Chiến tranh, đời sống khó khăn và mộng giang hồ vặt đã đưa những đôi chân hay nhúc nhích đi khắp chốn. Ngày xa xưa người ta quanh quẩn trong làng xã, phố huyện, tỉnh thành. Ngày nay thế giới trở thành một “mặt phẳng” nên nơi nào cũng có dấu chân kẻ lang thang.
Bá tánh lang thang vì nhiều mục đích. Người chân có nút ruồi, không chịu ngồi một chỗ, thích thăm thú đường xa xứ lạ, nôm na là “tò mò”. Kẻ lang thang vì sinh kế, nơi đang sống không có việc làm, chỗ nào có công việc, nơi ấy trở thành “nhà”. Một “hiện tượng” nữa, rất mới với lý do khá lạ lùng là những người không muốn làm việc thường xuyên nên lang thang vừa đi chơi vừa ngả nón xin bạc lẻ độ nhật. Nhóm người ấy có tên gọi mới keng là ‘begpackers’ hay ‘kẻ du lịch xin ăn’. Dù đồng nghĩa nhưng chữ “ăn xin” xem ra “nhẹ nhàng” hơn “ăn mày”?
Không biết hiện tượng begpacker xuất hiện từ bao giờ nhưng theo ông Patrick Leigh Fermor, một người chuyên viết sách du lịch đã kể lại trong cuốn “A Time of Gifts” từ năm 1933 về chuyện gặp gỡ mấy người trẻ đứng vẽ trên đường phố Âu Châu để lấy thù lao. Có lẽ đến khi liên mạng thay thế báo chí / truyền hình thì hiện tượng này mới được chú ý và lan tràn khắp chốn?
Begpacker là chữ thu gọn từ “begging” (ăn xin) và “backpacking” (du lịch gọn chỉ có túi đeo lưng), mô tả người [thích] du lịch qua tiền bạc của kẻ hảo tâm.
Begpacker thường là những người trẻ, nam nhiều hơn nữ, thường xuất hiện tại những chốn đông người qua lại như trạm xe lửa, bến xe bus, quảng trường gần phố xá. Họ ngồi bệt xuống đất, đặt trước mặt một cái lon, cái hộp với mấy chữ như “cần tiền, cần thức ăn” như các cái bang địa phương hoặc văn vẻ hơn “yêu thiên nhiên, thích khám phá”… Bá tánh phải hiểu ngầm đây là những người thích lang thang rày đây mai đó [bằng phương tiện của bá tánh] chứ không phải là cái bang thứ thiệt [sinh sống tại địa phương]!? Begpacker khác người địa phương về màu da, khuôn mặt, cách ăn mặc …
Begpacker bao gồm nhiều nhóm: người ngả nón chìa tay xin tiền xin thức ăn, cái bang chính hiệu; kẻ bày bán vài sản phẩm địa phương như vòng nhựa, postcard … để khách qua đường mua ủng hộ; và đàn hát hay trình diễn một trò giải trí nào đó [như các nghệ sĩ đường phố] với cái lon / hộp trước mặt để bá tánh bỏ tiền vừa mua vui vừa trợ giúp.
Thái Lan, Ấn Độ, Nam Dương là những nơi xem ra đông đảo begpacker. Hình như người trẻ truyền tai nhau rằng các vùng đất ấy dù không phú túc nhưng người địa phương lại rộng rãi, sẵn lòng trợ giúp kẻ khó khăn đến từ ngoại quốc (?) nên dễ kiếm tiền để tiếp tục lang thang.
Hiện tượng “du lịch xin ăn” này mới mẻ quá xá, nhất là đi ngược với truyền thống tay làm hàm nhai, cày sâu cuốc bẫm, nhưng lại trở thành phổ thông tại Á Châu khiến các nhà xã hội gãi đầu rồi mày mò tìm hiểu.
Giáo Sư Stephen Pratt, khoa trưởng trường Rosen College of Hospitality Management tại University of Central Florida, đã nghiên cứu hiện tượng kể trên suốt mấy năm dưới cái nhìn của một nhà giáo dục. Ông ấy từng giả dạng một begpacker qua nhân dạng người Âu Mỹ da trắng tóc vàng, ôm cây đàn ukulele và tấm bảng chữ Tàu “Xin giúp tôi du lịch quanh thế giới” đứng ở một công viên nhộn nhịp trong khu Kowloon tại Hồng Kông để xin tiền. Người phụ tá dân địa phương đứng gần đó chờ dịp phỏng vấn người qua lại, đôi khi trả lại tiền của kẻ hảo tâm đã cho ông Pratt, tài tử chính.
Đứng ngả nón suốt mấy tuần lễ như thế nên ông Pratt ghi chép được khá nhiều chi tiết về người hảo tâm. Ông ấy kể lại kinh nghiệm qua một bài tường trình khá dài về hiện tượng xã hội này.
Theo ông Pratt, người qua đường có những phản ứng khác nhau tùy theo begpacker “nằm” trong nhóm nào. Với cây đàn ukulele, dù ông ấy chơi đàn dở ẹc, người hảo tâm vẫn cho tiền vì đã “cố gắng”. Nôm na là “nghệ sĩ đường phố” không xin xỏ, chỉ mong được ủng hộ, trợ giúp! Cái bang thứ thiệt hoặc kẻ chỉ ngả nón … thì ít được cho tiền.
Với liên mạng ngày nay, mọi thứ hay dở đều được khuân lên màn hình lớn nhỏ để bàn tán, khen chê. Hiện tượng begpacker cũng không ngoại lệ. Nhưng begpacker bị chê nhiều hơn là khen. Lời khen về việc “dấn thân”, về ý thích thăm thú đường xa xứ lạ bị những câu mạt sát che khuất. Qua bàn phím, cư dân mạng chửi bới, chế giễu begpacker khá hùng hậu. Đại loại là “ăn bám”, “lười biếng” không làm việc mà cứ xòe tay xin tiền du lịch hầu thỏa lòng tò mò, sống theo ý muốn …
Đằng sau các câu mạt sát ấy, xem ra người chửi khó chịu vì nghĩ rằng du lịch chỉ dành cho người thong thả về tiền bạc, đủ ăn rồi hẵng đi rong [chơi]? Đại ý chỉ có tiền mới được lang thang; du lịch là món rong chơi không cần thiết …
Phía chê bai nặng nề cho rằng begpacker là những kẻ “lạm dụng” và trông chờ vào xã hội hơi nhiều, Hong Kong đắt đỏ như thế [lương trung bình 15,000 Hong Kong dollars (khoảng 1,915 Mỹ kim mỗi tháng, cư dân địa phương vật vã lắm mới chỉ đủ sống trong những cái hộp chật chội 1m x 2m x 1m) mà các begpacker lại xông pha xin tiền du lịch khơi khơi, quả là không biết điều, hiểu chuyện chút nào!?
Điều đáng nói hơn nữa là liên mạng, nơi những người thích chê bai tung hoành, buông thả ý nghĩ mà không cần cẩn trọng giữ lời?
Người chê begpacker thì vô số nhưng cũng có vài kẻ biện hộ. Như ông Will Hatton, chủ trang nhà The Broke Backpacker, chuyên về các chuyến du lịch ít tiền, cho rằng chữ begpacker tự nó không “công bằng” khi gom chung kẻ ‘ngửa tay’ với những người bán rong và nghệ sĩ đường phố dù với mục đích khác nhau (sinh kế so với du lịch). Theo ông ấy, vừa lang thang vừa kiếm tiền sinh sống [để tiếp tục lang thang] là những người dấn thân, chịu tìm kiếm và thử những phương tiện sinh sống trong khi thu góp kinh nghiệm từ thế giới chung quanh.
Tác giả cũng cho rằng chê bai begpacker xuất phát từ sự kỳ thị chủng tộc hơn là phân biệt đẳng cấp. Bá tánh thường nghĩ rằng xuất thân từ quốc gia giàu có đều là những người khá giả, thực ra ở những nơi ấy cũng có người nghèo khó và 90% các begpacker thuộc “giai cấp” này, túi rỗng những ước mơ cao bay giàu có [kinh nghiệm sống]
Ông Joshua Bernstein, dạy học tại the Language Institute, Thamassat University, Thái Lan, nhìn ngắm hiện tượng begpacker và cho rằng các bàn phím giận dữ đến từ dân ngoại quốc, những người không muốn dấn thân. Cộng đồng ngoại kiều làm việc tại Thái xem ra “nhìn ngắm” lẫn nhau khá kỹ lưỡng, không muốn hình ảnh [rách rưới] của các begpacker ảnh hưởng đến họ. Thực ra, người [Thái] địa phương thường chú trọng đến mua sắm, chuyện trò hơn là để ý đến ngoại kiều; chẳng mấy khi nhìn nhõi đến các begpacker hiện diện đông đảo trên đất nước họ nhất là các tay begpacker thường sống quanh các khu “dân sinh” với nếp sống tối thiểu.
Theo ông Raphael Pangalangan, một luật sư về nhân quyền tại Phi Luật Tân, hiện tượng begpacker là biểu tượng của loại “sổ thông hành cao giá”. Như với sổ thông hành của Liên Âu, chủ nhân có thể dễ dàng đi ta bà khắp thế giới mà không phải nộp đơn xin xỏ, chờ đợi lâu lắc như sổ thông hành của Phi Luật Tân và Việt Nam ta. Hiện tượng begpacker cho thấy sự bất bình đẳng giữa các quốc gia trên thế giới; nếu begpacker xuất thân từ chốn khó nghèo, hẳn họ sẽ bị dán nhãn “du thủ du thực” thay vì khách du lịch ăn xin?
Hiện tượng begpacker sẽ hóa thân ra sao? Với hình ảnh các begpacker tại Á Châu tràn ngập liên mạng, môi trường truyền thông hẳn sẽ trở thành cách kiếm tiền của begpacker trong tương lai? Thay vì giở nón, bán các món lỉnh kỉnh hoặc trình diễn giữa phố xá đông người trông chờ vào lòng hảo tâm của khách qua đường, các begpacker lập trang mạng, kể chuyện lang thang và dùng liên mạng để kêu gọi ủng hộ bằng cách chuyển tiền thẳng vào những trương mục “lưu động” như GoFundMe, Venmo…
Nghiễm nhiên các begpacker hóa thân thành những người “sáng tác” trên liên mạng; xóa mờ ranh giới “làm” và “chơi”. Họ tiếp tục “làm” để “chơi” trong khi những tác giả viết vlog, đăng bài, đăng hình ảnh trên liên mạng để lấy thù lao (qua quảng cáo khi thu hút được người xem đông đảo) thì “làm thiệt”?
Hình như thế hệ trẻ [người ủng hộ cho tiền và cả các begpacker] có khuynh hướng quý trọng kinh nghiệm sống hơn là vật chất [công việc làm, nhà cửa, xe cộ …] và hiện tượng begpacker cũng trở thành chuyện thường ngày, vừa lang thang vừa kể chuyện đường xa trên liên mạng?
TLL