Tháng 4/2022, cái chết của một nam sinh từ tầng 28 đã dẫn tới một loạt tranh luận về áp lực học tập, vấn đề trầm cảm và tự sát của trẻ thành niên ở Việt Nam. Các cuộc tranh luận gần đây lại khơi dậy khi video ca nhạc “There’s no one at all” của Sơn Tùng được tung ra và bị cấm phát hành tại Việt Nam.

Vì sao “There’s no one at all” gây tranh cãi?

Trong video, Sơn Tùng thể hiện một nhân vật sống lang thang, bị xã hội quay lưng, cảm thấy bế tắc và cuối cùng nhảy lầu tự sát. Video gây tranh cãi ở Việt Nam vì bị xem là khuyến khích tự tử và “thêm dầu vào lửa”. Theo VTC, có khán giả nói “MV quá độc hại. Tôi xem xong bảo chịu rồi. Này mà các con mới lớn học theo thì không hiểu như thế nào?”. Một khán giả khác nói “Trẻ con sử dụng mạng xã hội nhiều và không phải đứa nào cũng ý thức được đâu. Chưa kể có những bé đang nhạy cảm hay đang gặp vấn đề tâm lý xem được, nó không nghĩ được gì mà làm theo. Bản thân là người của công chúng muốn làm gì cũng phải suy nghĩ.”2

VTC cũng có một bài viết tên “Tôi cấm con mình xem MV có cảnh tự tử của Sơn Tùng M-TP”, nói lên lo ngại về tác động của video do trẻ vị thành niên thường nhạy cảm, có khuynh hướng bi kịch hóa, và dễ bị ảnh hưởng bởi thần tượng3.

“There’s no one at all” bị chặn trên Youtube Việt Nam và bị cấm phát hành, và Sơn Tùng (bị buộc) phải lên tiếng xin lỗi.

Nhưng đâu vấn đề thật sự cần nói tới?  

Áp lực từ gia đình và nhà trường

Ở Việt Nam, trẻ vị thành niên phải chịu nhiều áp lực học hành hơn ở Châu Âu: học ở trường rồi đi học thêm, vừa lo điểm số và xếp hạng cá nhân vừa phải lo thi đua các lớp, rồi ganh đua vào trường chuyên lớp chọn… Những điều này không có gì mới: hàng chục năm nay người ta đã nói đi nói lại về cách dạy cách học ở Việt Nam và sự khác biệt với các nước phương Tây, nói về điểm số và bệnh thành tích, về áp lực từ nhà trường và gia đình, về đời sống thiếu cân bằng và thiếu giải trí của trẻ em Việt Nam… nhưng vẫn không thay đổi.

Trong trường lớp, Việt Nam khác các nước phương Tây từ những thứ tưởng như rất nhỏ. Chẳng hạn, ở Việt Nam, điểm số của nhau cả lớp đều biết và học sinh nhiều lúc bị hạ nhục ngay trước lớp, vì thầy cô không nghĩ tới cảm xúc của học sinh, trong khi ở Na Uy, học sinh làm bài sai không bị xúc phạm trước lớp và giáo viên phát bài để sấp mặt xuống để người khác không thấy điểm số.

Trong khi đó ở nhà, các bậc cha mẹ lại hay “con nhà người ta” thế này, “con nhà người ta” thế kia, tạo thêm áp lực cho con cái.

Bìa ca khúc “There’s no one at all”. nguồn: genius.com

Bắt nạt (bullying)

Một yếu tố khác có thể gây ra trầm cảm và đôi khi dẫn tới tự sát là bị bắt nạt. Chẳng hạn năm 2016, một học sinh cấp hai ở Yên Bái bị một nhóm chặn đánh trước cổng trường tới khi em phải quỳ lại xin tha, trước mặt nhiều học sinh khác, sau đó phải nằm viện một tuần vì hoảng loạn tâm lý. Tuy nhiên sau khi ra viện, em vẫn không dám đi học, khi thấy video mình bị đánh lan truyền trên mạng, và cuối cùng em đã chọn cái chết để giải thoát4.

Năm 2021, TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương nói về trường hợp một nữ sinh 13 tuổi bị trêu ghẹo, bắt nạt, bị nhiều lần đập sách vào đầu, và càng bị trêu chọc khi bị điểm kém do căng thẳng lo sợ. Một ngày em quyết định tự sát bằng thuốc trừ sâu, nhưng may thay được cứu5.

Không chỉ từ bạn cùng lớp, bullying cũng có thể đến từ thầy cô. Giáo viên và nhà trường ở Việt Nam hiện nay có thể không dùng roi vọt như vài chục năm trước, nhưng vẫn không thực sự có ý thức về tâm lý. Chẳng hạn năm 2007, một nữ sinh lớp 7 tự tử (nhưng may mắn không chết) vì bị cô giáo nghi ăn cắp tiền, lục lọi khám xét và làm nhục trước cả lớp6.

Năm 2020, một nữ sinh lớp 10 ở An Giang tự vẫn (nhưng được cứu kịp) vì uất ức với trường, bị trường bắt học phụ đạo rồi xử ép, cấm túc, đã thế còn nêu tên trước toàn trường7. Trên báo chí cũng có bài viết của một số người từng định tự tử vì cô giáo miệt thị hoặc bị “đì”, bị trù dập và cô lập trước lớp8.

Trong khi Anh quốc và Na Uy nói nhiều về bullying và có những phương cách để hạn chế, ở Việt Nam mọi chuyện vẫn y như xưa.

Thiếu ý thức về sức khỏe tâm thần (mental health)

Theo Vinmec, thống kê cho thấy 6% dân số ở Sài Gòn bị trầm cảm: “Nếu trước kia người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 – 65 tuổi, thì hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 – 27 tuổi.”

Bài viết cũng nói “Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp 2.5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông.”9

Người Việt hiện nay, so với nhiều năm trước, đã có ý thức hơn về sức khỏe tâm thần và trầm cảm (depression), nhưng không phải ai cũng hiểu được. Một số người vẫn không xem sức khỏe tâm thần là quan trọng, vẫn nghĩ trầm cảm chỉ là buồn và yếu đuối rồi làm quá lên, chỉ cần suy nghĩ tích cực là vượt qua được.

Chính vì không am hiểu nên ở Việt Nam không có nhiều cơ quan hoặc dịch vụ giúp đỡ người bị trầm cảm, trong khi ở Anh hoặc Na Uy, khắp nơi đều nói đến sự quan trọng của tinh thần khỏe mạnh (mental wellbeing). Nó có thể nằm trong những chuyện rất nhỏ: chẳng hạn khi google những cụm từ như “tự sát”, “cách tự sát”, “tự tử”… bằng tiếng Việt, kết quả hiện ra bình thường, trong khi nếu google “suicide” thì bên trên kết quả là dòng chữ “Help is available. Speak with someone today”, kèm với số điện thoại đề nghị được trợ giúp.

Cấm video của Sơn Tùng giúp được gì?

Khi có những vấn đề không được giải quyết như áp lực học hành, bạo lực học đường, giáo viên “đì”, và có thể dẫn tới trầm cảm, chán ghét bản thân, trong khi người lớn không thật sự có ý thức về sức khỏe tâm thần và không hiểu con cái, người trẻ có thật sự cần được “gợi ý” bởi video của Sơn Tùng không? Video “There’s no one at all” chỉ là bề nổi—cấm nó không giải quyết được vấn đề gì cả.

Những bậc cha mẹ cấm con cái xem video của Sơn Tùng, họ làm gì để con mình cảm thấy được yêu thương, thấu hiểu, và ủng hộ?

HDN

Nguồn:

1: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/am-anh-khoanh-khac-nam-sinh-de-lai-thu-tuyet-menh-nhay-lau-tu-tu-o-ha-noi-post934567.vov

2: https://vtc.vn/canh-nhay-lau-tu-tu-khien-mv-moi-cua-son-tung-m-tp-bi-chi-trich-ar673963.html

3: https://vtc.vn/toi-cam-con-minh-xem-mv-co-canh-tu-tu-cua-son-tung-m-tp-ar673993.html

4: https://tuoitre.vn/mot-hoc-sinh-thcs-tu-tu-sau-khi-bi-bat-nat-1182597.htm

5: https://cafef.vn/be-gai-13-tuoi-tu-tu-vi-bi-ban-bat-nat-bac-si-gui-loi-canh-tinh-toi-tat-ca-nguoi-lon-20210122202728588.chn

6: https://dantri.com.vn/xa-hoi/hoc-sinh-lop-7-tu-tu-vi-bi-co-giao-lam-nhuc-1176951854.htm

7: https://kenh14.vn/vu-nu-sinh-lop-10-o-an-giang-nghi-tu-tu-tai-truong-vi-uat-uc-van-khoc-khi-nhac-toi-co-giao-gia-dinh-mong-doi-lai-cong-bang-20201207081539835.chn

8: https://phunuvietnam.vn/toi-suyt-tu-tu-do-bi-co-giao-miet-thi-15148.htm

https://canhco.net/vu-nu-sinh-nghi-tu-tu-khi-don-tam-ly-dang-so-hon-roi-vot-p455481.html

9: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/tinh-trang-tram-cam-o-viet-nam-hien-nay