Mùa hè 72 Sàigòn mê mệt với phim Été 42 trên nền nhạc “The Summer Knows” của Michel Legrand. Tôi trong số các thiếu nhi si mê nữ tài tử Jennifer O’Neill. Mùa hè đó tôi còn thuê cuốn 15 Truyện Nghỉ Hè do Nguyễn Tú An phóng tác. Hôm nay đánh máy lại, vì mùa hè lại đến.
(Trần Vũ)
Truyện nghỉ hè
Nguyễn Tú An phóng tác
Lúc khởi hành, Lộc hăng hái lắm.
Vai vác cần, tay xách giỏ, anh tưởng chừng như lát nữa đây, đàn cá chép ở ngách sông sẽ bu lại đớp mồi, và anh sẽ tha hồ mà giật…
Năm nào về nghỉ hè, Lộc cũng thấy người ta câu cá, nên năm nay Lộc bắt chước họ. Có điều Lộc chọn một chỗ vắng vẻ hơn, ít người lui tới, để trong trường hợp không được con cá nào, thì cũng đỡ ngượng.
Nhưng trong thâm tâm, Lộc hy vọng tràn trề.
Ông lão bán cho Lộc cái cần câu đã nói:
– Cá chép ở ngách sông này ngon có tiếng… Chịu khó câu tha hồ ăn!
Lộc lại là người có tiếng chịu khó xưa nay… Vậy câu được cá chép là cái chắc!
Vậy mà lóp ngóp ở ven sông suốt từ sáng đến giờ, hết leo lên lại tụt xuống dãy đá tảng trơn như mỡ, hết câu ném tới câu dử, mà chẳng con nào cắn mồi!… Lộc ngán ngẩm, ngồi thừ người dưới gốc sung, nhìn dòng nước.
Nãy giờ đi theo dọc sông. Lộc đã tới chỗ nước triều bắt đầu đổi màu. Ai cũng nói đi xa hơn nữa cũng vô ích, chẳng đời nào có cá.
– Vậy đành chịu về không sao?…
Rồi Lộc cười một mình; anh chàng vốn vui tính:
– Được con cá nào mà chẳng về không!…
Chợt có tiếng chân bước rào rạo trên sỏi, rồi tiếng người đứng tuổi hỏi Lộc:
– Sao?… Cá không cắn câu à?
Lộc hất chiếc mũ sụp trên trán, ngửng lên: người đứng trước Lộc là một nông dân tóc hoa râm, tay còn cầm chiếc cuốc; chắc ông ta vừa đi thăm đồng về.
Nụ cười xã giao của Lộc héo như hoa gặp nắng:
– Cá đâu hết, Bác à!… Chẳng con nào táp mồi, chán quá!
Cặp mắt người nông phu nheo lại một cách ranh mãnh:
– Cháu thấy không?… Hồi này chẳng còn ai biết câu cá ở ngách sông này nữa rồi… Cá sẵn lắm chứ!… Mà toàn cá chép lớn cỡ hai ký cả… Đôi khi gặp con ba ký nữa cà!
Lộc nhìn ông ta thật kỹ:
– Bác nói giỡn…
– Đâu có!… Nói thiệt chớ!… Lão đã bảo cả chục người, cách thức câu cá theo lối xưa, mà họ không chịu theo mới kỳ, thành thử chú nào cũng vác cần câu về không… như cháu vậy!
Lộc muốn làm vui lòng ông lão:
– Đâu cách thế nào, bác chỉ cháu coi…
Ông ta bỏ nón xuống, chỉ tay ra xa:
– Trước hết, cháu phải xuống quá chút nữa… Chừng cây số mới được…
– Chỗ đó có nước mặn rồi, cá chép nào còn léo hánh tới?
Ông già trợn mắt, xua tay:
– Vậy là nhầm!… Cháu nghe đây. Cứ thả bộ dọc sông, muốn dùng mồi gì cũng vứt đi, đố cháu câu được một mống!… Phải nhớ là cá chép “ăn lên”… Nó ngược theo nước triều kiếm ăn kia. Tìm ra chỗ chúng đón mồi là chỉ việc giựt…
Lộc bắt đầu chú ý tới câu chuyện. Kể ra cũng có lý lắm chứ!
– Mà làm sao tìm ra chỗ đó, Bác?
Ông lão cười hề hề, cầm chiếc nón phe phẩy quạt:
– Vậy mới tài!… Cái này lão biết được là nhờ các cụ truyền lại… Nhưng lão có nói cháu cũng chẳng tin đâu, chỉ ầm ừ rồi bỏ qua ngay ấy mà!… Phải vậy không?
Lộc khẩn khoản:
– Không đâu… Cháu hỏi thực mà.
– Vậy cậu phải thực hành ngay, nghe!
– Cháu hứa với Bác vậy đó.
Ông lão ý chừng xiêu lòng trước vẻ thành khẩn của Lộc, nên gật đầu:
– Được rồi!… Vậy rẽ vào trại của Bác chút đã, Bác cắt nghĩa kỹ càng cho mà theo.
Nhưng khi nghe ông cụ chỉ dẫn xong, Lộc mới thấy mình quá nhẹ dạ. Nếu không phải vậy, thì chắc ông cụ đầu óc không bình thường. Theo lời ông già thì thuở xưa các cụ câu cá chép ở ngách sông dễ dàng lắm, như trò đùa vậy.
Các cụ chỉ đợi lúc nước triều lên, liệng mươi chiếc cần câu xuống nước, mặc cho chúng trôi ngược giòng sông. Mỗi cần có đoạn dây chừng ba thước, có lưỡi câu mắc mồi cẩn thận. Sớm muộn gì, đám cần câu cũng tới chỗ cá chép đón mồi, chúng giành nhau cần câu… Các cụ chỉ việc bơi thuyền ra đó mà lôi cả cần lẫn cá về!…
Ngon lành không!…
Lộc tìm cách thoái thác:
– Phiền một nỗi, cháu không có nhiều cần…
Ông lão gạt phắt đi, chỉ vào góc nhà:
– Kìa!… Cả đống đó, chọn cái nào thì chọn…
– Mồi cũng thiếu nữa…
– Khó gì đâu!… Cầm cái cuốc ra góc vườn, chỗ đống phân đó… Làm vài nhát là thiếu gì giống giun… Có sẵn cả lon sữa bò đó!
Khi có đầy đủ dụng cụ, Lộc không còn cách nào khác hơn là khảo nghiệm lối câu lạ lùng này. Ông lão dẫn Lộc tới tận chỗ cây cầu gỗ tít đằng xa:
– Cháu đứng đây, liệng cần xuống… lần lượt từng cái một cách nhau dăm phút… Đợi nước triều lên thì lấy thuyền buộc chỗ kia, bơi ra thu cần, bắt cá nghe!… Rẽ vào trả lão cần câu, rồi hãy về, nhớ nhé!…
NTA phóng tác
Nxb Sống Mới, Sàigòn 1972
Trần Vũ đánh máy lại tháng 6-2025