Ngày 01 tháng 7 năm 2024 đạo luật SB 478 chánh thức có hiệu lực thi hành trên toàn tiểu bang California, một lần nữa làm dấy lên nhiều ý kiến tranh luận trong giới kinh doanh quán ăn, nhà hàng, với nhiều tiếng kêu than và thích thú… trong giới chủ lẫn khách hàng. Hàng quán nào càng buôn bán quy mô lớn thì chủ kêu than càng “lớn tiếng.”

Sau ngày 1 Tháng Bảy năm 2024, phần Suggested Gratuity (gợi ý tặng tiền) sẽ bị cấm in trong tờ receipt như thế này.

Thật ra, dự luật SB 478 đã được Thống đốc tiểu bang Cali ký ban hành từ năm ngoái, đăng công khai trên website luật tiểu bang ngày 10 Tháng Bảy năm 2023, các luật thông thường có hiệu lực ngày 1 tháng 1, nhưng riêng SB 478 được kéo lùi thời gian tới ngày 1 tháng 7 năm 2024 luật mới có hiệu lực, nhằm mục đích cho các chủ businesses có thời gian chuẩn bị thích ứng luật mới.

Tóm tắt SB 478 là cấm businesses kinh doanh thức ăn, quán rượu thu các loại phí linh tinh không tên (junk fee) trên hóa đơn của khách mua. Điểm a và b Mục 1 nhấn mạnh: “(a) Đạo luật này nhằm mục đích đặc biệt nghiêm cấm việc định giá nhỏ giọt (drip pricing), bao gồm việc quảng cáo mức giá thấp hơn giá thực tế mà người tiêu dùng sẽ phải trả cho hàng hóa hoặc dịch vụ. (b) Hành vi này, giống như các hình thức quảng cáo dụ dỗ và quảng cáo chuyển đổi khác, bị cấm bởi các đạo luật hiện hành, bao gồm Luật Cạnh tranh không lành mạnh.”

Phía các chủ kinh doanh phản bác rằng cấm như vậy thì họ sẽ phải ghi tăng giá tiền trên giá bán, như vậy sẽ mất khách, tình hình làm ăn thêm khó khăn hơn.

Ở quê tôi ngày trước các ông bà nhà quê thường răn dạy con cái nôm na rằng: “Trống treo ai dám đánh thùng/ Bỗng không ai dám giở mùng chun vô.” Tôi cho rằng SB 478 được ban hành cũng có cái lý của nó, không phải tự dưng các dân biểu tiểu bang ngồi không vẽ chuyện ra cho thêm phiền.

Xem thêm:   Hai tô mì

“Định giá nhỏ giọt” ở đây là giá rao bán không giống giá bán ra, giá bán ra (tức số thực tiền khách mua phải móc hầu bao) cao hơn giá niêm yết, thậm chí cao gấp đôi, gấp rưỡi, nhất là các nhà hàng cao cấp họ thường có kiểu này. Thí dụ: Bán dĩa tôm $10, khi tính tiền ngoài tiền tôm $10 ra khách còn bị cộng thêm tiền bưng bê, tiền muối tiêu, tiền công lấy kéo cắt, tiền rau tiền cải, tiền khăn lau tay khử mùi v.v. Dĩa tôm trở thành $20 hoặc $25.

Năm ngoái, tôi vô website Walmart kiếm mua hũ thủy tinh lớn để đựng chanh muối. Rõ ràng website đăng bán có $7/hũ, ghi rõ địa chỉ tiệm, tại kệ hàng số mấy luôn. Tôi lái xe tới tiệm, vô tận kệ bày bán hũ thì nhìn thấy họ ghi giá bán tại tiệm $13/hũ. Ngạc nhiên quá, hỏi tại sao thì họ trả lời rằng giá đó cộng thêm tiền lệ phí shipping nhanh. Trời, tôi có yêu cầu shipping nhanh hồi nào đâu. Tôi lái xe tới tiệm mua mà họ lại được thêm tiền, quý vị nghĩ có tức không? Bạn tôi nói lỡ tới tiệm rồi thì mua luôn đi, còn so đo làm chi vài đồng bạc. Tôi “sôi máu” lên trả lời rằng thà họ cứ ghi hẳn lên website giá bán $13/hũ, mình thấy bán mắc quá không mua, hoặc mình đi tiệm khác mua. Đàng này họ ghi giá thấp, vô tiệm giá cao gấp đôi, có khác gì họ lừa mình tới tiệm không? Lừa khách như vậy thì không mua gì hết, đi về.

Cách đây 1 tháng, bạn tôi muốn mua 2 trái banh tennis, bèn vô website của Target và Walmart coi giá, thấy tiệm Target (đường Harbor) và tiệm Walmart (đường Gilbert) đều ghi giá $2 cho 1 ống đựng hai trái banh. Tuy nhiên, chỗ chúng tôi đang đứng gần tiệm Target hơn nên chúng tôi quyết định lái xe tới Target. Tới nơi, vô kệ hàng thấy bảng giá bán 2 trái banh đó là $4. Bạn tôi đành bấm bụng trả $4 mua banh, chớ bây giờ chạy qua tiệm Walmart tốn thêm $10 tiền đổ xăng, mà biết đâu Walmart họ cũng chơi cái mửng “hai giá” này giống như vụ mua hũ thủy tinh? Riêng tôi cứ ấm ức muốn chạy qua Walmart liền để coi có phải Walmart cũng bán $4, hay là chỉ duy nhứt Target “lừa” khách?

Xem thêm:   Hoạ sĩ Khánh Trường sẽ trờ về

Tiệm 99 cent ghi giá bán số lẻ sau dấu chấm là 99, quý vị đừng nghĩ  rằng quý vị sẽ dư được 1 cent, trên receipt của quý vị đằng sau dấu chấm có tới bốn số 9 lận, nghĩa là quý vị không dư được xu nào.

Thí dụ khác, quý vị có bạn bè, họ hàng từ xa tới thăm, muốn đãi nhau bữa ăn thịnh soạn, bèn lên mạng internet coi menu, so sánh giá cả giữa các nhà hàng với nhau, cuối cùng chắc mẩm đã chọn được nhà hàng giá cả vừa rẻ vừa ngon. Sau khi ăn xong, nhìn tờ bill nhà hàng đưa ra quá cao hơn giá dự kiến của quý vị, trả tiền mà trong bụng cứ nghĩ tới chuyện thôi rồi tháng này không còn dư tiền sắm đồ mới cho con, không dư tiền trả góp xe, không dư tiền gởi cho các cụ … mà đau lòng. Nếu biết trước giá cao như vậy thì đã ăn bớt lại một hoặc hai món thì tốt biết mấy, liệu cơm gắp mắm chẳng phải vui vẻ cả hay sao?

Mặt khác, về phía các nhà hàng, ghi giá bán thấp trên menu để câu khách tới nhà hàng của mình, nhưng thực tế giá tiền khách phải trả bằng hoặc cao hơn giá của nhà hàng khác, đó chính là hành vi cạnh tranh bất bình đẳng. Về phía khách hàng, đó là khách bị nhà hàng lừa bịp.

Khu vực Little Sài Gòn (Quận Cam) và vùng phụ cận, từ trước tới nay có thông lệ khách muốn cho tiền típ bao nhiêu thì cho, phần lớn khách Việt trả tiền ăn riêng, cho tiền típ riêng. Tiền típ thường là tiền mặt (cash) được để sẵn trên bàn ăn trước khi khách đi ra khỏi tiệm. Nếu quy định “cứng” cho tiền típ và ghi hẳn vô bill thì chủ quán sẽ phải ghi mức bao nhiêu? Khách muốn cho tip ít hơn thì sao? Hoặc khách nhìn thấy giá tăng nhiều quá bèn dẹp bỏ ý định đi ăn tiệm? Như vậy, tình hình kinh doanh vốn đã bết bát thì lại càng tệ hơn.

Xem thêm:   Lời tử tế

Một chủ nhà hàng Mỹ nói rằng đạo luật SB 478 sẽ khiến nhà hàng đóng cửa do vắng khách. Cá nhân tôi cho rằng nếu khách làm ăn khá giả thì khách không ngại chuyện nhà hàng tăng giá, vấn đề mấu chốt là kinh tế trì trệ, thu nhập của khách hàng bết bát họ sẽ suy nghĩ cân nhắc tiết kiệm chi tiêu, mà mục bị cắt giảm đầu tiên là không ăn ở hàng quán nữa.

Theo đài truyền hình KTLA5, “SB 478 áp dụng cho các nhà hàng, giống như áp dụng cho các doanh nghiệp trên khắp California,” một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp nói với San Francisco Chronicle. “Luật nhằm bảo đảm người tiêu dùng biết họ sẽ trả những gì và yêu cầu giá niêm yết bao gồm toàn bộ số tiền mà người tiêu dùng phải trả cho hàng hóa hoặc dịch vụ đó.” Điểm a Mục 1770 viết: “Các phương pháp cạnh tranh không công bằng và các hành động hoặc hoạt động không công bằng hoặc lừa đảo được liệt kê trong tiểu phần này được thực hiện bởi bất kỳ người nào trong một giao dịch nhằm dẫn đến hoặc dẫn đến việc bán hoặc cho thuê hàng hóa hoặc dịch vụ cho bất kỳ người tiêu dùng nào là bất hợp pháp.”

Tôi không biết luật có áp dụng cho các tiệm tạp hóa và cấm họ “ghi hai giá” như trường hợp tôi vừa kể của tiệm Walmart và Target ở trên hay không?

Nói chung, nhà hàng, quán rượu càng lớn thì khoản “phụ phí” họ thu được càng nhiều, thành ra việc bắt buộc cộng thêm vô giá bán trên menu rõ ràng từng món làm cho khách hàng mới nhìn thấy giá bán đã “kinh sợ” với số tiền thực tế phải trả. Chưa thấy nhà hàng Việt khu vực Little Sài Gòn (Quận Cam) có phản ứng gì trước SB 478.

TPT