Tháng Tư 1865 đánh dấu một sự kiện vĩ đại trong lịch sử nước Mỹ. Sau một trận chiến tại Appomattox County, Virginia, vị tướng lẫy lừng của phe Confederate – Robert E. Lee quyết định buông súng. Đạo quân ông bị bao vây không còn đường thoát sau khi rút khỏi Petersburg và Richmond để chạy về hướng Tây, nhưng bị tướng Philip Sheridan đánh chặn với lực lượng đông gấp bội. Nhận thấy cuộc chiến đã đến hồi kết, không muốn thấy binh sĩ mình phải đổ máu vô ích, tướng Lee gửi thư cho tướng Ulysses Grant xin đầu hàng.

Tranh vẽ lại cảnh hai vị danh tướng Robert E.Lee (trái) và Ulysses Grant (phải) ký kết văn kiện đầu hàng. (Tom Lovell)
Nhận được thư của tướng Lee, tướng Grant hồi đáp ngay lập tức và đưa ra một số điều kiện tổng quát. Ông cũng nhờ tướng Lee chọn giùm một địa điểm thuận tiện để hai bên có thể gặp gỡ và bàn chi tiết cụ thể. Ngôi làng Appomattox gần đấy lúc bấy giờ vắng tanh vì hầu hết dân làng đã tản cư để lánh nạn — trừ Wilmer McLean, một doanh nhân làm nghề bán sỉ. Khi lính của tướng Lee gõ cửa nhờ mượn nhà ông làm nơi bàn giao, Wilmer tuy không muốn nhưng cũng đành cho phép. Trước chiến tranh ông sinh sống tại Manassas,Virginia. Quá sợ sau trận đánh đầu tiên của cuộc Nội Chiến tại Bull Run gần Manassas, Wilmer dời nhà về Appomattox cốt để tránh xa cuộc đao binh. Nào ngờ…

Bản hướng dẫn tại khu di tích lịch sử Appomattox Court House. (ianbui/TRẺ)
Ngày 9 tháng Tư, 1865, tướng Lee cùng đoàn tuỳ tùng đến điểm hẹn vào lúc 1 giờ chiều. Khoảng 30 phút sau thì tướng Grant đến. Đều là sĩ quan tốt nghiệp từ West Point và từng tham gia chiến tranh với Tây Ban Nha (1846-1848) hai người mở đầu cuộc họp bằng câu chuyện xã giao về cuộc chiến họ từng chiến đấu cùng phe. Nhưng rồi lão tướng Lee là người phải nhắc tướng Grant, trẻ hơn ông 15 tuổi, rằng đã đến lúc bắt tay vào việc. Tướng Grant bèn phác thảo một bức thư ghi rõ những điều kiện đầu hàng. Ngoài việc đòi hỏi quân đội miền Nam phải giải giáp, tướng Grant chỉ cần họ thề không bao giờ cầm súng chống lại chính quyền nữa. Để chứng tỏ thiện chí, ông còn cho phép tất cả các sĩ quan miền Nam giữ lại ngựa, súng cá nhân và gươm của họ.

Bản thảo bức thư đầu hàng do tướng Ulysses Grant viết tay ngày 9 tháng Tư, 1865, hiện được lưu giữ tại viện bảo tàng Appomattox Court House. (ianbui/TRẺ)
Tướng Grant còn ghi rõ tất cả binh lính đều được tha tội, ai về nhà nấy, không ai phải ở tù hoặc bị sách nhiễu bởi chính quyền liên bang. Tướng Lee đề nghị cho phép những quân nhân thuộc binh chủng pháo binh và kỵ mã giữ lừa và ngựa để giúp họ trong việc đồng áng. Grant đồng ý, nhưng thay vì phải sửa đổi văn kiện, ông hứa sẽ ra lệnh riêng. Tướng Lee còn cho hay họ hiện không đủ lương thực để nuôi tù binh miền Bắc vì chính quân binh miền Nam cũng đang thiếu ăn. Grant liền hứa sẽ mang số tù binh đó về, đồng thời gởi 25,000 phần ăn đến cho lính miền Nam mặc dù lúc bấy giờ nhiều đơn vị Confederate vẫn còn đang đánh nhau với phe Union ở những tiểu bang khác.

Lá cờ của quân đoàn 61 Virginia trong buổi đầu hàng, được lưu giữ tại Appomattox Court House. (ianbui/TRẺ)
Là sĩ quan thuộc lớp đàn em của tướng Lee, tướng Grant đã đối xử với người chỉ huy đoàn quân chiến bại bằng sự kính trọng tuyệt đối trong tinh thần thượng võ. Trước đó ông còn nhắc nhở thuộc cấp không ai được phép vô lễ với nhà đại tướng tài ba bên thua cuộc. Buổi họp chấm dứt khoảng 3 giờ chiều. Khi tướng Lee bước ra, quân binh của tướng Grant xếp hàng hai bên để tiễn ông; họ giở nón chào, và ông cũng giở nón đáp trả. Một nhóm quân nhạc, tuy không tính trước, cất kèn thổi bài “Auld Lang Syne” [ò e, rô be đánh đu…] Mặc dù chiến tranh chưa chấm dứt ngay, nhưng ngày 9 tháng Tư ấy được xem như khởi điểm cho màn cuối của cuộc tương tàn khốc liệt nhất giữa dân Mỹ hai miền.

Bức tranh tả lại giây phút vị tướng thua cuộc Robert E. Lee ngả mũ chào tướng thắng cuộc Ulysses Grant. (Keith Rocco)
Tuy rằng trên nguyên tắc quân đội Confederate đã bị giải thể, nhưng nhiều trận đánh lẻ tẻ vẫn tiếp tục xảy ra. Mãi đến ngày 19 tháng 6 cuộc Nội Chiến mới thực sự chấm dứt khi quân Union tiến vào Galveston để giải giáp đoàn quân cuối cùng và giải phóng người da Đen tại Texas khỏi kiếp nô lệ. Năm 2021 ngày này được Quốc Hội đặt làm một ngày quốc lễ. Sau Nội Chiến, làng Appomattox dần chìm vào quên lãng, ngôi nhà của Wilmer McLean đổi chủ, và đến năm 1892 thì Appomattox Court House bị thiêu rụi sau một vụ cháy. Năm 1930, Quốc Hội chấp thuận chi tiền lập một khu tưởng niệm tại đây, nhưng phải 5 năm sau công trình xây dựng mới bắt đầu khi Tổng thống Franklin Roosevelt ban hành đạo luật thành lập Appomattox Court House National Monument.

Đường vào khu tưởng niệm Appomattox Court House, 2018. (ianbui/TRẺ)
Thay vì lập đài tưởng niệm, uỷ ban trùng tu Appomattox, dưới quyền quản lý của cơ quan National Parks Services, đã tái dựng lại gần như toàn bộ ngôi làng y như nó từng hiện hữu vào thời điểm tướng Lee đến đây. Bị gián đoạn bởi Đệ Nhị Thế Chiến, năm 1949 ngôi nhà của Wilmer McLean xây xong và mở cửa cho công chúng. Tất cả mọi thứ (trừ điện và wi-fi internet) đều được tái tạo một cách tỉ mỉ. Du khách có cảm giác mình vừa vượt thời gian trở lại quá khứ; với một chút trí tưởng tượng ta có thể dễ dàng hình dung cảnh hai bên thắng và thua cuộc đã gặp gỡ nhau ra sao. Một số công trình khác cũng được dựng lại, như bưu điện, tiệm tạp hoá v.v.

Xà bông và cheese được cắt bán theo trọng lượng. (ianbui/TRẺ)
Tại bìa làng là một nghĩa trang nhỏ dành cho 18 người lính miền Nam bỏ mình trong trận Appomattox. Xác họ trước đó bị chôn rải rác, sau chiến tranh một hội phụ nữ kêu gọi dân trong vùng đem hài cốt họ về đây chôn cất tử tế. Trừ 7 người có danh tánh, số còn lại đều vô danh. Người ta còn tìm thấy xác một người lính miền Bắc nên đem anh ta về đây chôn chung với những người bên thua cuộc. Những hành động nhân bản như thế, cũng như cách hành xử đầy nhân văn của vị tướng bên thắng cuộc, là một trong những yếu tố giúp công cuộc tái thiết và hoà hợp hoà giải của nước Mỹ sau chiến tranh tương đối dễ dàng hơn. Nó còn là bài học cho tất cả người Việt, trong cũng như ngoài nước — bất kỳ thuộc “bên” nào.

Nghĩa trang “bên thua cuộc” tại Appomattox. (ianbui/TRẺ)
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.