Đột quỵ (stroke) có thể gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng hơn một nửa trường hợp hoàn toàn có thể phòng ngừa được, theo Hiệp hội Tim mạch và Hiệp hội Đột quỵ Mỹ. Việc duy trì lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục, và thường xuyên kiểm tra sức khỏe là những bước quan trọng giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Đi khám bác sĩ thường xuyên
Việc khám hàng năm là cơ hội để kiểm tra những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như huyết áp cao (high blood pressure), hút thuốc lá, mỡ máu cao (high cholesterol), và lượng đường trong máu (blood glucose). Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đánh giá lối sống và mức độ vận động.
Nữ giới cần chú ý đến những yếu tố nguy cơ như tiền sử kinh nguyệt tắt sớm, bệnh lạc nội mạc tử cung (endometriosis), huyết áp cao và tiểu đường khi mang thai.
Tập luyện thể dục
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên mỗi người nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần với cường độ trung bình như đi bộ, hoặc 75 phút với cường độ cao như chạy bộ. Việc vận động định kỳ giúp giảm nguy cơ đột quỵ đến 18%.
Chế độ ăn tốt cho tim
Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải (Mediterranean diet) giàu ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, và dầu ô-liu được chứng minh giúp giảm 37% nguy cơ đột quỵ. Cần hạn chế thức ăn chế biến kỹ như nước ngọt, đồ hộp, và thịt nguội.
Kiểm soát việc uống rượu và cà phê
Uống nhiều rượu tăng nguy cơ đột quỵ, ngay cả khi uống mức độ vừa phải. Ngoài ra, uống hơn 4 ly cà phê mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên đến 37%.
Ngủ đủ giấc
Ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngủ dưới 5 giờ hoặc trên 9 giờ mỗi đêm làm nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi. Ngoài ra, chứng ngưng thở khi ngủ (sleep apnea) nếu không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp 4 lần.
Kiểm soát các bệnh lý tiềm ẩn
Những bệnh như huyết áp cao, mỡ máu cao và đường huyết cao là những “kẻ giết người thầm lặng” vì chúng không có triệu chứng rõ ràng nhưng lại gây nguy cơ đột quỵ cao. Ngoài ra, những bệnh tự miễn dịch (autoimmune) như lupus, viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis), và viêm ruột (inflammatory bowel disease) cũng là yếu tố nguy cơ.