Lời Giới Thiệu: Trẻ nhận được bài “Sống giữa cơn đại dịch” của tác giả Hoài Năng (Canada) sau ngày12 tháng 11-2022,  là ngày kết thúc nhận bài cho cuộc thi viết Chuyện Mắc Dịch; nên bài nằm ngoài khuôn khổ cuộc thi. Đây là bài viết ghi lại cảnh sinh hoạt của một gia đình gần như là điển hình trong cơn đại dịch Covid 19 vừa qua. Khoảng thời gian mà mọi gia đình thể hiện được sự đùm bọc yêu thương nhau cũng như quyền biến trong sinh hoạt để tồn tại và vượt qua đại nạn. Trẻ trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Nhìn đất đã xới và mặt trời lên mà tiếc từng ngày. Lấy mấy bịch hột giống Việt Nam không biết ai cho để từ thời cố hỉ ra ngâm không lên một hột ngoại trừ dưa leo. Thôi thì cứ ương trồng hết, phen nầy mướn xe tải chở đi cho. Khổ thân cho tôi cơm bưng nước rót. Sáng bưng cây con ra tối bưng vào không thì nhiệt độ ban đêm rớt xuống nó đi đong coi như rồi đời.

Tôi vô online mua mười bao phân bò và mười bao phân top soil coi mua bán thời Covid-19 (Tổ chức Y tế Thế giới WHO đổi tên Vũ Hán virus, Coronavirus thành Covid-19 theo khiếu nại của Trung Quốc) ra sao? Ðặt mua trả tiền xong phải chờ đó, năm đến mười ngày sau tiệm email thông báo hàng đã sẵn sàng. Mình mang bao tay, khẩu trang chạy xe đến tiệm sẽ có nhân viên cũng mang khẩu trang đứng xa chỉ cho vào ô đậu xe số mấy, xe nầy cách xe kia một ô, không được xuống xe, gọi điện thoại vào văn phòng báo cáo số đơn đặt hàng và chờ đợi. Một lát sau có người mang khẩu trang đẩy hàng ra mở cốp xe mình lên chất hàng đóng lại. Tôi vọt về để nguyên như vậy trong xe ba ngày mới đem xuống, nhưng cũng phải thủ tục đầy đủ như con virus vô hình còn bám đâu đó. Mua phân bò còn như vậy thì thứ khác nhiêu khê cũng không kém, liên lạc chỗ nầy, email chỗ kia, điện thoại chỗ nọ. Tôi nghĩ chẳng may lúc mới qua định cư tiếng Anh tiếng Mỹ  i tờ, mà gặp đại dịch kiểu nầy chết là cái chắc.

Bao nhiêu cây dưa leo con tôi trồng hết. Phân bò thích hợp nó xanh um, dây leo bít chịt hàng rào bên hông, bông vàng năm cánh tua tủa từng nách lá trông mát con mắt làm sao. Ngày qua ngày ngắm nhìn giàn hoa là niềm vui. Nhưng bông ra rồi rụng, không thấy nụ nào cũng chẳng thấy một con ong! Cái nầy lạ à nhen, chẳng lẽ mấy con ong cũng sợ con Coronavirus đóng cửa nằm nhà.

Giải thích sao đây khi hết mùa dưa vỏn vẹn có hai trái không đủ nhét kẽ răng! Ðáng đời. Cho bỏ cái tật chưa đỗ ông nghè mà đe hàng tổng!

Ðầu tháng Sáu tình hình bớt căng, chính phủ cho thi hành giai đoạn 2. Một số tiệm được mở cửa với khách hàng hạn chế mang khẩu trang và cách ly xã hội 2 mét. Tôi liều mình nhào vô sắp hàng kiếm một số hột giống cải về trồng. Tổ đãi, mấy luống cải muộn chen chân với mấy luống tỏi, hẹ, hành, húng lủi, húng cây, tía tô, cần ta, giấp cá từ dưới đất chun lên góp phần làm xanh um khoảnh vườn sau nhà, thì cầm chắc thế nào bà xã cũng cho vài bữa bánh xèo. Y như rằng bà lên một danh sách cho con gái mua giùm về đổ xem coi bánh xèo thời Covid-19 ra sao?

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

Ba tháng nay chưa đứa con đứa cháu nào được bước vô nhà tôi và vợ chồng tôi cũng chưa bước vô nhà đứa nào. Con cũng nhớ, cháu cũng nhớ. Nói chuyện qua điện thoại, face time thấy mặt thấy hình nhưng làm sao nói được hết cái tình nếu không qua cái bao tử. Vợ chồng đứa con gái đi chợ giùm đôi ba tuần một lần, nhưng thỉnh thoảng vợ tôi lại nhờ nó vô Costco mua cho một vỉ thịt heo, mấy tá hột gà về kho hai nồi rồi vợ chồng bỏ lên xe chạy đến nhà con gái lớn để ngoài trước cửa một nồi, ra xe điện thoại cho nó ra lấy. Xong chạy một hơi sáu mươi cây số lên nhà đứa con gái nhỏ cũng làm y như vậy. Mấy đứa cháu ngoại rất thích ăn thịt heo kho hột gà của bà nhận bất ngờ rất mừng, đứng trước cửa nhà vẫy tay cám ơn rối rít thấy mà thương.

Biết là chúng nó thích bánh xèo nên vợ chồng tôi cũng liều lên kế hoạch kêu chúng cuối tuần về ăn. Bánh xèo đổ trong garage. Tiếp đãi con cháu ngoài sân sau. Tôi thông báo cho chúng. Gia đình đứa lớn về đi cửa hông mặt, ra ngồi cái bàn đặt bên mặt sân sau. Gia đình đứa con nhỏ về đi cửa hông trái, ra ngồi cái bàn đặt bên trái sân sau. Vòi nước, xà phòng ở chính giữa cuối sân. Khi đến phải rửa tay rồi bàn ai nấy ngồi. Dĩa muỗng đũa nước mắm rau sống đều sẵn sàng trên mỗi bàn. Từ nhà bếp ba sẽ chuyền bánh xèo qua cửa sổ cho các con. Ăn xong nói chuyện chơi rửa chén bát rồi về. Thời Covid-19 nó hy hữu như vậy, con cháu về mà cho ăn ngoài sân, không cho vào nhà!

Trở lại tháng Ba khi đại dịch bắt đầu, chính phủ Canada đóng cửa biên giới Liên bang, Tỉnh bang ba chiều kiểu thiên la địa võng để ngăn chặn kẻ chiến vô hình. Ban lệnh ngăn sông cấm chợ, đóng cửa nhà hàng quán ăn, trường học, nhà thờ chùa chiền v.v.  tự nhiên không khí chết chóc sợ hãi bao trùm cả một không gian sống. Từ trên lầu nhìn qua cửa sổ, hai hàng cây phong còn trơ cành cuối đông đứng im lìm trước mỗi ngôi nhà làm tăng thêm vẻ đìu hiu ảm đạm cho cả khu nhà ở. Tôi để ý không một chiếc xe chạy qua, không một bóng người ngoài đường, không một đứa trẻ hay con chó chạy trước sân. Mọi người rúc trong nhà, ẩn náu sau cánh cửa ra vào. Vợ chồng tôi cũng thế chỉ lúi cúi tập thể dục ở sân sau, dù rằng rất thèm nắng sáng đang chiếu ở sân trước.

Không phương thức thử nghiệm, không thuốc chữa bệnh, không thuốc chủng thì tình hình tự giam lỏng nầy chắc lâu. Lúng túng trong không gian nhỏ hẹp nầy một thời gian dài không điên cũng khùng. Tôi tự an ủi mình may mắn có cái sân sau cũng đỡ, chỉ tội cho những người lớn tuổi ở trong chung cư chịu sao thấu. Dù sao thì tôi cũng phải lên kế hoạch cho mình bận rộn. Còn bà xã tôi thì đàn bà, dù sao cũng bận bịu hơn đàn ông ở ba bữa cơm nước giặt giũ.

Tôi bắt đầu kiểm kê tất cả những gì trong nhà cần làm cần sửa. Cái gì phải làm trong nhà và cái gì có thể làm ngoài sân để tùy ngày mưa hay nắng mà tà tà tới.

Ngày bên đảo bước chân đi định cư vợ chồng con cái có bộ đồ trên mình và một cái xách tay xẹp lép, vậy mà bây giờ lục lọi ra tôi thấy mình quá là phí phạm. Lúc đi làm có tiền, máy móc đồ dùng thấy thích là mua, on sale là mua chứ không phải cần mới mua, cho nên bây giờ lôi ra ở tầng hầm có nhiều món còn y nguyên trong thùng, chẳng nhớ mua khi nào và mua để làm chi, như máy làm bánh mì sandwich tự động, máy làm bánh muffin tự động, vỉ nướng BBQ điện… và ba bàn máy may mà cả hai vợ chồng đều không biết may mới kỳ. Hai bàn máy may điện chắc ai cho và một bàn máy may kỹ nghệ bà xã mua của người bạn bán lại và nhờ người khiêng ì ạch bỏ xuống tầng hầm cả chục năm chưa rớ tới.

Xem thêm:   Père Lachaise thành phố tĩnh lặng

Bây giờ thì rớ đây. Tôi chợt nghĩ may khẩu trang nên ngồi vào mằn mò xỏ chỉ đạp thử, máy chạy êm ru mới giao cho bà xã, thì được bà phán cho một câu xanh rờn:

– May vá không có tui à nhe!

– Vậy bà mua máy làm chi?

– Người bạn cần bán em mua giúp vậy thôi.

Tôi hết ý. Lên YouTube học cách may. Tôi đổ cái túi vải cũng từ thời nào, lựa vải và lựa luôn mấy cái áo thun mới đem ra cắt. Dây thun không có tôi lấy thun khoanh, may thời có một bịch. Tay ngang nên may rồi tháo, tháo rồi may. Cả ngày được có một cái nhưng không nản. Tự nhiên tôi thấy mình kiên nhẫn và chăm chỉ thiệt, có lẽ làm việc đem niềm vui. Tôi rút kinh nghiệm càng lúc đường may càng ngay hơn và nhanh hơn. Tôi may luôn mấy ngày liên tiếp mấy chục cái cho tôi, cho vợ cho con cho cháu.

May xong tôi lôi máy làm bánh mì sandwich ra, nhờ đứa con sẵn đi chợ mua giùm bột mì và men bánh mì thử hai cái máy nầy xem sao. Sách chỉ dẫn của máy, công thức của máy mà bánh nướng ra nhai muốn trẹo quay hàm. Tôi níu lưng ông Google, YouTube gặp mấy bà chị dạy làm bánh mì Việt Nam hấp dẫn quá liền nhào vô. Mấy ổ đầu bánh không nở cứng như đá để dành chọi sóc phá vườn.

Ngộ một cái thời Covid tôi không nản, xem YouTube và làm tới. Tới một ngày hai vợ chồng mở cửa lò ra, sáu ổ bánh mì vàng rực nở vun tròn hả miệng cười toe toét, chúc mừng niềm sung sướng rạng rỡ trên mặt cặp vợ chồng già. Thừa thắng xông lên tôi làm bánh mì ổ, vợ khìa thịt làm đồ chua. Bánh mì thịt bỏ vô bịch chạy đến treo trước cửa nhà con, nhà chị, nhà em điện thoại ra lấy ăn khoe thành tích thời cô Vy. Chó táp phải ruồi, tôi lấy y chang công thức làm bánh mì đó bỏ vô máy làm sandwich tự động thì kết quả thật bất ngờ, bánh nở vun tròn, xốp, thơm phức. Những lần sau tôi bỏ thêm đủ thứ hạt, nho khô, mật ong thật tuyệt vời. Từ đây chắc bái bai bánh mì tiệm.

Tôi dọn lại cái phòng làm việc của tôi muôn đời sách giấy bừa bộn. Dọn lại quần áo, giày vớ hai mùa mới cũ, bỏ bớt đi những gì thừa thãi. Và bắt đầu vô hai dự án lớn là gom lại tất cả bài viết của mình đọc lại, chỉnh sửa nếu thuận tiện layout in thành sách và gom tất cả hình ảnh gia đình làm thành những video kỷ niệm. Với hai dự án nầy tôi an tâm là sẽ có công việc làm suốt một thời gian dài không sợ buồn chán. Tuy nhiên tôi cũng phân chia thời gian cho những công việc tay chân, để đầu óc được thanh thản thoải mái hơn.

6 ổ bánh mì vừa nướng xong.

oOo

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Thời tiết ấm dần, hừng đông chưa ló dạng mà con chim gì đã kêu mặt trời lên inh ỏi làm phá giấc ngủ, báo hiệu mùa xuân đến gần. Mấy ngày nay mặt trời lên, nắng nóng chan hoà mang lại sức hồi sinh cho ngàn cây đâm chồi nẩy lá. Thì cũng là lúc con chim robin bay về nhảy nhót xới đất tìm trùng, tha cỏ làm tổ góp phần cho bầu không khí thêm vui tươi sinh động.

Nắng nóng, trời xanh, tôi nhớ biển, nhớ Florida, nhớ đàn hải âu chao liệng. Tôi vô Google lôi mấy hình con hải âu chao liệng trên bầu trời, bỏ vô photoshop in lớn ra, đồ lên tấm nhôm tôi căng ra từ cái ống của hệ thống sưởi dư thừa bỏ một xó trong garage từ hồi nào, cắt thành hình đem sơn trắng đóng lên vách sau của hàng rào ngăn với hàng xóm. Mỗi sáng đứng tập thể dục nhìn lên hàng rào mà thấy như mình đang đứng tập ngoài bãi biển cũng vui.

Một đống cây hàng rào sửa mấy năm trước bỏ bên hông, trông không thẩm mỹ chút nào nhưng  lười chưa vụt bỏ. Cây gỗ cũng còn chắc, thôi thì đây cũng là dịp dọn dẹp. Tôi tự hỏi tại sao không biến chúng thành đồ hữu dụng, bèn lấy cưa máy có sẵn, đinh vít có sẵn cưa cắt. Tôi đóng chân bò kiểu Việt Nam kê ván, đóng bàn bỏ ngoài sân và một mớ ghế ngồi thấp lè tè kiểu ghế cho sạp bán chè bán cháo, bán cơm tấm bì chả vỉa hè Sàigòn hay cho sạp cà phê xây chừng xỉu phé gốc me. Chăm chỉ có mấy ngày mà tôi vừa có bàn có băng có ghế ngồi và vừa dẹp sạch đống cây. Thật là nhất cử lưỡng tiện.

Thừa thắng xông lên, máy cắt cỏ không chạy, máy xịt nước chết ngắc từ năm rồi nằm trong garage choán chỗ mà tiếc nên chưa vụt. Tiếc vì nó còn mới, mỗi máy mới xài chỉ có một năm.

Ðúng hơn là giận bỏ nó nằm chình ình mới phải. Cái máy cắt cỏ cũ hơn hai chục năm mà giựt một cái là chạy, dù nguyên mùa đông không đụng tới. Phiền một cái là mình phải đẩy, còn cái máy nầy tự động, thấy on sale năm trăm còn ba trăm chụp liền. Ðem về chạy thì biết mình hên. Năm sau tuyết tan cỏ mọc, đem máy ra cắt giựt chết ông chết cha không nổ. Xả xăng, đổ xăng mới, chùi bugi, xịt xăng mồi, giựt muốn đứt hơi vẫn trơ trơ có giận không? Loại máy nổ Kohler một xy-lanh bốn thì ở Việt Nam rất thông dụng, vì dễ sử dụng và ít hư bất tử. Người ta biến chế thêm thành máy bơm nước ruộng, máy đuôi tôm chạy xuồng ghe. Già trẻ bé lớn trai gái đều sử dụng được hết mà sử dụng một cách nhẹ nhàng thuần thục.

Máy bơm nước ruộng có nhà mùa khô bỏ nằm lăn lóc ngoài góc chuối, mùa mưa vác ra ruộng giựt một cái máy nổ ầm ầm, nước bơm ào ào âm vang cả cánh đồng.

Còn về miền Tây sông nước kinh rạch như màng nhện, ta sẽ thấy vô số ghe xuồng băng xẹt trên mặt nước do các cô gái áo bà ba đội nón lá hay các em năm bảy tuổi điều khiển máy đuôi tôm thật tài.

Cái máy cắt cỏ cà chớn nầy cũng giống như vậy, nhưng tại sao không nổ?