Kỷ niệm một năm ngày nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên qua đời
(5.5.1930 – 19.5.2023)

Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên thời trai trẻ
Sở hữu năng khiếu thơ văn và âm nhạc từ tuổi thiếu niên, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đã tập tành làm thơ, viết văn, viết báo từ thuở còn ngồi nơi ghế nhà trường. Ông là tác giả ca khúc nổi tiếng “Trăng mờ bên suối” nhưng khi trưởng thành, ông rẽ vào một lĩnh vực khác. Nếu trong nghệ thuật Lê Mộng Nguyên là một nghệ sĩ tài hoa thì ngoài xã hội, giống như nhạc sĩ Cung Tiến, ông là một trí thức hiếm hoi, “văn võ song toàn”. Ông cũng là bào đệ của đạo diễn Lê Mộng Hoàng với những cuốn phim nổi tiếng của “nghệ thuật thứ bảy” thời Cộng Hòa thịnh trị. Trải qua những tháng năm miệt mài học tập, ông trở thành luật sư rồi giáo sư dạy môn Khoa Học Chính Trị và Luật Hiến Pháp tại hai trường đại học ở Pháp cho đến ngày hưu trí.
Ông để lại cho nền âm nhạc nhiều ca khúc thật hay như Xuân tươi (bút hiệu Lan Đào), Xuân tha hương, Vó ngựa giang hồ, Lá thư cho mẹ, Nhớ Huế, Thề non nước (phổ thơ Tản Đà), Bụi đời (nhạc phẩm dành cho cuốn phim cùng tên của đạo diễn Lê Mộng Hoàng), Mừng khánh đản (nhạc Phật giáo) v.v. và được nhắc nhở nhiều nhất qua nhạc phẩm “Trăng mờ bên suối”.
Cậu học trò trường Khải Định đem lòng yêu thương cô gái dòng dõi hoàng tộc và thường hẹn hò, gặp gỡ bên bờ sông Hương. Xứ Huế với sông núi hữu tình, đất trời giao hòa đã âm thầm se duyên cho đôi trai tài, gái sắc. Nhưng cuộc đời không mãi êm đềm như con nước chảy xuôi vì ngày kia, chàng theo lệnh mẹ cha lên đường du học nơi trời Tây. Trong phút giây bồi hồi thương nhớ người yêu và không biết được ngày sum họp, chàng đã đặt bút viết nên bản tình ca dang dở trên trang giấy học trò. Bờ sông Hương đã được thăng hoa thành một khung cảnh lãng mạn với đôi tình nhân trao nhau bao lời hẹn ước bên dòng suối xanh đêm ngày róc rách. Gặp gỡ rồi chia tay vốn là chuyện thường tình trong cuộc sống nhưng mấy ai tránh khỏi bùi ngùi trước cảnh sinh ly .
“Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Rồi đây hai ngả biết tới phương nào” (*)
Trong âm nhạc Lê Mộng Nguyên, buổi chiều bên bến Hương giang lặng lờ, nắng vàng trải mênh mông trên mặt sông không gợn sóng lại chính là hình ảnh của lần gặp gỡ sau cùng bên bờ suối vắng khi trăng cao đã mọc ngang đầu. Đôi tình nhân được ví von như đang sống trong thời buổi loạn lạc, kẻ khoác chiến y đi vào sa trường lửa khói, người nơi quê nhà héo hắt lòng son. Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, nhất là khi kẻ ở người đi, hai phương trời cách biệt .
“Mịt mùng ngàn thâu suối mơ trầm lắng
Lòng buồn từ ly nhớ nhung chiều vắng
Người ơi nhớ khúc nhạc lòng đêm ấy
Ngàn đời vang nhắc bên suối trăng tà
Suối mơ lời hẹn ước ven bờ suối xưa
Nhớ chăng người phương xa trong khói điêu tàn”
Thời gian phôi phai, khoảng cách địa lý mênh mông nên người trong cuộc chỉ còn biết xót thương cho thân phận mình và âm thầm hờn trách cho hoàn cảnh trớ trêu, kẻ đầu sông, người cuối biển. Người đã xa xôi thăm thẳm nhưng trăng nước năm xưa vẫn lung linh nơi chốn cũ và ước mong một ngày đoàn tụ sẽ thật gần.
“Một ngày xa nhau xóa bao hình bóng
Trời bày chia ly chi cho lòng héo
Giờ đây cách xa người quên hay nhớ
Ngày xưa còn đó trăng nước mong chờ” (*)

Tờ nhạc bài “Trăng mờ bên suối”
“Trăng mờ bên suối” của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên với lời ca dạt dào xúc cảm, ý tình chứa chan được lồng trong nét nhạc du dương và lãng mạn, mang ảnh hưởng ít nhiều từ cõi nhạc của Đặng Thế Phong, Văn Cao, Lê Trạch Lựu, v.v.
Kể từ khi bước chân xa xứ và trải qua mấy mươi năm vật đổi sao dời, vận nước nổi trôi khiến cho tác giả chưa có dịp nào trở về thăm chốn cũ. Với thời gian hơn 70 năm kể từ ngày ra đời, nhạc phẩm “Trăng mờ bên suối” của Lê Mộng Nguyên vẫn giữ được cảm tình của biết bao thế hệ yêu nhạc và được nhiều lần thu thanh, thu hình vào dĩa nhạc, băng nhạc cũng như được trang trọng trình diễn tại các sân khấu lớn, nhỏ từ trong nước ra tới hải ngoại. Cũng nên nhắc nhở thêm, nhạc phẩm “Trăng mờ bên suối” với tiếng hát của ca sĩ Thanh Thúy được phát mỗi ngày trước khi bắt đầu chương trình phát hình của đài truyền hình số 9 vào đầu thập niên 70. Nếu ở cuộc đời này người ta còn yêu thương nhau và vẫn vui buồn với những hợp tan, với trăng nước mong chờ thì nhạc phẩm “Trăng mờ bên suối”, được xem là mối tình dang dở của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, sẽ còn được yêu thích, được bồi hồi nghe lại để thấy lòng mình lâng lâng và giữ gìn cho đến mai sau.
TV
(*) trích lời bài hát “Trăng mờ bên suối”, Lê Mộng Nguyên