Nhân chuyện gần đây tôi đi phiên dịch cho vấn đề sức khỏe tâm thần, hãy bàn về người Việt và sức khỏe tâm thần (mental health).

Trước hết, người Việt, ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại, thường không coi trọng sức khỏe tâm thần. Ðã có nhiều bài viết nói về chủ đề này. Trên Subtle Asian Traits (Facebook Group dành riêng cho giới trẻ gốc Á) đôi khi cũng đề cập, các bậc cha mẹ gốc Á thông thường không coi trọng sức khỏe tâm thần và không hiểu nhiều về các vấn đề tâm lý, đặc biệt trầm cảm.

Trong khi ở phương Tây, đặc biệt nhiều năm gần đây, mọi người bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn và biến vấn đề sức khỏe tâm thần thành bình thường, để mọi người có thể dễ dàng nói về trầm cảm và những vấn đề khác, người Việt thông thường vẫn không nói nhiều đến vấn đề tâm lý, không muốn gặp bác sĩ tâm lý hoặc dùng thuốc, trừ phi bị thật nặng và không còn cách khác. Các vấn đề tâm lý, người Việt người xem như cái gì đó đáng xấu hổ phải giấu đi, hoặc không quan trọng, không cần chữa.

Chỉ cần nhìn cách người lớn đối xử với trẻ con là thấy. Trẻ con bị áp lực học tập, học ở trường xong phải cắp tập đi học thêm, không được nghỉ ngơi giải trí, rồi phải thi vào trường chuyên trường chọn. Trẻ con bị áp lực từ nhiều phía – gia đình, nhà trường, và bạn học xung quanh.

Ở Việt Nam người ta thường nói về bạo lực học đường, đôi khi lên tiếng về một số trường hợp giáo viên miệt thị quá đáng hoặc làm trò quá lố như bắt học sinh liếm ghế. Nhưng ít ai để ý những chi tiết bình thường, xem là vụn vặt, nhưng có tác động đến tâm lý của học sinh. Ngày xưa khi tôi đi học ở Việt Nam, giáo viên có thể không đánh học sinh nhiều như trước kia, nhưng chuyện chửi bới học sinh và nhục mạ trước lớp là bình thường. Trong khi ở Na Uy hoặc Anh, điểm số của ai đứa đó biết, ở Việt Nam tất cả đều biết điểm và thứ hạng của nhau – đứa nào điểm thấp chịu xấu hổ. Cách dạy ở Việt Nam, theo nghĩa nào đó, là dựa vào áp lực, ganh đua, và nỗi sợ bị nhục – kiểu không muốn chịu nhục thì ráng đừng để điểm thấp.

Người Việt thông thường cũng không coi trọng vấn đề trầm cảm. Sau này đã nhiều người biết hơn, người ở thành phố đỡ hơn ở nông thôn, người Việt ở hải ngoại có thể quen hơn người trong nước, nhưng nhìn chung vẫn không quan tâm nhiều hoặc không nói nhiều đến sức khỏe tâm thần, và không xem trọng trầm cảm. Với nhiều người, trầm cảm chỉ là buồn, không vui, chỉ cần ráng ra ngoài chơi, kiếm gì đó làm, gặp bạn bè v.v. là hết. Trong thực tế, người bị trầm cảm thường không muốn làm gì cả, mất năng lực, cảm thấy mọi thứ là vô nghĩa, và mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực không thể thoát ra. Nặng hơn, họ mất khả năng tập trung; không ngủ được hoặc chỉ ngủ li bì không muốn làm gì; mất cảm giác ngon miệng và không muốn ăn; hay ngược lại, ăn từ sáng đến tối đến mất kiểm soát; không quan tâm đến ngoại hình; không muốn dọn dẹp hay tắm rửa; lúc nào cũng nghĩ đến cái chết… Trầm cảm đôi lúc dẫn tới tự sát.

Bảo Huân

Một trong những người tôi dịch cho vấn đề tâm thần là một người bị sang chấn tâm lý và nhiều năm chỉ muốn chết, nhưng tới bây giờ mới đi gặp bác sĩ tâm lý lần đầu tiên, và cũng là lần đầu tiên kể về chấn thương tâm lý của mình.

Báo Tuổi Trẻ có một bài nói đôi khi có những vụ án mạng ở Việt Nam vì nhiều người bị vấn đề tâm thần nhưng không ai để ý đến. Bài báo cũng nói, người Việt thường thiếu tế nhị, hay nhận xét về ngoại hình của người khác hoặc cứ hỏi bao giờ lập gia đình, mà không để ý là có thể làm người khác tự ti và về lâu về dài có thể dẫn đến trầm cảm.

Những trường hợp nhiều cặp vợ chồng ghét nhau và cãi lộn như chó với mèo nhưng vẫn sống với nhau vì con cái, hoặc nhiều bà vợ vì con vẫn sống với chồng dù bị chửi bới đánh đập, đó là do không quan tâm và không hiểu về sức khỏe tâm thần và tác động tâm lý đến con cái.

Ngoài ra, liên quan đến sức khỏe tâm thần, người Việt vẫn không thật sự quan tâm đến vấn đề xâm hại tình dục. Tờ VOA từng có bài viết hỏi, bao giờ Việt Nam mới có luật về sách nhiễu và xâm hại tình dục. BBC có bài viết của một người từng lên tiếng về chuyện bị xâm hại, nhưng không ai tin. Bản thân phong trào #MeToo, ảnh hưởng rất lớn ở Mỹ và cũng bùng lên ở các nước phương Tây khác, chỉ nhen nhóm lên ở Việt Nam với trường hợp Phạm Lịch rồi vụt tắt.

Tấn công tình dục với người Việt có lẽ chỉ là cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục trẻ con, còn những chuyện như xâm hại, sách nhiễu nhẹ hơn có lẽ không quan trọng. #MeToo không thể nổi lên ở Việt Nam vì người Việt xem những chuyện như sờ mó hoặc gạ tình là vô hại, nên không ai dám lên tiếng vì sợ bị cười cợt bêu riếu. Người Việt cũng không lên tiếng, vì những chuyện như vậy bị xem là riêng tư, không nên kể lể làm gì.

So với dân phương Tây, người Việt cũng thường ít dạy con về tình dục, do không thoải mái, và thường không dạy con thế nào là đồng thuận (consent), làm sao để tự bảo vệ mình, hành vi nào là không thể chấp nhận v.v. Khi không biết thế nào là đồng thuận và quyền tự chủ cơ thể (body autonomy), nhiều trẻ con/người trẻ có thể bị xâm hại mà không biết. Và nếu các bậc phụ huynh không biết cách nói và cách lắng nghe về xâm hại tình dục, nhiều khi con cái sẽ không dám kể khi bị tấn công vì nghĩ mình sẽ bị mắng, hoặc cha mẹ sẽ không tin. Những vấn đề này về lâu về dài có thể có tác động lớn đến tâm lý, hành vi, thậm chí tính cách của con cái.

Một trong những người tôi đi phiên dịch cho, bị tấn công tình dục nhiều lần lúc nhỏ và bị sang chấn tâm lý không thể thoát ra, sợ đàn ông và con trai nói chung, vì chưa bao giờ nói được với ai, kể cả gia đình, về những chuyện đã xảy ra. Và cứ thế cô ta bị chìm đắm trong suy nghĩ tiêu cực, kẹt cứng trong những ký ức đó.

Nói chung, người Việt cần chú ý hơn đến tâm lý và không nên nói hoặc làm những thứ có thể khiến người khác bị tổn thương và trầm cảm. Và người Việt, đặc biệt các bậc cha mẹ, cần làm quen hơn với sức khỏe tâm thần, xem đó là bình thường; học cách nói chuyện thoải mái hơn với con cái về sức khỏe tâm thần và các vấn đề tình dục.

DN