Một người góa phụ bước vào văn phòng luật của tôi với nét mặt mệt mỏi. Nước mắt lưng tròng chị trình bày rằng chị không hiểu tại sao chồng chị đã làm di chúc trước khi mất và để lại tất cả tài sản cho chị.  Nhưng sau 7 năm, khi con cái dọn ra ở riêng, căn nhà trước kia hai vợ chồng và 3 đứa con của chị ở rất ấm cúng thì giờ đây chị cảm thấy trống trải, thênh thang. Chị quyết định bán để mua căn nhà khác nhỏ hơn.

Khi chị rao bán thì công ty title phát hiện ra là căn nhà vẫn còn tên cả hai vợ chồng chị đứng tên chủ quyền, nên chị không thể một mình ký giấy tờ bán vì chị vẫn chưa hoàn tất thủ tục thừa kế tài sản.  Trong khi đó, trước giờ chị cứ đinh ninh là mình đương nhiên được quyền thừa hưởng tài sản khi chồng mất, đặc biệt là chồng chị đã làm di chúc để lại toàn bộ tài sản cho chị một cách rõ ràng.

Ðây không phải là lần đầu tiên nhiều thân chủ của tôi không có đầy đủ thông tin về việc thủ tục thừa kế/thừa hưởng tài sản.  Trong bài này tôi sẽ giải thích chi tiết thủ tục hành chánh phải hoàn tất theo pháp luật để được thừa kế tài sản qua tờ di chúc.

Ảnh minh họa. attwoodmarshall.com.au/

Di Chúc gồm có 2 phần giai đoạn thủ tục.

Phần 1: Viết di chúc (Executing a Will):

  1. Khi còn sống và đầu óc còn minh mẫn, chúng ta có quyền quyết định tài sản của mình được phân chia như thế nào khi mình qua đời. Mỗi người làm riêng 1 tờ di chúc, và tờ di chúc cần được ký tên bởi người làm di chúc và 2 nhân chứng.

Người làm di chúc cũng có quyền thay đổi di chúc bất cứ lúc nào mà không phải thông qua sự đồng ý của người phối ngẫu hay của người được quyền thừa hưởng.  Do đó nếu vợ hoặc chồng ngoại tình, di chúc không phải là một cách bảo vệ tài sản hữu hiệu cho gia đình, con cái để tránh việc tài sản gia đình bị thất thoát hay rơi vào tay tình nhân.

  1. Ngoài ra, để thuận tiện cho việc hoàn tất thủ tục hành chính, bên cạnh tờ di chúc, người làm di chúc và nhân chứng của họ có thể làm thêm tờ giấy chứng nhận đính kèm tờ di chúc. Tờ giấy này xác minh là chính người làm di chúc và 2 nhân chứng đã ký giấy tờ di chúc và họ hội đủ những điều kiện mà luật pháp quy định về người làm di chúc và nhân chứng. Họ cũng công nhận rằng giấy tờ di chúc đã hoàn tất một cách tình nguyện, không bị ai ép buộc.
Xem thêm:   Đồ chơi của người lớn

Khi hoàn tất giai đoạn thủ tục phần hai của di chúc, sau khi người làm di chúc đã qua đời, hai người nhân chứng kia không cần phải có mặt ở tòa để đối chứng gì nữa nếu giấy chứng nhận này đã làm cùng lúc với tờ di chúc và đính kèm với tờ di chúc.

Phần 2: Hoàn tất thủ tục hành chánh của tòa án theo quy định của luật pháp để được tòa xác minh và công nhận quyền thừa kế (Complete the probate process)

Theo quy định của luật pháp, dù có di chúc và không có sự tranh chấp, tài sản của người mất không phải tự động được trở thành tài sản của những người được thừa hưởng, mà những người có quyền thừa hưởng phải cần một luật sư giúp hoàn tất thủ tục hành chánh phần 2 với tòa án. Thủ tục hành chánh này có thể kéo dài từ 6 tháng đến một năm rưỡi nếu không có gì bất thường xảy ra.

Luật pháp cho phép người thừa hưởng thời hạn là 4 năm sau khi người làm di chúc qua đời để hoàn tất thủ tục hành chánh này. Sau 4 năm, người trong gia đình vẫn có thể có quyền thừa hưởng tài sản nhưng thủ tục này sẽ phức tạp hơn và tốn kém hơn.

Sau khi nộp hồ sơ với tòa án để xin toà xác minh và công nhận quyền thừa hưởng.  Ngoài chi phí cho việc nộp hồ sơ, tòa án và luật pháp bắt buộc tất cả những người có thể có quyền được thừa hưởng phải được thông báo về hồ sơ vụ án bằng dịch vụ chính thức với người có license làm chuyện này, chẳng hạn như cảnh sát hay người Licensed Process Server. Mỗi lần đến đưa giấy tờ tòa, dù gặp hay không, dịch vụ này tính tiền từ $90-$120 một lần họ tới địa chỉ của những người liên quan.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Sau đó tòa cũng sẽ dán thông báo trước toà và charge tiền chi phí cho việc này.  Ðồng thời, tòa cũng bắt buộc người nộp hồ sơ phải đăng thông báo trên báo Mỹ. Chi phí cho việc đăng báo là khoảng $170.  Tòa muốn công khai để những ai muốn tranh chấp có quyền làm việc đó và được thông báo về case này.

Bên cạnh đó, có thể tòa sẽ cử một luật sư giám sát (ad litem attorney) bảo vệ quyền lợi của những người thừa kế khác, đặc biệt là người dưới tuổi vị thành viên.  Và đây cũng là một chi phí mà người nộp đơn xin thừa kế phải trả.  Tiền phí trả cho người luật sư giám sát này ít nhất khoảng $500 đến vài ngàn đô tùy theo công việc tòa muốn người luật sư này làm.

Người nộp hồ sơ với tòa cũng phải nộp thống kê chi tiết tất cả giá trị tài sản và nợ nần của người đã mất.  Những chủ nợ của người mất cũng có quyền chống lại việc thừa kế tài sản và yêu cầu tòa ra lệnh là nợ nần phải thanh toán xong thì tài sản còn lại mới được phân chia cho những người có quyền thừa kế. Có những trường hợp bệnh viện hoặc chính phủ sẽ can thiệp để bệnh viện phí phải được chi trả đầy đủ.

Ngoài ra, sau khi tòa phán xét quyền thừa kế của từng người, tòa ký án lệnh chỉ định người quản lý việc phân chia tài sản và công nhận quyền thừa kế (executor).  Ðồng thời tòa ban ra một lá thư (letter of testamentary) chính thức của tòa án để người quản lý việc phân chia có thể đưa ra chứng minh quyền thay mặt những người có quyền thừa hưởng ký tên giải quyết việc mua, bán, phân chia.

Xem thêm:   Vui buồn tháng Tư

Sau ngày tòa xử án, người thừa kế có 90 ngày để hoàn tất bản báo cáo chi tiết việc phân chia tài sản và nợ nần.  Nếu bản báo cáo này không nộp đúng hạn định, tòa có thể sẽ phạt và kỷ luật cả người thừa kế và luật sư đại diện cho họ.  Sau khi bản báo cáo hoàn tất, tòa mới chính thức đóng hồ sơ.

Tóm lại, làm di chúc chỉ là một phần nhỏ trong việc giải quyết vấn đề phân chia tài sản thừa kế sau khi người làm di chúc qua đời.  Phần 2 để hoàn tất thủ tục hành chánh của tòa án mới là phần tốn kém tiền bạc và thời gian. Nhưng di chúc không phải là cách duy nhất để giải quyết việc phân chia tài sản của người chết.  Living Trust là một cách khác để giải quyết vấn đề này mà cũng rất nhiều người hiểu lầm rằng chỉ khi có tài sản nhiều mới nên làm Trust. Tôi sẽ giải thích chi tiết về Living Trust trong bài viết kỳ tới.

AT