Ngày 31, tháng 3, năm 1968, Hoa Kỳ ngưng ném bom miền Bắc Việt Nam. Cuộc hòa đàm 4 bên: Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa một phía; Bắc Việt và Việt Cộng phía còn lại, được tổ chức tại Paris, thủ đô nước Pháp, với hy vọng tìm ra một giải pháp chấm dứt chiến tranh. Thế nhưng, những cuộc thương thảo ban đầu lại bị sa lầy trong những tranh cãi vô bổ về hình dáng cái bàn họp: hình tròn hay hình vuông, kiểu này hay kiểu kia. Đàm thì vẫn đàm; đánh thì vẫn đánh, chiến trường vẫn còn loang máu. Xương máu người lính ngoài trận tuyến như bị đem ra cò kè mặc cả nơi hội nghị xa hoa ấy… Sau những lần cam kết, CS Bắc Việt lại lật lọng. Ngày 18, tháng 12, năm 1972, Mỹ pháo đài B-52 từ căn cứ Guam bay tới Hà Nội, Hải Phòng ném bom rải thảm trong chiến dịch Linebacker II suốt 12 ngày. Sức ép quá lớn khiến Bắc Việt buộc phải ký Hiệp định Paris vào ngày 23 tháng 1 năm 1973. Hiệp định, một “hòa bình da beo”, quy định quân đội Mỹ và các đồng minh rút khỏi Việt Nam, nhưng lại cho phép Bắc Việt được ở lại miền Nam mầm mống làm Miền Nam sụp đổ 2 năm sau đó!
Thứ Sáu, 26 tháng Giêng, năm 1973, các tiểu đoàn sinh viên sĩ quan Thủ Đức lên đường đi chiến dịch Hiệp định Paris. Mỗi sinh viên sĩ quan được phát đủ cơ số 7 băng đạn và 2 trái lựu đạn M67. Đêm xuống dần trên mặt sông. Tiếng máy tàu rầm rì trong đêm, len lỏi giữa dòng sông tĩnh lặng để tránh đạn B-40. Hồn tử sĩ như theo gió ù ù thổi. Trăng rọi mặt người chinh phu … 8 giờ đêm tàu ủi bãi. Đạn lên nòng, súng cầm tay ta về quê em: Bình Đại. Bình Đại buồn, thu nhỏ lại trong đêm… Ly cà phê chát ngắt cho ta trắng đêm nay, cho em hầm trú ẩn…Chiến tranh? Hòa bình? Chết? Sống? Hư không! Buồn chi em! Vạn thọ đã vàng bông! Trời cuối năm, giáp Tết. Sống sót đã là may!” Niềm tin về một nền hòa bình mới chưa kịp nhen nhóm thì đã bị dập tắt bởi sự vi phạm liên tiếp của Bắc quân, chúng giành dân, lấn đất một cách trắng trợn.
Trường Trung học công lập Petrus Trương Vĩnh Ký, nằm trên đại lộ Cộng Hòa, quận 5. Theo lời giáo sư Toán Châu Thành Tích, một người có bằng Cao học Quốc gia hành chánh: “Có năm có đến 9 nghìn sĩ tử dự thi, mỗi năm chỉ tuyển 8 lớp, khoảng 60 học sinh mỗi lớp…” Đó là một nơi mà ai thi đậu vào cũng là niềm tự hào của cả gia đình. Rất nhiều học trò phải thi tới hai lần mới đậu. Chính vì vậy, khi mùa hè đỏ lửa cháy lan, lệnh đôn quân ban hành; rất nhiều cựu học sinh Petrus Ký đang ngồi trên giảng đường đại học phải xếp bút nghiên lên đường bảo vệ tổ quốc.

Hòa đàm Paris – nguồn rajawali.hks.harvard.edu
Tôi và Châu Minh Nhạn học chung lớp Đệ Thất 5, niên khóa 1963. Nhạn là người bạn dễ mến, cao ráo, đẹp trai, yêu đời, thường hát bài “Love Story” với lời chế riêng rất hài hước: “Bởi bà già rắc rối, cuộc tình rối rắm, ôi biết nói gì, thì đành nói dối…”
Trường Bộ binh Thủ Đức phái hàng trăm SVSQ đi chiến dịch Hiệp định Paris 27 tháng Giêng năm 1973, để chống lại việc giành dân lấn đất của Việt Cộng trong đó có Châu Minh Nhạn thuộc đại đội 34 khăn xanh khóa 3/72. Chỉ một tuần sau khi về Miền Tây, Nhạn cùng 3 nghĩa quân đã anh dũng hy sinh trong một cuộc tấn công bằng lựu đạn của Việt Cộng. Thi thể Nhạn được đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Phía bên kia xa lộ là đồi khuynh diệp của Bác sĩ Bùi Kiến Tín.
Và rồi, biết bao người lính như Châu Minh Nhạn đã ngã xuống, mơ về một thiên đường, về một buổi chiều quê có khói bếp, có bát cơm rau, có tiếng chuông chùa, có người thân trở về…“Cổ kim cát bụi chôn vùi! Chỉ còn xương trắng ngậm ngùi cỏ lau…”
Tháng Giêng, năm 75, mất Phước Long, tháng Ba mất Ban Mê Thuột dẫn tới cuộc triệt thoái kinh hoàng của Quân đoàn 2 trên liên tỉnh lộ 7B được xem là một cuộc lui binh bi thảm nhất trong suốt chiều dài cuộc chiến. Liên tỉnh lộ 7B là hành lang máu, con đường đầy nước mắt, xương máu trong 9 ngày đêm của thường dân và binh lính miền Nam.
‘Đánh Nguyệt Chi theo quân năm trước. Toàn đạo binh bị diệt trên thành. Hán, Phiên vắng bặt tin anh. Cho dù sống chết cũng đành xa nhau. Màn trướng nát không ai thu lượm. Ngựa trở về cờ phướn rách tan. Cúng anh, nghi vẫn sống còn. Chân trời xa tắp, khóc trông quê nhà! Thổ Phồn chiếm cứ Tây Châu. Ngoại vi mất hết còn đâu lũy thành …Kỵ binh giặc tới bất kỳ. Dân tình hết vía chuyển di luôn ngày. Vùng ven chém giết bão giông. Chiến binh giáp trận chết không vẹn hình’

Quân đoàn 2 triệt thoái 1975 – nguồn Credit: © Bettmann/CORBIS
Quân cứ triệt thoái hoài, đoạn chiến mà không hiểu vì sao?! Người lính luôn cô đơn, chỉ biết tuân lịnh, xưa giờ cũng vậy: “Ngựa qua uống nước sông Thu! Nước sông lạnh, gió vù vù cắt da” Rồi cùng nhau ngã xuống cho một thiên đường mơ ước bao lâu?!
“Cổ kim cát bụi chôn vùi! Chỉ còn xương trắng ngậm ngùi cỏ lau”
Hơn 50 năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ Châu Minh Nhạn – bạn học cũ ở trường Petrus Ký, người còn rất trẻ đã đi và mãi mãi không trở về.
Quê người viễn xứ, đốt lò hương cũ, đọc thơ xưa, nhớ một thời giầy sô áo trận, dù ngắn ngủi, nhưng dễ gì quên! “Anh nhớ tình năm cũ, nước mắt và Tháng Tư.
Già rồi anh hay khóc, khóc tình cũ, em xưa! Anh rót đầy ly rượu, cạn hết nổi đắng cay, của một người mất nước. Mất hết còn cơn say…”
Tôi nhớ thơ Cao Tần (Lê Tất Điều): ‘
Thở thật dài vào thinh không bát ngát. Theo gió về động lá cánh rừng xa. Này thằng lì còn chơi miền gió cát. Trong kiêu dũng, mày cho gửi chút hồn ta!’”
Lest we forget – Xin đừng bao giờ quên!
ĐXT