Back To The Future (BTTF) là bộ phim khoa học giả tưởng ăn khách nhất năm 1985, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới với doanh thu phòng vé gần 400 triệu USD. Thành công vượt bực ấy (cộng thêm một giải Oscar) đã dẫn đến hai bộ phim tiếp theo (1989, 1990) cho đạo diễn Robert Zemeckis và soạn giả Bob Gale. Và sau hơn 4 thập niên, thương hiệu BTTF vẫn sống mạnh qua các dạng phim hoạt hoạ, video game, Universal Studios ride v.v. Và gần đây nhất là một vở nhạc kịch hết sức thú vị!

Ảnh: (Matthew Murphy/Broadway Dallas)
Ắt hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi, làm sao có thể lồng âm nhạc và múa hát vào một câu chuyện khoa học giả tưởng như thế này? Làm thế nào để thay thế kỹ xảo điện ảnh bằng kỹ thuật sân khấu? Thế hệ iPhone và Internet thời nay sẽ nghĩ gì về “cỗ máy vượt thời gian” cổ lỗ sĩ trong Back To The Future? Nhưng chỉ cần nhìn lướt thành phần khán giả là ta có ngay câu trả lời. Thanh niên thiếu nữ đi đông vô kể, và đặc biệt là các cha mẹ trẻ dẫn con lứa tuổi tiểu học đi xem khá nhiều. Chắc ai cũng háo hức được nhìn tận mắt chiếc DeLorean bất hủ.

Nhà phát minh “Doc” Brown (trái) và nhân vật chính Marty bên chiếc xe vượt thời gian. (Matthew Murphy/Broadway Dallas)
Đồng tác giả của bộ phim — Bob Gale, cũng là kịch tác gia của vở nhạc kịch. Do đó mọi tình tiết và lời thoại đều gần với bản gốc; vài chỗ còn hay hơn phim vì mang kịch tính nhiều hơn …phim tính. Một trong những điểm son của tuồng hát này là cách nhà thiết kế trang phục và sân khấu đưa người xem đi ngược thời gian trong tích tắc; thậm chí những chi tiết nhỏ nhặt nhất như chén dĩa hay khăn trải bàn cũng được chọn lựa rất khéo. Trong ảnh là cảnh phòng ăn của gia đình Marty với ông bố George (phải) và bà mẹ (phải) cùng hai đứa em đang giành nhau bịch Doritos, vốn là món ăn vặt thịnh hành thời 1980.

(Matthew Murphy/Broadway Dallas)
Đùng một cái, Marty bị đưa về thập niên 1950 bằng chiếc xe thời gian. Tại đây anh ta gặp bố của mình, George (phải) hồi ổng còn trẻ. Trong những màn này chúng ta có thể thấy được sự khác biệt trong tóc tai, quần áo của các nhân vật. Đến như font chữ trên tường cũng tiêu biểu cho thời ngay sau Đệ II Thế Chiến. Không những vậy, những bài nhạc trong đoạn này cũng mang nặng âm hưởng thời tiền-Elvis, khác hẳn nhạc thời MTV của Marty. Tuy nhiên, so với âm nhạc của nhiều vở nhạc kịch khác thì các ca khúc trong Back To The Future chỉ trung bình, không có gì đặc sắc trừ bài “Power of Love” của Huey Lewis rất thành công nhờ bộ phim năm 1985.

(Matthew Murphy/Broadway Dallas)
Không chỉ gặp bố mình, Marty còn gặp cả mẹ tương lai của mình là Lorraine. Lorraine mết cậu con trai (đến từ tương lai) tạo nên một tình huống dở khóc dở cười — và cũng là vấn nạn nghiêm trọng cho Marty. Anh không thể để Lorraine yêu mình, vì như thế cô nàng sẽ không lấy George và rồi sẽ … không sinh ra anh! Hậu quả của bài toán khó gỡ này là những màn hài hước gây cười thiếu điều bể rạp. Phải công nhận óc tiếu lâm của soạn giả Bob Gale quả là siêu đẳng, và các kịch sĩ diễn xuất cũng rất đạt. Trong ảnh là cảnh Marty, sau khi gặp tai nạn được mang vào phòng ngủ của Lorraine, không biết phải nói năng làm sao với bà mẹ xinh đẹp của mình!

(Matthew Murphy/Broadway Dallas)
Được soạn lại sau bộ phim cả mấy chục năm, nhạc kịch cũng đã được “cập nhật hoá” bằng những kỹ thuật tân tiến nhất. Chẳng hạn như màn mở đầu sử dụng màn ảnh video với hình bản đồ Dallas (nơi đang diễn) xong dẫn người xem qua tận California bằng GPS. Chắc chắn đạo diễn đã cho người viết lập trình sẵn để đổi khởi điểm dọc theo tuyến lưu diễn. Ngoài ra Bob Gale còn soạn thêm một hoạt cảnh hoàn toàn mới để biểu hiện tương lai — qua giấc mơ của “Doc” Brown về một thế giới của thế kỷ 21. Có thể nói màn “21st Century” mở đầu Hồi 2 của vở nhạc kịch là bản nhạc nghe “đã” nhất trong show – số 88 là vận tốc chiếc DeLorean phải đạt đến để có thể “đi vào tương lai.”

(Matthew Murphy/Broadway Dallas)
Một màn nhạc khác cũng khá hay là lúc Marty đánh đàn trong đêm khiêu vũ của trường Hill Valley High School, nơi bố mẹ của cậu cuối cùng hôn nhau và lấy nhau. Là một thiếu niên lớn lên trong thời MTV với giấc mộng trở thành rock star, Marty đã đem nhạc rock của tương lai trở về thập niên 1950 khiến thiên hạ ai cũng ngỡ ngàng, không hiểu những cung bậc quái dị ấy là cái thứ gì. Thậm chí ông giám thị (phải) còn đòi tống cổ anh ra khỏi building. Nhưng nếu để ý kỹ ta sẽ thấy không phải ai cũng không thích nhạc rock’n’roll! Đến màn này thì ai cũng nhận ra rằng biến Back To The Future thành một vở nhạc kịch cũng có lý.

(Matthew Murphy/Broadway Dallas)
Ra mắt tại West End, London, năm 2021, Back to the Future ngay lập tức đoạt giải Lawrence Olivier cho Best New Musical. Hai năm sau BTTF được đưa qua Broadway và tiếp tục gặt hái thành công tại phòng vé. Nhạc kịch này hiện đang lưu diễn vòng quanh nước Mỹ với chiếc xe DeLorean lừng danh không thua gì chiếc trực thăng trong vở Miss Saigon. Xem nhạc kịch này rồi mới thấy kỹ thuật sân khấu của Âu Mỹ đã tiến bộ quá sức tưởng tượng. Nhiều cảnh trong phim tưởng không thể nào thực hiện nổi ngoài đời, vậy mà họ vẫn làm được mới tài. Mong sao người Việt trong một “tương lai” nào đó cũng sẽ làm được nhạc kịch cỡ vầy — hy vọng không phải đợi 40 năm!

(Matthew Murphy/Broadway Dallas)
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.