Bệnh sởi (measles) đang quay trở lại và gây ra nhiều lo ngại tại Mỹ, đặc biệt ở những cộng đồng có tỷ lệ chích ngừa thấp. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có thể lây lan nhanh và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong, nếu không được điều trị kịp thời. Sau đây là những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị bệnh sởi.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh sởi do virus sởi (Measles virus) thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Virus này lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ra từ mũi họng. Virus có thể sống trong không khí và trên các bề mặt tới 2 giờ, khiến nó dễ dàng lây lan, đặc biệt ở những nơi đông người như trường học, bệnh viện.

Những người chưa chích vaccine ngừa sởi hoặc chưa từng mắc bệnh có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Trẻ em dưới 5 tuổi, người suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai là những đối tượng dễ bị biến chứng nặng.

Triệu chứng

Sau khi nhiễm virus khoảng 10-14 ngày, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, bao gồm:

  1. Giai đoạn ủ bệnh (không triệu chứng): Kéo dài từ 7-14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
  2. Giai đoạn khởi phát:

– Sốt cao (có thể lên đến 104oF hay 40oC)

Xem thêm:   Móng tay và sức khỏe

– Ho khan, sổ mũi, viêm kết mạc (mắt đỏ)

– Xuất hiện hạt Koplik (những chấm trắng nhỏ trong miệng) – dấu hiệu đặc trưng của sởi.

  1. Giai đoạn phát ban:

– Ban đỏ xuất hiện đầu tiên ở mặt, sau lan xuống ngực, tay, chân.

– Ban sần, có thể ngứa, kéo dài 5-6 ngày rồi bay dần.

  1. Giai đoạn hồi phục: Sốt giảm, ban nhạt màu và tróc vảy.

Nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh nhân có thể gặp biến chứng nguy hiểm như:

– Viêm phổi

– Viêm não (có thể gây tử vong hoặc di chứng thần kinh)

– Viêm tai giữa, tiêu chảy nặng

– Phụ nữ mang thai mắc sởi có nguy cơ sinh sớm hoặc sảy thai.

Cách phòng ngừa

– Chích ngừa là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

– Vaccine MMR (Measles-Mumps-Rubella):  Trẻ em nên chích 2 liều: Liều 1: 12-15 tháng tuổi; liều 2: 4-6 tuổi;  người lớn chưa chích ngừa nên chích ít nhất 1 liều.

– Cách ly người bệnh: Tránh tiếp xúc với người nhiễm sởi, đặc biệt trẻ em và người suy giảm miễn dịch.

– Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

– Tăng cường dinh dưỡng: Ăn uống đủ chất bổ để nâng cao sức đề kháng.

Điều trị

Hiện chưa có thuốc đặc trị virus sởi, việc điều trị chủ yếu là giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng:

Hạ sốt: Dùng paracetamol hoặc ibuprofen (không dùng aspirin cho trẻ em vì nguy cơ hội chứng Reye).

Xem thêm:   Đối phó với dị ứng

Bù nước: Uống nhiều nước để tránh mất nước.

Vệ sinh mắt, mũi: Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý, vệ sinh mũi họng sạch sẽ.

Kháng sinh: Chỉ dùng nếu có bội nhiễm vi khuẩn (viêm phổi, viêm tai).

Vitamin A: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo bổ sung vitamin A để giảm nguy cơ biến chứng nặng.

Lưu ý

– Không tự ý dùng thuốc kháng virus hoặc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

– Theo dõi sát nếu bệnh nhân sốt cao liên tục, co giật, khó thở – cần nhập viện ngay.