Tháng Bảy dương lịch năm 1994 tôi rời quê hương, sáu tháng sau, chúng tôi đón cái Tết Việt Nam đầu tiên ở ngoài nước Việt Nam.

Từ phương xa, đêm Giao thừa, mấy cha con xúm xít bên cái điện thoại để gọi về quê nhà thăm hỏi và chúc Tết.

Ban đêm bên này là ban ngày bên kia, thời đó ở Việt Nam chưa có điện thoại từng nhà phổ biến như bây giờ nên nếu muốn nói chuyện với nhau trước đó phải gọi để hẹn ngày giờ đàng hoàng. Một nửa gia đình tôi còn lại bên kia qua nhà một người quen, cũng xúm xít lại để nghe. Nghe được gì đâu, bên này chưa nói đã khóc, bên kia chưa nghe gì đã thút thít. Cuối tháng tôi phải trả tiền cái hóa đơn điện thoại gấp mười lần bình thường.

Sáng Mồng Một Tết tha hương đầu tiên, tôi thay áo quần đi làm. Ra trước sân, nhìn qua hiên nhà ông Mỹ hàng xóm thấy một cành đào hé nở mấy nụ hồng hồng bé tí, vài ba cái chồi xanh mởn cũng bé tí. Tôi mừng rỡ còn hơn gặp lại cố nhân.

Tôi rón rén chui rào bước qua, kêu nhỏ em chụp cho mấy tấm hình, may là chủ nhà không biết. Tấm hình có hương vị ngày Tết đầu tiên của tôi ở nước ngoài sau đó hí hửng được theo đường bưu điện về tận quê nhà. Sau này tôi mới biết, loại hoa đào đó là “đặc sản” của thành phố tôi đang sống, đến tháng Ba tháng Tư thì nở rộ ngợp trời.

Tôi nhớ năm đó cũng là năm đầu tiên cấm đốt pháo vào dịp Tết Nguyên Ðán bên Việt Nam. Chúng tôi gọi về dĩ nhiên chẳng nghe được tiếng pháo ngày Xuân nên dường như không cảm nhận được cái rộn ràng của ngày Tết. Bên này, ngày đầu năm người lớn tuổi thường đến Chùa cầu phước hay đến Nhà Thờ cầu nguyện, bọn trẻ thì tham gia những Hội Xuân do cộng đồng người Việt tổ chức.

Thuở ấy tôi chưa đủ già để phải bận bịu cho việc cúng bái và thật tình cũng không còn trẻ để vui chơi. Tết đến, ngày đầu năm cũng như ngày cuối năm, công việc làm ăn là quan trọng nhất. Dạo đó, đêm Giao thừa, tôi cũng làm cho xong nhiệm vụ sắp bánh mứt để ba tôi cúng kiến sau đó vào giường nằm trăn trở, tưởng tượng về những cái Tết đã qua trong đời, nhớ tiếng pháo của những đêm Giao thừa trong dĩ vãng, nhớ mùi hương trầm ngào ngạt đêm Ba Mươi, nhớ cả cảnh chợ hoa thắm tươi, rộn ràng ngày khai mạc và tàn tạ buổi chợ tan …

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

Năm tháng qua đi thật nhanh,gần ba mươi cái Tết tha hương cũng qua thật nhanh, thật lặng lẽ.

Những năm sau thập niên 90 của thế kỷ trước, người Việt Nam về tiểu bang Georgia này định cư càng đông đúc, do đó Tết của cộng đồng người Việt có sinh hoạt rộn ràng hơn. Chợ Tết bày bán đủ các loại bánh mứt, hoa quả, phong bì lì xì … và đặc biệt là mùa Xuân rộn ràng nở hoa trong những CD, những DVD nhạc Xuân và các chương trình ca nhạc đón năm mới, các buổi họp mặt tất niên của các hội đoàn, thi hoa hậu, thi giọng ca vàng …

Bảo Huân

Nhưng càng về sau hình như Tết đến tôi không còn trăn trở nhiều nữa, có lẽ tôi đã quá quen với không khí Tết ở đây nên tôi chỉ nhớ …

Thuở còn bé, chín mười tuổi, đêm Giao thừa, lắng nghe tiếng pháo của nhà hàng xóm. Ðám trẻ con tài thật, nghe tiếng pháo là biết của nhà nào. Hình như mức độ giàu nghèo trong xóm được bọn trẻ đánh giá qua tiếng pháo giòn giã đêm Giao thừa và xác pháo rơi trong sân nhà vào buổi sáng, ngày đầu năm. Chuyện dài về pháo Tết được trẻ con hưởng ứng bao nhiêu thì cũng gây ra nhiều tai nạn bấy nhiêu. Một dây pháo dài được chích ngòi, pháo chưa nổ xong bọn trẻ đã nhảy vào chụp lấy, pháo làm toét tay, cháy nhà … còn sinh ra nạn buôn lậu pháo… và nhiều tệ nạn khác. Cuối cùng là cấm triệt để.

Tết đến không tiếng pháo, đêm Giao thừa qua đi lặng lẽ với khói hương. Ðám cưới, tiễn người sang ngang cũng không có xác pháo rơi hồng dưới gót chân. Buồn làm sao!

Tôi lớn lên một chút, đến tuổi hẹn hò thì mê chợ hoa nhiều hơn pháo Tết. Cũng như các bạn cùng thời, những mùa Xuân tuổi mười bảy mười tám của chúng tôi không được thắm tươi, rực rỡ. Có những năm, ngày Tết ra phố thì thấy toàn một loại vải may áo. Người già, em bé, nam cũng như nữ cùng một loại vải hoa giống nhau, loại vải bán phân phối từ cửa hàng mậu dịch quốc doanh, tiêu chuẩn cả năm một lần. Do đó, Tết đến, chỉ có chợ hoa là nơi mang sắc thái Xuân hơn nhờ những chậu hoa hoa đủ loại, đủ màu sắc. Hương từ hoa va sắc của hoa ở các khu chợ hoa cuối năm thật lôi cuốn khiến hồn người phơi phới, tạm quên đi những thiếu thốn nhọc nhằn của một năm đã qua.

Xem thêm:   Một đời lan

Ðiều kỳ lạ là khi nhớ, hầu như những kỷ niệm về Tết trong tôi với niềm vui, nỗi hân hoan chỉ thoáng qua rất nhanh. Những câu chuyện buồn đầu năm thì cứ ở lại trong đầu khiến lòng buồn dai dẳng.

Rồi những cái Tết không có ba tôi ở nhà, mấy mẹ con sau khi tập trung hết vốn liếng cho đợt thăm nuôi cuối năm thì mẹ con đành phải đón Xuân trong thiếu thốn trăm bề. Cuối năm không có tiền để mua một chậu cúc về chưng cầu tài cầu lộc. Mấy chị em đành phải vớ đại chùm hoa vạn thọ loại vàng đậm, vàng lợt về cúng Tết. Quà Tết dọn cho khách đến nhà là mấy loại bánh đủ loại, làm từ bột mì do nhà nước bán tiêu chuẩn cuối năm hoặc sang hơn là me chua, cóc xanh tự dầm …

Mãi đến những năm tôi có đứa con đầu thì hình như tôi không còn đón Tết nữa, bận rộn cho việc buôn bán, ngày Tết trôi qua hồi nào không biết. Giống như tuổi thanh xuân của tôi cũng tàn dần theo năm tháng. Bận bịu và chật vật quá chẳng còn thời gian để nhớ, để mong ước hay ngậm ngùi nuối tiếc. Ðó là chưa kể có nhiều năm nợ nần chồng chất, Tết đến chẳng có chút hân hoan mà thay vào đó là nỗi lo âu phải thanh toán nợ nần nếu không thì lãi mẹ sinh lãi con … chắc trả cả đời cũng không hết. Gánh nặng ngày Tết càng khiến đầu óc căng thẳng, mai vàng, câu đối đỏ, bánh chưng xanh … chợt trở thành huyền thoại, hương hoa ngày Tết và cảm giác nô nức trong đêm Giao thừa như lùi dần vào quá khứ.

Vậy là đã rất nhiều năm rồi, tôi không đón Xuân. Ở đây mỗi độ Tết Nguyên Ðán trở về, khung cảnh bên ngoài chẳng có gì gợi được trong tôi một niềm vui để liên tưởng và hình dung rằng mùa Xuân đang đến để tưng bừng vui Tết. Tiết trời quá lạnh, ban ngày bầu trời đầy mây xám chuẩn bị như sắp đổ tuyết; ban đêm tĩnh lặng và lạnh se thắt. Thời khắc chuyển mình từ năm cũ sang năm mới, tôi trùm mền dỗ giấc ngủ để sáng mai dậy sớm đi làm, có tiếng … tít … tít từ điện thoại. Tin nhắn từ Việt Nam hiện ra trong màn hình nhỏ xíu. Happy New Year, Chúc Mừng Năm Mới … từ bạn bè, anh em … Tôi đọc xong trả lời ngắn ngủi bằng hai chữ cám ơn. Không biết nói gì, thật lòng không biết nói thêm gì nữa.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Mấy ngày đầu năm âm lịch nơi tôi sống rồi cũng trôi qua hăm bốn giờ thật bình thường, đơn điệu. Một chút xíu Việt Nam còn sót lại trong tôi là ngày đầu năm tôi lái xe đi làm rất cẩn thận, ăn mặc tương đối chăm chút và giữ vẻ mặt tươi rói suốt ngày. Phần ăn trưa mang theo đi làm hôm đó cũng là bánh tét dưa món và một vài món “đồ cúng” từ bữa rước ông bà cuối năm, kèm theo vài cọng mứt để tráng miệng. Bản nhạc Xuân từ CD trong xe đưa tôi về với những mùa Xuân xưa, hình ảnh thật thanh bình và nên thơ …

“… Xuân vừa về trên bãi cỏ non, gió Xuân đưa lá vàng cuối mùa. Hoa cười cùng tia nắng vàng son, lũ ong lên đường cánh tung tròn …

… Có một chàng thi sĩ miền quê, ngắt bông hoa biếu người xuân thì. Có một đàn em bé ngoài đê, hát câu i tờ, đón Xuân về …” (Hoa xuân – Phạm Duy)

Năm nay theo dự báo thì Tết đến trong mưa. Mưa… mưa từ năm cũ sang năm mới. Những cơn mưa dài, rả rích lê thê và dĩ nhiên… lạnh. Tuy Mồng Một Tết nhằm thứ Ba nhưng chắc các Chùa và Nhà Thờ cũng vắng vì ai cũng sợ nhiễm bịnh dịch.

Với tôi, không có ngôi Chùa ngôi Nhà Thờ nào ấm cúng hơn ngôi nhà có Ba Má đang sống.

Tối, đi làm về anh chị em rủ cùng nhau ghé về thăm và chúc Tết Ba Má. Ai có món ăn ngày Tết thì mang về, tất cả sẽ được bày ra trong mâm cơm tối. Bánh tét, dưa món, thịt ngâm mắm, trưởi (?) Quảng Nam ….

Chúng tôi sẽ xúm xít ăn cơm tối với Ba Má. Năm qua, cả nhà đã cùng Ba Má trải qua năm thứ hai đầy khó khăn, đầy tai ương của nhân loại. Mong rằng buổi tối đầu tiên của năm mới Xuân Nhâm Dần gia đình sẽ có một bữa ăn chung rất vui. Vui hơn bao giờ hết. Hạnh phúc trong tầm tay.

“Hãy trân trọng gia đình, vì chúng ta chỉ có duy nhất một cuộc đời này để ở bên nhau mà thôi.

Hãy trân trọng những bữa cơm gia đình, vì lớn lên vật lộn với đời mong một bữa cơm đầm ấm, yên bình như vậy khó vô cùng.”

NDAT