Sau những lần quá chén, ăn uống theo sở thích trong những ngày lễ lạt, không ít người bị ngộ độc, nói chung chung là “food poisoning”.

nguồn: shutterstock 

Ngộ độc vì thức uống thông thường nhất là rượu, người ta “say” tùy theo mức độ nặng nhẹ. Nặng thì hôn mê, nhẹ thì bất tỉnh hoặc các phản ứng khác như ói mửa, mất tri thức … cho đến khi “dã rượu” nghĩa là cồn và các chất biến hóa từ cồn đã được cơ thể đãi lọc rồi đào thải qua gan và thận. Ngộ độc vì các thức uống khác như nước tăng [năng lực], power drink, chứa lượng caffeine rất cao; phản ứng chính là tim đập nhanh, chóng mặt, hồi hộp, buồn nôn…

Ngộ độc vì thức ăn phức tạp hơn, ngộ độc vì nhiễm trùng từ vi sinh (như E. coli, Pseudomonas, rotavirus …) gây ói mửa, tiêu chảy dẫn đến khô nước … trầm trọng hơn thì tử vong. Ngộ độc vì dị ứng với thức ăn cũng gây ói mửa, tiêu chảy… cho đến khi cơ thể đào thải hết các độc tố ấy.

Những gì xảy ra khi ngộ độc?

Khi thức ăn, uống bị ô nhiễm, thường do nhiễm vi sinh. Khi gặp môi trường thích hợp như ẩm ướt, ấm áp, vi sinh (vi khuẩn, độc tố từ vi khuẩn, siêu vi [virus], nấm mốc … ) sinh sản rất nhanh. Khi thực phẩm đặt trong môi trường ở nhiệt độ 40-140 độ F trong nhiều giờ và gần bên các thức ăn còn sống hoặc nấu chưa chín, vi khuẩn như E. coli, Staphylococcus aureus và salmonella tăng trưởng nhanh chóng, chỉ cần khoảng 20 phút là có thể sanh con đẻ cháu gấp đôi số lượng ban đầu.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Theo CDC, khoảng 20% cư dân Hoa Kỳ bị ngộ độc thực phẩm hằng năm, thông thường nhất là do norovirus, salmonella, Clostridium perfringens, campylobacter và Staphylococcus aureus. Tùy theo loại vi sinh, triệu chứng ngộ độc xuất hiện từ vài giờ đến 1-2 ngày sau khi ăn uống thức ăn nhiễm độc.

Staphylococcus aureus tạo ra độc tố nên triệu chứng xuất hiện khá nhanh, từ 30 phút đến 8 tiếng, người bệnh bị đau bụng, buồn nôn và ói mửa. Các triệu chứng này thuyên giảm sau 24 giờ trong khi chứng tiêu chảy có thể kéo dài đến 2 tuần lễ. Các triệu chứng trầm trọng sẽ tiết giảm nhanh chóng trong khi các triệu chứng nhẹ lại kéo dài nhiều ngày.

Vài triệu chứng khi bị ngộ độc thực phẩm.

Cơ thể cần bao lâu để hồi phục sau khi ngộ độc?

Tùy theo loại và lượng độc chất đem vào cơ thể. Khi ngộ độc vì nhiễm trùng thì thời gian ủ bệnh của loại vi sinh ấy là yếu tố chính cho sự hồi phục, từ 24 tiếng đến cả tuần lễ và từ khả năng “tự chữa” đến sự cần thiết của kháng sinh, đôi khi chữa trị tại bệnh viện.

Hầu hết các cơn ngộ độc [thực phẩm] đều nhẹ, cơ thể tự hồi phục sau vài ngày ói mửa, tiêu chảy (chữ của ông bà mình là “miệng nôn trôn tháo”?). Dù khó lòng đoán biết thời gian hồi phục nhưng ta có thể tự giúp qua vài việc làm sau đây:

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

– Tránh khô nước bằng cách uống nước chứa nhiều chất điện giải (electrolytes) ít đường (low sugar), nước uống càng nhiều đường, càng gây tiêu chảy. Ngoài nước lọc, nên dùng nước trái cây pha loãng, nước súp.

Riêng với trẻ em, ta nên dùng các loại nước uống chứa chất điện giải pha sẵn như Pedialyte.

– Tránh thức ăn thường ngày trong 24 tiếng, nhất là khi đang ói mửa, để bộ phận tiêu hóa được nghỉ ngơi và hồi phục sau khi nhiễm độc.

– Ta có thể dùng các loại thuốc chống tiêu chảy bán tự do như bismuth subsalicylate (Kaopectate và Pepto-Bismol) hoặc loperamide (Imodium).

– Sau 24 tiếng, có thể bắt đầu ăn uống các thức ăn “nhẹ” (không gia vị ngoài muối) chứa nhiều tinh bột như chuối, cơm, táo nghiền nát (applesauce) và bánh mì hoặc bánh lạt như cracker.

– Khi bị ói mửa, nên tránh những món ăn nhiều gia vị, sữa, các loại rau, hạt tạo hơi (bắp cải, broccoli …) và nhiều chất xơ gây đầy hơi.

sciencenotes.org

Khi nào thì cần gặp bác sĩ?

– Người trong tuổi vàng (65+) và yếu đề kháng (bị bệnh mãn tính như tiểu đường, dùng steroids chống viêm …) nên gặp bác sĩ khi ngộ độc để chữa trị kịp thời.

– Khi triệu chứng ngộ độc kéo dài cả tuần lễ.

– Khi bị chóng mặt hoặc tiêu chảy ra máu.

Chữa trị triệu chứng khô nước, mất chất điện giải bằng việc truyền nước biển qua tĩnh mạch (intravenous fluid) tại phòng cấp cứu hoặc các clinic.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

TLL