DST là chữ viết tắt của Daylight Saving Time, ngược lại với Standard Time. DST, có nơi gọi là Summer Time, là cách một số quốc gia hay lãnh thổ trên thế giới kéo dài số giờ đồng hồ của “ban ngày” để người dân có thể ra ngoài làm việc hay ăn chơi giải trí lâu hơn. DST mới xuất hiện khoảng trên 100 năm nay thôi, và không phải ai cũng ưa nó. Ở Mỹ hầu như năm nào DST cũng bị đưa lên thớt để bàn thảo xem có nên bỏ hay không, và năm nào cũng có kết quả … “bất phân thắng bại!”

Nhân viên toà án Clay County Courthouse đổi giờ đồng hồ (Charlie Riedel/AP)     

Theo thống kê mới nhất của trang web Time And Date, hiện thời chỉ có khoảng 40% quốc gia trên thế giới áp dụng DST. Đa số những xứ nhiệt đới gần đường xích đạo không cần đến DST vì ngày của họ đã dài sẵn quanh năm. Nhưng cũng có nhiều nước từng áp dụng DST đã đổi ý sau một thời gian thử nghiệm. Trên bản đồ này, màu xanh lá cây đại diện những vùng hiện đang xài DST, xanh lơ là những nơi đã từng thử DST nay đã bỏ, và trắng là những nước chưa bao giờ đụng đến DST — trong đó có Việt Nam và hầu hết khối ASEAN.

Nguồn: timeandate.com

Năm 1884, tại hội nghị International Meridian Conference ở Hoa Thịnh Đốn, các nước tham dự quyết định chọn Greenwich, Anh Quốc, làm kinh tuyến zero và dùng đó để chia quả đất ra thành 24 múi giờ như ta biết đến ngày nay. Căn cứ theo đó, các múi giờ được quy định bởi số tiếng đồng hồ trước (+) hay sau (-) giờ chuẩn GMT (Greenwich Mean Time). Chẳng hạn như CST (Central Standard Time) của Dallas là 6 tiếng sau GMT (GMT-6). Đến thập niên 1960, các hệ thống atomic clock trên thế giới được đồng bộ hoá và tiêu chuẩn quốc tế Coordinated Universal Time (UTC) ra đời. GMT vẫn là tên gọi múi giờ, và những múi giờ khác được tính theo UTC, như CST là UTC-6 (Standard Time) hoặc UTC-5 (khi có DST).

Đường kinh tuyến zero Greenwich Meridian tại Anh Quốc (iStockPhoto)

Người đầu tiên nghĩ ra việc đổi giờ đồng hồ để “kiếm thêm tí nắng” là một nhà tiểu thương ở Port Arthur, Canada, tên John Hewitson vào năm 1908. Ông kiến nghị với hội đồng thành phố Port Arthur và ngôi làng lân cận Fort William đổi múi giờ từ CST sang giờ miền Đông EST vào mùa Hè, và trở lại bình thường vào mùa Đông. Cuộc thí nghiệm diễn ra vào ngày 1 tháng 5, 1908. Vài nơi khác cũng bắt chước theo, nhưng không phải làng nào cũng đổi giờ, dẫn đến tình trạng lịch trình xe lửa, trường học, phà v.v. bị rối tung cả lên. Mãi đến năm 1918 chính phủ Canada mới ban hành đạo luật DST, nối gót Mỹ.

Thunder Bay, Canada, khởi điểm của DST. (Northern Ontario Travel)

Đức là quốc gia đầu tiên trên thế giới lập ra luật DST toàn quốc vào ngày 30/4 năm 1916, lúc đang đánh nhau trong Đệ Nhất Thế Chiến, lý do là để tiết kiệm năng lượng. Anh và Pháp thấy vậy liền bắt chước làm theo liền. Thật ra vào năm 1908, một nghị viên Anh tên là Robert Pearce đã soạn thảo một dự luật đổi giờ, rất tiếc nó bị giới nhà nông phản đối quá nên không thành. Nhưng người “phát minh” ra khái niệm DST lại là một nhà khoa học ở New Zealand tên George Vernon Hudson vào năm 1895. Trong một chương trình nghiên cứu, ông đề nghị đi sớm hai tếng vào tháng 10 và đổi ngược lại vào tháng Ba. Cũng may ý kiến này không được thiên hạ hưởng ứng; phải dậy sớm một tiếng thôi đã đủ mệt xác rồi!

Đạo luật DST của Đức (wikipedia)

Việc DST ảnh hưởng đến sức khoẻ con người ra sao đã được nghiên cứu rất cặn kẽ qua nhiều thập niên. Sự khác biệt giữa nhịp sinh hoạt tự nhiên của cơ thể, dựa theo chu kỳ ánh sáng và bóng tối trong ngày, và nhịp sống xã hội dựa theo cái đồng hồ vô tri là lý do khiến ta cảm thấy khó chịu khi tự dưng phải dậy sớm hơn thường lệ. Cơ thể ta tiết ra chất Melatonin để giúp ta buồn ngủ và đi ngủ. Thiếu ngủ dễ dẫn đến bệnh tim và béo phì. Một cuộc điều tra khác phát hiện tai nạn xe cộ xảy ra nhiều hơn bình thường vào ngày thứ Hai sau khi đổi giờ. Nhiều dự luật biến DST thành tiêu chuẩn quanh năm đã gặp chống đối vì vào mùa Đông không ai thích phải dậy sớm đi làm hoặc đưa con đi học khi trời còn tối mù!

Tuyên truyền kêu gọi người dân viết thư cho nghị sĩ của mình sẽ ủng hộ việc đổi giờ (wikipedia)

Trong các cuộc tranh luận nảy lửa hàng năm về việc nên giữ hay dẹp DST, hiệp hội các chủ sân golf bao giờ cũng đứng về phe DST và bỏ ra rất nhiều tiền để lobby các nhà lập pháp. Lý do của họ rất dễ hiểu: Nhiều giờ nắng sau ngày làm việc thu hút nhiều người chơi và, quan trọng hơn nữa, mang lại nhiều lợi nhuận cho quầy rượu và thức ăn. Bất kể những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khoẻ thượng dẫn, kỹ nghệ golf ở Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực thay thế Standard Time bằng DST quanh năm. Song giải pháp này lại bị phản đối bởi những người thích đángh golf vào buối sớm tinh mơ. Thành thử cuộc chiến DST có lẽ sẽ không bao giờ kết thúc. Tốt nhất là tập cho cơ thể thích nghi với DST mỗi năm hai lần, và nếu cần đánh golf ban đêm thì cứ vào … Top Golf như nhân vật trong hình là xong!

Ảnh: ianbui/TRẺ