Để hiểu tâm lý và các mối bận tâm của giới trẻ gốc Á (đặc biệt Đông Á/ Đông Nam Á) sinh ra lớn lên ở phương Tây, cách dễ nhất là nhìn vào facebook group Subtle Asian Traits. Một trong các chủ đề chính trong group là Asian parents – các ông bố bà mẹ Châu Á.

Trên bề mặt, Subtle Asian Traits là nơi để chia sẻ meme và video hài hước nhảm nhí, và đùa cợt về Asian stereotype. Chẳng hạn, đây là ví dụ một meme về stereotype cha mẹ Châu Á nghiêm khắc:

Thành viên Subtle Asian Traits cũng đùa những chuyện như mang theo nồi cơm điện khi đi du lịch, không đi ăn ngoài vì “we have food at home”, khi đi ăn ngoài thì chôm cả xấp giấy ăn đem về, hoặc ở nhà có một hộc tủ dành riêng cho bao plastic v.v.

Tuy nhiên, dưới bề mặt những câu đùa, chúng ta có thể thấy vài vấn đề thường gặp của các ông bố bà mẹ Châu Á, và đôi khi một số thành viên Subtle Asian Traits cũng viết nghiêm túc về khác biệt thế hệ và mâu thuẫn gia đình.

  1. Nghiêm khắc

Chủ đề phổ biến nhất là chuyện các ông bố bà mẹ nghiêm khắc và kiểm soát, coi trọng chuyện học hành, điểm số và bằng cấp, coi trọng sách vở hơn kinh nghiệm thực tế, bắt học đủ thứ (hết trường lớp rồi lại học nhạc), không cho đi chơi, không cho ngủ lại nhà bạn, không cho hẹn hò, không cho tự do… Không chỉ Amy Chua là tiger mom.

Nếu ở Việt Nam, các ông bố bà mẹ đua nhau cho con đi học thêm, cố đẩy con vào trường chuyên lớp chọn, tìm cách chạy trường… Ở nước ngoài họ có thể không làm được vậy, nhưng vẫn ép con học, xem trọng thứ hạng và điểm số. Chỉ cần so sánh là thấy, rất nhiều người Anh tôi gặp ở Yorkshire không mấy quan tâm tới bằng cấp. Có người chỉ học high school; có người học xong college nhưng không lên university; có người đang học university bỏ ngang; có người bỏ university hai lần rồi nhảy sang ngành khác và đi thực tập, chỉ trong lớp tôi có rất nhiều đứa bỏ ngang. Trong khi với người Việt bằng cấp rất quan trọng; mình có thể không có nhưng con mình phải có.

  1. Không thể hiện tình cảm

Trong văn hóa Châu Á, vợ chồng thường không thể hiện tình cảm, cha mẹ con cái cũng vậy. Như thường nói trên Subtle Asian Traits, cha mẹ không bao giờ nói “I love you”, chỉ hỏi ăn cơm chưa; không xin lỗi, chỉ nhẹ giọng bảo xuống ăn cơm; càng không bao giờ nói tự hào về con.

Các bậc phụ huynh cũng thường chỉ trích và so sánh chứ ít khi khen ngợi và động viên – những điều này đã nhiều người nói khi so sánh cách dạy con ở Châu Á với cách dạy con ở phương Tây, không có gì lạ.

  1. Áp đặt nghề nghiệp

Trên internet, chỉ cần gõ “Asian career options” vào Google image, bạn có thể thấy hàng loạt meme:

“Asian career options (Lựa chọn nghề nghiệp cho dân Châu Á):

  1. Doctor (bác sĩ)
  2. Lawyer (luật sư)
  3. Engineer (kỹ sư)
  4. Disgrace to the family (nỗi nhục cho gia đình)

Ðiều này không dành cho Việt Nam nói riêng hay Châu Á nói chung, mà nói về dân Châu Á ở phương Tây. Tất nhiên, không phải ai cũng ép con học ngành Y, chẳng hạn như tôi học ngành Film. Nhưng không phải không có lý do mà nó trở thành stereotype của dân Châu Á ở phương Tây. Những ngành “ngon lành” là ngành Y, Luật, Tin học, Kỹ sư, Business… Khi du học sinh Việt Nam sang Mỹ, các ngành phổ biến nhất trong năm 2017- 2018 là Kỹ sư, Business và Quản lý, Toán, và Tin học1.

Trong họ hàng tôi, nhiều người cũng xem ngành Y là “ngon” nhất—nếu không thành bác sĩ cũng phải thành dược sĩ.

Một mặt, đây là cách nghĩ thực tế, chọn ngành ra tiền, ổn định, trong khi mấy ngành lý thuyết không kiếm được việc, còn mấy ngành nghệ thuật sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn và bị bất lợi màu da/ngôn ngữ/văn hóa. Nhưng mặt khác, đây cũng là cách nghĩ hạn hẹp về khái niệm thành công2, và sự áp đặt nghề nghiệp cũng khiến nhiều người phải khốn khổ học ngành mình không thích và không hợp.

Tôi có đứa em họ bị bắt học ngành nó không thích, cuối cùng nó cũng bỏ, thành phí tiền và thì giờ.

  1. Kiểm soát

Các thành viên trên Subtle Asian Traits vẫn thường đùa, mỗi lần đi chơi lại bị hỏi đi đâu, đi với ai, tên gì, quen ở đâu, ai đưa về, mấy giờ về, đi gì đi hoài, v.v… Hoặc, không cho hẹn hò ở bậc trung học, cũng chẳng cho có bồ bịch ở đại học, nhưng sau đại học lại hỏi bao giờ có cháu.

Tôi nhớ một lần ở Na Uy tôi cùng một nhỏ bạn người Singapore tới nhà sinh viên của một nhỏ người Hoa. Ðang ăn nửa chừng mẹ nó gọi điện, nó phải bỏ đi nói chuyện, một lúc sau quay lại giơ điện thoại về phía tôi và nhỏ bạn để mẹ nó thấy mặt (video call), rồi đi nói chuyện tiếp, mặc kệ hai đứa bạn, sau đó một lúc lại trở lại để giơ điện thoại vào đống đồ ăn để mẹ nó thấy đang ăn gì.

Ngoài chuyện áp đặt nghề nghiệp và kiểm soát ở đâu làm gì, nhiều bậc phụ huynh còn can thiệp chuyện tình cảm, định giới thiệu người này người kia, hoặc cấm đoán khi con mình cặp với ai đó không có bằng cấp hoặc không phải dân Châu Á, và càng tệ hơn nếu là dân da màu.

  1. Abuse và mặt trái của stereotype

Ai cũng biết, stereotype chỉ là stereotype, không phải ai cũng như nhau, không phải cha mẹ Châu Á nào cũng nghiêm khắc và muốn con trở thành bác sĩ. Khá nhiều stereotype về cha mẹ Châu Á không đúng với mẹ tôi.

Nhưng stereotype về cha mẹ Châu Á còn một mặt trái khác: đâu là lằn ranh giữa nghiêm khắc và abuse? Có khi nào ta nghĩ rằng hành vi nào đó là truyền thống, là điển hình Châu Á, và bình thường, mà không nhận ra nó là toxic và hoàn toàn không thể chấp nhận được?

Tracy Chiu có bà mẹ lúc nào cũng hỏi con đang ở đâu, nên bật location sharing (chia sẻ vị trí/địa điểm), và bà mẹ lúc nào cũng mở ra xem con mình đang ở đâu, và tới khi Tracy tắt đi (sau hai năm), bà mẹ hỏi tại sao tắt và đòi từ luôn con mình!?

Bên dưới, chỉ có vài người bảo hành vi này là obsessive và toxic, nhưng có vài comment bảo cha mẹ mình cũng y chang, và đa phần các comment chỉ để tag bạn bè vào xem và không nói gì, như thể đây là chuyện bình thường.

Ðây chỉ là một ví dụ. Sẽ có nhiều trường hợp khác con cái bị cha mẹ ngược đãi cảm xúc, khống chế, kiểm soát… và nghĩ đó chỉ là hành vi bình thường, Châu Á như thế.

DN