Uzbekistan tên chính thức là Republic of Uzbekistan, Uzbek Uzbekiston hay Uzbekistan Respublikasi, một quốc gia nằm giữa vùng Trung Á, tâm điểm của những con đường Tơ Lụa năm xưa.

Về mặt địa lý, Uzbekistan nằm giữa hai con sông lớn, Syr Darya (tên cổ là Jaxartes River) và Amu Darya (Oxus River), cũng là biên giới thiên nhiên ngăn quốc gia này với những vùng đất láng giềng. Uzbekistan nằm giữa các quốc gia Kazakhstan, Kyrgyzstan,Tajikistan, Afghanistan và Turkmenistan. Ðặc biệt, trong lãnh thổ của Uzbekistan về phía tây lại có một vùng đất tự trị (autonomous) là Republic of Qoraqalpoghiston hay Karakalpakstan.

Từ năm 1924, the Uzbek Soviet Socialist Republic là một nước chư hầu trong liên bang Xô Viết cho đến khi khối cộng sản này sập tiệm năm 1991. Cuối năm ấy, Uzbekistan tuyên bố độc lập và đặt thủ đô tại Tashkent (Toshkent).

Hầu hết đất đai (4/5) trong lãnh thổ Uzbekistan là đồi núi, hang động và sa mạc hoang vu, rộng lớn nhất là Kyzylkum (Qilziqum) Desert, và chỉ 1/5 phần đất còn lại là có thể trồng trọt, canh tác quanh các vùng đồng bằng Turan, gần biển Aral, đồng bằng sông Syr Darya và Amu Darya.

Tuy nhiên việc lạm dụng nước để canh tác và kỹ nghệ đã khiến hai con sông này dần dần cạn kiệt, và biển Aral, ngày trước là biển hồ lớn thứ tư trên thế giới, đã khô cạn dần vì mất 9/10 lượng nước. Nước bị hút ra để sử dụng thẳng tay nên biển hồ Aral mỗi ngày một “mặn”, chưa kể việc ô nhiễm hóa chất, từ thuốc trừ sâu, diệt cỏ đến phân hóa học. Thế là kỹ nghệ đánh cá ở đó biến mất, việc dùng tàu bè để vận chuyển cũng chấm dứt vì nước cạn. Tất nhiên là mọi quốc gia quanh vùng biển hồ Aral chịu ảnh hưởng nặng nề. Nói giản dị là vùng Aral Sea ô nhiễm và cạn kiệt vì bị con người tàn phá; thế hệ ngày nay và con cháu họ không còn sinh sống dễ dàng ở đó nữa.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Hiện tượng “khát nước” trở nên rõ ràng hơn khi Dế Mèn qua sa mạc, giữa mùa Xuân mà các cánh đồng khô cằn, nứt nẻ; cây cối trơ xương nên lòng cứ thầm thắc mắc không biết đất nước này sẽ xoay trở ra sao khi nguồn nước kia chẳng còn giọt nào? Họ có kế sách gì để đối phó với tình trạng cạn khô trước mắt? Chiến tranh giành [đất] nước sẽ xảy ra giữa các láng giềng lân cận? Nơi nào gần biển nhất sẽ thắng? Sẽ đánh thuế thẳng tay các ống dẫn nước đi qua lãnh thổ họ? Hay là phe ta chỉ lo bò trắng răng, rồi đâu cũng vào đấy?

Khí hậu Uzbekistan là khí hậu sa mạc, nắng nhiều mưa ít nên khô ráo; vào mùa Hè, nhiệt độ lên đến 104 độ F (khoảng 40 độ C). Miền núi tương đối đỡ nóng so với sa mạc. Không lạ là các kiểu nhà ở đó đều tránh xây cửa sổ về phía mặt trời, sau cổng vào là sân trống trồng cây lấy bóng mát, nhà nào cũng có chiếc divan khá lớn trước cửa làm chỗ tiếp khách ngoài hiên.

Cư dân, gốc Uzbeks, chiếm 80% dân số, theo sau là các bộ tộc khác như Tajiks, Kazakhs, Tatars, Nga, và Karakalpaks. Người Uzbeks tự hào rằng dòng tộc họ ít bị “Nga hóa” nhất so với các bộ tộc Turkic khác bị Nga cai trị suốt mấy trăm năm; ngôn ngữ Uzbek được duy trì (ít lai tạo) đến ngày nay và là ngôn ngữ chính thức của quốc gia này. Khoảng 15% cư dân Uzbekistan nói tiếng Nga, hệ quả của những năm chịu đô hộ.

Aral Sea Shrinkage of the Aral Sea, 1960-2009. Adapted from Philip Micklin, Western Michigan University

Tôn giáo chính thức tại Uzbekistan là Hồi giáo, chi nhánh Sunni, một phần rất nhỏ theo đạo Thiên Chúa, giáo hội Eastern Orthodox.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Phần lớn cư dân Uzbekistan sinh sống trong vùng đồng ruộng, trồng cây gòn, trái cây như mơ, mận, chà là…, và lúa. Tại thành phố, phần lớn cư dân là những người gốc Slavic (như Nga, Ukraine và Belarus), nắm giữ các chức vụ hành chánh. Ðây là điều dễ hiểu vì đất nước này mới “thoát Nga” khoảng một thế hệ (25+ năm).

Cư dân Uzbekistan tương đối “trẻ tuổi” so với cư dân tại các quốc gia chịu sự đô hộ của khối Xô Viết: Khoảng 50% trong lứa tuổi 25-54 (tuổi còn đi làm và đóng thuế) và do đó, mức sinh sản cũng khá cao. Sau khi được độc lập, quốc gia này có số bà mẹ sanh trên 10 người con dưới tuổi 20 cao nhất so với các vùng đất chung quanh. Họ được trao huy chương dựa trên mức sinh sản, huy chương vàng khi sanh được 10 đứa trẻ! Ngày nay, mức sinh sản đã bắt đầu sút giảm.

Theo stat.uz, cơ quan thống kê chính thức của Uzbekistan, năm 2019, dân số là 32.81 triệu người, con số này đặt Uzbekistan vào hạng thứ 43 trên bảng thống kê dân số thế giới. GDP mỗi đầu người là 3,300 Mỹ kim hàng năm.

Thay thế cho các kỹ nghệ hầm mỏ và sản xuất máy móc hạng nặng dưới thời Xô Viết, hiện nay, Uzbekistan là một trong các quốc gia dẫn đầu thế giới về mức sản xuất cô tông, chưa kể một lượng đáng kể về khoáng chất, kim loại (như vàng, thép, copper…) và khí thiên nhiên. Họ xuất cảng một lượng khá lớn khí thiên nhiên; trên các xa lộ, hai bên đường là các ống dẫn khổng lồ dẫn khí thiên nhiên đi khắp lãnh thổ. Uzbekistan cũng nổi tiếng về len sợi từ lông cừu và tơ lụa.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Tuy nhiên xuất cảng tơ lụa và trái cây tùy thuộc vào việc vận chuyển và hệ thống xa lộ tại Uzbekistan còn nằm trong tình trạng “sơ khai”, những con đường nối liền các tỉnh thành khúc khuỷu lồi lõm ổ gà ổ voi, xe cộ chỉ có thể ì ạch khoảng 5-10 dặm / giờ. Chỉ một khúc đường khoảng 160 dặm giữa Bukhara – Khiva do Ðức xây cất, German road, là bằng phẳng dễ di chuyển, phần còn lại vẫn nhàu nhĩ, bất khiển dụng, chịu số phận “di sản của những năm bị trị bởi khối cộng sản”.

Khi phải di chuyển trên các con đường ấy Dế Mèn mới hiểu tại sao nông phẩm của Uzbekistan khó lòng xuất cảng đến các nước lân cận khi phương tiện hàng không còn giới hạn. Và phe ta tẩn mẩn tự hỏi, không dám hỏi thẳng người dẫn đường, cũng là quốc gia chư hầu của Liên Xô mà sao khối Baltic (Lithuania, Latvia, Estonia) sau khi độc lập đã trỗi dậy, phát triển nhanh chóng, theo kịp các quốc gia tiên tiến Âu Châu trong khi đất nước giàu có [tài nguyên thiên nhiên] như Uzbekistan lại ì ạch thế này?

Nhìn quanh Dế Mèn cũng thấy đường rầy xe lửa, ngày trước xe lửa được dùng để vận chuyển hàng hóa giữa Uzbekistan và Nga nhưng hình như hệ thống này đã cũ kỹ, không được bảo trì nên không còn phổ thông nữa?

(còn tiếp)