Như nhiều nơi khác trên thế giới, đất nước Huê Kỳ dường như đang hồi sinh, từ từ mở cửa làm ăn buôn bán, dù chưa hoàn toàn trở lại tình trạng 100% như thời điểm trước dịch Vũ Hán. Tuy nhiên CDC vẫn tiếp tục khuyến cáo cư dân nên đeo mặt nạ lúc ra vào chốn công cộng, tránh tụ họp chỗ đông người và khi “chạm mặt”, cần đứng xa khoảng 6 bộ Anh, rửa tay thường xuyên…
Đại khái, các chuyên viên y tế đang nói rằng khi phải tiếp xúc với người khác, hãy làm những việc giúp tiết giảm tối đa lượng siêu vi khuẩn [trong không gian]. Nói một cách khác, vài siêu vi khuẩn hoặc vài thành phần gây nhiễm trùng (viral particles) của siêu vi khuẩn không thể gây bệnh tật vì cơ thể ta có thể chống chỏi lại một lượng kháng sinh nhỏ nhoi.

Câu hỏi quan trọng hơn là ở lượng siêu vi khuẩn nào thì cơ thể ta “thua” và bị nhiễm trùng? Theo ngôn ngữ chuyên môn, mức lượng tối thiểu để gây hậu / hiệu quả (“minimum effective dose” hay “infective dose”) là bao nhiêu?
Trả lời câu hỏi kể trên là những chương trình thí nghiệm trong thú vật, các chuyên viên dùng ferret, hamster và chuột để thử nghiệm, tìm hiểu và ước đoán số lượng siêu vi khuẩn [có thể gây bệnh] ấy nhưng con số nào cũng chỉ là “ước tính” vì ta không thể “dùng” con người để thử nghiệm để có câu trả lời chính xác.

Các kinh nghiệm chữa trị bệnh nhân bị cúm (influenza), bị SARS và bị MERS giúp con người ước tính số lượng siêu vi khuẩn gây bệnh. Lượng siêu vi khuẩn gây chứng bệnh SARS là vài trăm thành phần / mảnh siêu vi khuẩn (viral particles) trong khi lượng siêu vi khuẩn cần thiết để gây bệnh MERS cao hơn rất nhiều, cả ngàn mảnh siêu vi khuẩn. Covid-19 hay SARS-CoV-2 rất gần gũi với siêu vi khuẩn SARS và do đó, lượng siêu vi khuẩn đủ để gây bệnh tật cũng chỉ khoảng vài trăm mảnh.
Nói chung, lượng siêu vi khuẩn (“viral load”) càng cao, căn bệnh càng trầm trọng và người bệnh truyền bệnh cho kẻ chung quanh dễ dàng hơn.

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Covid-19 dường như là một ngoại lệ (?) vì một số người bị nhiễm trùng dù không có triệu chứng nào nhưng cơ thể lại mang một lượng siêu vi khuẩn cao, cao tương đương với những người chịu triệu chứng trầm trọng và cần máy trợ hô hấp. Các bệnh nhân này dễ truyền bệnh nhất trong thời gian 2-3 ngày trước khi triệu chứng xuất hiện. Nghĩa là người bệnh cảm thấy “bình thường” nhưng có thể gây bệnh mà không hay biết. Khi triệu chứng xuất hiện, mức truyền nhiễm giảm bớt.

Yếu tố quan trọng khác là mức độ truyền nhiễm khác nhau giữa các bệnh nhân: Người truyền bệnh cấp kỳ và truyền bệnh cho nhiều người khác (“super spreader”) trong khi có kẻ truyền bệnh rất ít dù cả hai nhóm mang một lượng siêu vi khuẩn tương đương. Ta chưa biết rõ tại sao, vì sinh hóa (biology) đặc biệt của cơ thể hay vì cách sinh sống (behavior) của người bệnh?

Về phía người “thụ bệnh”, hình dạng lỗ mũi, số lông mũi, lượng chất nhờn trong mũi và lượng thụ thể trong hệ hô hấp là các yếu tố ảnh hưởng đến sự “thụ bệnh”, đến lượng siêu vi khuẩn có thể xâm nhập cơ thể.

Một lượng siêu vi khuẩn cao thường gia tăng mức truyền nhiễm, có thể đây là lý do tại sao các nhân viên y tế khỏe mạnh bị nhiễm trùng trong khi Covid-19 thường ảnh hưởng nhiều đến người già yếu.
Lượng siêu vi khuẩn [có thể] gây bệnh cũng tùy thuộc vào cách truyền bệnh, qua đường hô hấp (inhaled) hoặc qua đường tiêu hóa (ingested).

Ho, hắt hơi, hát, nói và ngay cả việc thở hổn hển, thở gấp… (há miệng rộng) sẽ đẩy một lượng khí và những hạt [chất] nhờn, nhớt trong cơ thể vào không gian. Khi bị nhiễm Covid-19, siêu vi khuẩn sẽ theo cách vận chuyển kể trên mà lan truyền đến kẻ chung quanh. Ðeo mặt nạ là cách phòng ngừa hữu hiệu để tránh các hạt nhờn, nhớt kể trên.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Con người cũng có thể sờ mó các mặt phẳng “dính” siêu vi khuẩn rồi sờ mặt mũi, miệng, và từ đó, siêu vi khuẩn theo vào cơ thể. Tuy nhiên cách truyền bệnh này không dễ dàng, ta cần cả triệu triệu mảnh siêu vi khuẩn mới đủ để gây bệnh, so với cách truyền nhiễm qua đường hô hấp. Tạm hiểu là ngày nay, hiểu thêm về Covid-19 và phương thức truyền nhiễm, việc lau chùi, sát trùng mặt bàn, nắm tay cửa hoặc các thùng, gói hàng mua về… không còn cần thiết nữa.

Ngoài lượng siêu vi khuẩn và thời gian ủ bệnh, khoảng không gian, khoảng cách giữa người bệnh và người khỏe, cũng ảnh hưởng đến việc truyền bệnh. Ở nơi thoáng đãng, không khí luân lưu rộng rãi, lượng siêu vi khuẩn sẽ tản mát và thấp hơn so với những căn phòng kín cửa.

Từ những dữ kiện kể trên, ta có thể suy đoán và đi đến kết luận về một số câu hỏi như sau:

  1. Tôi có nên đi biểu tình [gần gũi với đám đông người xa lạ] hay không?

Bài viết này chỉ nói về khía cạnh y tế công cộng và bệnh truyền nhiễm Covid-19, không đề cập đến chính trị.

Khi tụ họp, tiếp xúc với đám đông, mức rủi ro của bệnh truyền nhiễm gia tăng, bất kể là bệnh truyền nhiễm nào. Với Covid-19, siêu vi khuẩn lan truyền qua đường hô hấp. Mở miệng la hét, thở gấp… là lúc các hạt chất nhờn, nhớt trong cơ thể bắn ra chung quanh, người nhiễm bệnh dễ dàng gây bệnh. Ðeo mặt nạ, ra chốn không gian trống sẽ tiết giảm phần nào các rủi ro nhiễm bệnh khi tụ họp.

  1. Khi nào thì tôi có thể tập thể thao sau nhiều ngày cấm túc ở mãi trong nhà?
    Ta có thể tập thể thao, thể dục ngay khi có thể với một chương trình “nhẹ nhàng” hơn so với khi trước, khoảng 50% mức độ tập luyện. Nên bắt đầu từ từ để thân thể quen với sự vận động rồi sau đó gia tăng dần. Khi cơ thể cảm thấy đau đớn là ta nên ngừng ngay.
  2. Nơi tôi sống đã bắt đầu mở cửa buôn bán, có an toàn khi tôi ra khỏi nhà không?
    Mỗi địa phương “mở cửa” theo lịch trình riêng và tùy theo mức độ “chấp nhận” của cư dân mà chính phủ sở tại quyết định. Dù không có lệnh ‘phải ở nhà”, khi ra ngoài, vẫn nên tiếp tục giữ khoảng cách với người chung quanh và đeo mặt nạ.
  3. Làm thế nào để tự bảo vệ khi dùng đường hàng không?
    Hiện nay, nên giới hạn việc di chuyển bằng đường hàng không ở mức cần thiết.
    Khi đi máy bay, nên chọn ghế gần cửa sổ để tiết giảm mức tiếp xúc với người chung quanh. Nên đeo mặt nạ. Mang theo các gói giấy lau tay chứa chất sát trùng để chùi chỗ tựa đầu, tay ghế, dây an toàn… dù các hãng hàng không lớn đều công bố rằng họ tẩy trùng máy bay sau mỗi chuyến (?). Tránh sờ mó mặt mũi.
  4. Làm thế nào để lấy nhiệt độ?
    Dùng nhiệt kế chạy bằng pin hoặc nhiệt kế có cột thủy ngân, đặt đầu “que” dưới lưỡi và chờ khoảng 60 giây. Thân nhiệt bình thường thay đổi theo cá nhân; người luôn “ấm”, kẻ lại “lạnh” nhưng trung bình, khi nhiệt độ ở mức 100.5 độ Fahrenheit trở lên thì nên chú ý.
Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

TLL

Tổng hợp tài liệu của CDC & NIH