Bắt đầu từ Tháng 3 âm lịch biển êm ả, trong xanh, là mùa lý tưởng để tắm biển; tuy nhiên, dưới làn nước êm ái đó người tắm thỉnh thoảng bị sứa quất. Ai đã từng một lần bị loài sinh vật biển này chạm lướt qua sẽ không thể quên cảm giác bỏng rát hàng giờ liền. Thế nhưng, sẽ qua mau nếu bạn nhanh chân lên bờ lấy cát khô chà xát vào người, và ác cảm về loài sinh vật biển này sẽ biến mất nếu bạn thưởng thức những món ăn từ sứa.
Không phải loài sứa nào cũng gây cảm giác bỏng rát khi chạm phải chúng. Một số loài sứa gây độc cho con người, nhưng nhiều loại sứa khác có thể ăn được.
Sứa là loài nhuyễn thể, không xương, có hình dù, thân mềm, trong suốt với 98% là nước. Toàn thân sứa mềm nhũn, dạng tròn có nhiều tua ở bên dưới với vô số tế bào xúc giác là vòi phun ra những luồng móc nhỏ xíu mang nọc độc để chích đốt, tiêu diệt kẻ thù. Khi bị sứa “quất”, nọc độc sẽ bám chặt vào da làm sưng phồng và đau rát. Chà xát bằng cát khô là cách để kéo các nang nọc độc này ra khỏi da.
Người ta gọi sứa là bông hoa biển bởi hình ảnh đẹp rực rỡ và kỳ lạ của chúng khi trôi lập lờ dưới nước.
Sứa là loài hải sản đặc biệt, sinh sản rất nhanh, tốc độ lớn của chúng thật kỳ diệu. Từ sứa con có trọng lượng 3mg, đến giai đoạn trưởng thành nặng 10kg chỉ trong vòng 3 tháng. Sứa có khả năng dự báo bão. Trước các cơn bão 10 – 12 giờ người ta thấy sứa di chuyển vào gần bờ. Các nhà khoa học cho rằng, loài động vật này nhận biết được các dao động sóng siêu âm ở tần số thấp, phát sinh từ các con sóng lớn do bão tạo ra lan truyền vào không gian với khoảng cách rất xa mà đa số các loài động vật khác không cảm nhận được.
Sứa chứa ít chất béo nhưng nhiều protein, được xem là thực phẩm tốt, bổ và mát, có nhiều chất có lợi cho con người, đặc biệt collagen giúp làm chậm sự lão hóa da, tạo thêm nhiều tế bào mới.
Tôi nhớ ngày xưa mỗi lần Má đi chợ mua sứa về, lũ chúng tôi thường xúm xít quanh và nghe đến thuộc lòng câu chuyện tiếu lâm rằng, có bà vợ ở cữ, sai anh chồng đi chợ, dặn: “Mua cá gì ít xương về nướng ăn”. Anh chồng ra chợ tìm mãi không thấy cá gì ít xương, bèn mua sứa đem về. Nướng mãi không được vì nước cứ nhỏ xuống làm tắt bếp!
Mùa sứa từ tháng 3 đến hết tháng 9 âm lịch. Con sứa to và nặng được kéo lên bờ, người ta nhanh chóng cắt lọc lớp lụa mỏng bên ngoài bỏ đi xong chà dưới cát, mục đích cho sạch nhớt. Rồi rửa lại bằng nước biển mới thật sạch. Do sứa có mùa nên đánh bắt về, sau khi sơ chế sạch người ta có nhiều cách để lưu giữ thịt sứa được lâu và vẫn giữ độ giòn, như sứa muối phèn, sứa khô…
Sứa khô có thể đóng trong thùng hoặc tẩm ướp chút gia vị để tiện hơn khi chế biến. Sứa khô đạt yêu cầu ngon là có độ giòn, không tanh và vẫn có vị mặn. Khi mua về ngâm trong nước sạch khoảng 1 giờ, thay nước liên tục để sứa nhả hết vị mặn. Với loại sứa khô đóng túi ăn sẵn thì chỉ cần đổ ra rổ cho ráo nước, chần qua nước sôi hoặc rửa qua nước sạch là có thể ăn được. Có người kỹ, sau khi rửa qua nước sạch nhiều lần, còn ngâm sứa với dung dịch chanh, muối và giấm khoảng 20 phút để loại bỏ hóa chất và vị mặn của muối trong quá trình sơ chế sứa.
Vào mùa sứa, đi tắm biển tôi hay gặp những con sứa nặng khoảng vài ký, to bằng cái rổ, tròn lùm lùm, loại sứa này ăn rất ngon, tuy nhiên phải làm rất kỹ. Có người lượm mang sứa về sau khi rửa sứa thật sạch bằng nước biển. Rồi tùy theo kinh nghiệm có thể ngâm sứa với nước lá ổi đã bóp chắt lấy nước, mục đích cho thịt sứa săn lại, giòn ngon. Thông thường sau khi cắt sứa thành từng miếng nhỏ, người ta phải rọng sứa trong nước một thời gian cho sứa nhỏ lại, lúc đó thịt mới săn và giòn, càng rọng nước lâu sứa càng ngon. Từ lúc mang con sứa ở biển về sơ chế đến khi có món sứa trên bàn ăn phải ít nhất 10 tiếng.
Sứa có vị và mùi rất riêng mà không một hải sản nào có được: giòn giòn, nhạt nhạt và mùi của biển (đó là một hỗn hợp mùi từ nước biển, muối, cá, rong, mùi các loài động vật giáp xác..).
Có nhiều cách chế biến sứa thành món ngon, như món gỏi (bắp chuối hay đu đủ). Sứa mua về trụng qua nước ấm sau đó ngâm nước muối rửa lại cho thật sạch cát còn bám ở chân. Xà lách, rau thơm (tía tô, húng quế…) xắt ghém, trộn với bắp chuối xắt sợi. Nếu làm gỏi đu đủ thì sau khi trộn sứa thêm ít đậu phộng giã dập dập. Ăn với bánh tráng nướng.
Gọi là bún sứa nhưng thật ra sứa chỉ để sắp lên mặt tô bún cá. Nước lèo muốn thật ngon phải được nấu bằng cá bò, cá ngừ; có thể nấu với cá chù, cá chấm, cá dưa gang … nhưng không ngon bằng. Cá tươi ướp hành, ớt, mắm cho thấm, sau đó nấu nước lèo, thêm chút màu (kho cá) để nồi nước có màu vàng và nêm nếm hơi đậm một chút mà người nhà quê thường gọi là nấu mẳn. Sắp bún vào tô, bỏ lên trên một nhúm sứa, chan nước lèo, gạn múc thêm ít cá dầm. Nêm mắm ớt, vắt chanh, ăn kèm với rau ghém (xà lách, rau thơm, bắp chuối …). Ngon tuyệt vời!
Sứa còn là món ăn với cơm. Sứa mua về rửa thật sạch, để ráo rồi ăn chấm nước mắm ớt tỏi thật ngon, kèm thêm gắp rau sống là món ăn thường thấy trong mâm cơm của người dân miền biển vào mùa sứa. Món ngon đặc biệt nữa là cuốn tôm thịt. Tôm luộc chín, bóc vỏ. Thịt ram thái mỏng. Gừng, dưa leo thái mỏng bóp muối, ngâm giấm. Hành trụng. Cuốn bánh tráng tôm, thịt, sứa … chấm nước mắm chanh ớt .
Ở các vùng biển, đa phần các hàng bún cá đều có bún sứa. Trên bề mặt tô bún có sứa và chả cá làm nên hương vị biển khó quên!
* Một vài loại sứa độc như sứa bắp cày sống trôi nổi ở vùng ven biển ven bờ Việt Nam. Khi thời tiết xấu, nhiều mây chúng di chuyển đến vùng nước cạn gần bờ, khó phát hiện vì màu của nó lẫn trong màu nước biển. Nó có dạng hình hộp, kích thước từ 2 – 20cm, tròn như cái chậu úp, màu sắc trong suốt hơi ánh xanh với 15 xúc tu dài (có thể đến 3m) kèm theo hàng ngàn nang trâm chứa nọc độc.
Sứa lửa đỏ có thân hình dài, mỏng giống như những chai nhựa xanh trong suốt, nổi lập lờ trên mặt nước rất khó phát hiện. Xúc tu của chúng chứa nọc độc màu xanh, hồng tím óng ánh hoặc màu cam đỏ khi sống ở vùng nước sâu…
Hay như loài sứa bờm sư tử, sứa tầm ma biển… cũng là các loài sứa độc.
ĐTTT