Như một trận hồng thủy kéo dài suốt 4 năm, gây tang thương kinh hoàng, xé rách nước Mỹ làm đôi. Cơn bão nội chiến đã cuốn theo nhiều cường quốc trên thế giới, cuộn sóng 2 bờ đại dương. Và cũng đã xô dạt số phận của những người da đỏ!
Khi nội chiến bắt đầu, các cường quốc trên thế giới như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hòa Lan… đã chọn vị trí trung lập; đứng ngoài cuộc, tìm cơ hội để liên minh khi biết chắc kết quả, trong khi vẫn tìm cách làm giàu, bán vũ khí, quân cụ qua cuộc chiến. Với thân phận nhược tiểu, người da đỏ bản xứ lo âu và thoạt đầu cũng tìm cách khoanh tay đứng nhìn.
Khi Tổng thống Lincoln đắc cử vào năm 1860, với chính sách bãi nô cùng sự bất đồng về quyền lực của chính phủ liên bang và tiểu bang, sự phát triển về miền Tây… đã làm nước Mỹ chia cắt. Ðầu tiên là tiểu bang S. Carolina từ bỏ liên bang vào tháng 12, 1860, 2 tháng sau Mississippi, Florida, Alabama, Georgia, Louisiana và Texas nối gót. Các tiểu bang này hợp lại thành lập chính phủ Confederate Miền Nam. Tổng thống Lincoln và chính phủ liên bang không chấp nhận sự ly khai cũng không nhìn nhận tính chính danh của Confederate. Bốn tháng sau khi quân Union từ chối giao đồn Sumter ở S. Carolina cho Confederate thì hành động này làm giọt nước tràn ly và khai màn cho cuộc nội chiến.
Chỉ 3 ngày sau đó, Lincoln tuyển mộ 75 ngàn quân lính, hợp đồng là 3 tháng để dẹp loạn. Ông không xem Confederate là một quốc gia đối địch, mà là một lực lượng tham chiến do bất đồng với chính phủ. Tiếp đó Lincoln đã tuyển mộ thêm 42,034 lính tình nguyện cho bộ binh và kỵ binh, 18 ngàn lính cho hải quân. Hợp đồng là 3 năm. Ngoài ra Lincoln còn tăng cường quân số lên 22,714 sĩ quan và binh sĩ. Vì nhận thức được cuộc chiến lâu tàn.
Phía miền Nam tức giận cho đó là hành động khiêu chiến và từ tháng 4 đến tháng 6, 1861 có thêm 4 tiểu bang Virginia, Arkansas, North Carolina và Tennessee ủng hộ chế độ nô lệ ly khai. (Kentucky và Missouri được gọi là 2 tiểu bang nằm trên biên giới chia cắt Bắc Nam, thoạt đầu đứng trung lập và sau cùng cũng tham gia phe Confederate.) Vậy là 11 tiểu bang này hợp thành Confederate, tuyên bố độc lập và dựng lên chính phủ, quốc hội, hiến pháp riêng.
Sau khi vừa mới bị người Mỹ trắng dồn về các khu tự trị phần lớn ở Oklahoma. Dù các thỏa thuận được ký kết với chính phủ liên bang, thổ dân được chu cấp tiền bạc hàng năm và bảo trợ, thế nhưng nội chiến làm gián đoạn việc chuyển tiền. Trong lòng của người da đỏ vẫn thù ghét chính phủ, họ không được nhìn nhận là công dân Mỹ nơi chính họ đã sinh ra và lớn lên trên miền đất này nghìn đời. Nội bộ các bộ lạc lại có nhiều xung đột quyền lực, nên người da đỏ bị lôi kéo vào cuộc chiến từ 2 phía. Họ là những chiến binh dũng cảm, thông thạo địa hình, phong thổ. Vị trí của các khu tự trị lại là vùng đệm như Kansas, Arkansas và Texas, là con đường tắt quan trọng để vận chuyển bò ngựa và hành quân.
Dù có hàng chục bộ tộc khác nhau từ tiếng nói, phong tục và tập quán. Nhưng 5 bộ tộc đầu tiên được khai hóa, văn minh, có hệ thống chính quyền và quan hệ mật thiết với chính phủ. Ðó là Cherokee, Chickasaw, Choctaw, Creek và Seminole. Mỗi bộ tộc này đều có chính quyền tự trị như một tiểu quốc. Khi nội chiến bắt đầu, 5 bộ tộc này phần đông ủng hộ Confederate. Ðiều này dễ hiểu bởi họ căm thù chính quyền đã lấy đất đai và ép họ vào khu tự trị. Một số bộ tộc có đến cả ngàn nô lệ da đen.
Cũng nhờ công lao thương thuyết của Albert Pike, một luật sư lão luyện của Confederate đã đến từng bộ lạc để thuyết phục lôi kéo đồng minh. Thổ dân được hứa hẹn sẽ có quốc tịch Mỹ và có đại biểu trong chính phủ mới. Bộ tộc Chickasaw và Choctaw đi theo Confederate từ buổi đầu. Trong khi Creek và Seminole lại nghiêng ngả ủng hộ Union. Bộ tộc Cherokee lại chia rẽ nhiều nhất. Từng là nạn nhân chính của “Ðường mòn nước Mắt”, đa số dân Cherokee chọn trung lập. Sau khi bốn bộ tộc kia tham gia Confederate, Liên quân rút lực lượng bảo vệ ở khu tự trị để dồn quân vào cuộc chiến nơi khác, số phận người Cherokee mong manh, nên phần lớn thổ dân về phe Confederate. Ngay cả chính họ cũng có nhiều nô lệ da đen và chống bãi nô. Chỉ có số ít theo Union. John Ross là thủ lãnh của tiểu quốc Cherokee bấy giờ. Ông đồng ý gia nhập Confederate với điều kiện chỉ tham gia các trận chiến xảy ra trong khu tự trị.
Khi biết được quân đội Confederate đã dẫn thổ dân đi đánh trận Pea Ridge nơi xa. Cùng thời gian báo chí lại lên án các hành động lột da đầu, phanh thây và tra tấn tàn bạo của lính da đỏ sau trận chiến. Tù trưởng Ross liền hủy bỏ liên minh với Confederate và chạy về Philadelphia. Ross viết thơ phân trần và xin lỗi Tổng thống Lincoln cũng như đầu quân Union.
Khi nội chiến kết thúc, Ely S. Parker một trung tá da đỏ bộ tộc Seneca, thư ký và là một luật sư tập sự, người giúp soạn thảo văn kiện đầu hàng, hiện diện trong phái đoàn Union của tướng Grant chấp nhận sự đầu hàng của tướng Lee. Thoạt đầu tướng Lee tưởng lầm Parker là người Mỹ lai đen da ngăm, nhưng khi nhận ra đó là người da đỏ, Lee đã vươn tay ra bắt và cảm khái: “Tôi vui mừng được gặp một người Mỹ thật sự nơi đây!” Parker đáp lời: “Chúng ta đều là người Mỹ”.
Trong khi đó Stand Watie, một thủ lãnh khác của Cherokee, từng ủng hộ thỏa ước dời dân da đỏ về khu tự trị năm 1836. Một thỏa ước mà chỉ có thiểu số thủ lãnh Cherokee đã ký, trong đó không có Ross. Stand Watie trở thành đối thủ của Ross và lại có nhiều nô lệ, thành công trong một trang trại. Vài năm sau khi ký thỏa ước với người da trắng, các thành viên chủ chốt của Cherokee dần dà bị ám sát một cách bí mật, trong đó có cả em ruột, và bà con của Watie. Ít nhất có 34 thủ lãnh trong bộ tộc bị thanh toán trong năm 1845-1846. Stand Watie trở thành đại tá của trung đoàn 1 kỵ binh Cherokee. Với trang bị súng carbin, súng trường, súng colt… các chiến binh da đỏ Cherokee đã giúp phe Confederate làm nên nhiều chiến thắng ở Arkansas và Oklahoma. Bảo vệ các khu tự trị da đỏ. Dù thua vài trận chiến với Union, nhưng Watie đã bắt giữ khẩu đội pháo binh Union. Gây rối loạn tinh thần quân Union với các trận chiến du kích gan dạ đánh vào các đội quân da đỏ theo phe Union. Vào tháng 6, 1864 Watie đã bắt giữ 1 tàu chiến Union J.R. Williams. 3 tháng sau lại chận bắt và tịch thu được đoàn tàu lửa chở quân nhu của Union giá trị tương đương 1.5 triệu đô ở Cabin Creek. Ðạo quân của Watie chinh chiến từ phía Nam sông Canada đến Kansas và Missouri. Watie còn dậy sóng gió trong bộ tộc khi đốt lều trại quê nhà của cựu thủ lãnh Ross, nhà hội đồng bộ tộc vào tháng 10, 1863. Watie trở thành chuẩn tướng Cherokee đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nội chiến vào tháng 5, 1864, thề trung thành với Confederate và không chịu buông súng cho đến 75 ngày sau khi Tướng Lee ký thỏa thuận với Tướng Grant đầu hàng cuộc chiến năm 1865.
Về phía Union, có hơn 30 ngàn thổ dân sống phía Ðông của Mississippi. Những thổ dân này không quan tâm lắm đến số phận nô lệ và cuộc chiến. Họ đang khó khăn để lo giữ miền đất nơi họ sinh sống và văn hóa của họ. Nhưng quân đội Union đã hứa hẹn và cung cấp tiền bạc cũng như thực phẩm, lương tiền và điều đó khuyến khích họ gia nhập Union. Ðại đội K của Tiểu đoàn bộ binh Michigan đầu tiên thành lập gồm hơn 150 thổ dân Ottawa, Chippewa, Delaware, Huron, Oneida, và Potawatomi. Họ được huấn luyện sử dụng chính xác súng trường sát thương từ xa, tinh thần chiến đấu thật cao. Mặc dù họ bị chèn ép và kỳ thị.
Hơn 20 ngàn thổ dân đã tham gia vào cuộc nội chiến từ 2 phía. Cũng như 2 miền Nam – Bắc, các thổ dân cũng lâm vào cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn. Số phận của họ bị lãng quên sau khi nội chiến kết thúc. Những người da đỏ theo phe Confederate bị xem là phản loạn và bị tước các quyền lợi trong thời hậu chiến tái thiết đất nước. Tu Chính Án 13 năm 1865 đem lại quyền tự do cho người nô lệ da đen, Tu Chính Án 14 năm 1866 trao trả quyền công dân, bầu cử cho người da đen. Nhưng phải đến năm 1924 thì người da đỏ mới thực sự được trở thành công dân Mỹ sau Ðạo luật quốc tịch cho người da đỏ.
SB
Austin, TX