 loại tàu nhỏ bé này. Mỗi chiếc có chiều dài từ 4.9 đến 5.5m, nặng từ 1.35 đến 2.15 tấn, gắn động cơ đạt tốc độ 26 hải lý. Chỉ một vài chiếc vỏ bằng thép còn lại đều làm bằng gỗ nên rất dễ vỡ.

Xét trên mục đích tấn công, những “Kẻ lay động đại dương” tỏ ra rất bết bát. Trang bị cho những con “Rồng bò sát” lại còn tồi tệ hơn nữa. Hơn 50 khóa sinh, toàn là những tay bơi lội tài giỏi, đã gặp nhiều rắc rối trong suốt thời gian thụ huấn. Ngay cả các bình dưỡng khí cung cấp cho nhà trường, không có cái nào là hoàn hảo. Nhiều sinh viên ngã bệnh khi lặn xuống biển ngay ngày đầu tiên.

Khoảng 100 sinh viên tốt nghiệp được gửi sang Phi và Okinawa, đa số đã thiệt mạng mà không có bất kỳ kết quả nào. Bi quan phủ trùm tôi.

Tuần sau: 

Chương XXXXVII

Trở ra mặt trận

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships