Món hàng nào xem ra phổ thông đều có người chọn ngày và đặt tên để dễ bề hô hào mời gọi sự chú ý của bá tánh. Ngày 17 tháng Bảy vừa qua được chọn là ngày “Biểu Tượng [của] Thế Giới”, World Emoji Day. Trên bàn phím ta có hay “Calendar Emoji”. Đây cũng là ngày các biểu tượng “iCal” dùng cho bàn phím máy điện toán của Mac, tên gọi tắt của MacIntosh Trái Táo Sứt, được giới thiệu tại MacWorld Expo năm 2002.
“Emoji” là gì? Như mọi chữ mới khác, danh từ này do cộng đồng liên mạng đặt ra để gọi những ký tự mô tả cảm xúc con người, gọn gàng, vắn tắt, và nhanh chóng khi ta viết điện thư, nhắn tin. Xin tạm dịch emoji là “biểu tượng”.
Những biểu tượng dùng trên bàn phím sinh sôi nảy nở nhanh chóng như nấm sau mưa nên ta có cả một “kho” biểu tượng, một trang nhà chuyên trị emoji hay Emojipedia, ghi nhận và thu góp về một nơi trên không gian ảo để người dùng dễ bề tìm kiếm. Trang nhà [kho] này ra đời năm 2013, chủ xị là ông Jeremy Burge, cũng là một tay sáng tạo biểu tượng dùng cho bàn phím; năm 2014 đã đặt tên “World Emoji Day” cho ngày 17 tháng Bảy, “tán rộng” cho các công ty khác xài “chung” (thay vì để Trái Táo Sứt “ôm show”)?
Hai tên gọi Emojipedia® và World Emoji Day® đều có bản quyền, được ghi danh (register) đàng hoàng để tránh bị cầm nhầm và nếu có công ty nào sử dụng đều phải trả ít tiền “thuê mướn” tử tế.
Một chút về tài sản trí tuệ, intellectual property, chi tiết và dễ bảo vệ nhất là “tác quyền” hay patent thường dùng cho những phát minh, khám phá mới trong khoa học; kế đến là “bản quyền” hay trade mark dùng để bảo vệ thương hiệu trong việc buôn bán ®; sau cùng là copyright © dùng cho sách vở, tranh vẽ, bản nhạc…
Trang nhà kho Emojipedia khá phổ thông, đông người thăm viếng, khoảng 45 triệu lần nhòm ngó mỗi tháng (ghi chép cẩn thận để bán quảng cáo!) và thủ kho cũng như nhân viên đều đặn ghi chép, cung cấp định nghĩa cho mỗi biểu tượng, công bố những thứ mới mẻ cho cộng đồng mạng. Tóm lại là khi muốn trình bày ý kiến một cách vắn tắt [và thời thượng] qua hình ảnh trên bàn phím, ta có thể đến trang nhà kia mà tìm xem món nào “trúng ý” thì rinh về dùng, càng mới mẻ càng hay ho, ta là người biết xài hàng mới, chưa nhàm!
Emoji trên bàn phím nhỏ xíu của điện thoại di động cũng được buôn bán qua các “app” như Zedge; đại khái là muốn dùng biểu tượng [mới] trong tin nhắn, ta cần một vài “app” nào đó gài sẵn trong điện thoại.
Chế tạo xong món hàng là chủ nhân tìm cách buôn bán và khởi đầu là việc mời gọi người mua. Người bán mời gọi khách hàng bằng cách quảng cáo, món hàng kia dùng vào việc gì, ích lợi ra sao, hấp dẫn nhất là cách rủ rê vào “nhóm” hay “kéo bè”. Ngắm nhìn bài bản của nhà kho mà phe ta phục lăn, người trẻ giỏi quá xá, biết tâm ý của khách hàng mà gõ đúng cửa! Mời bạn xem chút ít về bí kíp [đã bật mí và tạm dịch, bản dịch được ký tên đóng dấu Dế Mèn© đàng hoàng] của công ty kể trên:
“Mục đích của World Emoji Day” là gì? Ta yêu [chuộng] biểu tượng. Bạn yêu biểu tượng. Hãy chúc mừng biểu tượng! Mục đích của World Emoji Day là cổ võ việc sử dụng biểu tượng và quảng bá niềm vui biểu tượng đem lại cho ta và mọi người chung quanh [3 cặp tay trong tay, 2 chàng, chàng và nàng, 2 nàng; tạm hiểu là cho mọi thành phần xã hội, nam nữ, đồng tính hay khác phái tính]. Biểu tượng là cho mọi người dùng .
Mào đầu xong thì chủ nhân kể chuyện để rủ rê tiếp, món hàng dù tuổi mới 10 năm nhưng lắm chuyện để kể, từ chuyện cũ lan sang chuyện mới.
“Ngày Biểu Tượng Thế Giới” có những gì? Tùy theo bạn đang ở đâu trên thế giới (?) Có người tổ chức party hay sự kiện , kẻ lại trưng bày tài năng sáng tạo bằng cách chia sẻ với cộng đồng mạng biểu tượng mới.”
Tất nhiên chỉ có những tay “vẽ” thảo trình chuyên về biểu tượng mới họp nhau mà ăn mừng chứ bàn dân thiên hạ mù tịt sinh hoạt liên mạng như Dế Mèn đây thì hay biết chi mà tham dự? Dù có hân hạnh được mời cũng chỉ ngồi ngó bâng quơ cho hết giờ, mà thời giờ còn hơi quý nên chẳng tiêu xài như thế?!
Được buôn bán kịch liệt nên các công ty [sáng tạo] dùng “Ngày Biểu Tượng Thế Giới” để đưa ra thị trường các mẫu biểu tượng mới và quảng cáo cách dùng. Từ năm 2017, các công ty lớn đã bắt đầu hội nhập thế giới biểu tượng [của] bàn phím / liên mạng. Tòa nhà lẫy lừng the Empire State Building đã sáng đèn vàng, Thương xá Saks Fifth Avenue trải thảm đỏ và vô số hàng quán khác đã “hòa điệu” reo hò trong ngày “hội” kể trên. Mỗi năm các công ty lớn nhỏ đều được những tay sáng tác gửi biếu các biểu tượng mới để quảng cáo và cộng đồng liên mạng lại có thêm một số biểu tượng để dùng…
Năm nay, vào Ngày Biểu Tượng Thế Giới, 69 biểu tượng mới được Unicode Consortium khai sinh. Cộng đồng liên mạng có thêm mấy chục biểu tượng nữa để diễn tả ý nghĩ qua mấy cử động của ngón tay khi gửi thư từ, tin nhắn. Bớt việc mày mò đánh vần mà gõ từng chữ nhưng ta có nên .. chi li thời giờ như thế khi nói với người thân yêu rằng ta quý mến họ không nhỉ? Một vài ký tự nói sao cho hết tâm tình?
Unicode Consortium là một nhóm chuyên viên tự nguyện làm công việc xem xét và kiểm chứng những biểu tượng mới. Sau khi được nhìn nhận, mỗi công ty nhu liệu như Apple, Google/Android… rinh về và viết thảo trình cho “app” của riêng họ. Vì thế nên biểu tượng của Android trông khác với biểu tượng trên iPhone / iPad dù có thể đồng [ý] nghĩa.
Tính đến nay, cộng đồng mạng có sơ sơ cỡ 2,666 biểu tượng (so với 722 của 2 năm trước) với đầy đủ màu da, cờ hiệu, nghề nghiệp… Với sự xuất hiện của các biểu tượng mới, người vỗ tay , hoan hỷ hoặc nhăn nhó cau mày …
Thích hay không, biểu tượng cũng vẫn trở thành một vật thể xuất hiện trong đời sống hằng ngày khi ta cần giao tiếp qua liên mạng. Cộng đồng mạng có kẻ đọc thấy nhưng chưa hiểu ý người dùng hoặc đã chọn được các biểu tượng như ý và sử dụng liền tay tùy theo tuổi tác. Người càng trẻ dùng biểu tượng càng nhiều và dùng các biểu tượng có nhiều ý nghĩa để bạn bè tha hồ đoán già đoán non!
Theo cuộc trưng cầu ý kiến từ 200,000 độc giả của CNN: Được nhiều thế hệ dùng nhất là biểu tượng “oft-maligned” , khuôn mặt với nước mắt vui mừng, để trả lời khi nhận được một tin nhắn tiếu lâm; thế hệ Baby Boomers, Gen X và cả Gen Z đều sử dụng.
Về biểu tượng nói chung, Baby Boomers gặp nhiều khó khăn khi đoán ý nghĩa của biểu tượng. Biểu tượng cũng được “hiểu” khác nhau tùy theo giới tính, địa phương và [gốc] văn hóa. Nghĩa là người đọc có thể bé cái lầm!
Không biết độc giả của Trẻ có ưa chuộng và sử dụng biểu tượng hay không, riêng Dế Mèn thì chỉ dám quanh quẩn với vài ba thứ thông thường như vỗ tay, miệng cười … chỉ có thế cho nó lành!?
TLL