Lời Giới Thiệu: Đặng Thơ Thơ sinh năm 1962, là cháu ngoại của nhà văn Hoàng Đạo trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, sang Hoa Kỳ năm 1992, hiện sinh sống và làm việc tại Orange County – California. Đã xuất bản hai tập truyện Phòng Triển Lãm Mùa Đông và Khả Thể.

Bảo Huân

Ðó là một mùa Hè năm tôi mười tám tuổi, lần đầu tiên tôi được sống một mình. Chú Tường, bạn thân của ba, nhờ tôi đến trông nom vườn lan trong khi cô chú đi nghỉ hè xa. Gia đình tôi cũng về thăm trại của bà ngoại. Vì thế tôi đến ở hẳn nhà chú. Nhà trên đồi, một vùng đồi thênh thang gồm 5 vườn lan, 3 nhà kính nuôi lan và một phòng thí nghiệm. Số lan tôi phải chăm sóc chừng năm ngàn loại khác nhau. Ban ngày có người giúp việc đến dọn dẹp vườn. Từ chiều đến tối chỉ còn mình tôi.

Một ngày mùa Hè của tôi bắt đầu từ bảy giờ sáng, pha một ấm trà nhỏ, ngắm một cành lan, trò chuyện với nó bằng những ý tưởng của mình. Có ngày tôi uống trà với nhiều cây lan chung quanh, những đóa hoa mà vẻ đẹp đang làm tôi mê say. Khoảng bảy rưỡi, tôi khoác bộ khaki, thêm một lớp áo ấm, và đi ra vườn.

Lan đất ngoài vườn mùa này rực rỡ với những chùm cả mấy chục đến mấy trăm bông. Chúng thích khí hậu lạnh và ánh sáng rực rỡ trên đồi. Khi hoa nở thì côn trùng và sâu bọ kéo tới. Hầu như tôi phải kiểm soát từng cây, từng bông mỗi ngày. Những khu cạnh đó trồng loại lan thường thấy trên thị trường: lan bướm, lan vũ nữ, lan dã hạc, lan vân hài. Rồi đến những loại hiếm hơn như lan nhện, lan bọ cạp, lan hổ, lan thiên nga..

Xuống thấp một chút là vườn lan biển, tôi gọi vậy vì chúng thích trá hình thành những sinh vật ngoài khơi. Chúng mang màu san hô và hải quỳ, đài hoa buông rủ thành cánh tay bạch tuộc hay sao biển. Cánh hoa hình môi biến dạng ra những con sò đỏ tía hoặc những con sứa mềm xốp trong veo. Có một dạo người ta săn lùng những loại này vì hình thù kỳ dị của chúng. Tất cả những loại lan vừa kể chú dùng để cung cấp cho những tay sưu tập lan với mục đích thương mại. Họ mua một lúc cả mấy trăm cây, rồi bán lại cho dân chơi lan tài tử.

Khi nắng chiếu thẳng đỉnh đầu là lúc tôi phải vào nhà kính. Chú Tường có ba nhà kính với ba miền khí hậu khác nhau, được trang bị hệ thống làm mưa, làm mây mù nhân tạo. Hệ thống điện toán tối tân để kiểm tra và báo động độ ẩm, độ khoáng chất, và độ sáng cho cây. Lan trong nhà kính là những loại cực hiếm, có loại trên thế giới chỉ còn vài tay sưu tập lan nuôi được. Có loại tưởng như tuyệt chủng, đột nhiên chúng mất tích và không ai hiểu tại sao.

Ðặc biệt nhất là loại lan ra đời bằng phương pháp hóa học. Cấu trúc di truyền của chúng thay đổi và đảo ngược để tạo thành những đóa hoa vô cùng dị dạng. Chúng như một thứ quái thai ở người. Và chúng biến hóa như chỉ có ở trong truyện thần thoại. Những bông hoa có đuôi, có mào, có sừng, có răng, có những khuôn mặt tinh vi sắc sảo. Mỗi bông hoa là một nhân cách riêng. Những loại thật lớn có vóc dáng thô bạo và màu sắc kỳ quái gợi cho tôi hình dáng của những con vật. Trong thế giới những kẻ sưu tầm lan thì quái thai lan là món hàng đắt giá nhất, bị săn đuổi ráo riết nhất. Chú Tường nổi tiếng vì thế, chú tạo ra nhiều loại lan đặc thù hơn hẳn những tên tuổi khác.

o O o

Lan là một đam mê có tính truyền nhiễm. Tôi tin rằng nếu ở gần một người chơi lan, cuối cùng mình sẽ rơi vào bẫy. Có lẽ ba tôi hiểu rất rõ điều này. Chú Tường tặng nhiều lan đẹp; nhưng ba chỉ chưng trong nhà cho đến lúc hoa tàn, rồi trả lại cây cho chú.

Tất cả bắt đầu vào sinh nhật thứ mười ba. Chú hỏi tôi muốn quà gì. Tôi cảm thấy không còn thích đồ chơi như những năm trước nữa, nên nói bừa:

”Cháu chỉ muốn cái gì mà chú quý nhất thôi.”

Chú cười:

”Dễ quá. Cháu thích cây lan nào, muốn bao nhiêu cây, cứ việc. Nhưng rồi sẽ mất thì giờ lắm đấy.”

Chú chọn cho tôi khoảng hai mươi cây khác nhau, vừa chậu, vừa giò, đầy hoa và nụ. Tôi còn nhớ một giò Kim Ðiệp vàng rực mà mỗi lần gió thoảng lại chuyển mình ra bướm. Một cành lan khác cũng làm tôi say mê rất lâu. Nó như những cô gái mặc áo đầm trắng viền ren và nơ hồng, đứng trên nền ngôi sao vàng nhạt. Chú mang đến nhà tôi, chọn một cửa sổ nhiều nắng cho lan, rồi lại mất cả ngày làm giàn ngoài hiên để treo những giò lan rễ dài cả thước.

Xem thêm:   Nhịn ăn tiêu cực

Ngày hôm ấy trôi qua êm ả và vui nhộn bên ngoài. Nhưng bên trong, một thế giới riêng mới mẻ vừa mở hé cánh cửa, làm tôi bàng hoàng. Cùng một lúc tôi nói cười rộn rã với mọi người, tôi cảm nhận lặng lẽ những xúc động ào ạt bên trong. Ngày đó tôi không bao giờ quên, lần đầu tiên tôi biết đến thứ cảm giác rộn ràng ấy. Nó êm ái như được vuốt ve, lại xót xa đê mê kỳ lạ. Nhìn những chùm hoa, tôi thấy ngọt ngào, tôi thấy đau đau, vừa đầy tràn vừa thiếu vắng.

Những ngày sau đó như có ai vừa đánh cắp mất linh hồn của tôi. Tôi không muốn rời mắt khỏi những bông hoa, và những ý nghĩ về chú Tường đeo bám dai dẳng như cái bóng. Tôi nhớ chú khôn nguôi. Nỗi nhớ điên cuồng và bão tố. Tôi ôm ấp và che giấu nó.

o O o

Khi nắng ngả sau đồi là lúc tôi quay lại phòng thí nghiệm. Mọi hoạt động nơi này đều tuần tự với chiều đi của nắng. Phòng thí nghiệm có hệ thống báo động nối với nhà kính và vườn lan. Tôi có thể kiểm soát tất cả trên màn ảnh lớn. Computer ở đây lưu trữ hồ sơ của tất cả mấy ngàn loài lan. Tôi có đủ dữ kiện về nguồn gốc, xuất xứ, phân loại. Hồ sơ lan cũng như hồ sơ cá nhân của một con người — tên cha mẹ, phương pháp thụ thai, đặc điểm nhận dạng, cách nuôi dưỡng, sở thích, bệnh lý, và thuốc chữa.

Những dãy bàn dài la liệt chai lọ và ống nghiệm đựng bụi phấn hoa và mầm sống của những đợt thử thách mới. Trong này có một số cây tôi ghép lấy, thử công thức pha màu của chú Tường. Nếu thành công thì tôi sẽ có những đóa Vanda màu rêu. Ðấy là màu tôi yêu thích đặc biệt, và hiện nay trên thế giới chưa ai có Vanda màu này cả. Chú vẫn bảo:

“Chỉ ba năm nữa thôi là sẽ có Vanda mang tên Hiên. Cháu sẽ nổi tiếng đấy nhé”.

Tôi cười:

“Cháu không cần nổi tiếng, cháu chỉ thích pha màu những đóa hoa. Ðiều này họa sĩ chỉ cần vài phút, còn mình thì phải mất mấy năm. Chú có bao giờ thấy sốt ruột không?”

“Không. Trong lúc chờ đợi mình làm nhiều thử nghiệm khác. Và mình được hy vọng mỗi ngày.”

Ba năm nữa tôi sẽ biết được khuôn mặt của những cây Vanda non này. Trong thế giới lan, ba năm là một thời gian quá dài. Bởi mỗi ngày, trong các phòng thí nghiệm, người ta có thể tạo ra cả trăm loài lan mới. Người ta giành giật nhau thời gian và những hạt phấn hoa. Một cây lan quý rất có thể bị đánh cắp dù vẫn ở cạnh mình. Trong hội chợ lan, có người đã từng ăn cắp phấn hoa để về tạo ra những phiên bản y chang.

Tôi sắp xếp lại những ống nhỏ đựng mầm rễ và cây non. Cạnh đó là bưu thiếp cô chú gửi từ châu Á, cô viết đã mua nhiều quà cho tôi lắm, chú cảm ơn tôi trông hộ vườn lan. Tại sao chú lại cảm ơn? Những lời lẽ có phần khách sáo và không thật với con người chú. Tôi đến đây mỗi ngày là vì lan, hay đúng hơn là vì tôi. Tôi nghĩ chú hiểu điều này, cũng như chú từng hiểu nhiều điều mà tôi không nói ra. Không hẳn là chú đọc những ý tưởng trong đầu tôi, mà là một sự đồng cảm. Ðiều này làm tôi thấy yên tâm, thấy dễ chịu, và nhiều khi muốn khóc. Vì vậy, những dòng chữ trên bưu thiếp như của một người xa lạ. Tôi không tìm thấy chú Tường trong đó.

o O o

Hệ thống báo động cho tôi biết ngoài kia trời trở gió. Tôi đến ngồi bên cửa sổ, nhìn xuống vùng đồi lan chập chùng rực lên trong ánh nắng cuối ngày. Chú vẫn hay ngồi đây, đối diện với một cành lan ngoài vườn, thường là một tác phẩm mới ra đời. Có lúc chú cần một tách trà, có lúc chú cần nhạc, có lúc chú cần tĩnh lặng tuyệt đối. Chú ngồi im, đăm đăm nhìn những đóa hoa của mình.

Ngoài cửa sổ hôm nay là một cành Vanda bướm, đẹp như mới gỡ ra khỏi một bức tranh. Những chiếc lá hình nan quạt sắc sảo cứng cáp như nét vẽ, những cọng rễ trắng xanh buông rủ vướng vít ngoài khung gỗ, một cụm hoa tha thướt và trang trọng nghiêng mình nhìn xuống tôi. Màu của hoa kỳ lạ lắm, có khi tím ngát, có lúc biếc xanh, tùy vào ánh sáng trong vườn, lúc nắng lên hay chiều xuống. Nó bí ẩn như màu rừng thẳm trên những viên đá ngoài bờ suối, có bóng cây lá rong rêu thấm vào.

Xem thêm:   Răng giả

Tôi thấy nó lần đầu dưới bóng cây si xanh mướt dù lúc đó mùa Thu đang trút lá. Chú ngồi trên chiếc ghế mây gần đó, mỉm cười bảo tôi: “Nhìn lên đi, cái chạc cây trên đầu cháu ấy.”

Tôi quay lại, giật mình thấy một con bướm to màu tím vướng trong chùm lá. Gió nổi lên rào rào trong vòm cây làm nó không thoát ra được. Tiếng chú sau lưng:

“Ðẹp không? Vanda mới nhất đấy! Lạ nhất là cánh hoa giữa hình môi(*). Hiên để ý nhìn kỹ xem.”

Tôi thấy rờn rợn. Cánh hoa hình đôi môi của lan đã biến dạng ra một con bọ với cái đầu quá khổ, trán thấp cằm bạnh, đôi mắt tròn xoe nhìn tôi chằm bằm. Nó là con sâu, mặt khỉ, khoác lên mình cánh bướm nhung mượt mà huyền ảo. Tôi biết ngay đóa hoa này rồi sẽ “nổi tiếng.” Không hẳn vì nó đẹp, mà vì nó bất thường. Khi nhìn ngắm nó, người ta sẽ hoang mang, sẽ tự hỏi có lẽ nào lại thế. Tôi không chỉ nhìn nó như một đóa hoa, tôi nhìn thấy biểu tượng của vẻ đẹp hóa thân từ một thứ gớm ghiếc nhất đời. Những người bi quan sẽ tiếc cho cánh bướm có con sâu ma quái. Những người hiếu kỳ sẽ săn lùng nó bằng mọi giá.

Tôi còn nhớ sau đó đúng một tuần chú nhận lời tham dự một buổi thuyết trình ở trường U.C.S.D. Ngay hôm chú vắng nhà thì cô Ðào đến chơi. Cô Ðào là bạn của cô, cũng yêu lan, bộ sưu tập của cô khoảng hơn trăm cây, phần lớn từ vườn nhà chú Tường. Ðúng như tôi đoán, cô Ðào bị cây Vanda bướm mê hoặc ngay lập tức. Cô săm soi từng chi tiết như nhà bác học sử dụng kính hiển vi, rồi cô lùi lại mấy bước nheo mắt ngắm nghía như họa sĩ khi mới quẹt xong những nét cọ cuối cùng.

Xong cô lại đi vòng quanh cây hoa, đánh giá tổng thể như đạo diễn đang cân nhắc tuyển chọn người mẫu. Cô cứ lắc đầu quầy quậy, miệng than thở: “Không thể tưởng tượng được. Không thể nào tưởng tượng được. Ôi Trời! Không làm sao tưởng tượng được.”

Cô lúc đó đứng tựa vào gốc cây, mỉm cười bảo cô Ðào:

“Cây lan này mới ra hoa lần đầu. Biết hôm nay Ðào đến, anh Tường dặn mình treo sẵn ngoài vườn để tặng Ðào.”

Tôi điếng người nhìn cô trân trân. Cô có điên không? Cô vẫn nói với cô Ðào mà mắt lại nhìn tôi. Chúng tôi cứ nhìn nhau như thế. Tôi không hiểu cô nghĩ gì, vì cây vanda này còn đang trong thời gian thử nghiệm. Nó là duy nhất trên đời. Và chú Tường chưa kịp lấy cấu trúc di truyền để tạo những phiên bản mới. Nhưng tôi không có phản ứng nào cả, vì cái nhìn của cô làm tôi hoang mang, nó vừa giễu cợt vừa thách thức. Tôi còn nhớ như in hình ảnh cô lúc đó, đầu ngước cao đài các, chiếc áo trắng mỏng tha thướt tạt theo chiều gió, cô khoanh tay khép sát vào ngực trong dáng vẻ kiêu kỳ và cô độc.

Theo lời chú kể thì ngày xưa cô yêu lan lắm. Ðam mê lan bắt nguồn từ cô. Mỗi lần đến thăm thay vì mang hoa hồng thì chú lại cố tìm loài lan mới tặng cô. Tình yêu biến ý thích của cô thành đam mê của chú. Hai người vào rừng, đi ngoại quốc tìm lan lạ. Bắt đầu chỉ vài chục cây rồi con số cứ nhân đôi mãi thành trăm thành ngàn. Cuối cùng thì giấc mơ chú xây dựng cho cô đã thành hiện thực. Còn cô lại bắt đầu thờ ơ. Cô chắc mệt mỏi với việc chăm sóc cả ngàn giò lan ngày này sang ngày khác. Nhưng chú Tường không nhận thấy điều này, chú bận rộn với việc sáng tạo, giải quyết những thử thách mới chú tự đặt ra cho chính mình.

Chuyện cô Ðào làm tôi suy nghĩ mãi. Mấy tuần liền tôi tránh không dám đến. Gọi điện thoại hỏi thăm chú về có khỏe không, chú hỏi lại: ”Cháu trốn đi đâu thế?” Chú biết là tôi trốn chú?

Xem thêm:   Người hùng thầm lặng

Tôi gặp lại chú dưới bóng cây si già. Chú an ủi tôi trước, dỗ dành như tôi vẫn còn là đứa bé. Khí lạnh của mùa Thu se sắt làm tôi cảm thấy sức nóng kỳ lạ từ ngực và hơi thở chú. Chúng tôi đứng tựa vào nhau, tay chú ràng quanh bờ vai tôi. Tôi tha thiết muốn ôm lại chú, ghì sát vào thân thể mình đang vô cùng mềm yếu. Nhưng rồi chỉ hỏi chú có buồn không. Chú nói: “Chú sẽ buồn nếu vì thế mà Hiên không đến nữa.”

Tôi gần như nín thở. Sức nén bên trong làm tôi choáng ngất. Và người thì nhẹ như đang thoát bay cùng với gió

Tôi muốn nghe chú nói mãi, nói mãi. “Cháu đa cảm quá. Rồi cháu sẽ cô đơn.” Tôi nói cô đơn là do mình tự chọn. Chú cười khẽ, nhưng giọng nói có chút gì buồn bã:

“Ừ, người nghệ sĩ suốt đời chỉ cần chơi với chính mình thôi. Thế cũng đủ rồi.”

o O o

Tôi cũng đang chơi với chính mình đây, và cành lan trước mặt luôn gợi nhớ về bao nhiêu ký ức. Sau đó thì mọi chuyện trở lại bình thường. Cây Vanda bướm của cô Ðào đã gãy sau một cơn bão gió. Chú làm lại từ đầu, suốt ba năm chỉ tập trung vào loài Vanda hiếm muộn ấy, như tái tạo lại một đứa con đã chết. Công việc lần này cực kỳ khó khăn. Bao nhiêu mầm èo uột, chết non, hoặc mắc một thứ bệnh kỳ lạ. Chú gây cả ngàn cây, chỉ giữ được độc nhất cành lan này — mạnh mẽ và cho hoa thật đẹp. Cánh hoa màu tím biếc xanh có khoang viền màu nhạt như cánh bướm, và chính giữa là con sâu mặt khỉ ngồi thu lu với đôi mắt to trô trố.

Tôi hỏi chú định đi đâu trong hai tháng hè. Chú cười, bảo: “Chú đi với cô.” Cô mơ màng: “Lâu lắm rồi cô chú mới lại đi chơi xa như thế này, có lẽ từ trăng mật đến giờ.” Tôi nghĩ thầm, mười hai năm cho hai lần đi xa, cô thờ ơ với vườn lan vì vậy. Trông cô đăm chiêu, tôi nhìn cô – người ta vẫn nói đôi mắt người sắp đi xa mang hình ảnh nơi họ sẽ tới. Tôi muốn tìm trong mắt cô bóng dáng con thuyền trên mặt biển xanh ngắt, hoặc đường phố rộn ràng đèn sáng như sao. Nhưng không hiểu sao chỉ thấy những cánh đồng hoang vắng ngút ngàn; hình ảnh một đoàn tàu lửa đập vào đầu tôi, băng qua những bụi lau chập chùng vô tận.

o O o

Chú gọi tôi vào sáng sớm:

“Chú đánh thức Hiên dậy, phải không?”

Tôi trả lời không trong một cảm giác lạ lùng, chú đang ở đâu đây, tối qua tự dưng tôi có linh tính chú sẽ gọi cho mình.

“Chú đang ở Athens, khuya lắm rồi, chờ cô ngủ chú mới gọi cháu được. Cháu đang làm gì?”

Tôi nhìn ra bàn — một bình trà và hai chén nhỏ in hình những chiếc dù Nhật Bản xen lẫn hoa cỏ và những vệt màu tươi trên áo kimono. Chén hồng nhạt hoa anh đào của tôi, chén xanh lục màu thủy trúc của chú. Những buổi sáng ở đây đã trôi qua như thế, tôi ngồi một mình, uống trà một mình, nhưng không hẳn một mình.

Tôi hỏi: “Chú có chuyện gì quan trọng không?”

“Cháu thông minh lắm. Chú muốn nhờ cháu một việc, Chú có người bạn là chuyên viên trang trí nội thất, trước khi đi chú đã nhờ anh ấy thiết kế lại toàn bộ nhà. Cháu liên lạc ngay hộ chú, nói anh ấy bắt đầu ngay ngày mai.”

“Khoảng bao lâu thì xong chú biết không?”

“Chắc chắn sẽ xong trước khi chú về.”

“Nhỡ cô không vừa ý thì sao?”

“Thật ra cô định để đi chơi về rồi làm. Theo như chương trình thì hai tuần nữa chú về, nhưng cô đổi ý đòi đi Ấn Ðộ một tháng. Thế nên chú định gây ngạc nhiên cho cô. Cháu giữ bí mật, đừng cho cô biết nhé!”

Một tháng! Tôi kêu thầm trong đầu. Sao chú đi lâu thế, đi xa thế. Chú không nhớ vườn lan sao?

Chú hỏi: “Hiên có khỏe không? Cây Vanda bướm đã ra hoa hết chưa?”

Tôi buồn bã bảo chú yên tâm đi, Hiên còn sống thì nó không thể nào chết được, chúc chú đi chơi vui. Nói chuyện xong thì ấm trà của tôi đã nguội. Khí lạnh ban mai làm tôi rùng mình. Ngoài kia sương trắng mỏng dần, nhưng trong nhà vẫn lạnh lắm. Lạnh như có người mới bỏ ra ngoài rồi quên không khép cửa lại.

(còn tiếp 1 kỳ)