Chương 42 của Tameichi Hara khá đặc biệt, vì cho người đọc thấy khía cạnh kỷ luật cùng lúc bất phục tùng trong Hải quân Hoàng gia Nhật. Hiếm hồi ký nào của giai cấp quân phiệt Nhật phơi bày điều này. Một Đại tá Hara bất phục tòng lệnh tiếp cứu của Đề đốc Ijuin và một Đại tá Hara áp đặt thi hành mệnh lệnh tuyệt đối với thuộc cấp là Thiếu tá Yamagami. Đâu là đúng sai? Nếu là chúng ta ở vị trí này? [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXXXII

Trong lúc Omori và Matsubara đang trải qua những giờ phút vất vả, tôi cũng lâm vào tình cảnh khó khăn không kém gì họ. Tuần dương hạm Sendai bốc cháy và đang giãy chết đã cầm chân chúng tôi. Pháo của địch vẫn tiếp tục dập chiếc tàu này không ngừng nghỉ. Khiến chúng tôi muốn sáp lại để giải cứu thủy thủ đoàn nhưng không thể nào làm được. Hai chiếc Samidare và Shiratsuyu hư hại đã rút lui theo lịnh của Omori. Các khu trục hạm Hoa Kỳ đã chứng tỏ tài năng của chúng. Ba chiến hạm Nhựt bị loại ra khỏi vòng chiến chỉ trong một cú đấm.

Quan sát viên trên đài chỉ huy của tôi ghi nhận tín hiệu đèn nhấp nháy những lời kêu cứu lặp đi lặp lại đầy thảm não của chiếc Sendai: “Shigure, hãy tiến lại tôi… Shigure, hãy tiến lại tôi…”

Tàu của tôi vẫn còn cách mạn phải của chiếc Sendai 500m. Không có quả đạn nào của địch rơi gần chúng tôi mà chỉ liên tục nhằm thẳng vào nạn nhân đang hấp hối. Người bạn tốt nhứt của tôi, Ijuin, đang cần sự giúp đỡ, nhưng chiếc Shigure khó mà trở về khi lọt vào hỏa ngục đó. Tôi đứng chết lặng trên đài chỉ huy. Bóng dáng 43 thủy thủ của chiếc Amatsukaze thiệt mạng dưới hỏa lực tập trung của tuần dương hạm Helena, do một lỗi lầm của tôi vào năm trước, như hiện ra trước mắt. Tôi đã thề với linh hồn của những người này là tôi sẽ không bao giờ phạm phải lỗi lầm như vậy nữa.

Hạm trưởng của Shigure hết kiên nhẫn rồi nên la to: “Tiến đến, Ðại tá Hara! Tiến đến Sendai! Chỉ huy trưởng Hải đoàn đã ra lịnh cho chúng ta!”

Giọng nói khẩn khoản của Thiếu tá Yamagami đã gây ảnh hưởng ngược nơi tôi, trái ngược hẳn những gì mà anh ta kỳ vọng. Dẹp hẳn sự lưỡng lự sang một bên, tôi đáp: “Không, Yamagami, tôi quyết định không tiến đến. Nếu chúng ta cặp vào lườn chiếc Sendai, hỏa lực địch sẽ ghìm chúng ta. Chúng ta có thể giải cứu một vài thủy thủ, nhưng tất cả thủy thủ đoàn của Shigure sẽ bị tiêu diệt.”

“Nhưng chúng ta có lịnh của Ðề đốc Ijuin là phải tiếp cứu!” Yamagami lớn tiếng một cách nóng nảy.

Tôi phẫn nộ: “Lịnh? Anh nói đúng! Tôi đồng ý hoàn toàn! Lịnh sơ khởi ban cho chúng ta là đánh địch quân. Công việc tiếp cứu trên mặt biển luôn đứng hàng thứ yếu. Hãy thi hành lịnh!”

“Nhưng các đồng đội của chúng ta đang yêu cầu giúp đỡ!” Yamagami cãi. “Họ đang chết trước mắt chúng ta.”

Câu nói này càng gây thêm sự tức giận nơi tôi, tôi hét to: “Im ngay! Ðây không phải là lúc nói chuyện tình cảm và tranh luận. Tôi có trách nhiệm với chiếc tàu này. Ðừng có lấn quyền!”

Nhưng Yamagami vẫn van nài: “Ðại tá cho cặp sát vào lườn Sendai… Tôi cho bắt thang, trong vòng mươi phút thủy thủ của Sendai sẽ sang Shigure.”

Thực quá đáng. Pháo của 4 tuần dương hạm địch đang vây lấy chiếc Sendai trong đường kính 100m, các cột nước trồi lên như nấm. Với trên 500 thủy thủ, việc di tản không thể nhanh. Áp sát là ăn đạn.

Tôi gầm lên: “Câm đi! Ai chỉ huy Hải đội 27? Ðừng bắt tôi tống giam anh!”

Yamagami nín lặng, mặt tái nhợt. Tôi ra lịnh: “Xoay sang trái! Xả hết tốc lực! Chạy về phía trước. Chúng ta tấn công!”

Máy của chiếc Shigure rồ mạnh và cấp tốc vọt lên tốc độ tối đa 30 hải lý. Với hành động này, tôi muốn kết hợp với bất kỳ chiến hạm Nhựt nào vẫn còn khả năng chiến đấu để sau đó quay lại phản công đối phương. Nhưng tôi không gặp Omori mà cũng không gặp Matsubara, và họ cũng không báo cho tôi biết hoạt động của họ như thế nào. Tôi xoay sang tìm kiếm các mục tiêu, bằng cách theo dấu hỏa lực của địch quân, nhưng tôi đã phí công vô ích. Súng của đối phương đã im tiếng hẳn. Sau đó, của Shigure chạy về hướng Nam, và đến 1g34, chúng tôi nhận được lịnh rút lui để trở về Rabaul của Omori.

Omori quyết định chấm dứt cuộc hành quân, bởi vì ông tin rằng chúng tôi đã đối đầu với hai lực lượng địch, bao gồm 7 tuần dương hạm và 9 khu trục hạm, và hai lực lượng này đang tiến về phía Nam, cùng một hướng tiến với ông. Sự xét đoán sai lầm này phát xuất từ báo cáo sơ khởi sai lầm về lực lượng địch của các thám thính cơ.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Hai tuần dương hạm hạng nặng đã chiến đấu với một ảo ảnh chỉ hiện hữu trong tâm trí của các vị chỉ huy trên hai chiếc tàu này. Sự thực, chỉ có 4 tuần dương hạm Hoa Kỳ đang chạy về hướng Nam, bỗng quay đầu để chạy về hướng Bắc vào lúc 1g01 và sau đó đã pháo kích vào 2 tuần dương hạm Myoko và Haguro. Hai tuần dương hạm Nhựt cũng bắn trả và phóng ngư lôi. Trận đụng độ này đưa đến kết quả ảo tưởng là Omori đã đánh chìm cấp kỳ một tuần dương hạm và gây hư hại cho 2 khu trục hạm địch. Omori không ý thức rằng hai chiếc tàu của ông đã chạy quờ quạng như 2 kẻ đui mù, chỉ phí đạn và nhiên liệu mà thôi.

Tim tôi trĩu nặng khi chiếc Shigure nối đuôi một cách mệt nhọc theo sau 5 chiến hạm có vận tốc nhanh phía trước. Dõi mắt về hướng mà chúng tôi nhìn thấy soái hạm Sendai lần cuối cùng, lòng tôi cảm thấy quặn thắt. Cùng lúc, tôi nghĩ đến hai chiếc Samidare và Shiratsuyu, cả hai đã bị loại ra khỏi vòng chiến do sự va chạm với chiếc Sendai, tôi độ chừng một số chiến hạm địch thế nào cũng truy đuổi ráo riết hai chiến hạm què quặt này, nên sự sống sót của chúng chỉ hy vọng vào may mắn. Trong sự yên lặng trên đài chỉ huy của chiếc Shigure, những người hiện diện đã chia sẻ ý nghĩ tang tóc của tôi.

Trên hải trình xuôi về phía Bắc, tôi nhớ lại chuyến trở về từ Guadalcanal đầy âu sầu của Ðề đốc Abê trước đây. Các chiến thuật mà Abê đã áp dụng trong trận đánh Guadalcanal đã bị chỉ trích mạnh mẽ chưa bao giờ thấy vào thời gian đó. Và bây giờ, hơn một năm sau, Omori đã lặp lại những sai lầm của Abê. Cả hai vị Ðề đốc cũng điều binh theo đội hình phức tạp và bám riết lấy đội hình này, cho đến nỗi phải rước lấy thảm bại trước chiến thuật nghi binh của đối phương. Nhưng Ðề đốc Abê còn có cái may là đối thủ của ông cũng mắc phải nhiều sai lầm không kém gì ông. Trái lại, đối thủ của Omori hành động một cách hoàn hảo.
Trong trận Guadalcanal, tôi đã mang khu trục hạm Amatsukaze trở về cùng với xác 43 thủy thủ và chiếc tàu bị hư hại nặng. Bây giờ, trong trận đánh Empress Augusta, chiếc Shigure còn nguyên vẹn và thủy thủ đoàn không một ai thương vong. Do đó, tôi như được an ủi một phần nào, vì nghĩ rằng ít ra tôi đã không lặp lại những sai lầm cũ. Ðiều này nhắc tôi nhớ lại chiếc Samidare cũng đã sống sót trong chuyến đi một năm trước đây của Abê, tôi hơi khuây khỏa khi nghĩ chiếc tàu đầy kinh nghiệm chiến đấu đang mất tích này sẽ sống sót để trở về với hải đội. Trái lại, đối với chiếc Shiratsuyu, tôi xem nó như đã bị xóa tên rồi. Nếu không xảy ra sự va chạm, 3 khu trục hạm của tôi có thể gây nhiều bối rối cho địch, giống như tôi đã làm ở Guadalcanal trong chuyến đi với Abê. 4 khu trục hạm địch mà chúng tôi chạm mặt lần này tỏ ra còn vụng về hơn 4 khu trục hạm địch mà chúng tôi đối đầu ở vịnh Vella vào ngày 6 tháng 8 năm 1943.

Trong trận vừa rồi, mặc dù địch nắm ưu thế, tất cả ngư lôi do họ phóng ra đều sai đích rất xa, cho đến nỗi không một ai trong chúng tôi nhìn thấy bóng dáng quả nào lướt qua.

Nhìn lại, tôi cũng công nhận phần lợi thế trong trận đánh này nằm ở phía Hoa Kỳ, riêng phía Nhựt Bản không mấy hy vọng đạt được chiến thắng, nhưng tôi cũng công nhận đáng lẽ ra chúng tôi có thể làm tốt hơn những gì mà chúng tôi đã làm.

Ijuin phải chịu trách nhiệm về việc đã để cho nhóm chiến hạm của ông rối loạn hàng ngũ. Ông là một người đã mệt mỏi, kiệt sức và chán nản. Và qua sự mất mát của khu trục hạm Yugumo một tháng trước đây, ông không còn mảy may tin tưởng vào khả năng của ông nữa. Một người thuộc giai cấp quý tộc khi gặp nghịch cảnh thường sụp đổ tinh thần một cách mau lẹ như vậy.

Nhưng Ðề đốc Omori là người phải gánh chịu phần trách nhiệm lớn hơn. Qua lịnh xoay ngược hướng của Omori, tức là đưa lưng về phía địch quân, chẳng khác nào ông ta trói tay Ijuin, giới hạn một cách nghiêm trọng các hành động đang diễn tiến. Về phía Hoa Kỳ, hình như họ đã chiến đấu một cách không mấy hăng hái trong trận đánh này. Nếu họ không chấm dứt hành động ngay sau khi hai chiến hạm Nhựt bị què quặt do sự đụng chạm gây ra, họ có thể đánh chìm thêm nhiều chiếc tàu của chúng tôi hơn nữa. Tôi không hiểu tại sao màn pháo kích tiêu diệt của họ nhắm vào chiếc Sendai không được họ lặp lại với các chiến hạm khác đang nằm trong tình trạng bối rối như thế? Trong nhiều năm sau trận đánh, câu hỏi này vẫn lảng vảng trong tâm trí tôi.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Máy móc của chiếc Shigure trở nên yếu kém, có thể đây là hậu quả của một giờ chạy hết tốc lực trong trận đánh vừa qua. Hiện thời tốc độ của chiếc tàu giảm còn 18 hải lý. Nhưng điều này không làm tôi mảy may bận tâm. Tôi đang bực bội vì lịnh bỏ dở trận đánh giữa chừng, với tốc độ chậm chạp này, tôi hy vọng một số chiến hạm địch sẽ đuổi kịp chúng tôi, chừng ấy chiếc Shigure sẽ quay lại quần thảo với họ một chập nữa. Dù vậy, tôi cũng gọi vô tuyến báo cáo cho Ðề đốc Omori biết tình trạng của chúng tôi và yêu cầu thêm là ông hãy sắp xếp công việc giải cứu những người còn sống sót của chiếc Sendai.

Omori đáp ngay: “Chúng tôi đang chạy với tốc độ 12 hải lý, do đó tàu của anh có thể bắt kịp. Tôi đã yêu cầu Rabaul phái một tàu ngầm đến vớt các thủy thủ của hai chiếc Sendai và Hatsukaze.” Lần đầu tiên, qua câu đáp của Omori, tôi mới nhẹ được sau nhiều giờ căng thẳng. Xem ra Omori cũng là một mẫu người cẩn trọng.

Sau đó, chiếc Shigure bắt kịp chiếc Myoko. Với tốc độ giảm xuống, máy móc của Shigure có vẻ chạy êm thắm.
Vào lúc 20g ngày 2 tháng 11, chúng tôi tiến vào cảng Rabaul. Tôi yên lòng khi nhìn thấy 2 khu trục hạm khác của tôi đang buông neo trong hải cảng Simpson (tức hải cảng của Rabaul). Chiếc Shiratsuyu hư hại không bao nhiêu, nhưng chiếc Samidare khá tồi tệ.

Ngay khi nhìn thấy Shigure, Samidare đã báo cáo các hoạt động của mình. Vào lúc 1g45 phút, chiếc tàu này bắt đầu đụng độ với các khu trục hạm của đối phương trong một trận chiến lưu động. Kéo dài một giờ đồng hồ. Kết quả, 5 thủy thủ của Samidare thiệt mạng và 5 bị thương do 2 quả đạn pháo trực xạ gây ra. 2 quả đạn này cũng gây hư hại cho guồng lái của con tàu. Sau đó, Samidare phải sử dụng sức người để bẻ lái trở về Rabaul. Viên hạm trưởng kết luận: “Chúng tôi đã bắn trả và phóng 8 ngư lôi vào đối phương, và chúng tôi tin tưởng đã phục thù được những cú đấm mà chúng tôi đã nhận.”

Qua báo cáo, hạm trưởng của chiếc Shiratsuyu có vẻ hối tiếc vì đã để cho chiếc tàu va chạm, và câu sau cùng đã làm cho những người hiện diện trên chiếc Shigure cười ồ: “Chúng tôi tháo lui dễ dàng. Máy móc của chiếc tàu tỏ ra còn tốt, không một quả đạn nào của địch bắt kịp chúng tôi.”

Một công điện từ soái hạm Myoko gửi đến đã gây buồn vui lẫn lộn: “Tàu ngầm RO-104 cho biết đã cứu được Ðề đốc Ijuin và 75 thủy thủ khác của tuần dương hạm Sendai, nhưng không tìm thấy thủy thủ đoàn của khu trục hạm Hatsukaze.”

Sáng sớm hôm sau, hạm trưởng của Shigure là Yamagami đề nghị hai chúng tôi lên soái hạm Myoko để phúc trình đầy đủ chi tiết trận đánh cho Ðề đốc Omori. Tôi đáp: “Việc này chúng ta có thể làm sau, Yamagami. Rời tàu ngay bây giờ không ổn đâu, bởi vì Rabaul không còn là nơi an toàn nữa. Hôm nay đối phương có thể tung ra một cuộc không kích quy mô, chúng ta phải ở lại tàu để chào đón phi cơ họ. Hãy chuẩn bị đầy đủ cho chiếc Shigure đối phó với tấn công từ trên không.”

Trong tuần lễ vừa qua, phi cơ Hoa Kỳ đã tấn công Rabaul bốn lần. Sáng ngày 3 tháng 11, nhìn thấy thời tiết quang đãng, tôi có linh cảm là phi cơ địch sắp nhào đến. Với ý nghĩ này, tôi cũng đã chỉ thị cho 2 khu trục hạm Samidare và Shiratsuyu chuẩn bị chiến đấu với tất cả năng lực có thể.

Toàn thể thủy thủ đoàn trên 3 chiếc tàu của tôi hăng hái thi hành mệnh lịnh một cách hoàn bị. Và quả đúng như tôi tiên đoán, phi cơ địch ào đến như thác lũ từ phía Bắc, bay ở một cao độ không quá 50m tính từ mặt biển. Các cuộc không tập Rabaul trước đây đều được phi cơ địch thực hiện với cùng một cao độ và cùng một chiến thuật, nhưng hôm nay chiến thuật này có sự thay đổi. Trận chiến đang diễn tiến có lẽ là trận chiến ngoạn mục nhứt trong đời tôi.

Shigure là chiến hạm Nhựt đầu tiên nhảy vào vòng chiến, kế đó Samidare và Shiratsuyu. Mọi loại súng ống của chúng tôi đều chĩa lên trời, và khi làn sóng phi cơ đầu tiên ùa đến, các xạ thủ đã khai hỏa chẳng khác nào quỷ dữ. Họ bắn không ngừng nghỉ, hình như để giải tỏa nỗi uẩn ức sau chuyến trở về đầy thất vọng từ vịnh Empress Augusta. Ngày hôm đó, có tất cả 80 oanh tạc cơ B25 và 80 chiến đấu cơ P38 tấn công Rabaul, và hầu hết đều bu quanh trên các tháp của 3 khu trục hạm do tôi chỉ huy. 3 chiến hạm nhỏ đã thoát chạy kịp thời ra vòng ngoài của hải cảng. Ðó là việc mà các phi công Hoa Kỳ không thể nào tiên đoán.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Họ đuổi theo ngăn chặn chúng tôi, nhưng hiển nhiên các oanh tạc cơ Hoa Kỳ không sẵn sàng hoặc không trù tính sử dụng các quả bom của chúng nhắm vào 3 chiến hạm nhỏ bé nhưng di động. Một vài trái bom đã nổ sát sườn 3 chiếc tàu, nhưng chỉ gây thiệt hại nhỏ trên chiếc Shiratsuyu. Hỏa lực của chúng tôi lên tiếng dữ dội. Ðội hình phi cơ địch bị cắt ra từng mảnh khi lướt ngang qua chúng tôi.

Kết quả cuộc không tập, 18 phi cơ Nhựt bị tiêu diệt, chỉ có hai tàu buôn nhỏ và một tàu săn ngầm bị đánh đắm. Với một cuộc tấn công quy mô như vậy, kết quả này không đúng như ý muốn của đối phương. Hơn nữa, Hoa Kỳ còn phải trả giá: 8 oanh tạc cơ B25 và 9 chiến đấu cơ P38 bị bắn rơi cùng nhiều chiếc hư hại khác đã lê lết về được căn cứ, nhưng bị vỡ tan hoặc bốc cháy khi đáp xuống.

Hỏa lực từ các chiến hạm đang chạy trên mặt biển khó thể nào bắn trúng phi cơ bay nhanh. Nhưng ngày hôm đó lại khác hẳn, phi cơ địch hình như tìm họng súng của chúng tôi để chui đầu vào. Tôi nhìn thấy tận mắt chiếc Shigure đã bắn hạ ít nhứt 5 phi cơ địch. (Ghi chú của Roger Pineau: Hara nói đúng về thành quả phòng không của Hải đội 27 của ông đã đạt được trong ngày này. Tài liệu chính thức của Không quân Hoa Kỳ ghi nhận: “Hai khu trục hạm Nhựt nằm cạnh cửa sông Warangoi đối đầu trực tiếp với hướng tiến của phi cơ Hoa Kỳ. Hỏa lực của 2 chiếc tàu này đã gây nhiều xáo trộn cho cuộc không tập, ngăn chặn hẳn các chiến đấu cơ hộ tống, khiến cho các oanh tạc cơ B25 phải phá vỡ đội hình oanh tạc và phải không kích từng cặp, hoặc từng chiếc riêng rẽ.”)

Xế trưa hôm đó, các khu trục hạm của tôi quay vào quân cảng Rabaul, toàn thể thủy thủ đều lộ vẻ kiêu hãnh và hớn hở. Tình trạng căng thẳng của buổi sáng trôi qua hẳn. Sỹ quan cũng như thủy thủ lại cười nói ồn ào. Vào chiều tối, tôi bước lên soái hạm Myoko và cảm thấy dễ chịu hơn khi làm nhiệm vụ phúc trình lại chi tiết về trận đánh vịnh Empresss Augusta mà tôi không hài lòng trước đó.

Ðề đốc Omori vẫn đón tiếp tôi một cách thân mật như thường lệ. Sau khi nghe các chi tiết do tôi tường trình liên quan đến nhóm chiến hạm của Ijuin, ông nói: “Tôi nghĩ hành động của anh rất đúng. Trong khi chiếc Sendai đang bị hỏa lực tập trung của địch, anh tránh xa là phải. Về các điểm khác, tôi muốn cảm ơn công điện phát hiện địch của anh gửi cho tôi lúc 0g45. Lúc bấy giờ ngoài anh ra không ai khác nhìn thấy tàu địch. Không có báo cáo của anh, toàn hải đoàn sẽ rước lấy thảm họa.”

Khi tôi cáo từ và xoay lưng bước ra, Ðề đốc Omori gọi giật tôi lại. Ông rút bóp lấy một số tiền đặt lên bàn, mỉm cười nói: “Ðây là 30 yên (khoảng 90,000 đồng Việt Nam Cộng Hòa vào thời giá năm 1974). Số tiền không nhiều nhỏi gì, anh hãy cầm lấy mua rượu cho thủy thủ của anh, và xem đây là món quà kỷ niệm của tôi.” Sự ngạc nhiên của tôi làm ông cười to tiếng, vừa bắt tay tôi, làm tôi cùng cười theo. Ðoạn bi hài kịch trả kiếm và đòi tiền mua rượu của tôi chắc hẳn đã đến tai ông. Câu chuyện này xảy ra lúc ông chưa đến Rabaul.

Thủy chiến vịnh Empress Augusta kết thúc. Hoa Kỳ đạt chiến thắng trên mọi phương diện. Khu trục hạm USS Foote tuy nhận lĩnh một quả ngư lôi của Samidare, hư hại khá nặng, nhưng vẫn trở về được căn cứ. Trong trận đánh quan trọng này, chỉ có khoảng 40 thủy thủ Hoa Kỳ thương vong. Phía Nhựt thiệt mất tuần dương hạm Sendai với 335 người trong số thủy thủ đoàn, và khu trục hạm Hatsukaze với toàn thể 240 thủy thủ. Nhiều quả đạn trúng thẳng vào 2 tuần dương hạm nặng Myoko và Haguro, và khu trục hạm Samidare, gây nhiều thiệt hại cho 3 chiếc tàu này, nhưng về nhân sự chỉ có 6 thủy thủ thiệt mạng và 7 bị thương. Ngay sau trận đánh, Omori rời khỏi chức vụ và được chuyển về trông coi Trường Ngư Lôi. Matsubara cũng mất chức, được chỉ định vào một nhiệm vụ trên bờ.

Tuần sau:

Chương XXXXIII

Phục hận Trân Châu Cảng 

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships