Hồi nhỏ tôi thường nghe bà ngoại nói câu: “Vô duyên chưa nói đã cười/ chưa đi đã chạy, chưa mời đã ăn. Mấy đứa bây liệu hồn đừng có như vậy rồi người ta chửi là đồ dô diên, nói tao không biết dạy con.”

Duyên ở đây không phải là nhân duyên nam nữ, “Dù cho lá thắm chỉ hồng/ Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.” “Khóc than khôn xiết sự tình/ Khéo vô duyên bấy là mình với ta!” Duyên trong bài viết này là sự nhẹ nhàng, dễ thương, tế nhị, gây thiện cảm với người đối diện, làm cho người ta không ghét.

Thật ra, vô duyên có nhiều “biến thể” lắm, không chỉ có ở cười, nói, đi chạy, hay ăn, mà rất là “thiên hình vạn trạng.”

Chuyện xưa kể rằng: Phú ông kia có 3 con gái, kén mãi mới được 3 anh rể quý. Tính phú ông cẩn thận hay kiêng cữ, mà phiền một nỗi, 3 anh rể lại ăn nói hoang tàn, không biết giữ gìn. Phú ông xây được căn nhà mới, ông mở tiệc ăn mừng. Nhậu nhẹt no say, anh rể lớn đi chơi tới khuya mới về đập cửa nhà. Đập hoài không thấy ai ra mở cửa, cửa thì chắc chắn quá không leo vô được, cũng không cạy được. Anh ta kêu gào ỏm tỏi: Nhà gì như cái nhà ngục, cửa đóng chặt cứng, xô cách nào cũng không nổi. Phú ông tức giận, phàn nàn: Tao làm cái nhà này tốn kém mấy chục ngàn, mà nó nỡ nào độc ác nói xui xẻo như vậy. Anh rể thứ hai chêm vô: Nhà này cất mấy chục ngàn sao? Một ngàn tôi cũng không mua. Ông khổ quá, đem chuyện phân trần với rể út, rể út nói: Ảnh nói phải đó. Bán được một ngàn là may. Cha để đó rủi cháy thì một đồng cũng không có. (Tiếu Lâm Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, ngày 12-4-1968.)

Có một dị bản khác kể rằng anh rể thứ nhứt vừa bước vô cửa đã chê “Nhà gì tối thui như hang ma.” Rể thứ hai nói “Cửa hẹp quá khiêng quan tài ra rất khó.” Rể thứ ba nói “Nhà gỗ mà cháy thì không bán được đồng nào.”

Xem thêm:   Sắc màu bluebonnet

Truyện không kể ông phú hộ có vác chổi chà “tương” mấy thằng rể ăn nói xui xẻo hay không, nhưng ở xóm tôi (khi tôi còn nhỏ) tôi thấy thỉnh thoảng cũng có vụ rể bị cha vợ vác chổi chà đập. Chổi chà là cây chổi làm bằng tre hoặc cây ráng phơi khô, dùng để quét sân, quét nhà nền đất nện. Xài lâu ngày phần lá/que nhỏ mòn hết đi, còn phần lỏi cứng dài khoảng một thước Tây, đánh cũng đau lắm.

Những nhân vật ăn nói như trên, người ở quê thường xài câu “Thằng/con đó dô diên.”

Chưa có ai nhìn thấy duyên nó ra làm sao, cũng không có một khuôn mẫu nào định hình cho chữ duyên, mà nó tùy người, tùy cảnh, ai biết cách ứng xử phù hợp là người có duyên. Vô rạp hát thì cười thoải mái, nhưng đi đám tang mà cười ha há, hô hố thì rất là vô duyên. Cười trong rạp hát cũng cười vừa phải, cười mà khiến cho tất cả khán giả quay lại nhìn mình thì phải hiểu rằng mình đang rất là vô duyên vì làm phiền người khác.

Xưa một năm ghe bầu tèo hát cải lương về quê vài lần trong dịp Tết, lễ Kỳ Yên. Tuồng tích thì cũ xì, quanh đi quẩn lại chỉ có San Hậu, Đơn Hùng Tín, Phàn Lê Huê Tiết Đinh San, Ngô Khởi sát thê cầu tướng, Chung Vô Diệm. Đàn bà ở quê mê coi hát cải lương, có bao nhiêu đó hát đi hát lại hoài, coi tới thuộc lòng bài bản, tuồng tích, mà nghe tiếng kèn trống cũng cứ chạy ra coi. Có bà cứ ngồi kể oang oang nhân vật này làm sao, nhân vật kia làm sao, kế tới làm sao… hổng ai nghe được đào kép hát trên sân khấu. Mấy người ngồi gần bực mình quá, nạt lớn: “Coi rồi hả? Rồi thì về nhà ngủ đi. Kể hoài làm sao người ta nghe hát.” Bà nọ quê độ ngồi nín thinh. Vô chỗ người ta coi hát mà kể chuyện, đó cũng là vô duyên.

Xem thêm:   Nọc độc thị phi

Người trẻ bây giờ không xài chữ “duyên” như lớp có tuổi, mà xài chữ EQ (Emotional Quotient,) tiếng Việt là trí tuệ cảm xúc, nôm na là khả năng nhận thức cảm xúc, thông cảm và giao tiếp với người khác. Người có IQ (Intelligence Quotient) cao chưa hẳn là người có EQ cao, và ngược lại.

Thời nay, cái sự “vô duyên” không giống chuyện tiếu lâm thời xưa, mà nó thể hiện nhiều cách khác. Thí dụ: Có ông nọ vô trang Facebook tôi, thấy tôi đăng bài nói mới mua cái đồng hồ Casio giá 30 Mỹ kim. Ổng comment hỏi tôi sao không mua đồng hồ Thụy Sĩ đeo cho sang? Tôi nghe “sôi máu” lên liền. Tôi từng tuổi này sắp xuống lỗ rồi, tôi cần ổng dạy tôi cách xài tiền sao? Bề ngoài tưởng như quan tâm, nhưng bên trong không khác gì chế nhạo tôi xài đồ rẻ tiền, đó chính là ăn nói vô duyên.

Có những người thích lên mạng xã hội khoe của, từ đồ dùng cho tới đồ ăn sang trọng. Khoe khoang trong khi xung quanh mình rất nhiều người khác đang sống thiếu thốn, cực khổ mà mình không hề giúp, đó là vô duyên. Có người post hình đồ ăn sang trên Facebook, kèm theo câu “Mời các bạn.” Có lẽ họ nghĩ rằng đó là “lịch sự,” nhưng tôi cho rằng câu “mời” cực kỳ vô duyên, ai ăn được mà “mời.”

Bà nọ già rồi mà có thói ghen bóng ghen gió. Mỗi ngày bà kiểm tra điện thoại của chồng, thấy số điện thoại nào lạ lưu ở danh bạ, bà đều gọi tới hỏi “Ai vậy?” Bên kia trả lời: “Bà gọi cho tôi mà bà không biết tôi là ai sao?” Bà nọ đáp: “Tại thấy số trong điện thoại chồng tui nên tui hỏi.” Người kia nói: “Vậy bà hỏi chồng bà đi.” Rồi ngắt cuộc gọi. Bà nọ ấm ức hoài, không biết người kia là ai mà “nó” dám ngắt ngang không thèm trả lời bà. Thật ra nếu bà hỏi một cách lịch sự “Xin lỗi, đây có phải là số của anh/chị (kiếm đại cái tên nào đó thế vô) không?” Bên kia sẽ trả lời rằng “Không phải. Bà nhầm số rồi.” Vậy là bà có cơ hội hỏi tiếp. Nhưng bà nói “Ai vậy?” gióng một, cụt ngủn như “má thiên hạ” thì người ta nổi “ba máu sáu cơn lên,” không nói coi bà làm gì được nhau.

Xem thêm:   Anh em nhà Ruffner

Gặp nhau hỏi “Chừng nào lấy vợ/chồng? Chừng nào đẻ con? Chừng nào cất nhà/mua nhà? Chừng nào có cháu đích tôn? Mới có bầu hả?…” tưởng chỉ tồn tại ở quê cách đây 20 năm về trước. Ai ngờ ở ngay Little Sài Gòn (Quận Cam) thỉnh thoảng vẫn gặp những câu hỏi rất là vô duyên này. Chuyện đời tư người khác tìm hiểu kỹ chi vậy? Biết rồi có giúp gì cho người ta không mà hỏi?

Tôi vô tiệm Costco (thành phố Garden Grove), thỉnh thoảng vẫn gặp những người mở loa ngoài điện thoại nói oang oang. Tôi quay lại thì thấy họ vừa “live stream” món đồ cho người nhà coi qua phone, vừa bàn bạc nhau mua – không mua ầm ĩ. Tôi không có nhu cầu nghe chuyện nhà của họ, nhưng tôi đang chọn đồ gần họ nên tôi bắt buộc phải nghe.

Người Mỹ, người Mễ (lạ) đi đụng mặt tôi họ đều mỉm cười và nói “Hi” hoặc “Hello.” Người châu Á (không biết Hàn, Trung hay Việt) tôi chào họ thì họ bơ mặt làm thinh. Còn những người hỏi tôi câu “Nhà vệ sinh ở đâu?” thì không bao giờ cám ơn sau khi tôi trả lời và chỉ chỗ.

Con nít xưa sinh ra, bà mụ bồng trên tay, đọc rằng: “Mở miệng ra có bông có hoa, mở miệng ra người thương kẻ mến, mở miệng ra quan yêu dân chuộng” để đứa trẻ lớn lên “ăn nói có duyên.” Linh nghiệm cỡ nào tôi không biết, nhưng tôi thấy một đứa trẻ lớn lên trong gia đình cha mẹ ăn to nói lớn, thô lỗ cộc cằn thì đứa trẻ không thể “nhỏ nhẹ” được, vì đứa trẻ học nói từ trong gia đình, có duyên hay không bắt nguồn từ thái độ của người lớn ngay bên cạnh.

TPT