Thời buổi hiện nay, gần như mọi người đều sử dụng smartphone (điện thoại thông minh). Thế nhưng theo một bài báo của BBC tháng 1/2022, một số người đã quyết định từ bỏ smartphone1, và theo một bài viết khác cũng của BBC vào tháng 3, điện thoại “cục gạch” (tiếng Anh gọi là feature phone, hay gọi đùa là dumbphone) đang trở lại2. Tại sao?

Vì sao một số người tạm biệt smartphone

Gần như mọi thứ có thể làm trên smartphone: nó vừa là điện thoại, vừa là một máy vi tính bỏ túi, vừa là camera, vừa là máy tính (calculator), vừa là lịch, vừa là báo thức, vừa là đồng hồ bấm giờ, vừa là đồ chơi game, vừa là máy nghe nhạc, vừa hoạt động như thẻ ngân hàng, vừa để vé vào cửa, và hằng hà sa số nhiều thứ khác. Bởi vậy, con người càng ngày càng nghiện điện thoại, càng chìm đắm vào thế giới online.

Nghiên cứu gần đây của App Annie cho thấy trung bình mỗi người dành khoảng 4.8 tiếng đồng hồ mỗi ngày cho app điện thoại, tức là khoảng 1/3 thời gian thức mỗi ngày. Ðây là con số ở Ấn Ðộ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Nhật, Mexico, Singapore, và Canada. Người Mexico, Indonedia, và Hàn Quốc trên trung bình dùng vượt qua 5 tiếng mỗi ngày. Số liệu cũng cho thấy, cứ khoảng 10 phút thì 7 phút là cho các app mạng xã hội hoặc app hình ảnh và video, đặc biệt TikTok3.

Ðiện thoại càng ngày càng tiện lợi, nhưng nó cũng làm xao lãng, khiến khả năng tập trung kém hơn, không còn thời gian cho nhiều thứ khác như đọc sách, khiến người ta phụ thuộc vào nó và kém đi một số kỹ năng (chẳng hạn như tính nhẩm hay nhìn bản đồ giấy), và khiến con người luôn bị tràn ngập và bao vây bởi đủ loại tin nhắn, tin tức, quảng cáo, hình ảnh và video. Nó làm người ta sống trong thế giới ảo nhiều hơn thế giới thật, không còn thật sự để ý những thứ xung quanh, và không còn dành thời gian nhiều với người thân, bạn bè, hay thiên nhiên.

Trước đây khi tôi sống ở Na Uy, chuyện hai người ngồi cạnh nhau cả nửa tiếng đồng hồ trên xe buýt hay trong nhà hàng mà không nói câu gì, mỗi người cắm mặt vào điện thoại, là hình ảnh quen thuộc—nhiều hơn Việt Nam và cũng nhiều hơn ở Anh—đến mức có một dạo TV ở Na Uy phải làm một chiến dịch quảng cáo kêu gọi “ta en pause fra mobilen” (take a break from your phone)4.

Ðây là lý do một số người hiện nay đã quyết định dứt bỏ smartphone, quyết định từ bỏ tiện lợi nhưng có thể tĩnh lặng hơn, có thể sống hơn và dành thì giờ cho bạn bè xung quanh và nhiều thú vui khác. Và smartphone bị thay thế bằng điện thoại “cục gạch”, tức là loại điện thoại phổ thông chỉ để gọi và gửi tin nhắn, cùng lắm có thể nghe radio, nhưng không có internet.

Sự trở lại của điện thoại phổ thông

Theo BBC, báo cáo của Counterpoint cho biết trong năm 2019, có 400 triệu điện thoại “cục gạch” được bán toàn thế giới, và dự đoán sẽ tăng thành 1 tỷ trong vòng 3 năm5. Riêng Nokia (vốn nổi tiếng với điện thoại “cục gạch” đập không bể) ship khoảng 12.7 triệu điện thoại phổ thông trong quý 4, 2020, tức là tăng 26% so với quý trước6.

Người ta có thể trở lại với điện thoại “cục gạch” vì nhiều lý do: vì hoài cổ (điện thoại đầu tiên có), vì pin giữ được lâu hơn và “cục gạch” bền hơn, vì ít hại môi trường như smartphone, và quan trọng hơn hết, để không bị lôi cuốn vào đủ mọi thứ không cần thiết, không phải vài phút lại mở mạng xã hội xem ai nói gì làm gì, và có thể dành thì giờ sống và làm chuyện khác.

Một trong những đồng sáng lập Light Phone, một công ty bán điện thoại phổ thông ở Mỹ, nói lúc đầu công ty được lập ra để người ta mua điện thoại “cục gạch” như một cái điện thoại thứ hai, nhưng khoảng một nửa khách hàng dùng nó là thiết bị chính.

Riêng tôi có một người bạn có cái điện thoại thứ hai là điện thoại “cục gạch”, để nếu có chuyện xảy ra như smartphone bị cướp hoặc hết pin thì còn cái thứ hai.

nguồn: bbc.co.uk/news/business / getty images

“Race Across the World”: du lịch không điện thoại

Gần đây tôi xem chương trình “Race Across the World”, có ý tưởng thú vị là đua vòng quanh thế giới (season 1 là đi từ London sang Singapore, trong đó có băng qua Việt Nam), mỗi nhóm hai người được số tiền là giá vé của một chuyến máy bay đến điểm cuối cùng, nhưng không được đi máy bay, không được mang bóp tiền hay thẻ ngân hàng, và không được giữ điện thoại. Họ được quyền đi làm kiếm thêm tiền.

Ðây là một thách thức đi từ Châu Âu sang Ðông Nam Á khi không có một số tiện nghi hiện đại như điện thoại hay máy bay. Một mặt, khi không được đi thẳng bằng máy bay, họ phải dùng xe lửa, xe buýt, taxi, tàu, hoặc đi bộ, nhưng nhờ thế trong 51 ngày từ London đến Singapore, họ cũng được đi qua rất nhiều quốc gia khác nhau và quan sát các xã hội, nền văn hóa rất khác nhau: các điểm dừng trong cuộc đua là Delphi (Hy Lạp), Baku (Azerbaijan), Tashkent (Uzbekistan), Huangyao (Trung Quốc), Koh Rong (Cambodia), trước khi kết thúc ở Singapore.

Không chỉ vậy, khi không có điện thoại, họ phải dùng bản đồ giấy, phải quyết định đường đi ngắn và ít tốn kém mà không thể tính toán qua internet, phải đi tìm khách sạn và hỏi từng nơi chứ không thể tính trước và đặt chỗ, phải hỏi người qua đường, không thể lướt internet, không thể chụp selfie… Nhưng người tham gia lẫn khán giả xem đều có thể thấy, khi không bị xao nhãng bởi điện thoại, người ta có thể sống hơn và thật sự nhìn mọi thứ xung quanh hơn. Nó cũng cho thấy con người hiện đại phụ thuộc smartphone thế nào.

Chúng ta có thể sống không có smartphone không?

Khi mọi thứ đều cần internet, rũ bỏ smartphone là không đơn giản. Làm gì để giữ liên lạc đều đặn nếu người quen sống ở nước khác? Làm gì nếu hộp mail cần bước xác minh danh tính thứ hai để bảo mật? Làm gì nếu cần scan hình gấp nhưng không có máy scan và cũng không có smartphone để chụp lại? Làm gì nếu cần xin, nộp giấy tờ và phải dùng app để xác định danh tính (chụp selfie và scan hộ chiếu)? v.v.

Với một số ngành, chẳng hạn như ngành film, bỏ smartphone là hoàn toàn không thể, vì cần được liên lạc dễ dàng, cần internet và nhiều công cụ trên smartphone. Khi mọi người đều liên lạc qua Whatsapp, không dùng smartphone chỉ là gây bất tiện cho bản thân và làm phiền người khác.

Ngay cả trong “Race Across the World”, người đua không dùng điện thoại nhưng khi hỏi người qua đường, họ cũng phải dùng smartphone: câu trả lời nằm trên internet.

Covid càng khiến nhiều thứ bị đẩy lên internet. Gần đây tôi đi ăn YO! Sushi, không còn thực đơn giấy và không còn băng chuyền sushi, mọi thứ phải đặt và trả tiền qua mạng, qua smartphone.

Lỗi có lẽ không ở cái điện thoại?

Nhưng cuối cùng xét ra, lỗi không hoàn toàn ở cái điện thoại. Cùng dùng smartphone nhưng bạn trai tôi thường tắt internet và không dùng nhiều, hoàn toàn không phụ thuộc vào nó. Với một số người, hoàn toàn dứt bỏ smartphone là giải pháp, với một số khác, đó là không thể, nhưng cuối cùng xét ra nó chỉ là công cụ, dùng thế nào là ở mình.

Các độc giả sử dụng điện thoại ra sao?

HDN

1: https://www.bbc.co.uk/news/business-60067032

2: https://www.bbc.co.uk/news/business-60763168

3: https://www.bbc.co.uk/news/technology-59952557

4: https://www.youtube.com/watch?v=wCGUznkMupw

5: https://www.bbc.co.uk/news/business-60763168

6: https://nokiamob.net/2021/01/29/nokia-mobile-shipped-15-5-million-phones-in-q4-2020/