Theo Lĩnh Nam Chích Quái (phần Hồng Bàng Thị Truyện) thì người dân Bách Việt đã có tục xăm mình hình thủy quái để tránh thuồng luồng gây hại khi xuống nước đánh bắt cá. Các binh sĩ thời nhà Trần cũng xăm lên tay 2 chữ “Sát Thát” chống quân xâm lược Nguyên Mông. Cũng theo các nhân vật huyền thoại đầy ly kỳ của Kim Dung, các bí kíp võ lâm thường được xăm lên da, vĩnh viễn theo thân xác chủ nhân khát vọng bá chủ thiên hạ.
Xăm mình có từ ngàn xưa ở mọi tầng lớp. Người La Mã xưa xăm mình để đánh dấu giúp nhận dạng các nô lệ, tù nhân, kẻ đào ngũ. Họ dùng vỏ cây, rỉ đồng và acid sulfuric làm mực xăm. Xăm mình phổ biến bắt đầu từ trong quân đội, nơi các binh sĩ đối diện với các chết, nơi chốn đấu trường nhận dạng phe phái và cả nhận dạng khi bị giết. Trong một trận chiến xưa năm 1066, vua Anh Harold II khi chống trả quân Norman xâm lăng, bị chém lột áo quần không còn nhận dạng được, phải nhờ vết xăm hàng chữ: Edith và England trên ngực, thì hoàng hậu mới nhận ra.
Từ xăm mình theo tiếng anh Tattoo, dựa theo tiếng thổ dân các quần đảo nam Thái Bình Dương gọi là Tatau, khi thuyền trưởng James Cook đến vào năm 1769, nhìn thấy các hình xăm đầy trên cơ thể thổ dân. Ở Mỹ thời hoang sơ, trước khi các nhà thám hiểm và thương buôn Châu Âu đến, người thổ dân da đỏ cũng xăm mình vằn vện, vừa ngụy trang, đe dọa kẻ thù và tín ngưỡng thần linh. Người Châu Âu ghi chép sổ sách, đặt tên và nhận dạng họ qua các vết xăm. Khi cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc, giữa các quốc gia Anh, Pháp và người Mỹ ở thuộc địa, thì sổ sách tuyển binh cũng dựa vào các vệt xăm và phân định các bộ lạc, các nhóm lính. Ðến khi cuộc chiến 7 năm 1754-1763 giữa Pháp và Anh tranh giành thuộc địa ở Bắc Mỹ, quân đội Hoàng gia Anh ép nhập ngũ các thủy thủ Mỹ, mặc dù họ có “Sailor Protection Certificate”, giấy xác nhận thủy thủ năm 1796 là công dân Mỹ đều bị phớt lờ và xé bỏ. Ðể tránh nhập ngũ họ phải xăm mình làm dấu mình là thủy thủ Mỹ. Cánh tay phải có xăm hình chiếc tàu, tay trái là năm sinh. Ngoài ra còn có quê quán, người thân…
Trong mắt người Mỹ trắng thì xăm mình là “tội phạm”, “mọi rợ”, không khai hóa và văn minh. Quan niệm này thay đổi khi Nội Chiến nổ ra. Các lính hải quân là những người đầu tiên xăm mình trong các binh chủng. Họ xăm mình để nói lên cá tính đặc thù và của cả nhóm. Họ cũng tin rằng xăm mình sẽ hù dọa, làm kẻ thù hoảng sợ khi đối diện trận chiến. Những hình xăm thường là lá cờ Mỹ, Con Ó, Chú Sam, Nữ thần Columbia tượng trưng cho nước Mỹ mới khai sanh, tướng George Washington… Chiến tranh lan rộng thì xăm mình cũng lan đến các kỵ binh và bộ binh. Dù trước đó các hình xăm đã được xăm từ các bàn tay vô danh trong khắp chốn dân dã, nhưng Martin Hildebrandt được xem là nghệ nhân xăm mình đầu tiên được sử sách ghi lại.
Năm 1846 Hildebrandt di cư từ Ðức đến mở tiệm xăm đầu tiên ở New York. Từ năm 1846 và đến những năm đỉnh điểm của nội chiến, Hildebrandt đã trổ tài xăm mình lên hàng ngàn binh sĩ Union khi ông gia nhập Quân đoàn Potomac của Union. Hình xăm phổ biến là con heo và con gà trên chân, vì chúng là 2 con vật sống sót khi tàu đắm, bởi gà heo thường nhốt trong cũi gỗ, khi tàu đắm nổi trên sóng nước. Hình xăm còn mô tả các trận chiến, các chiến hạm Monitor và Merrimac, Alabama và Kearsage… Một nhóm thủy thủ tự xưng là “Star Gang” đã xăm trên trán ngôi sao để thể hiện lòng ái quốc với chiến hạm Alabama. Ngoài sự thể hiện cá tính qua nét xăm, binh lính xăm mình hầu hết cho việc nhận dạng cá nhân trong cuộc chiến tranh kinh hoàng, mà cái chết là điều tất yếu. Nét xăm với các hình vẽ, ký hiệu, màu sắc đặc trưng là một tấm thẻ bài trong quân ngũ. Cái neo cho hải quân, đầu ngựa cho kỵ binh, súng dài cho bộ binh… Các vạch thêu cấp bậc, các lon quân hàm đều bị rách nát, bị lột, nhưng các hình xăm trên thân hình các chiến binh thì còn mãi. Binh lính còn xăm mình để tưởng nhớ các kỷ niệm với các huynh đệ cùng vào sanh ra tử, những người thân yêu nơi xa, những kỷ niệm khó quên trong đời, với các chữ cái, ký tắt tên gọi hay quê nhà…
Hildebrandt không chỉ xăm mình cho phe Union mà còn cho các binh sĩ của phe Confederate. Với các chiến sĩ phe miền Nam, ông thường lấy giá thấp hơn, bởi lẽ họ không có tiền… Thời đó, phương thức xăm mình rất cổ điển, đau đớn và thiếu an toàn vệ sinh. Khi Robert Sneden, một lính Union bị bắt làm tù binh và nhốt trong trại giam khét tiếng Andersonville của Confederate, Sneden đã chứng kiến một tay xăm mình tên Old Jack đã dùng 6 đến 12 cây kim nhỏ 0.35mm, cột lại và xăm cho các tù binh. Giá từ 1 đến 5 đô (chừng 30-150 đô ngày nay). Old Jack nhúng kim vào mực đen, đỏ. Mực được trộn với bột thuốc súng. Kim được châm vào da ở góc nghiêng 45 độ, hơn 1 giờ để hoàn thành một hình xăm. Máu và mực được lau rửa bằng nước lã, nước tiểu. Ít khi có cồn hay rượu rum hoặc brandy để sát trùng. Da thịt sưng vù, tấy đỏ, đau nhức vài ngày trời.
Xăm mình trở nên phổ biến, và các lều trại đều có các amateur hành nghề, bởi các binh sĩ ngày ấy đều không muốn bị chôn cất trong các huyệt mộ vô danh. Các hình xăm thông dụng là trái tim, lá cờ, súng, lá chắn, tên họ, binh chủng… đến các vị thần Vệ nữ, đôi khi các phụ nữ đẹp khỏa thân một nửa. Một thủy thủ đoàn trên tàu sau chiến trận đã xăm hình ngôi sao trên trán. Nhưng các nét xăm này lại là mối nguy cho họ ở trận chiến sau này. Trong một trận giáp lá-cà, một pháo thủ xăm hàng chữ Fort Pillow trên cánh tay (nơi quân Union bị thảm sát). Phe Union khi thấy nét xăm đã giận dữ vây quanh. Lưỡi lê và các viên đạn ghim nát chàng lính này.
Phải đến năm 1880 khi O’Reilley phát minh ra máy xăm bằng điện, dựa theo cây bút chạy bằng điện của Thomas Edison, thì xăm mình mới được nâng lên thành nghệ thuật bằng các họa tiết sắc màu tinh tế, gọi là tattaugraph. O’Reilley mở studio xăm mình năm 1875 ở New York và dạy nghề, ông tuyên bố: “Một thủy thủ không có hình xăm cũng giống như con tàu thiếu rượu mạnh, không thể ra khơi được”. Khách hàng xăm mình không chỉ là binh sĩ mà còn có các sĩ quan. Ngay cả phụ nữ. Ở các bến cảng và đô thị đều mọc lên các studio xăm mình. Vết xăm theo các thủy thủ lênh đênh sóng nước đi khắp thế giới.
Xăm mình đã phổ biến ở các đoàn xiếc, các gánh trình diễn các show kỳ dị, quái đản… vào những năm 1850. Nổi bật là gánh xiếc P.T. Barnum gây tiếng vang quốc tế. Ngoài các tiết mục xiếc và thú vật, còn có các người da đỏ, đàn bà, người lùn, thú vật được xăm mình.Maud Wagner, được xem là phụ nữ Mỹ trắng đầu tiên xăm mình. Những năm đầu 1900, bà làm diễn viên xiếc, nhào lộn và uốn dẻo ở Hội chợ Quốc tế St. Louis. Ở đó bà gặp Gus Wagner, một nghệ nhân xăm mình nổi tiếng. Từ một nét xăm trên cánh tay, dần dà bà xăm luôn toàn bộ thân thể. Họ cưới nhau và Wagner trở thành tay xăm chuyên nghiệp.
Trong một thời gian dài, xăm mình vẫn đứng bên lề dòng chảy văn hóa nghệ thuật chính thống của Mỹ, chỉ phổ biến ở binh sĩ, các băng đảng, các nhóm bikers, rạp xiếc… Phải đến sau 1970, khi các phong trào phản chiến, trào lưu phản văn hóa, các hoạt động và xu hướng nổi loạn thể hiện sự độc lập cá tính, thì các ban nhạc, các ngôi sao thể thao, các diễn viên điện ảnh đã xăm mình dù ở chỗ kín hay phơi trần. Xăm mình đã hòa nhập trở thành nghệ thuật body art trong mắt người dân Mỹ. Xăm mình cũng chịu nhiều thăng trầm trong lịch sử, quân lính bị cấm đoán mang họa tiết phụ nữ khỏa thân trong Thế chiến 2, cũng như giới hạn kích thước và một số nơi trên cơ thể. Do nguy cơ lây bệnh viêm gan siêu vi mà tiểu bang New York đã cấm các nghệ nhân hành nghề xăm mình cho đến năm 1997; Massachusetts cấm đến năm 2000. Theo thống kê gần đây thì 38% người dân Mỹ ở độ tuổi từ 18 đến 29 có ít nhất một hình xăm. 17% trong số đó hối tiếc là đã xăm mình. Và phần lớn lý do là đã xăm tên người yêu muôn thuở. Nay cái thuở “thiên thu” đẹp ngời ấy không còn nữa.
“Xa quê hương, nhớ mẹ hiền”. “Hận đời đen bạc, hận kẻ bạc tình”. Những hình xăm trái tim yêu quê hương, yêu người tình, nhớ mẹ, thương con…không nằm trong lá thư từ tiền tuyến mà còn nằm trên làn da sậm màu chinh chiến, nằm trên lồng ngực oai hùng, nơi tuổi trẻ và chí lớn mang hoài tình yêu bất tử cho quê hương đất nước. Ðó là những hình ảnh chàng lính trẻ trong bất kỳ cuộc chiến tang thương nào.
SB
Austin, TX