2 kỳ – Kỳ 1
Trong suốt gần trăm năm đô hộ Đông Dương (*), kể từ 1889, chính quyền thực dân Pháp đã cho phát hành 75 bộ tem Indochine gồm 493 mẫu tem và một bloc, với nhiều kích thước và chủ đề khác nhau. Bài viết này chỉ giới thiệu một phần nhỏ của bộ sưu tập, với những con tem có liên quan đến con người và các nhân vật được chú ý của thời kỳ này.

Thiếu phụ An Nam (hình trên) & Phụ nữ Đông Dương (hình dưới)
Không kể những bộ tem đầu tiên (từ 1889 đến 1906) có hình vẽ các “ông tây bà đầm” lấy từ điển tích, thần thoại Hy Lạp-La Mã thời cổ đại, từ 1907 trở đi, tem Đông Dương có bản sắc riêng, dễ dàng phân biệt với tem “mẫu quốc” và tem các thuộc địa khác của Pháp.
Bộ tem “Thiếu phụ An Nam” (1907-1923)
Bộ tem có in hình bán thân của một thiếu phụ miền Nam (cô Ba Thiệu / “cô Ba xà-bông”), búi tó, mặc áo dài, cùng các hoạ tiết rồng-mây bao quanh. Bộ tem này được phát hành nhiều lần trong vòng 16 năm, gồm 30 mẫu, với nhiều màu sắc, mệnh giá khác nhau, kể cả các con tem với giá tiền in đè hoặc tiền phụ thu cho Hồng thập tự. Bộ tem này cũng được phát hành tại các tô giới, nhượng địa của Pháp ở Trung Hoa, trực thuộc chính quyền Đông Dương: Quảng Châu Loan, Quảng Đông, Hải Khẩu (đảo Hải Nam)…

Thiếu nữ Cao Miên
Bộ tem “Thiếu nữ Cao Miên” (1907-1922)
Tương tự bộ tem “Thiếu phụ An Nam”, bộ tem 30 mẫu – có hình cô gái Cao Miên tóc bới cao, tươi cười với hình tượng rắn thần bảy đầu Naga – được phát hành trong các năm 1907, 1919, 1922.
Bộ tem “Phụ nữ các dân tộc” (1907-1919)
Bộ tem này được phát hành hai lần, lần sau (1919) dùng lại mẫu lần đầu (1907), với giá tiền in đè. Tem khổ đứng, giới thiệu hình ảnh phụ nữ Cao Miên, An Nam, Mường, Lào, Bắc kỳ.

Bảo vệ trẻ em bản xứ
Các bộ tem “Người đi cày” “Thợ khắc gỗ”, “Người đi cấy”
Các bộ tem “Người đi cày” (hoạ sĩ Tôn Thất Sa vẽ, phát hành năm 1927), “Thợ khắc gỗ” (Nguyễn Đình Chi, 1927), “Người đi cấy” (Nguyễn Phan Chánh, 1932 và nhiều năm sau đó) có mệnh giá nhỏ, từ 0.1 xu đến 3 hào, phản ảnh một số ngành nghề của người dân các xứ thuộc địa, bảo hộ Đông Nam Á.

Lính khố đỏ – Nam Giao
Các bộ tem “Lính thuộc địa”, “Nam Giao” và “Bảo vệ trẻ em bản xứ”
Trong loạt tem “Quân đội Pháp tại hải ngoại / Bảo vệ đế chế” phát hành năm 1941 tại các thuộc địa, bộ tem 3 con phát hành tại Đông Dương có in hình người lính khố đỏ Bắc kỳ, người lính bộ binh thuộc địa và người lính lê-dương với các bộ quân phục khác nhau. Mỗi con tem, ngoài giá tiền chính thức, còn có thêm phụ thu 10 xu.
Năm 1942, bộ “Nam Giao” được phát hành gồm 2 tem, ghi lại tập tục tế trời đất và tổ tiên tại đàn Nam Giao (Huế) của triều đình nhà Nguyễn vào dịp đầu xuân mỗi năm.
Cũng năm 1942, nằm trong loạt tem cùng chủ đề phát hành tại các thuộc địa của Pháp, một bộ tem rất đẹp gồm 3 mẫu do hoạ sĩ Lê Thị Lựu và Mai Thứ trình bày, với tiêu đề chung “Để bảo vệ trẻ em bản xứ” và các tiểu đề riêng cho từng con tem như “Trẻ mồ côi”, “Gia đình đông con”, vẽ hình các bà mẹ Việt với áo tứ thân, áo dài, khăn vấn và đám con trẻ vây quanh. Đây là một bộ tem hàng không, có tiền phụ thu khá cao, gấp đôi, gấp ba giá tiền chính thức của mỗi con tem.
Kể từ năm 1936 trở đi, bên cạnh việc in các bộ tem có tính cách tuyên truyền cho chế độ thuộc địa, quảng bá cuộc đấu xảo thế giới năm 1937 tại Paris, nhắc đến hai cuộc Thế chiến hoặc giới thiệu thắng cảnh và văn hoá bản xứ (vịnh Hạ Long, Angkor, Bayon, chùa Một cột, tiên nữ Apsara, kỳ lân đá, thuyền tam bản…), một số nhân vật tiếng tăm lần lượt có chân dung, qua mẫu vẽ của hoạ sĩ Bùi Trang Chước, được đưa vào các bộ tem Đông Dương. Có thể chia ra làm bốn nhóm nhân vật lịch sử có tem in trong thời kỳ này.

Đi cày, Khắc gỗ, Đi cấy
Vua và hoàng hậu
Khởi đầu với hai bộ tem “Vua An Nam Bảo Đại” và “Vua Cao Miên Monivong” (phát hành năm 1936, mỗi bộ 11 con), các bộ tem sau (chỉ từ 1 đến 3 tem) lần lượt giới thiệu vua Cao Miên Norodom Sihanouk (người nối ngôi ông ngoại Monivong), hoàng hậu Nam Phương, vua Bảo Đại và vua Lào Sisavang Vong.
Vua Bảo Đại Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ (1913-1997), người thứ 13 của hoàng tộc nhà Nguyễn ngồi trên ngai vàng, là hoàng đế đầu tiên của “Đế quốc Việt Nam” (03.1945-08.1945) và cũng là vị vua cuối cùng của nền quân chủ nước Việt. Năm 1945, 20 năm sau khi lên ngôi, ông tuyên bố thoái vị, trở thành “công dân Vĩnh Thuỵ”, nhưng sau đó lại tập hợp các lực lượng quốc gia và đứng đầu “Quốc gia Việt Nam” (1949-1955) với chức vụ quốc trưởng, trước khi bị thủ tướng đương thời Ngô Đình Diệm lật đổ. Ông sống lưu vong tại Pháp cho đến khi qua đời, phần mộ đặt trong nghĩa trang Passy, gần tháp Eiffel. Ngoài hai bộ tem thời Đông Dương (1936, 11 tem và 1942, 2 tem), chân dung cựu hoàng Bảo Đại còn thấy trên các bộ tem của “Đế quốc Việt Nam” (“Hoàng đế Bảo Đại”, “Hoàng đế Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu”, “Thắng cảnh Việt Nam”, chưa kịp phát hành (**)) và “Quốc gia Việt Nam” (1951, 3 tem “Sa Majesté Bao Dai’ và 1952, 1 tem “Vạn-Thọ Nhâm-Thìn”).
Hoàng hậu Nam Phương (1913-1963) tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan, người miền Nam, theo đạo Thiên Chúa, sang Paris du học từ năm 12 tuổi. Bà kết hôn với vua Bảo Đại năm 1934 tại Huế và có với ông 5 người con. Năm 1947, bà cùng các con sang Pháp và sống ẩn dật, ít giao tiếp cho đến khi qua đời. Ngoài bộ tem Indochine 1 con màu đỏ phát hành năm 1942, chân dung hoàng hậu Nam Phương do hoạ sĩ Bùi Trang Chước vẽ còn được in trên 3 bộ tem chưa phát hành của “Đế quốc Việt Nam” và sau đó, một chân dung nhìn nghiêng trên bộ tem 4 con (3 giá tiền và tem phụ thu Hồng thập tự) thời “Quốc gia Việt Nam” với áo dài và khăn vành màu vàng.

Vua & hoàng hậu
Sau khi vua Cao Miên Sisowath Monivong (1875-1941) mất, chính quyền thuộc địa Pháp quyết định đưa cháu ngoại ông, Norodom Sihanouk (1922-2012) lên nối ngôi, thay vì hoàng thái tử Sisowath Monireth. Mang trong người hai dòng máu hoàng tộc của cha (Norodom) và mẹ (Monivong), Sihanouk lên ngôi năm 18 tuổi. Sau khi người Pháp rời bỏ Đông Dương, ông lãnh đạo một nước Cam-bốt trung lập, có khuynh hướng ngả về phía Liên-Xô và Trung Cộng, nhưng đồng thời, lại không ủng hộ sự có mặt của người cộng sản trên đất nước ông. Năm 1970, bị thủ tướng đương thời Lon Nol lật đổ, ông quay sang liên kết với kẻ thù cũ, nhóm Khmer đỏ. Bị giam lỏng với hư vị từ khi Khmer đỏ chiếm Nam Vang vào tháng 04.1975, nhân chuyện bộ đội Việt Nam tấn công và tiêu diệt Khmer đỏ cuối năm 1978, ông thoát ra khỏi nước, lập chính phủ lưu vong chống lại việc chiếm đóng Kampuchia của bộ đội Việt Nam. Hoà bình lập lại, ông trở về Kampuchia, chia sẻ quyền hành với những người cộng sản thân Việt Nam. Lại lên làm vua năm 1993, ông thoái vị năm 2004 và mất tại Bắc Kinh năm 2012. Thời Đông Dương, chân dung của ông được in trên 2 bộ tem phát hành năm 1941 (3 tem) và 1943 (2 tem).
Dưới chế độ bảo hộ của Pháp, Sisavang Vong (1885-1959) nối ngôi cha, trị vì vương quốc Luang Prabang. Trong thời gian quân đội Nhật chiếm đóng Đông Dương, ông bị thủ tướng thân Nhật Phetsarath Rattanavongsa lật đổ, nhưng sau đó lại lên nắm quyền, trở thành vua của vương quốc Lào năm 1946, khi người Pháp quay lại Đông Dương. Ông mất tại cố đô Luang Prabang. Ông có chân dung in trên bộ tem Đông Dương phát hành năm 1943, tem màu nâu, mệnh giá 1 xu và màu đỏ, mệnh giá 6 xu cùng với hoa văn và biểu tượng của xứ “Triệu voi”.

Mộ vua Bảo Đại-Paris
Toàn quyền và thống chế:
Trong loạt tem in hình các vị toàn quyền Đông Dương, có lẽ người Việt biết nhiều đến cái tên Paul Doumer (1857-1931). Không phải vì ông là người tài, xuất thân từ tầng lớp thợ thuyền, phải lăn vào đời kiếm sống từ năm 13 tuổi, rồi tự học để trở thành nhà giáo, nhà báo, dân biểu, toàn quyền Đông Dương, chủ tịch thượng viện Pháp, bộ trưởng bộ Tài chánh, và kết thúc sự nghiệp chính trị với chiếc ghế Tổng thống Pháp, mà vì trong 5 năm làm toàn quyền, ông đã hoàn thành việc xây cảng Hải Phòng, thiết lập tuyến xe lửa “Xuyên Đông Dương”, cho xây Nhà đấu xảo ở Hà Nội và chiếc cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, mang tên ông (nay là cầu Long Biên). Ông cũng là người bảo trợ cho bác sĩ Yersin trong việc tìm ra cao nguyên Lâm Viên và xây dựng thị xã Đà Lạt. Ở Paris, tên của ông được đặt cho con đường chạy ngang qua trước cửa nghĩa trang Passy, trên đồi Trocadéro, nơi có phần mộ của cựu hoàng Bảo Đại.
Trong thời kỳ nước Pháp bị phát-xít Đức tạm chiếm, thống chế Pétain (1856-1951) lên nắm quyền. Thoả hiệp với Hitler về việc bài trừ người Do Thái, trong thời gian đứng đầu chính phủ Vichy, Philippe Pétain cho in tem và đúc tiền có chân dung của mình, điều mà các vị tiền nhiệm và kế vị ông đã không thực hiện. Trong các lớp học và tại nơi công cộng, có lệnh phải treo ảnh của ông ở nơi trang trọng. Giờ chào cờ “tam tài”, học sinh “mẫu quốc” và học sinh thuộc địa phải đồng thanh hát bài “Maréchal, nous voilà / Có chúng tôi đây, thưa thống chế!” thay cho bài quốc ca Pháp “La Marseillaise”. Ở Đông Dương, ngoài bộ tem 6 con có chân dung ông in năm 1943, còn có con tem mang khẩu hiệu “Gia đình-Tổ quốc-Cần lao” do ông đưa ra, thay cho phương châm “Tự do-Bình đẳng-Bác ái” của nền Cộng hoà Pháp. Khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, ông bị kết án “Tội nhân chiến tranh” và chết già trong nhà giam.

Toàn quyền & thống chế
(còn tiếp 1 kỳ)