“Người lên ngựa kẻ chia bào. Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san.” Đó cũng là hình ảnh bi tráng của cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ. Thuở mà người và ngựa làm nên lịch sử. Thời chiến tranh dựa vào sức ngựa. Và vai trò của Mã y – người chăm sóc y tế cho ngựa rất là quan trọng, góp phần quyết định chiến thắng.

ma-y-thoi-noi-chien

Người Mỹ ngày nay gọi bác sĩ Thú y là Veterinary (Vet). Dựa vào tiếng Latin: Veterinae nghĩa là các con thú nuôi để làm việc đồng áng. Ngày xưa họ là Horse Doctor – Mã y. Họ là bác sĩ, chuyên viên Thú y, chữa bệnh tật và thương tích cho ngựa, bò, la được dùng trong quân đội. Trường dạy Thú y đầu tiên ở Lyon, Pháp năm 1761. Nhưng ở thời thuộc địa của Mỹ thì chưa có. Các bệnh tật gia súc hay ngựa bò thường bị cho là tà ám, trời hại… Ngay cả các bác sĩ cũng chưa có khái niệm về vi khuẩn và kiến thức giải phẫu thú vật. Ngựa bệnh thường được giao cho nài ngựa và các thợ rèn đóng móng ngựa chăm sóc. Từ thời tướng George Washington trong cuộc cách mạng giành độc lập năm 1776 thì vai trò của người thợ đóng móng ngựa là Mã y cho mỗi trung đoàn. Anh ta phải lo mọi chuyện về ngựa, các bệnh thông thường, rành tính khí thói quen của ngựa… Những người thợ đóng móng ngựa này đã hình thành nên đội quân Thú y đầu tiên cho nước Mỹ.

ma-y-thoi-noi-chien4

Thợ lò rèn làm móng ngựa (1850s)

Khi nội chiến nổ ra, miền Bắc với kỹ nghệ công nghiệp tân tiến, máy làm móng ngựa Burden Horseshoe đã làm ra 60 móng sắt/phút đã góp phần tạo nên ưu thế trong nội chiến. Hàng chuyến tàu chở móng sắt cho ngựa rời New York đến các mặt trận, giúp kỵ binh, các ngựa kéo pháo, các nhà bếp wagon và các kho quân cụ phục vụ mặt trận. Thiếu hụt thợ làm móng, phe Union đã tuyển mộ hàng ngàn di dân từ Châu Âu lành nghề đóng móng ngựa.

Theo tài liệu Quân Y thì không có bác sĩ, chuyên viên Thú y nào trong quân đội. George Dadd, một di dân người Anh tốt nghiệp trường Thú y đến Mỹ định cư và hành nghề vào năm 1845. Ông đã xuất bản nhiều sách y khoa về ngựa và gia súc. Dadd thành lập trường đào tạo Thú y Boston, đại học đầu tiên của Mỹ. Nhưng trường đóng cửa năm 1850. Vào thời điểm ấy nước Mỹ chuẩn bị đi vào cuộc cách mạng kỹ nghệ, các trường lớp Thú y này sinh hoạt thưa thớt, không phổ biến. Người ta nghĩ đến tàu lửa, máy dệt, súng đạn… hơn là học để lo cho ngựa bệnh.

ma-y-thoi-noi-chien3

Các Mã y mặc tạp dề, mang búa, móng sắt mới được phe Union tuyển dụng – 1862

Quân đội đã phát triển các đơn vị hải quân, bộ binh và kỵ binh. Và phải ký hợp đồng với các chuyên viên Thú y tư nhân để chăm sóc cho ngựa, bò bịnh… Các tay Mã y này cũng không được huấn luyện trường lớp, nhiều người vào nghề chỉ nhờ kinh nghiệm nuôi ngựa. Do đó quân đội cần có đội quân Mã y. Họ lại gặp khó khăn khi sắp xếp vị trí, cấp bậc cho các Mã y, cũng như đề bạt lên quốc hội thành lập trường dạy Thú y của quân đội. Thực tế thì quân đội Mỹ lúc ấy ít đầu tư ngân sách vào Thú y, lại nghiêng về tìm kiếm nguồn thú mới được dùng trong quân đội, đó là lạc đà. Mộr sĩ quan bảo rằng thà có 1 con lạc đà hơn là 4 con la. Tuy vậy trước khi quốc hội xiêu lòng và chấp thuận đầu tư dồi dào vào lạc đà từ Châu Phi thì nội chiến nổ ra. Jefferson Davis, người luôn ủng hộ trang bị lạc đà cho quân đội khi còn là bộ trưởng chiến tranh, trở thành tổng thống phe miền Nam. Và thế là đội quân lạc đà bị dẹp.

Thời ấy mọi vận chuyển hành quân và tấn công đều dựa vào mã lực, ngựa rất quan trọng cho việc chiến thắng. Các sĩ quan đều cưỡi ngựa. Kỵ binh là lực lượng chủ lực và liên lạc giữa các đoàn quân. Ngựa luôn là mục tiêu sát thương của các tay súng kíp, mỗi viên đạn minie ball có thể sát thương 1 binh sĩ nhưng cần ít nhất 5-7 viên đạn mới hạ gục con ngựa, nếu không trúng tử huyệt. Và tầm hỏa không chính xác của súng kíp dễ làm thương tích ngựa. Ngựa dùng trong tấn công và tháo chạy, dùng cả làm bia chống đạn bắn trả. Cả 2 phe đều có trại phòng vệ chữa ngựa bệnh hay bị thương sau chiến tuyến. Tuy vậy thiếu hụt các chuyên viên Thú y nên kết thúc của các con ngựa bị thương thường là phát súng ngắn vào đầu. Bởi 2 phe đều không muốn ngựa lọt vào tay địch.

ma-y-thoi-noi-chien2

Quân Union còn mang theo những chiếc xe có lò rèn lưu động, để sửa chữa và đóng móng ngựa nơi chiến tuyến

Vào đầu cuộc chiến phe miền Bắc có chừng 3.4 triệu con ngựa, trong khi miền Nam có 1.8 triệu. Các con ngựa miền Bắc thường dùng trong trang trại và thích hợp cho vận chuyển. Phe miền Bắc giàu có cung cấp khẩu phần cho ngựa đến 12 kg một ngày (cỏ và ngũ cốc), khi hành quân các chiến sĩ được lệnh thu gặt cỏ, lúa mạch mỗi khi trú đóng dự phần lương thực cho ngựa. Trong khi các con ngựa miền Nam thường dùng cho cưỡi và đua ngựa. Do đó quân miền Nam có kỵ binh tinh nhuệ hơn. Nhưng phe miền Nam nghèo khó, khẩu phần cho ngựa chỉ có chừng 1.2 kg bắp. Ngựa miền Nam có được phần lớn ở Kentucky, Tennessee, Missouri và Texas. Ba tiểu bang trên lại rơi về phe Union, nên phe Confederate thiếu hụt nhiều ngựa. Họ cũng thiếu thốn nguồn sắt thép cần thiết cho chế tạo vũ khí và móng ngựa. Không có nhà máy sản xuất móng ngựa nào ở miền Nam. Mệnh lệnh được giao khi tấn công các đồn trại, đoàn tàu của Union là thu lượm móng ngựa và tiền bạc. Ngay cả lột móng sắt của các con ngựa chết trong trận chiến. Kỵ binh phải tự trả thêm 40 xu một ngày để chăm sóc ngựa của mình. Nếu ngựa chết vì trúng đạn sẽ được hoàn lại tiền, nếu ngựa chết vì bệnh thì sẽ mất tiền. Các con ngựa còn lại của thường dân đều được mua với giá 500 đô/con, nhưng dân chúng lại tìm cách bán chợ đen với giá cao hơn gấp đôi. Những con ngựa khi mua về lại thường đau yếu và bệnh, mòn gót. Sau tháng Giêng 1865 thì phe miền Nam mới tìm cách tuyển dụng Mã y chuyên nghiệp, nhưng cuộc chiến đã đến hồi kết thúc.

Toàn 2 phe Nam – Bắc khi lâm vào cuộc nội chiến thì có khoảng 15 Mã y, họ đều được học ở Châu Âu. Khi các trận đánh bắt đầu và lan rộng cả nước thì số lượng ngựa, la được trưng dụng càng nhiều. Cấp bậc Trung sĩ Thú y ra đời, lo trách nhiệm cho 3 tiểu đoàn kỵ binh. Lương 17 đô (cao hơn binh sĩ là 13 đô) cùng khẩu phần, chỗ ngủ và 1 con ngựa riêng. Thiếu hụt kiến thức y khoa và Thú y nên nhiệm vụ chăm sóc ngựa hầu như được giao cho mỗi kỵ binh. Họ được phát cuốn sách chỉ dẫn in năm 1783 tựa “Mỗi binh sĩ là một Mã y” cùng hộp thuốc men. Có một lần đội quân Union nhận được một đàn ngựa yếu, sĩ quan giao cho 5 Mã y chăm sóc. Họ trộn thuốc từ nước, bột mì và arsenic. Ngựa chết và các Mã y này bị sa thải.

ma-y-thoi-noi-chien1

Đài tưởng niệm Quân đoàn Thú y Hoa Kỳ tại Bảo tàng Quân đội Hoa Kỳ tại Fort Sam Houston, Texas. Photo Credit: U.S. Army

Khi cuộc nội chiến đi vào năm thứ nhì khốc liệt, số tử vong của người và ngựa ngày càng cao, Bộ Chiến Tranh của Mỹ mới khẩn thiết ra điều lệnh #259 năm 1863, trả 75 đô/tháng cho Mã y, cao hơn 4 lần. Nhiệm vụ: chăm sóc và chữa trị bệnh cho ngựa, có kiến thức về y khoa giải phẫu, sinh lý học, hóa chất và thuốc men, bệnh tật của ngựa. Dạo ấy bệnh lở mồm (glanders) đã làm ngựa chết nhiều. Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ. Bởi bệnh do vi khuẩn lây lan rất nhanh trong đàn. Có chừng 1.7 triệu con ngựa và la chết trong cuộc chiến. Phần lớn là dịch bệnh và đau yếu hơn là trúng đạn. Quân đội Mỹ lại nâng cao hơn bậc lương Mã y tương đương cấp bậc thiếu tá 100 đô/tháng và đòi hỏi bằng cấp đại học chuyên nghiệp.

Thế nhưng ảnh hưởng lớn đến ngành Thú y phải nhờ đến đạo luật Morrill năm 1862, cho phép các tiểu bang dùng đất đai của liên bang để xây dựng trường đại học, nhằm phục vụ kỹ thuật, văn hóa, nông nghiệp và quân đội. Nhiều trong các trường này thành lập các phân khoa Thú y. Nước Mỹ sau cuộc chiến mở rộng di dân về phía tây với các miền đất bao la, ngành Thú y cũng phát triển dần sau đó. Và mãi đến năm 1916 thì lính Thú y mới chính thức thành lập trong quân đội Mỹ.

Ngày nay các Mã y bao gồm chăm sóc không chỉ riêng ngựa mà các thú nuôi, lương khá cao nên lôi cuốn nhiều người yêu thích thú vật theo học. Dù họ phải trải qua 8 -10 năm trời đằng đẵng để có được bằng bác sĩ Thú y (DVM).

SB