Thời đến cản không kịp! Và đây là thời trở lại của điện thoại di động đơn giản, hay còn gọi một cách hài hước là “điện thoại cùi bắp”. Trong bài viết mới đây trên The New Yorker (The Dumbphone Boom Is Real), tác giả Kyle Chayka đã cho thấy nhiều chi tiết thú vị về xu hướng này, trong bối cảnh thế giới vẫn có hàng tỷ người quẹt ào ào trên màn hình điện thoại thông minh…

Điện thoại Light Phone 

Will Stults đã dành quá nhiều thời gian trên iPhone, từng miệt mài lướt Twitter (bây giờ gọi là X) và tweet loạn xà ngầu cả ngày lẫn đêm. Trong khi đó, vợ của Stults, cô Daisy Krigbaum, lại nghiện Pinterest và YouTube. Tối nào trước khi đi ngủ, nàng cũng bỏ lơ anh chồng và ưu tiên xem vài video trên iPhone. 2 năm trước, cùng cảm thấy bệnh nghiện điện thoại thông minh ngày càng trầm trọng, Will Stults và Daisy Krigbaum dùng thử công cụ hạn chế Screen Time của Apple. Tuy nhiên, cách này không ăn thua. Cuối cùng, họ quyết định bỏ iPhone và tìm thiết bị công nghệ thấp hơn, tức điện thoại kiểu cũ, không có màn hình cảm ứng, không có app store và tất nhiên không có camera để chụp một món ăn “cúng Facebook”. Dù vậy, việc tìm mua điện thoại “cùi bắp” hóa ra không dễ.

Nghĩ rằng nếu có nhiều người giống mình thì điện thoại “cùi bắp” hẳn là một thị trường. Thế là cặp – Stults 29 tuổi và Krigbaum 25 tuổi – nhìn thấy cơ hội kinh doanh. Cuối năm 2022, họ thành lập công ty thương mại điện tử Dumbwireless. Họ không chỉ bán điện thoại mà bán cả gói dữ liệu (data plans) cũng như phụ kiện (accessories) cho những người muốn giảm thời gian sử dụng màn hình. Thật bất ngờ, điện thoại “cùi bắp” được đặt hàng tới tấp. Ngôi nhà của họ ở East Los Angeles trở thành nhà kho chứa điện thoại. Tháng 3/2024, Dumbwireless thu được hơn $70,000, gấp 10 lần so với Tháng 3/2023. Một số sản phẩm điện thoại phổ biến của họ là Light Phone, một thiết bị e-ink hầu như không có ứng dụng; Nokia 2780, điện thoại nắp gập truyền thống; và Punkt., một thiết bị giống cái máy tính (calculator) do Thụy Sĩ sản xuất …

Xem thêm:   Ngày bỗng dưng buồn

Tại sao thiên hạ bỗng dưng khoái điện thoại “cùi bắp”? Bất cứ trào lưu xã hội nào cũng luôn tồn tại một xu hướng phản kháng. Sự nhiệt tình ngày càng tăng dành cho điện thoại “cùi bắp” một phần do ngày càng có nhiều ý kiến bàn về sự an toàn trực tuyến và ảnh hưởng của nó đối với trẻ em. Các bậc cha mẹ ngày càng đối mặt với bằng chứng cho thấy những ứng dụng như Instagram và TikTok đang lôi kéo con cái họ vào những trò nhảm nhí. Chưa bao giờ giới trẻ, từ con nít đến thiếu niên, nghiện điện thoại thông minh đến như vậy. Chúng kè kè điện thoại mọi lúc mọi nơi, bất ly thân, như thể điện thoại là lẽ sống chứ không thuần túy là phương tiện.

Với người lớn, cũng có nhiều người bắt đầu ngán điện thoại thông minh. Sau gần 2 thập niên sử dụng iPhone nói riêng và điện thoại thông minh nói chung, không ít người cảm thấy nhàm chán với cuộc sống số. Họ bỗng thèm sống… một cách “bình thường”, để trở về với “quá khứ tươi đẹp” khi mọi người nhìn vào mắt nhau thay vì nhìn màn hình. Họ muốn tôn vinh cái gọi là “chủ nghĩa tối giản kỹ thuật số” (“digital minimalism”).

Light Phone ra mắt năm 2017, trước khi tình trạng “kiệt sức” với điện thoại thông minh trở thành căn bệnh phổ biến của nhân loại thế kỷ 21. Tính đến nay, những người đồng sáng lập công ty Light Phone (trụ sở tại Brooklyn, New York), Kaiwei Tang và Joe Hollier, đã bán được hàng chục nghìn chiếc Light Phone II, được tung ra thị trường năm 2019, có màn hình cảm ứng đơn sắc cho phép người dùng thực hiện cuộc gọi, gửi tin nhắn văn bản và sử dụng một số ứng dụng tùy chỉnh: báo thức, hẹn giờ, lịch, chỉ đường, ghi chú, thư viện nhạc và podcast. Không có ứng dụng truyền thông xã hội hoặc ứng dụng phát trực tuyến trên Light Phone.

Nhiều em gái từng tâm sự, mất phone là mất nửa cuộc đời

Từ năm 2022 đến 2023, doanh thu Light Phone đã tăng gấp đôi và đang trên đà tăng gấp đôi thêm lần nữa vào năm 2024. Light Phone ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng số lượng lớn từ nhà thờ và trường học… Tháng 9/2022, công ty hợp tác với một trường tư thục ở Williamstown, Massachusetts để cung cấp Light Phone cho nhân viên và học sinh của trường, nơi điện thoại thông minh bị cấm. Theo nhà trường, thử nghiệm xài điện thoại đơn giản cho thấy nó vừa có tác dụng tích cực đến năng suất học tập của học sinh vừa mang lại ảnh hưởng tích cực đối với đời sống xã hội trong khuôn viên trường. Giáo viên và nhân viên trong trường có nhiều thời gian để trò chuyện với nhau hơn. Hiện thời, Light Phone đang đàm phán cung cấp điện thoại cho 20 đến 25 trường khác.

Xem thêm:   Chuyện rừng, chuyện cát & chuyện sông...

Trước sự ngạc nhiên của Tang và Hollier, bọn trẻ loi nhoi thuộc Gen Z (sinh cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2010 – hiện chiếm 20% dân số Mỹ) lại đang khoái Light Phone. Nhiều đứa có tuổi đời còn “trẻ” hơn iPhone. Công nghệ kỹ thuật số là một phần tất yếu trong cuộc sống của chúng, tuy nhiên chúng cũng được trang bị tốt hơn hoặc có động lực tốt hơn so với các thế hệ trước để đối mặt với những tác động tiêu cực của đời sống công nghệ. Gần đây Apple đã cho phép các nhà phát triển bên thứ ba viết phần mềm truy cập chức năng Screen Time của iPhone, nghĩa là một số chương trình mới hiện có thể giúp người dùng giới hạn thời gian sử dụng thiết bị bằng cách chặn ứng dụng.

T. J. Driver và Zach Nasgowitz, 2 kỹ sư mới ngoài 20 tuổi, đã tận dụng sự thay đổi này để tạo ra một phụ kiện iPhone có tên Brick, nhằm chống lại việc sử dụng điện thoại quá mức. Brick, ra mắt vào Tháng 9/2023, là một khối nhựa có từ tính với ứng dụng tương ứng, cho phép chọn những tính năng mà bạn muốn chặn trên điện thoại thông minh của mình. Nói cách khác, Brick sẽ giúp biến chiếc iPhone thành “cục gạch” hoặc mang nó trở lại “đời sống thông minh” như bình thường một cách tùy thích. T. J. Driver và Zach Nasgowitz khởi nghiệp với một máy in 3-D để sản xuất phụ kiện; bây giờ họ có 15 máy chạy suốt ngày đêm và ship vài trăm sản phẩm mỗi ngày.

Xem thêm:   Có những thiên thần giáng trần

Như mọi khởi đầu, việc “tuyên chiến ly khai” với điện thoại thông minh hẳn không là điều dễ dàng. Nhiều em gái từng tâm sự, mất phone là mất nửa cuộc đời. Không cho em selfie, em thà chết còn hơn. Tuy nhiên, với một số người, họ không từ bỏ điện thoại thông minh nhưng họ “tháo” sạch tất cả ứng dụng mạng xã hội, từ X (Twitter), Facebook, Instagram đến TikTok. Đời không có điện thoại kè kè bên mình có thể nảy sinh không ít rắc rối nhưng chắc chắn người ta vẫn sống khỏe khi không sống ảo với thế giới không thực trên mạng xã hội. Đơn giản bớt đi cho đời thanh thản.

ĐT