Cũng như người da đỏ bản xứ, cuộc Nội Chiến Mỹ đã cuốn theo hàng chục ngàn người Hispanic. Mang dòng máu tổ tiên nói tiếng Tây Ban Nha, sinh sống ở Mỹ từ xưa khi người Tây Ban Nha đi khám phá miền Tân Thế Giới, họ ở đó trong thời California, Texas và New Mexico thuộc Mễ Tây Cơ (thuộc địa của Tây Ban Nha) và ở bờ Đông Nam như Florida, Louisiana, S. Carolina. Ba nhóm cộng đồng Hispanic lớn nhất là từ Mexico, Puerto Rico và Cuba đã đóng góp hơn 3,500 người cho cuộc chiến ở cả hai phe.

nguoi-hispanic-trong-noi-chien3

Đô đốc  David G. Farragut, 1863

Trong khi vết thương từ cuộc chiến Mỹ-Mễ 1846-1848 còn chưa liền da, thì người Mễ tại Mỹ đã chứng kiến và lúng túng chọn chỗ đứng sống còn trong cuộc Nội Chiến. Thoạt đầu những người Tejanos (người Mễ sống tại Texas) cố gắng trung lập và tránh bị lôi cuốn vào bất cứ phe nào. Trong mắt người Mỹ trắng, người Mễ còn chứa hận thù và không đáng tin cậy. Ðể tránh bị cưỡng bức nhập ngũ, họ khai là công dân Mễ. Và thực sự họ là người Mễ. Thế nhưng dưới sức ép của chiến tranh, phần lớn người Mễ ở California, New Mexico đã gia nhập Union, trong khi ở Texas họ lại theo Confederate.

Khi California theo Union, Confederate cố gắng kiểm soát và lôi kéo New Mexico về phe mình, các mỏ vàng bạc và vị trí chiến lược bờ Tây là mục tiêu cho Confederate. Các trận tấn công vào Arizona, Tucson đầu năm 1862 đã dành miền đất cho phe Confederate, tương tự như các nơi khác, người Hispanic phải theo Confederate, cũng để được bảo vệ trước các cuộc đánh phá của người da đỏ Apache.

nguoi-hispanic-trong-noi-chien2

Mô hình trận chiến cuối cùng của Nội Chiến ở Palmito Ranch, Texas

Mexico đã cấm buôn bán nô lệ năm 1829, vài năm sau thì Mễ Tây Cơ giành độc lập từ Tây Ban Nha. Họ sống nghèo khổ và theo Union vì ủng hộ chính sách bãi nô, lương lính 13 đô la mỗi tháng lại đầy hứa hẹn. Ở phía Nam Texas trước đó đã có những con đường bí mật giúp các nô lệ da đen bỏ trốn và chạy thoát sang Mễ. Họ cầm súng theo Union vì tiểu bang California lúc ấy lại gia nhập liên bang. Chiến đấu ở đó họ sẽ gần được quê nhà, người thân. Tháng 3, 1862 Trung tá Manuel Chávez đã dẫn liên quân tấn công một đoàn tàu chở quân nhu trên đèo Glorieta, giành chiến thắng cho Union và đẩy lực lượng Confederate ra khỏi New Mexico. Chiến thắng này được xem là Gettysburg ở Miền Tây. Chuẩn tướng Stephen Vincent Benet, sinh ở St. Augustin, tốt nghiệp trường võ bị West Point tham gia Union làm rạng danh người lính gốc Tây Ban Nha trong Nội Chiến. Nổi bật nhất là Ðô đốc Hải quân Union David G. Farragut (1801-1870) với các chiến thắng ở New Orleans, nhất là trong trận thủy chiến ở Mobile Bay, Alabama. Ông đã gan dạ ra lệnh: “Kệ mẹ thủy lôi, phóng hết ga!”(Damn the torpedoes. Full steam ahead.) Ở miền Bắc Philadelphia, New York và Boston, cũng có nhiều người Hispanic nguồn gốc từ Spain, Portugal, Cuba, Puerto Rico và Mexico theo Union.

Trong khi ở phía Nam và bờ Ðông như Texas, Alabama, Mississippi, Louisiana và Florida thì có nhiều người Hispanic gắn bó với đồn điền, buôn bán bông gòn và nô lệ. Tất nhiên là họ ủng hộ Confederate. Ở Louisiana, 800 người Hispanic đã gia nhập lữ đoàn gồm nhiều lính Nam Mỹ gốc Latin khét tiếng gọi là Cọp Louisiana, cùng sát cánh với tướng Lee tham gia các trận đánh kinh hoàng ở Antietam và Gettysburg. Không chỉ tham gia quân đội, những người dân như Lola Sánchez, gốc Cuba sống ở Florida, cha bị Union truy tố là gián điệp của Confederate, Lola trở thành nữ tình báo khi quân Union chiếm cứ nhà của mình ở Florida, Lola đã nghe lén và mật báo các kế hoạch hành quân của Union cho Confederate và bao vây tấn công trước.

nguoi-hispanic-trong-noi-chien1

Poster tuyển mộ nhập ngũ

Ðiền chủ Santos Benavides ở Laredo trở thành đại tá tiểu đoàn 33 Kỵ binh Texas, Confederate, nhiệt tình tham gia cuộc chiến và truy đuổi tìm bắt các nô lệ ở tận Mexico về lại Mỹ để lãnh thưởng. Những người Mễ theo Confederate tham chiến đến nơi xa như Virginia và Pennsylvania. Dù họ thiếu trang bị vũ khí, thiếu thực phẩm và phải hành quân đi bộ suốt miền đất rộng phía Nam Texas, nhưng họ chưa bao giờ thua trận (thực sự thì các trận chiến lớn trong Nội Chiến xảy ra ở phía Bắc và Ðông). Khi quân Union thiết lập vòng vây vĩ đại bao trùm từ Canada, bờ biển Ðại Tây Dương đến Vịnh Mễ Tây Cơ. Con đường sông Mississippi huyết mạch lại bị Union kiểm soát, cắt đôi phe miền Nam làm hai, thì các trận chiến ở các cảng và thành phố biên giới như New Orleans, Laredo, Brownsville và sông Río Grande mới trở nên quyết liệt.

Khi tướng Lee chấp nhận đầu hàng vào tháng 4 năm 1865, tin tức lan xa. Thế nhưng ở những nơi xa xôi như Texas và trên biển cả thì cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. Ngày 12 tháng 5, 1865 cả hai phe dàn trận gần trang trại Palmito ở Brownsville, thành phố biên giới Mỹ-Mễ. Ngày đầu tiên phe Union tấn công và chiến thắng, nhưng sang ngày thứ 2 thì gặp sự phản công và tiếp viện của một đội lính Pháp đang chiếm đóng ở Matamoros trên đất Mexico. Binh nhì John J. Williams của tiểu đoàn bộ binh 34th Indiana là nạn nhân cuối cùng trong số 620,000 binh sĩ Mỹ chết trong cuộc Nội Chiến. (Khi nước Mỹ đang hỗn chiến thì quân đội lính Pháp, Anh và Tây Ban Nha đến Veracruz, Mexico để đòi nợ Tổng thống Mễ Benito Juárez. Khi Anh và Tây Ban Nha rút về thì Pháp đã thầm lặng ở lại và can thiệp vào Mexico lần thứ nhì. Pháp đưa quân lên đánh tận biên giới Mỹ – Mễ.) Và trận chiến ở Palmito, cực Nam Texas được xem là trận chiến cuối cùng của Nội Chiến Bắc Nam. Trận thắng của Confederate.

nguoi-hispanic-trong-noi-chien

Nhà tưởng niệm trận đánh ở Glorieta tại New Mexico

Với Tu Chánh Án 13 sau Nội Chiến, những người nô lệ da đen hưởng quyền lợi và công lý. Nước Mỹ sau Nội Chiến là biểu tượng của tự do và dân chủ trên thế giới. Các nô lệ da đen ở Cuba cũng giành được tự do. Jose Marti chỉ có 12 tuổi khi Lincoln bị ám sát, sau đó làm lãnh tụ đấu tranh cho Cuba giành độc lập từ Tây Ban Nha, cũng ngưỡng mộ Lincoln và luôn đeo băng vải đen nơi cánh tay. Nhưng thời kỳ tái thiết đất nước sau Nội Chiến lại còn lắm lao đao cho các Hispanic. Do còn hận vì thua trận, các tiểu bang miền Nam cố giành quyền tự quyết và cải tổ riêng. Luật Jim Crow trong giai đoạn từ năm 1877 đến giữa thập niên 60 của thế kỷ trước vẫn nặng kỳ thị lên các người da đen trong các sinh hoạt công cộng, trường học… ảnh hưởng luôn cả người da nâu Hispanic. Ðiển hình là vụ Thượng sĩ Marcario García, người Mễ đầu tiên được Tổng thống Truman gắn Huy chương Danh dự trong thế chiến 2 ở Tòa Bạch Ốc năm 1945, một tháng sau khi trở về quê quán Houston, ông bị từ chối phục vụ ở quán cà phê Oasis. Và ngay cả bị chủ quán đánh đuổi bằng gậy…

Nền kinh tế khó khăn sau Nội Chiến và sự kỳ thị cùng cạnh tranh thương mại, làm phần đông những người Hispanic không kỹ năng và học vấn phải làm lao động trên các đường rầy xe lửa, cánh đồng nông trại, các công việc nặng nhọc với đồng lương thấp. Gần 60 ngàn cuốn sách viết về Nội Chiến trong khi chỉ có vài dòng nói về sự đóng góp của người Hispanic trong Nội Chiến. Thiếu vắng những tượng đài vinh danh họ. Các địa danh lịch sử về người Hispanic trong Nội Chiến cũng điêu tàn.

Thực sự thì vào thời điểm Nội Chiến năm 1860 di dân nước ngoài chiếm đến 13% dân số nước Mỹ. 1/4 số quân Union là di dân, phần lớn là người Ðức, Ireland… Những người Hispanic nhất là cộng đồng người Mễ ở tiểu bang phía Nam như New Mexico và Texas phần đông tham gia Confederate – Phe thua trận. Con số binh lính Hispanic tham gia Nội Chiến chừng như nhỏ nhoi mờ nhạt trong sử sách. Và phải chăng như Thủ tướng Anh Winston Churchill nói: Lịch sử được viết bởi kẻ chiến thắng?

SB

Austin, TX