Rất nhiều phim tài liệu tôi đã xem nhưng chỉ 5 phim dưới đây là thú vị nhất đối với tôi.

nguồn: brocku.ca/brock-news 

  1. Three Identical Strangers (2018)

Chuyện bắt đầu khi Bobby Shafran một ngày tới trường Cao đẳng và được nhiều người “nhận ra”, nhưng không hiểu sao cứ bị gọi là Eddy. Không lâu sau đó, Bobby Shafran nhận ra mình và Eddy Galland là anh em sinh đôi, chia cắt từ nhỏ.

Không dừng ở đó, câu chuyện xuất hiện trên báo chí và đến tai David Kellman: đây không chỉ là anh em sinh đôi, mà là sinh ba!

Sự hội ngộ của ba anh em sinh ba trở thành hiện tượng, thành cơn sốt trên truyền hình. Từ quá trình hội ngộ và sự thân thiết của ba anh em và những thay đổi qua thời gian, bộ film của Tim Wardle cũng kể về một phát hiện gây sốc về quá khứ của ba người. Ngoài ra, film tài liệu cũng nhìn vào sự giống nhau và khác biệt của ba anh em, và sự khác biệt giữa ba gia đình, ba môi trường, và đặt ra câu hỏi thú vị về nature vs nurture (bẩm sinh vs nuôi dưỡng).

Three Identical Strangers đoạt giải U.S. Documentary Special Jury Award for Storytelling ở Liên hoan film Sundance 2018, và có trên Netflix.

  1. Hunting the Essex Lorry Killers (2021)

Có lẽ nhiều người Việt đã biết và đã xem, đây là film tài liệu của BBC Two về quá trình điều tra và tìm bắt thủ phạm gây ra cái chết của 39 người Việt trong xe tải ở Essex năm 2019.

Bắt đầu bằng cú điện thoại cho 999 của tài xế xe tải khi tìm thấy tử thi, bộ film thể hiện quá trình cảnh sát di chuyển xe tải, thu nhập bằng chứng; tra hỏi tên tài xế; nhận dạng nạn nhân; tìm cách xác định đường đi của xe tải cũng như thời gian và nơi nạn nhân ngừng thở; truy tìm manh mối của cả đường dây buôn lậu người…

Bộ film làm khách quan, không có mùi tuyên truyền (như một số film tài liệu khác tôi xem trong năm), nhưng có thể cho thấy quá trình gian nan nguy hiểm của “thùng nhân” Việt tìm cách vào Anh quốc; sự tham lam và vô cảm của những kẻ buôn lậu người; cũng như nỗi khốn khổ của họ hàng 39 nạn nhân, vừa mất người thân, vừa mất tiền và phải cõng trên lưng món nợ không đời nào trả nổi.

Bộ film cũng khiến người Anh biết hơn về người Việt và “thùng nhân”.

  1. Unreported World: The Toxic Cost of Going Green (2021)

Dài khoảng 24 phút, đây là một tập trong chương trình Unreported World của Channel 4.

Khủng hoảng khí hậu vài năm gần đây là vấn đề nóng và phong trào môi trường đang lắm sức ảnh hưởng. Tuy nhiên rất nhiều thứ tưởng là xanh, tưởng là tốt môi trường lại không xanh như người ta nghĩ: xe hơi điện (electric car) là một ví dụ. Xe hơi điện có thể không dùng xăng nhưng cần pin, và để tạo pin cần có cobalt—70% lượng cobalt trên thế giới là ở Congo. Trong khi người dân các nước phát triển hăm hở dùng xe hơi điện và nghĩ mình đóng góp bảo vệ môi trường, bản thân đất nước cung cấp lượng cobalt chính cho thế giới phải trả cái giá rất cao. Bộ film tài liệu cho thấy tác hại nặng nề đến môi trường và sức khỏe người dân quanh các mỏ lộ thiên ở Congo.

Cùng năm, chương trình Panorama của BBC cũng làm về chủ đề tương tự trong tập The Electric Car Revolution: Winners & Losers, nhưng chủ yếu nhắm vào hãng xe hơi điện Tesla và Elon Musk (tỷ phú và CEO của Tesla). Tuy nhiên tập film của Unreported World thú vị và hiệu quả hơn hẳn—không đánh riêng ai nhưng cho thấy hậu quả khủng khiếp và di chứng nặng nề từ khai thác cobalt.

Chương trình này hiện có thể xem miễn phí trên Youtube1.

  1. Stacey Dooley Investigates: Canada’s Lost Girls (2017)

Dài 47 phút, đây là một tập thuộc chương trình Stacey Dooley Investigates của BBC. Ra năm 2017, vài năm trước khi vấn đề chủng tộc và đặc biệt mâu thuẫn trong lịch sử giữa người da trắng và các cộng đồng thổ dân bị lôi ra và trở thành vấn đề nóng ở Canada, nhà báo người Anh Stacey Dooley đã sang Canada tìm hiểu về sự biến mất và cái chết của hơn một ngàn phụ nữ thổ dân ở đó.

Film tài liệu cho thấy một số vùng ở Canada bị thiếu thốn, khiến người ta phải đi sang tỉnh khác chỉ để mua đồ ăn hoặc đi nha sĩ, nhưng lại không có phương tiện giao thông công cộng giữa hai nơi, khiến nhiều phụ nữ không xe phải đi nhờ và lắm lúc mất tích hoặc bị giết chết. Bộ film cũng cho thấy cảnh sát đôi khi có thể lơ là, không làm gì nhiều, vì các cộng đồng thổ dân thường có tỷ lệ tội phạm, dùng ma túy, hoặc mại dâm cao hơn các cộng đồng khác.

Ðây là một film tài liệu khách quan về một vấn đề ít người biết tới về Canada. Ở Anh quốc, hiện có trên BBC iPlayer.

  1. Dispatches: Vaccine Wars: Truth About Pfizer (2021)

Ðây là một tập thuộc Dispatches, chương trình thuộc thể loại báo chí điều tra (investigative journalism) của Channel 4.

Film tài liệu làm về Pfizer và cuộc chiến vaccine mùa Covid. Pfizer–BioNTech có lẽ là vaccine được ca ngợi nhất và mang tiếng tốt nhất trong các vaccine Covid, nhưng Dispatches cho thấy Pfizer tạo vaccine không chỉ để cứu người và chống dịch mà còn để kiếm tiền và kiếm lời, trong khi AstraZeneca của Oxford không phải vì lợi nhuận. Quan trọng hơn, Dispatches cũng cho thấy Pfizer chơi xấu AstraZeneca, và ăn gian trong quá trình phê chuẩn vaccine.

Sau khi film tài liệu tung ra, Pfizer đã đưa ra phát biểu để đáp trả Dispatches của Channel 4 về vấn đề giá cả, lợi nhuận, phân phối vaccine cho các nước nghèo và nước đang phát triển, và chối là không liên quan tới các cuộc tấn công với AstraZeneca. Tuy nhiên, Pfizer không nói gì về lời cáo buộc của Dispatches về ăn gian trong quá trình phê chuẩn vaccine2.

Khán giả có thể đồng ý hoặc không đồng ý, nhưng Dispatches là một chương trình tài liệu có uy tín ở Anh quốc và đây là một tập thú vị về tranh cãi về vaccine.

HDN

1: https://youtu.be/ipOeH7GW0M8

2: https://www.pfizer.co.uk/news-and-featured-stories/our-response-to-channel-4-dispatches