Khi mùa hè quay lại Nam Cali với cái nóng hầm hập và khô khốc, nhiệt độ thường xuyên trên 30 độ C (86 độ F) thì cũng là thời gian bắt đầu mùa trốn nóng của cư dân địa phương. Những năm vừa qua, Cơ Quan Khí Tượng Quốc Gia (NWS) đều ghi nhận được đỉnh điểm các đợt nắng nóng có khi là 40 độ C (104 độ F) và năm nào NWS cũng ban bố cảnh báo nắng nóng gay gắt cho từng khu vực, kèm theo khuyến cáo, gợi ý cư dân cách tránh nóng đơn giản mà mọi người có thể thực hiện được ngay lập tức để tự bảo vệ sức khỏe.

Công viên và cây trồng ven đường giúp không khí trong lành và mát mẻ trong mùa hè.
Mới đầu mùa hè đã xảy ra liên tục bốn vụ cháy rừng vào cuối tuần qua (Chủ Nhật, 16 Tháng Bảy) tại quận Riverside, làm cho thời tiết càng oi bức hơn. Ðám cháy tên “Rabbit Fire” đã tàn phá trụi lủi 7,600 acres rừng, lực lượng chữa cháy chỉ kiểm soát được 10% diện tích, con đường freeway huyết mạch đi ngang qua Riverside để tới quận Cam bị tắc nghẽn vào ban ngày.
Nhiệt độ do Cơ Quan Khí Tượng Quốc Gia công bố là nhiệt độ trong bóng râm, tùy khu vực, khi chúng ta làm việc ngoài trời hay đi đường, nhiệt độ thực tế nóng hơn khoảng 10 độ C hoặc cao hơn nữa, so với nhiệt độ của NWS thông báo. Khu vực nào có nhiều cây cỏ thấp, cổ thụ, hồ nước, nhà cửa thưa thớt thì nhiệt độ thấp hơn, có nhiều gió hơn nơi nhà cửa đông đúc và ít cây. Nhựa đường, nền xi măng sân nhà là điều kiện thuận lợi để ánh nắng chiếu xuống bị bức xạ trở lại làm nhiệt độ nóng nhiều hơn. Tôi coi dự báo thời tiết khu vực Little Sài Gòn và vùng phụ cận thì thấy thành phố Santa Ana nhiệt độ luôn thấp hơn thành phố Westminster 1 độ C (33.8 độ F,) thấp hơn thành phố Garden Grove 2 độ C (35.6 độ F,) thấp hơn thành phố Anaheim 3 độ C (37.4 độ F.) Ðây là 3 thành phố gần nhau và đều không có bờ biển. Thành phố Santa Ana có nhiều công viên lớn, nhiều cây cổ thụ lớn và hồ nước lớn, có nhiều khoảng đất trống, bãi cỏ rộng nên ở thành phố này gió thổi cũng mạnh hơn và mát mẻ hơn.
Ðầu tuần này, đã có đợt nắng nóng thứ nhứt của mùa hè năm nay. Thông thường, mỗi đợt nắng nóng kéo dài từ 7 – 10 ngày rồi nhiệt độ hạ xuống chút đỉnh chừng chục ngày, sau đó lại tăng lên để bắt đầu đợt nắng nóng kế tiếp, như một biểu đồ hình sin lặp đi lặp lại cho đến khi thời tiết chuyển qua mùa thu ngắn ngủi.
Nếu quý vị có khả năng tài chánh dồi dào để trả tiền điện mở máy lạnh suốt những ngày nắng nóng tại tư gia thì không cần lo chuyện trốn nóng. Tuy nhiên, trong thời buổi “củi quế gạo châu” cái gì cũng tăng giá gấp hai lần này, ngay cả chợ búa, quán xá cũng đìu hiu thì khoản tiền trả cho mở máy lạnh suốt mùa hè là một con số mà các gia đình phải cân nhắc cẩn thận. Ðể tiết kiệm ngân khoản, mọi người đã nghĩ ra nhiều cách để trốn nóng.
Các tiệm lớn của Mỹ đều có máy lạnh công suất lớn, càng vô sâu bên trong tiệm thì nhiệt độ càng lạnh như trong tủ lạnh. Ngày nóng bức, người vô tiệm rất đông để trốn nóng và dạo chơi coi hàng hóa bày bán. Tuy nhiên, vô tiệm đi tới đi lui hoài thì cũng mỏi chân vì không có ghế ngồi. Duy nhứt tiệm Costco ở Garden Grove khi nào họ bày bán đồ nội thất lớn thì “window shoppers” có thể ngồi ké nghỉ chân, hoặc ra phía trước khu bàn ghế dành cho khách ăn fast food mà ngồi. Ăn kem lạnh ít ngọt giá rẻ cũng là cách hưởng thụ để giải nhiệt tại đây. Mấy năm trước, giá ly kem này là $1.50, hiện nay là $2/ly, là giá tiền bất kỳ ai cũng có thể vui vẻ đồng ý.
Tuần rồi, ở tiệm Costco, tôi đã phải xếp hàng sau khoảng 10 người để chờ vô restroom, nhìn lại sau lưng tôi cũng có một hàng từng ấy người, chứng tỏ người vô tiệm quá đông. Vì vậy, vô các tiệm có máy lạnh không phải là cách tốt nhất, đặc biệt là người có tuổi đã “mỏi gối chồn chân.” Những năm trước, tôi thấy các thành phố đều có thông báo mở cửa “nhà tránh nóng” cho người cao tuổi, nhưng hiện nay thì chưa thấy thông báo nào.
Việc “trồng cây gây rừng,” “gắn máy lạnh trên xe bus” hay “lắp đặt mái che” cho các trạm xe bus lẽ ra phải làm từ lâu và từ những năm trước, chớ không phải chờ đến mùa hè mới đem ra thảo luận thì không thể giúp ích gì trong tình hình nóng bức hiện nay, gọi là “Nước xa không cứu được lửa gần.”
Cách trốn nóng kế tiếp là chạy ra hóng gió ở các thành phố ven biển. Tuy nhiên, tình hình xăng lên giá, giá đậu xe cao ở thành phố biển cũng làm cho nhiều người ngần ngại ra biển. Do đó, các thư viện công cộng cũng là một lựa chọn để trốn nóng. Ðiều bất lợi là ở các thư viện thì giới hạn sức chứa, không phù hợp với phần lớn người cao tuổi gốc Việt.
May mắn thay, lớp tôi đang theo học hiện nay có phòng học mở cửa quanh năm (trừ ngày nghỉ lễ và cuối tuần) từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối và luôn luôn có máy lạnh hoạt động, có wifi xài free, có phòng đặt máy bán nước giải khát tự động cạnh bên, nên đây cũng là một nơi tôi trốn nóng vô cùng tốt. Khu vực gần trường có nhiều công viên với rất nhiều cây thông cổ thụ, không khí mát mẻ hơn, gió mát cũng nhiều hơn.
Ngồi trong xe hơi có mở máy lạnh cũng là một cách trốn nóng, nhưng cách này bị khá hao tiền. Nhưng chúng ta không có cách nào khác khi cần phải di chuyển để đi đây đi đó. Theo nhiều khảo sát, khi nhiệt độ trên các ứng dụng dự báo thời tiết là 30 độ C (86 độ F) thì thực tế nhiệt độ ngoài trời là 36 độ C (96.8 độ F) và nhiệt độ trên đường nhựa là 54 độ C (129.2 độ F ) tức chênh lệch cao hơn 18 độ C, nên không thể nào ngồi trong xe mùa hè chỉ hạ tất cả cửa xe mà có thể chịu nổi cái nóng trong xe, không thể tiết kiệm không mở máy lạnh của xe. Khi đậu xe ngoài trời và đóng kín cửa xe thì nhiệt độ trong xe tăng gấp đôi nhiệt độ ngoài trời. Vì vậy, nếu có thể, chúng ta phải kiếm bóng râm để đậu xe, tránh đậu xe ngược hướng mặt trời nhằm hạn chế ghế lái bị quá nóng, và luôn luôn hé cửa xe thấp xuống 1 cm để không khí lưu thông ra vào trong xe.
Cùng với việc tìm địa điểm trốn nóng khi có thể, thì chúng ta cũng phải luôn đem theo dù, nón rộng vành, và áo tay dài rộng bằng vải cotton sáng màu để che ngoài da nếu phải đi bộ.
Chạy nhanh mỗi khi phải băng qua đường cũng là một cách tránh tiếp xúc nhiều với ánh nắng gắt, nhưng cách này dành cho trẻ em và người còn “phong độ,” còn bị “hư đầu gối” như tôi thì cũng không chạy được, dù nhìn bề ngoài tôi vẫn còn “rất trâu bò.”
Nếu ở quê tôi, mùa nóng tôi có thể xuống sông để bơi lội, nằm ngửa thoải mái không cần cử động tay chân trên mặt nước sông, trầm mình dưới sông hàng giờ đồng hồ, thì ở quận Cam không có dòng sông nào giống như vậy để tôi nhảy xuống “giải nhiệt.” Nước biển thì quá lạnh như nước đá vừa tan ra, tôi chỉ có thể đứng trên cầu tàu nhìn xuống các vận động viên lướt sóng mà thèm thôi.
Rượu, cà phê, trà và nước ngọt là những thứ đồ uống làm cho người dùng bị khát thêm. Tuy nhiên, người Việt có một thứ trà giải khát tuyệt vời không gì sánh bằng, đó là trà đá, là thức uống nên đem theo mỗi khi ra ngoài trong thời tiết nóng.
TPT