Gia đình bên Ngoại tôi vào mỗi dịp Tết đều cố gắng dành ra một ngày trọn vẹn, định trước. Đó là ngày mà các anh chị em có thể cùng tề tựu đông đủ nhất có thể, nhóm họp hỏi thăm, quan tâm nhau. Bà ngoại tôi mất sớm từ năm 1991, khi ấy bà mới được 59 tuổi. Ông ngoại cũng mất vào 2003, năm ông 73 tuổi. Giờ chỉ còn mấy anh em trong nhà quây quần sinh sống cùng nhau, với những thế hệ cháu con tiếp nối. Mấy anh chị em chia nhau đi lập nghiệp xa hết, chỉ còn cậu thứ Bảy ở gần nhà Ngoại, giữ gìn từ đường để đến Tết mấy gia đình lại có chỗ mà về. Cậu Hai trở thành người lớn tuổi nhất trong đại gia đình lúc này. Và cứ mỗi năm một chút, câu chuyện gặp nhau vẫn luôn là nhắc nhớ ông bà Ngoại, ôn lại những kỷ niệm ngày xưa…

Ông bà Ngoại có tất cả 10 người con, song thời chiến tranh, loạn lạc, y tế yếu kém, đã không thể giữ được 3 người. Gia đình lúc này chỉ còn lại 07 người. Mẹ tôi là người con thứ ba trong gia đình, sau cậu Hai và một dì nữa cũng đã mất sớm.

Mấy anh em chúng tôi vẫn hay cùng nhau lật lại những tấm hình đã cũ mà nhìn lại mẹ cùng mấy cậu dì đã lớn lên quanh Ngoại ngày ấy như thế nào. Những tấm hình đen trắng, đôi chỗ loang lổ úa màu, rạn nứt nhẹ theo thời gian, song phần lớn vẫn giữ được những nét mặt của người được chụp. Cậu Hai lúc ấy sẽ như là một “hướng dẫn viên lịch sử”, người duy nhất còn có thể nhớ những mốc thời gian quan trọng của đại gia đình, vì mấy cậu dì còn lại đều nhỏ xíu, thậm chí có người lúc ấy còn chưa được sinh ra, chưa được có dịp góp mặt trong hình…

Bà ngoại và cậu, dì 

Theo những câu hỏi trong nhóm ‘chat Gia đình’, cậu Hai lại từ từ giải thích: “Hình này Má và mấy anh em chụp ở chùa Khải Đoan (Buôn Ma Thuột)”; “em Hải mất ở Dục Mỹ”; “lúc đó 1964 em Bảy chưa ra đời”…

Xem thêm:   Doanh nhân

Ai cũng chùng lòng xuống khi nghe cậu nhắc đến những địa danh cũ, ở những chốn xa xưa… “Quang Trung, Đồng Đế, Dục Mỹ hay Lam Sơn” – cái địa danh quân trường ở Khánh Hòa xa lắc ấy giờ cũng không còn nghe đến tên nữa, ngoại trừ trong những bài nhạc vàng về đời lính. Thời ấy chiến tranh tao loạn, ông ngoại đi lính, bà ngoại mới tầm 30 tuổi đã phải nách các con nhỏ theo ông lếch thếch từ chiến trường này cho tới khu nhà binh kia. Cậu Hai, dì, mẹ tôi… đã phải lên tuốt Buôn Ma Thuột thuở thiếu thời, dạt về sống ở Dục Mỹ… Rồi cuối cùng đến khi chiến sự chấm dứt hẳn, Ngoại mới quay về quê nhà ở Phan Rí mà sinh sống, lập nghiệp bằng một lò gạch nho nhỏ, bà ngoại mở thêm tiệm may. Vậy mà ông bà ngoại lo được cho mấy cậu dì đi học đầy đủ. Thêm những cậu dì nho nhỏ sau đó mới lục tục ra đời …

Sự kiện 30/4/1975 ngày ấy không khác gì một lát dao cắt, lạnh lùng xắn qua chặng đời dài của một dòng họ, một gia đình. Nhát đứt ấy có thể cắt ngang ngọt lịm khiến nửa này nửa kia xa rời cách nhau tới cả hai bán cầu trái đất. Song, cũng có thể là những vết cắt dai dẳng, không lìa được, để lại những di chứng đau khổ dằng dặc đến mấy chục năm sau…

Xem thêm:   Chen & Nhường

Suốt cả một thời gian khai báo sơ yếu lý lịch, tôi vẫn còn nhớ rõ ở phần hồ sơ luôn được chia ra hai mục rõ ràng: “Trước 30/4/1975 làm gì, ở đâu? – Sau 30/4/1975 làm gì, ở đâu?”. Các cô chú cậu dì tôi đều phải khai báo chi tiết những sự kiện trong ấy để có thể được xem xét việc học, xem xét việc làm, thậm chí xem xét đến cả việc hôn nhân…

Cuộc chiến đã lùi xa 50 năm, những con người thanh niên phơi phới tuổi trẻ hoặc “vắt mũi chưa sạch” giai đoạn ấy nay đều đã lên chức ông, bà cả. Giờ ngồi nhìn lại nhau, lật lại những tấm hình cũ, lòng không khỏi bùi ngùi xúc động. Qua những câu chuyện được nhắc lại của cậu Hai, của dì… mấy anh em chúng tôi càng thêm thương cảm những lớp người lớn thời ấy. Những người đã vượt qua biết bao nghịch cảnh, sóng gió mà tiếp tục việc học, việc làm, gầy dựng cơ ngơi để lũ con cháu chúng tôi có điều kiện như hôm nay.

Cuộc chiến đã mang ông Ngoại vào đời lính, biến bà Ngoại tôi trở thành “người yêu của lính” một cách bất đắc dĩ. Mà, đâu phải chỉ ở một gia đình tôi, dòng họ tôi, mà tình trạng này như phủ khắp chiều dài đất nước. Mỗi gia đình đều dự phần vào cuộc chiến, không ít thì nhiều. Hơn 50 năm trôi qua, không chỉ người trực tiếp vào cuộc chiến, mà cả người ở nhà, người gián tiếp ảnh hưởng, người sinh sau đẻ muộn hẳn đều thấm thía hết những giá trị hòa bình mà cuộc chiến “không thể khác” ấy đã mang lại.

Xem thêm:   Thứ tự

Hôm trước, tôi vô tình đọc được một câu trên mạng: “Hòa bình – đó là khi bạn nghe tiếng máy bay sẽ ngước mắt lên trời chiêm ngưỡng làn khói, chứ không phải vội vã chạy kiếm hầm trú ẩn”. Cậu Hai, mẹ tôi và mấy dì, những người từng theo ông bà Ngoại sống quanh quân trường Dục Mỹ hẳn sẽ ấn tượng với âm thanh máy bay này lắm. Một thời chạy trốn tiếng bom đạn, giờ lùi sau tất cả, ai rồi cũng mơ về cuộc đời yên lặng, xây đắp cuộc sống ấm no trên một đất nước hòa bình…

Ước vọng hòa bình, đâu phải là câu chuyện to tát của một quốc gia, hay giữa những nhà lãnh đạo, mà điều đó luôn xuất phát từ ước mong bình yên bao đời nay của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi dân tộc…

NTB

(Tháng 4.2025)