Sản phẩm được chế tạo để con người sử dụng. Bá tánh người mua, kẻ tự tay chế ra sản phẩm cần thiết cho mục đích nào đó. Sản phẩm có thể là một tác phẩm nghệ thuật để nhìn ngắm, để thưởng thức; sản phẩm cũng có thể là vật dụng trong đời sống hằng ngày. Khi nhiều người mua, sản phẩm bán chạy như tôm tươi và ngược lại, ít người mua thì sản phẩm ế chỏng chơ. Như thế, người dùng-sản phẩm là một mối tương quan khá chặt chẽ.
Con người chế tạo sản phẩm theo thị hiếu cá nhân và sự ưa chuộng của đám đông, theo thị trường của người tiêu thụ. Sự ưa chuộng ấy thay đổi theo thời gian và thời giá. Ngày trước, trong xã hội “ăn chắc mặc bền”, sản phẩm được chế tạo theo tiêu chuẩn “bền bỉ”, sử dụng được lâu năm chưa kể tiêu chuẩn thẩm định của những người kỹ tính, đòi hỏi đầy đủ 3 món “đẹp, rẻ và bền”.
Trên thực tế, chỉ được 2 trong 3 tiêu chuẩn kể trên là đã “khá” lắm rồi!? Nhưng quan điểm này cũng thay đổi dần vì thời giá; vật dụng “bền” [và “đẹp”] thường đắt giá, dù ưa thích nhưng phần đông bá tánh lắc đầu, không mấy người chịu mở hầu bao để mua sắm nhất là những món không cần thiết trong đời sống hằng ngày, không có không xong. Như đôi đũa, không nhất thiết phải là đũa ngà, đũa bạc hay đũa mun mà 2 cọng tre hay mấy ngón tay cũng có thể dùng để ăn. Nghĩa là bá tánh chỉ chịu mua những thứ cần thiết và càng rẻ càng hay. Từ đó những sản phẩm thiết yếu ra đời, rẻ hơn, dễ mua hơn. Tạm hiểu là tiêu chuẩn 3 điểm nọ chỉ còn có 1, “rẻ” thì thường không đẹp và không bền; “đẹp” thì không rẻ và có thể cũng chẳng bền, xài một vài lần là bỏ. Món hàng hư hỏng nhanh thì càng bán được nhiều?! Bá nhân bá tánh, cách tiêu xài của người dùng nghiễm nhiên chia thành 2 nhóm chính: món hàng “đẹp” [theo tiêu chuẩn đương thời] nên đắt dành cho người rủng rỉnh tiền bạc, thứ “tàu tàu” dành cho đám đông.
Khuynh hướng tiêu xài và sản xuất kể trên dẫn tới việc xuất hiện loại hàng hóa ta gọi là “đồ dỏm”. Khuynh hướng ấy có tên là “consumerism”. “Đồ dỏm” là thứ dễ hư hỏng nhưng cũng có thể là hàng “giả” [trông giống món hàng “hiệu” đắt tiền] dù [có thể] bền bỉ, xài được lâu như những túi xách từ các thương hiệu nổi tiếng. Và túi xách thì mấy khi mà mòn, mà rách?
Khác với các vật dụng có tính cách trang điểm, vật gia dụng “giả” cũng dễ hư hỏng nên bị gom chung với “đồ dỏm”. Người chuộng hàng “hiệu” khi mua phải hàng giả thì bực mình lắm, nhưng tiền nào của ấy, của rẻ là của ôi?! Nói chung “đồ dỏm” thường rẻ hơn, dễ mua.
“Consumerism” thì “hay” ít, “dở” nhiều: “Hay” vì vật liệu chế tạo kém phẩm chất, nhân công không cần tay nghề nên “rẻ” và có thể bán hàng loạt, thu bạc nhanh chóng. Người mua dùng hàng mới liền tay. Tiện lợi cho cả thị trường nhân công (dễ kiếm người làm việc) lẫn hãng sản xuất kiếm nhiều tiền. “Dở” thì nhiều lắm. Tệ hại nhất là lượng rác phế thải, mỗi ngày một nhiều từ đồ dùng cũ, hư hỏng bị đem vứt bỏ. Vài thứ có thể tái dụng (recycle) nhưng phần lớn thì chỉ là rác. Rác nhiều nên trái đất mỗi ngày một bẩn thỉu ô nhiễm. “Dở” xuất hiện ngay cả trong những vật dụng cùng nhãn hiệu cùng hãng sản xuất. Để giữ giá thành không quá cao so với sản phẩm tương tự trên thị trường, hãng sản xuất giảm phẩm chất của món hàng, ngay cả các món bán chạy trước đó. Nôm na là dù ta chịu trả tiền theo vật giá đương thời, phẩm chất của món hàng cũng vẫn … xuống cấp. Như cái máy sấy tóc. Ngày xửa ngày xưa trong thập niên 90, cái máy sấy tóc nặng tay hơn (phụ tùng, máy móc bên trong là kim loại), sử dụng cả chục năm cũng chẳng hư hỏng gì ngoài việc kêu la ầm ĩ vì phụ tùng đã mòn [nên mỏi] và những vết sứt sẹo xấu xí trên vỏ ngoài. Không thích thay đổi lại vừa ý với món cũ nên phe ta rinh về cái mới. Món hàng ấy cùng nhãn hiệu sản xuất, giá cả cũng chỉ tăng chút đỉnh theo mức lạm phát của thời mới, kèm thêm chút kinh nghiệm mới. Cái máy sấy tóc năm 2020 nhẹ và chạy vù vù nhưng chỉ dùng được cỡ một năm là máy móc uể oải rồi tắt hơi sau khi bốc khói! Thì ra hàng mới dù nhãn hiệu cũ [nhưng không còn đáng tin cậy] cũng có thể là hàng “dỏm”? Dế Mèn làm tính nhẩm thì tìm ra chân lý: Cái máy sấy cũ 20 Mỹ kim, xài được trên 20 năm, mỗi năm tốn khoảng 1 Mỹ kim; cái mới giá 25 tiền, xài được khoảng 1 năm và phải mua cái khác. Ôi chao, tốn kém gấp 20 lần!
Tính toán như thế nên phe ta tẩn mẩn (tỉ mỉ + tẩn mẩn = “tỉ mẩn” chữ mới?) tìm hiểu. Tại sao công ty sản xuất kia lại thay đổi như thế? Họ không thể hay không muốn chế tạo món hàng với phẩm chất tương tự rồi bán với giá cao hơn để giữ khách [tồn cổ] như Dế Mèn đây? Món hàng nhỏ xíu rẻ tiền mà nhếch nhác thì những vật gia dụng đắt tiền hơn như máy giặt máy sấy cũng chẳng ra gì? Hay là chỉ có những sản phẩm trị giá cao mới cần phẩm chất? Ta có thể tin cậy vào công ty kia khi họ chế tạo các bộ phận của máy bay, của phi thuyền? Tên tuổi “lớn” như thế mà chế hàng “dỏm” thì còn làm ăn được bao lâu nữa?
Tìm hiểu chán rồi thì Dế Mèn phát giác ra rằng chẳng cứ gì cái máy sấy tóc GE mà những thứ kềnh càng khác của những hãng sản xuất lớn tương tự cũng xuống cấp về phẩm chất bạn ạ. Như mới đây, cánh cửa máy bay của Boeing mà còn rơi rụng giữa trời vì lắp thiếu đinh ốc thì còn trông mong chi nữa? Chẳng lẽ leo lên máy bay còn cắp theo cái dù để dễ bề sử dụng lúc nguy khốn? Chuyện tày trời này ta để dành cho bộ Giao Thông Vận Tải lo lắng chăng?
Trở lại với những câu hỏi [ấm ớ] về phẩm chất của sản phẩm ngày nay. Phần trả lời thì dài lắm. Đầu tiên là kiểu mẫu (thiết kế), design. Sản phẩm nào cũng mặc “áo” mới, cũng mang cái vỏ mới, lúc ngắn lúc dài, khi chật khi rộng, màu sắc rực rỡ in hệt như thời trang quần áo mỗi năm mỗi mùa! Mục đích chính là để mời gọi sự chú ý của khách hàng, thích mắt thì mới ham chuộng, phẩm chất tính sau!?
Vừa mắt rồi thì khách hàng ưng bụng mà mở hầu bao. Mua, mua, và mua. Rồi vứt đi món cũ [hay giữ lại trong nhà kho? Biến chỗ để xe hay hầm dưới nhà thành kho chứa đồ cũ, có mới nhưng không nới cũ?) Khách hàng thích cái mới thì người bán cứ chưng ra thứ mới bất kể hay/dở. Thế là sản phẩm chạy theo một trào lưu “cải tiến” không ngừng để tiếp tục tranh giành thị phần.
Xài vật dụng mới dường như mang lại sự thích thú, hãnh diện cho chủ nhân về khả năng mua sắm, nhiều tiền nên không mấy ai ngưng lại vài phút để thẩm định vật dụng đang dùng, có hư hỏng gì không hoặc nếu có hỏng thì ta có thể tự sửa chữa hay mang ra tiệm?
Khuynh hướng “sửa chữa” xem ra cũng đã lỗi thời. Hãng sản xuất không bán phụ tùng (bây giờ bá tánh dùng chữ “thiết bị”?) nữa, có muốn sửa cũng khó khăn lắm và tiền công / thời giờ khiến người ta nản lòng vì sửa chữa vật dụng đôi khi còn tốn kém hơn là mua hàng mới. Đây là câu chuyện của Trái Táo Sứt. Suốt mấy chục năm, Apple chống đối các đạo luật bảo vệ người tiêu thụ như “quyền sửa chữa” (right-to-repair laws) kêu la rằng món hàng kia là sản phẩm có tác quyền, cho người “lạ” táy máy là phá hủy các bí mật kỹ thuật của họ. Chẳng hạn việc mở chiếc iPhone, ta sẽ cần một dụng cụ đặc biệt, screwdriver bán tự do thì chẳng xong. Cho đến năm 2021, Apple mới chịu bán ra dụng cụ sửa chữa các sản phẩm của họ và các cửa tiệm không liên quan đến Apple mới có thể sửa chữa.
Theo iFixit, các món hàng của Apple vẫn là những vật dụng khó sửa chữa nhất. Chẳng riêng chi Trái Táo Sứt, Microsoft, Amazon, Google, Tesla, John Deere, và General Electric cũng áp dụng chính sách “cấm sửa chữa” để ôm chặt két bạc.
Mấy tay [hoạt động] xã hội đã tranh đấu dữ dội lắm mới thay đổi được phần nào chính sách giữ bạc nọ qua việc công ty sản xuất lớn cấp “bằng” cho một số đại lý, certified repair shop, cho phép các tiệm này sửa chữa vật dụng do họ chế tạo. Nhưng các công ty kia lại có “chiêu thức” mới để đáp ứng: Điện thoại hỏng? Mua cái khác, cứ mang đến Trái Táo Sứt, trả thêm tiền là có hàng đời mới, khỏi sửa chữa lôi thôi dù chỉ thay pin hết hạn. Hấp dẫn như thế thì mấy ai muốn xài đồ cũ, nhất là món đồ không [chạy] nhanh, không đẹp mắt như món mới?
Tuy nhiên đẹp mắt (aesthetics) không chỉ là tiêu chuẩn duy nhất để người tiêu thụ chạy đua trong việc sắm sửa mà công dụng (utility) còn là một sự thu hút khác. Chỉ thay đổi về “bề ngoài” (style) thường xuyên như quần áo thời trang sẽ khiến chiếc xe hơi, cái điện thoại di động trở thành … xoàng xoàng và người mua chóng chán, ngần ngại mua sắm nhất là khi món hàng trị giá bạc ngàn. Hãng sản xuất phải ngẫm nghĩ tìm kiếm để cho ra đời sản phẩm mới đủ sức thu hút bá tánh về ngoại hình cũng như công dụng. Tạm hiểu là tiêu chuẩn thiết kế sẽ tùy thuộc vào loại sản phẩm và trị giá của món hàng.
Việc thiết kế sản phẩm thường bao gồm những gì?
Khi nói đến “thiết kế” (design) ta thường nghĩ đến việc thay đổi dáng vẻ bên ngoài của món hàng. Thực ra việc thiết kế có thể bao gồm cả sửa chữa những bất toàn của sản phẩm. Như những con dao làm bếp. Dao kéo dành cho đầu bếp thường đủ bộ, mỗi món dùng cho một việc khác nhau để đầu bếp có thể nhanh tay cắt cứa, lọc da, rút xương nhậm lẹ. Dao kéo dùng trong nhà của các tay nội trợ thì giản dị hơn nhiều, chỉ khoảng 5, 6 thứ. Ngoài “bóng sắc”, hãng sản xuất sẽ cần chú tâm đến tay cầm, dài ngắn, lớn nhỏ; trọng lượng nặng nhẹ sao cho dễ dàng sử dụng nhưng quan trọng nhất vẫn là độ sắc bén của sản phẩm; dùng kim loại nào để con dao sắc bén và khó sứt mẻ.
Tác phẩm đầu tiên có thể là bộ dao đẹp mắt nhưng có các khuyết điểm như tay cầm hơi nhỏ, đầu bếp to lớn gặp khó khăn khi sử dụng … Các sản phẩm kế tiếp [đời mới] sẽ được lần hồi sửa chữa cho đến khi tạm hoàn hảo và trị giá của bộ dao có thể lên đến bạc ngàn!
Bộ dao đắt tiền thì thị trường giới hạn, chỉ thu hút một số người mua như đầu bếp hoặc những người thích nấu ăn nhưng không chuyên nghiệp. Từa tựa như các sản phẩm làm bằng tay, hand-made, chế tạo từng cái theo đơn đặt hàng và cách thiết kế thì vô cùng cá nhân, người bán kẻ mua có sở thích tương tự.
Ngược lại, khi sản phẩm chế tạo hàng loạt cho triệu người dùng thì việc thiết kế được kỹ nghệ hóa, mỗi bước trong tiến trình sản xuất đều được tính toán theo tiêu chuẩn tiện và rẻ cũng như tùy thuộc vào máy móc có sẵn hoặc phải chế tạo máy móc mới.
Theo Hiệp Hội Thiết Kế Hoa Kỳ, the Industrial Designers Society of America, thiết kế kỹ nghệ thường chú trọng đến hình dáng, công dụng và [khả năng] chế tạo hay “manufacturability”. Khả năng chế tạo hàng loạt là yếu tố thay đổi nhiều nhất theo chân cuộc cách mạng kỹ nghệ (the Industrial Revolution) khi máy móc bắt đầu thay thế con người trong hãng xưởng và thay đổi khuynh hướng mua sắm của kẻ tiêu thụ.
Trận Khủng Hoảng Kinh Tế, the Great Depression, cũng ảnh hưởng sâu đậm đến khuynh hướng mua sắm của người tiêu thụ, “consumerism”. Kinh tế suy trầm nên cần nhiều yếu tố kích thích để tăng trưởng, và sản phẩm / vật dụng mới cần xuất hiện là một trong những “kích thích tố” ấy.
Các tay tổ về quảng cáo, như ông Earnest Elmo Calkins đã đề xướng cả một chiến lược buôn bán mới, “hướng dẫn” cách mua sắm của người tiêu thụ trong suốt thế kỷ kế tiếp. Chiến lược ấy có tên “consumer engineering”. Nhà quảng cáo và người thiết kế phải làm những gì để tạo ra nhu cầu mua sắm [món mới]. Giản dị nhất là cách chê món cũ! Những sản phẩm cũ đã lỗi thời, không đẹp, không tiện dụng, không sang trọng… Và quảng cáo bắt đầu từ người tiêu thụ tí hon, đủ khả năng để nhận biết sự khác biệt giữa các sản phẩm về màu sắc, hình dáng … nên người bán cứ nhắm đến trẻ em mà quảng cáo kịch liệt. Khi con trẻ đòi thì cha mẹ thường mua sắm, thức ăn cũng như đồ chơi, quần áo. Đến nay thì ta có khá nhiều thế hệ tiêu thụ với khuynh hướng chạy theo sản phẩm mới. Hầu như tuần nào cũng có món hàng “mới” xuất hiện trên thị trường.
Hàng mới không có nghĩa là hàng “tốt”, tiện dụng hoặc bền bỉ. Khi hãng sản xuất chạy nhanh như thế thì chẳng có chương trình thiết kế đáng kể nào chạy theo cho kịp, hầu hết chỉ là những món hàng mới với vài sự thay đổi nhỏ như màu sắc, hình dáng… và dễ hỏng. Để duy trì giá thành ở mức “dễ bán”, hãng sản xuất tiết giảm phí tổn về vật liệu, nhân công chưa kể lạm phát nên phẩm chất của hàng hóa xuống cấp là điều dễ hiểu.
Người tiêu thụ không mấy ai nhận ra sự thay đổi từ khuynh hướng sản xuất, ta thường nhìn ngắm xem xét sản phẩm khi sử dụng thường xuyên. Khi mua sắm món mới chỉ để thay thế hàng cũ thì vật dụng không có thời giờ để …hỏng nên phẩm chất / sự bền bỉ hết là điều ta thắc mắc.
Sản phẩm do con người chế tạo theo khuynh hướng thời thượng. Cũng vẫn cái vòng lẩn quẩn, thiết kế – chế tạo – sử dụng, mà ta có những vật dụng thời thượng. Cuối cùng thì kẻ lượm bạc, lượm quyền lực vẫn là những người nghĩ ra cách “điều khiển” bá tánh một cách hữu hiệu!?
TLL