Nhà phê bình và nghiên cứu Thụy Khuê đang hoàn tất công trình biên khảo về Truyền Giáo và Quốc ngữ.

Một thế kỷ quốc ngữ là Lời Mào Đầu của tập sách này. [Trần Vũ]

3 kỳ – kỳ 1

Thử đặt giả thuyết: Nếu người Pháp bị một thế lực ngoại bang bắt buộc phải viết lại chữ Pháp bằng một ngữ tự khác, không phải ngữ tự La tinh (ngữ tự Ả Rập chẳng hạn), và thứ chữ Pháp mới này, sẽ là chữ quốc ngữ Pháp, do người ngoại quốc sáng chế ra mà không cần tới sự hướng dẫn của một người Pháp nào. Người ngoại quốc này có thể là ông Nguyễn Văn Mỗ, tương tự như ông Alexandre de Rhodes, chẳng hạn. Thì người Pháp sẽ nghĩ sao? Họ có tin được việc này không?

Tôi không nghĩ có người Pháp nào chấp nhận việc một người Việt đến Pháp ở vài năm, có thể sáng chế ra chữ mới cho người Pháp viết, làm tự điển cho người Pháp học, mà không cần sự giúp đỡ, của một người (Pháp) bản xứ nào.

Vậy mà việc này đã xảy ra với chữ quốc ngữ Việt, và người Việt tin là thật, rằng chữ quốc ngữ hoàn toàn do người Âu sáng tạo, ông tổ là người Pháp Alexandre de Rhodes. Gần đây, xét lại, người ta đưa Francisco de Pina, người Bồ, lên làm tổ phụ chữ quốc ngữ. Tóm lại, cả hai “ông tổ” đều người Âu, không có người Việt nào cả.

Giả thuyết trên đây, dẫn đến câu hỏi thứ hai: Sau khi bị bắt buộc đổi chữ cũ sang chữ mới, tức là bị xoá sổ 10 thế kỷ văn học, không đọc được Rabelais, Racine, Corneille, Voltaire, Rousseau, Balzac, Stendhal, Hugo, Baudelaire … nữa, thì người Pháp nghĩ gì?

Họ có hoan hô thứ “chữ quốc ngữ Pháp mới” này, đã “khai sáng” mở cửa cho họ vào một nền “văn minh mới” không? Chưa kể, nếu việc này xảy ra vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX (như ở nước ta), thì Marcel Proust sẽ viết A la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất) bằng thứ chữ gì, hay là không viết gì cả?

Chúng tôi xin mạn phép trả lời: Không. Không có người Pháp nào hoan hô và chấp nhận điều đó. Nhưng họ đã làm cho người khác.

Tranh vẽ toàn quyền Jean Baptiste Paul Beau sang nhậm chức ở Sàigòn tháng 10-1902

Và chúng ta, người Việt, đã (và còn) “hàm ơn” mãi việc chữ Việt được đổi từ chữ Nôm lạc hậu sang chữ Quốc ngữ tân tiến, giúp chúng ta tiếp thụ mau chóng văn hóa Tây phương.

Điểm này, cũng chỉ là ảo tưởng: bản thân chúng tôi, được học chữ quốc ngữ từ nhỏ, năm 18 tuổi sang Pháp du học, sống trên đất Pháp hơn 60 năm, mà đến nay 80 tuổi, hàng ngày vẫn còn phải học tiếng Pháp, đọc sách Pháp, nếu muốn hiểu chút ít về văn hóa Pháp. Chữ quốc ngữ (Việt) không giúp gì cho tôi trong việc tìm hiểu văn chương, văn hóa Pháp, vì hiển nhiên hai thứ chữ này chỉ có ngoại hình a, b, c … giống nhau, còn tất thảy đều khác: biết đọc chữ quốc ngữ, không có nghĩa là sẽ dễ học chữ Pháp, mặc dầu cả hai đều dùng ngữ tự La tinh.

Ngoài ra, trong việc phê bình, biên khảo, vì không biết chữ Hán, chữ Nôm, nên tôi không đọc được Khoá Hư Lục của Trần Thái Tôn, Bình Ngô Đại Cáo và thơ văn Nguyễn Trãi, không đọc được thơ thiền, không đọc được Kiều trong nguyên bản chữ Nôm, hay thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Cao Bá Quát … nói chi đến việc phân tích và phê bình văn thơ cổ điển của nước ta. Đối với người phê bình, đó là một sự tủi nhục. Khi về nước, tôi cũng không đọc được những gì viết trên văn bia chùa chiền, lăng miếu, không hiểu được gia phả tổ tiên. Không một nhà phê bình nào «hân hoan» chấp nhận việc họ không thể đọc và viết phê bình về 10 thế kỷ văn học của nước họ.

Xem thêm:   Cung thủ không tay

Tình trạng mù chữ đó, chúng ta có từ nhỏ, rồi quen đi, không bàn đến nữa, thậm chí, những gì ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm, ta cho là «không phải chữ», không cần biết.

Sở dĩ có sự chấp nhận một chiều những gì người Pháp áp đặt cho chúng ta, mà không hề đặt câu hỏi ngược lại: nếu ta làm cho người Pháp điều đó, có được không? Bởi vì chúng ta sinh ra là người bị trị, không dám coi mình ngang hàng với người Pháp nói riêng và người Âu nói chung, luôn luôn «tưởng» người Pháp, người Âu là thầy ta về mọi mặt.

Ai tạo ra chữ quốc ngữ?

Đã hơn một thế kỷ qua, người Việt chấp nhận việc «được học» chữ quốc ngữ như một ân huệ mà không hề phản bác, hoặc chỉ cãi cọ xung quanh vấn đề: ÔNG TỔ chữ quốc ngữ là người Bồ de Pina, hay người Pháp de Rhodes. Nhưng chưa từng đặt vấn đề: Vậy ai dạy cho hai «ông tổ» câu tiếng Việt đầu tiên? Ai giải thích cho hai ông tổ cách phát âm và ngữ nghĩa của mỗi tiếng Việt?

Tất nhiên không phải cậu bé được Alexandre de Rhodes nói đến trong ký sự Du hành và truyền giáo (Voyages et Missions) đã dạy ông ta tiếng Việt, mà không cần đến sự cộng tác của một hay nhiều người Việt, thông thạo tiếng mẹ đẻ.

Vậy mà chúng ta đã ngoan ngoãn chấp nhận “sự kiện” này. Thậm chí còn có những bài viết tựa đề: Tiếng Việt thời Alexandre de Rhodes. Coi de Rhodes không chỉ là “thuỷ tổ” của tiếng Việt, mà còn là một triều đại, một văn hào của nước ta.

Alexandre de Rhodes là ai? Đã làm gì cho nước Việt? Chúng ta sẽ dần dần tìm hiểu và cũng là một trong những mục đích của cuốn sách này.

Hiện nay, khuynh hướng cho rằng việc sáng tạo chữ quốc ngữ là công trình tập thể của một nhóm giáo sĩ: de Pina (Bồ), Borri (Ý), Amaral và Barbosa (Bồ) được nhiều người chấp nhận.

Từ năm 1972, linh mục Đỗ Quang Chính đã thiết lập danh sách các giáo sĩ giảng đạo ở Việt Nam từ 1615 đến 1788, theo thống kê của Dòng Tên, gồm có: 74 người Bồ, 31 người Việt, 30 người Ý, 20 người Đức, 8 người Nhật, 5 người Pháp …[1].

Con số chính thức được ghi nhận ở đây: 31 giáo sĩ người Việt này không tìm thấy tên ở đâu cả, vì người Âu không có “truyền thống” nhắc đến tên người bản xứ, coi như 31 vô danh; chưa kể họ còn “cướp tên” hoặc tự tiện đổi tên tác giả; giáo sư Nguyễn Văn Trung từng nói đến tình trạng này trong môi trường công giáo:

“Từ điển mang tên Pigneau de Béhaine hay Taberd, nhưng chính những tác giả này thú nhận  vai trò chủ chốt soạn thảo là do linh mục Hồ Văn Nghị và Phan Văn Minh … Có lẽ, trường hợp Majorica thế kỷ XVII cũng vậy …[2] [ý ông muốn nói tới bộ Truyện Các Thánh, truyện Nôm, không phải tất cả đều của Majorica viết ra, mà còn của nhiều tác giả [Việt] khác nữa].

Về cuốn tự điển được ghi là của Pigneau de Béhaine hay Bá Đa Lộc: chúng tôi chắc chắn Bá Đa Lộc không để lại cuốn tự điển nào, vì đã đọc kỹ lá chúc thư rất chi tiết của vị giám mục, ông ghi cả đến những vật dụng nhỏ nhất, cho ai, nhưng không thấy ông nhắc đến bản thảo một cuốn tự điển nào, trừ bộ từ điển bách khoa ông biếu vua Gia Long. Vì vậy, ta có thể đoán rằng: Taberd hoặc ai đó tìm thấy trong nhà dòng bản thảo tập tự điển do linh mục Hồ Văn Nghị soạn (cha Nghị là người thân tín của Bá Đa Lộc và vua Gia Long), đưa in dưới tên Pigneau de Béhaine, rồi cộng tác với linh mục Phi-líp-phê Phan Văn Minh[3] để bổ sung và hoàn chỉnh tập tự điển, sau gọi là tự điển Taberd.

Tự điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes, cũng ở trong trường hợp tương tự: Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa, hai linh mục học giả Bồ, sống ở Đàng Ngoài 6 hay 7 năm, đã soạn hai cuốn tự điển giản yếu Việt-Bồ-La và Bồ-Việt, nhưng cả hai đều mất sớm. Alexandre de Rhodes dùng tác phẩm của họ và của “nhiều Cha khác cùng Dòng Tên”, việc này ông đã viết trong lời Tựa tự điển Việt-Bồ-La, nhưng, để đề cao một mình de Rhodes, các tác giả Pháp không nhắc đến, còn người Việt, hầu như không ai dùng tự điển Việt-Bồ-La (vì không biết tiếng Bồ và tiếng La), chỉ nhắc đến tên bộ tự điển này để vinh thăng de Rhodes là ông tổ chữ quốc ngữ.

Xem thêm:   Chả cá Lý Trần Quân

Gia Định Báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên

Gần 10 thế kỷ văn chương cổ điển của Việt Nam đã bị xoá sổ từ khi chúng ta dùng chữ quốc ngữ, cách đây hơn một thế kỷ.

Việc này, có vẻ như tự nguyện. Trong bài nghiên cứu tựa đề Gia Định Báo, Trần Văn Chi cho biết: Trương Vĩnh Ký được Phó Đô đốc Pierre Gustave Roze, quyền Thống đốc Nam Kỳ mời ra làm quan, sau khi ông từ Pháp về năm 1865[4], nhưng ông không nhận, mà xin được lập một tờ báo quốc ngữ:

“Petrus Ký từ chối và xin lập một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định Báo. Lời yêu cầu của ông được chấp thuận và nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 1 tháng tư, nhưng không phải ký cho ông mà lại ký cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam kỳ.

Tên gọi chữ quốc ngữ lần đầu tiên vào năm 1867 trên Gia Định Báo.

Tiền thân của tên gọi này là chữ Tây quốc ngữ. Về sau từ Tây bị lược bỏ khỏi tên gọi để chỉ còn là chữ quốc ngữ, có nghĩa là văn tự tiếng Việt.”[5]

Như vậy, kể từ khi chữ quốc ngữ bị ngủ quên trong các thư viện nhà dòng Âu Châu, từ giữa thế kỷ XVII, Trương Vĩnh Ký là người tiên phong tự nguyện xin cho thứ chữ này được xuất hiện trở lại, dưới hình thức tờ báo quốc ngữ đầu tiên.

Tuy nhiên, Pháp chưa cho ông làm chủ bút ngay, chủ bút phải là người Pháp, Trương Vĩnh Ký được chỉ định làm trợ bút trong 3 năm[6]Trần Văn Chi viết tiếp:

Và phải đến ngày 16 tháng 9 năm 1869 mới có nghị định của Phó Đô Đốc Marie Gustave Hector Ohier ký giao Gia Định Báo cho Trương Vĩnh Ký làm “chánh tổng tài” (tiếng Pháp: rédacteur en chef) nay gọi là giám đốc; Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút.

Từ khi được bổ nhiệm làm Chánh Tổng Tài tờ Gia Định Báo (16-9-1869), Trương Vĩnh Ký có cơ hội để phát triển dịch thuật và viết văn bằng quốc ngữ (…). Thái độ truyền bá học thuật bằng ký tự La tinh này được ông thể hiện với Richard Cortembert ngay từ chuyến công du sang Pháp.”[7]

Theo Nguyễn Văn Trấn:

Đối với Trương Vĩnh Ký, chuyến đi nầy là sự kiện quan trọng nhứt đời.

Ở Penang là một khóa học 8 Năm.

Thăm Paris, lại là khóa học 8 Tháng” [8].

Pétrus Ký và một trang Gia Định Báo

Tóm lại, trong chuyến đi Pháp làm thông ngôn cho phái đoàn Phan Thanh Giản (1863-1865), Trương Vĩnh Ký đã cộng tác với Richard Cortembert, để “thể hiện chương trình truyền bá quốc ngữ bằng ký tự La tinh”.

Mặt khác, Trần Văn Chi còn cho biết: tờ Gia Định Báo số 4, (do Huỳnh Văn Tòng tìm thấy ở Pháp) lại ghi: phát hành ngày 15-7-1865, tại Trường Sinh Ngữ Đông Phương, Paris [9].

Như vậy, ta có thể hiểu thêm rằng: Paris quyết định việc truyền bá chữ quốc ngữ. Trương Vĩnh Ký chỉ là người thừa hành.

Gia Định Báo ban đầu chỉ đăng những thông tin của chính phủ Pháp. Sau khi Trương Vĩnh Ký lên làm tổng tài, có thêm phần dịch thuật và biên khảo.

Trần Văn Chi viết: “Đến năm 1882, chữ quốc ngữ được dùng làm văn tự chính thức (…) các quan địa phương phải học chữ quốc ngữ (…) Tới năm 1918, quốc ngữ trở thành chữ viết bắt buộc ở Bắc Kỳ[10], và ông nhận định: “Gia Định Báo đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình” (sau gần nửa thế kỷ tồn tại, từ 15-4-1865 đến 31-12-1909)[11]. Sứ mạng này gồm 6 mục tiêu:

Xem thêm:   Một niên khóa chật vật

1- Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà (lời Trương Vĩnh Ký).

2- Gia Định Báo dùng [để] loại bỏ văn hóa Trung Hoa.

3- Gia Định Báo dạy viết nhựt trình.

4- Gia Định Báo dùng làm sách giáo khoa.

5- Gia Định Báo đào tạo công chức.

6- Gia Định Báo dạy viết văn xuôi.

Trần Văn Chi viết: “Lợi ích và vai trò của quốc ngữ còn được ông [Trương Vĩnh Ký] nhấn mạnh trong cuốn Manuel des écoles primaires (Giáo trình cho các trường tiểu học), 1876, như sau:

“Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà. Cần phải nắm vững nó cho điều tốt đẹp và cho sự tiến bộ. Vì thế, chúng ta phải tìm mọi cách để phổ biến chữ viết này.[12]

Một thế kỷ sau, Nguyễn Văn Trung coi việc “phổ biến” này là một “điều đáng tiếc”:

Dĩ nhiên không bỏ qua việc sáng chế ra chữ viết theo mẫu tự La tinh, nhưng không nên đề cao nó quá đáng bằng cách gán cho nó những vai trò giáo dục văn hoá vượt khỏi những khả năng của nó. Bây giờ nhìn lại diễn tiến lịch sử gần đây mới thấy được những hạn chế của nó đến nỗi có thể nói xét về mặt nào đó, sự thành công trong việc phổ biến rộng rãi chữ quốc ngữ đã là một điều đáng tiếc.” [13]

Từ khi chữ quốc ngữ trở thành “chữ viết của nước nhà”, phần đông người Việt không đả động đến tảng Hán Nôm nữa, coi như “tử ngữ” chết mòn trong các thư viện cổ. Tai hại hơn, hầu như chúng ta đều tưởng rằng: văn chương Việt Nam chỉ bắt đầu với chữ quốc ngữ.

(còn tiếp 2 kỳ)

[1] Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 của Đỗ Quang Chính, Tủ sách Ra Khơi, in tại Sài Gòn, năm 1972, Đường Mới chụp và in lại tại Paris, năm 1985,  trang 22.

[2] Nguyễn Văn Trung, Về một số sách cũ do người công giáo viết ra từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX,  in trong cuốn Về sách báo của tác giả công giáo (thế kỷ XVII-XIX), do Nguyễn Văn Trung soạn, Trường Đại Học Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh in năm 1993, trang 1.

[3] Linh mục Phan Văn Minh là học giả kiêm nhà thơ, tử đạo năm 1853, tác giả tập thơ quốc ngữ Phi-Năng thi tập.

[4] Trương Vĩnh Ký được cử làm thông ngôn cho phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình chuộc lại 3 tỉnh Gia Định, Biên Hoà, Định Tường, đã mất năm 1862.

[5] Trần Văn Chi, Gia Định Báo, đăng trong cuốn Kỷ yếu triển lãm và hội thảo Trương Vĩnh Ký (ngày 12 tháng 12 năm 2018 tại Nam California), Ban tổ chức xuất bản năm 2019, trang 38.<br

[6] Theo Nguyễn Văn Trấn: “làm trợ bút, từ 1866 đến 1868, mới được nhắc lên làm chủ bút” (Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật) trang 29.

[7] Trần Văn Chi, Gia Định Báo, bài đã dẫn, trang 38-39.

[8] Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), Ban Khoa Học Xã Hội Thành Ủy, Tp Hồ Chí Minh, 1993, trang 25.

[9] Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thuỷ đến 1945- Nxb Tp Hồ Chí Minh, theo bài Gia Định Báo của Trần Văn Chi trong Kỷ yếu triển lãm và hội thảo Trương Vĩnh Ký, trang 42.

[10] Trần Văn Chi, Gia Định Báo,  bài đã dẫn, trang 41.

[11] Trần Văn Chi, Gia Định Báo, bài đã dẫn, trang 42- 43.

[12] Trần Văn Chi, Gia Định Báo, bài đã dẫn, trang 39.

[13] Nguyễn Văn Trung, Kitô giáo trong giao lưu văn hóa Tây phương với Việt Nam, in trong cuốn Về sách báo của tác giả công giáo (thế kỷ XVII-XIX), trang 149.