Lịch sử có khuynh hướng lặp đi lặp lại dưới nhiều hình thức khác nhau theo khung cảnh xã hội nhưng tựu trung vẫn là những câu chuyện, những biến cố xảy ra nhiều lần qua thời gian và tại nhiều nơi.

Trí nhớ chị quay lộn xộn những đoạn phim ngắn. Năm 1975, chị chưa đủ khôn lớn để tham dự cuộc chiến Quốc Cộng. Thủa ấy, còn trong tuổi ăn chưa no lo chưa tới, chị chỉ biết lo lắng theo những cơn thở dài, ánh mắt trũng sâu hoảng hốt, khuôn mặt mệt mỏi của cha mẹ. Trường học năm ấy cũng vắng thày trò dù chẳng có thông báo đóng cửa cho đến những ngày cuối khi lệnh thiết quân luật được ban hành tại thủ đô Sài Gòn. Tháng Ba xôn xao, bất ổn, bà mẹ chị đi mua thêm gạo, muối mè, đậu phụng và xì dầu, những thứ cần thiết để sửa soạn cho những ngày sóng gió trước mặt. Tháng Tư cũng đến, chiến tranh gần hơn, tiếng súng nổ lớn hơn, thường hơn và dường như khắp thành phố, nơi nào cũng có tiếng súng. Rồi những cuộn khói đen che kín trời xanh, lửa cháy từng vầng đỏ vàng từng góc phố. Trong cơn đồng thiếp, chị theo gia đình ra biển. Vài tiếng sau khi lên tàu, quân cộng sản đã tiến vào thành phố. Trên sàn tàu, chị nhìn quanh, người già người trẻ, kẻ đứng người ngồi, cũng như chị, nước mắt chan hoà giữa những tiếng nức nở. Tiếng ông DVM từ radio vọng ra như lời kinh cầu hồn, tiễn biệt một thành phố đang giãy giụa trong những giây phút cuối.

Trong thời khoảng ấy, các trung tâm hành quân của quân đội miền Nam hoạt động ra sao? Từ các tiền đồn xa xôi đến những trụ đóng quân quanh thành phố chính? Cha anh đã xoay trở thế nào trước hoàn cảnh tuyệt vọng? Tiếp liệu cạn kiệt, xăng khô, súng hết đạn…? Các câu điện đàm thúc bách những gì? Những người lính ẩn mình chờ đợi cái chết đến từ từ hoặc tìm đường rút lui chờ lúc thuận tiện để chống chỏi? Trí óc chị lan man về những ngày tháng Tư năm xưa và đầy ắp các câu hỏi.

Tháng Tư năm nay ở phòng trực chị nhìn ra cửa sổ, nắng vẫn vàng tươi óng ả, mây trắng lờ lững trong không gian. Hình ảnh của thanh bình, tĩnh lặng. Nhưng chị cũng như bạn bè đang chờ đợi, chờ đợi cơn bão đại dịch thổi qua thành phố và mọi người cố gắng tỏ ra bình tĩnh, ít ra trên nét mặt phẳng lì, cảm xúc được che dấu, thỉnh thoảng họ ngó nhau, gật đầu chào hay cười mỉm sau cái mặt nạ an toàn.

Chuông

Họ đã thử đi thử lại nhiều lần chương trình đối phó khẩn cấp của bệnh viện. Những cú điện thoại đầu tiên sẽ được giải quyết ra sao. Những người đi đón bệnh nhân, Emergency Medical Transport hay EMT, sẽ cung cấp những chi tiết nào cho Trung Tâm Vận Hành (Command Center) để nhân viên bệnh viện sửa soạn nhận bệnh đúng lúc và đúng nơi. Khu bệnh truyền nhiễm đã được ngăn cách rõ ràng để tiết giảm các rủi ro truyền bệnh. Những người làm việc ở đó cũng trang bị áo mũ đầy đủ, được huấn luyện cách dùng cho đúng để được bảo vệ đúng mức. Tập làm quen với bộ áo choàng “mới”, loại áo choàng chế tạo bằng giấy pha nhựa ít thấm nước rộng thùng thình; nhỏ con nên chị phải quấn quanh mình hai lần và cột giây để chiếc áo bớt luộm thuộm, vướng víu. Rồi được nhắc nhở không kéo mặt nạ khỏi mặt để nói hay thở vì nóng nực; cẩn thận khi phải sờ mó vật dụng chung quanh… Từ tuần trước, chiếc mặt nạ N-95 đã được “thử” (“fit”) cho vừa vặn, che kín mặt mũi người dùng. Loại mặt nạ cần thiết, lọc được  95% những vật thể, vi sinh gây nhiễm trùng qua đường hô hấp…

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Nơi nhận bệnh cấp cứu đã chia từng phần, xa nhất là những bệnh ngoại thương, té ngã, gãy chân tay, đổ máu. Kế đến là phần nội thương, trụy mạch, trụy tim, đột quỵ… những người không lên cơn sốt. Khu vực bệnh truyền nhiễm nằm ngoài cùng, gần cửa và đã được bịt kín với những tấm plastic dày. Không khí ở đó được luân chuyển dưới áp suất âm, negative pressure, và tinh lọc như những phòng giải phẫu lớn.

Chị nhìn ngắm bảng đồ thị, Action Flow Chart, trước mặt, trên dãy màn hình, các con số nhảy múa theo nhịp tim nhịp thở của các bệnh nhân trên đường đến bệnh viện từ xe cứu thương, từ trực thăng… Rồi chị thở ra, ngẫm nghĩ đến những mẩu đối thoại trong các buổi họp mấy tuần lễ qua. Trong buổi bàn thảo của hội đồng giáo sư, các bạn trẻ trong năm thứ tư trường Y chỉ thiếu một vài tháng huấn luyện nữa là tốt nghiệp nên họ ra trường trong lặng lẽ. Một số tự nguyện làm việc tại bệnh viên cho đi khi chính thức vào chương trình nội trú. Các bạn trẻ trong năm thứ ba, đang được huấn luyện lâm sàng thì trận đại dịch kéo đến. Và các giáo sư đồng thuận rằng, bạn trẻ chưa đủ kinh nghiệm, một năm huấn luyện lâm sàng thì chưa đủ để tự bảo vệ; sự an toàn của họ là mối bận tâm hàng đầu của người… già như chị nên chương trình huấn luyện tạm ngưng. Mai mốt ta tiếp tục. Từ tựa như ý tưởng đưa “tân binh” chưa đủ kinh nghiệm chiến trường ra mặt trận thì liều lĩnh quá.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Các buổi huấn luyện bỏ túi tiếp diễn, ta sẽ trình bày như thế nào với bệnh nhân [và gia đình họ] về các thứ trị liệu còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa chứng minh được sự an toàn và hiệu quả? Những chi tiết cần thiết nào thì đủ để giúp họ quyết định cách trị liệu khi còn tỉnh táo? Nói năng ra sao để duy trì hy vọng khi căn bệnh đang đến hồi ngặt nghèo? Bác sĩ, y tá cũng rầu rĩ lo âu như người bệnh và thân nhân?

Bản “cẩm nang” cuối cùng là các tiêu chuẩn định sẵn về y cụ, trang phục y tế, máy trợ thở… nếu chẳng may ta hết đồ dùng!

Nơi chị làm việc cũng đã trải qua các ca bệnh tử vong, người bệnh ra đi không than nhân bên cạnh. Lúc cuối ngày là lúc chị nhìn thấy những đôi mắt ngấn nước của bạn bè chung quanh. Khi trận bão đi qua, hẳn ta sẽ có những cơn khủng hoảng tâm thần của nhân viên y tế sau khi làm việc dưới áp lực nặng nề?

Tháng Tư 1975, trận sóng dữ cuốn trôi miền Nam Việt Nam, người đi kẻ ở chia lìa, không biết có bao nhiêu người được lựa chọn đi hay ở? Những người ở lại quay cuồng trong cơn lốc đổi đời để sống còn. Kẻ tha hương vật vã với cơm áo và xây dựng lại đời sống trên đất nước tạm dung. Rồi ngày tháng cũng trôi qua.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Tháng Tư 2020, trận đại dịch Covid-19 thổi qua địa cầu, số người nhiễm trùng gia tăng từng ngày, số tử vong cũng đi lên theo cấp số cộng. Thành phố này sang thành phố khác, trường học hàng quán đóng cửa. Sự sợ hãi khiến cư dân tê liệt, họ đóng cửa ở nhà để tự bảo vệ. Kẻ bất kể vẫn xông pha ra chốn công cộng và bực bội vì đường xá vắng vẻ, hàng quán cửa đóng then cài.

Những nơi cư dân được sửa soạn kỹ lưỡng và đồng lòng bớt tự do cá nhân để bảo vệ lẫn nhau thì chịu ít tổn thất. Những vùng đất nghèo bị kinh tế bó chặt là những nơi chịu cơn bão nặng nề nhất; những thành phố đòi tự do cá nhân, cư dân trốn tránh luật pháp để làm theo ý mình cũng chịu các tổn thất đáng kể.

Đến hôm nay dù cư dân vẫn có người muốn đóng cửa ở nhà nhưng kẻ bực bội thì tức tối lắm rồi, ở nhà con nít phá phách không chịu ngồi yên, đòi cha mẹ chú ý đến. Người lớn không có chỗ tụ họp uống rượu giải sầu, tiền bạc túng thiếu (?) nên họ xuống đường biểu tình rầm rộ. Chị nhìn lên màn hình, TV đang chiếu cảnh cư dân tràn ngập các bãi biển, rồi cảnh người biểu tình đòi mở cửa hàng quán… Chị bứt rứt quá. Như bạn bè, chị có thể lựa chọn ở [lại tiếp tục làm việc] hoặc đi [từ nhiệm để tránh bão]. Như những cư dân ngoài kia, họ cũng có thể lựa chọn việc chịu ở [nhà] hoặc đi [ra đường]. Nếu và khi vài người trong những cư dân [đang phơi nắng trên bãi biển chật người hoặc đang la lối biểu tình] nọ ngã bệnh, được đưa đến đây thì chị và bạn bè sẽ nghĩ sao? Cũng làm công việc chữa trị máy móc dù trong lòng bực tức khó chịu? Màn hình trước mặt bỗng mờ nhạt, không biết tại sao nước mắt chị ứa từng hàng…

Đi hay ở vẫn là một sự lựa chọn, thử thách?!

TLL