Cao Tần là bút hiệu của nhà văn Lê Tất Điều người đã thành danh với nhiều tác phẩm ở Sài Gòn trước 1975. Đến Hoa Kỳ năm 1975, ông định cư ở thành phố San Diego và cộng tác với nhà văn Võ Phiến lập ra tờ Văn Học Nghệ Thuật. Ngay trên những số đầu của tờ Văn Học Nghệ Thuật,  Lê Tất Điều ký bút hiệu Cao Tần tung ra những bài thơ đặc sắc và được đồng bào đón nhận nồng nhiệt .

Lúc đó ai cũng đọc thơ Cao Tần. Người tỵ nạn nào cũng phải biết thơ Cao Tần. Nhà văn Lê Thị Huệ nhận xét: Có thể nói thơ Cao Tần là một hiện tượng văn học đầu tiên của nền Văn Chương Tiếng Việt Hải Ngoại. Thơ ông chất chứa bao nhiêu tâm sự của người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản ở Mỹ. Những ray rứt gọi là Lưu Vong, Quê Nhà, Tiếng Việt, Xứ Mỹ … gom lại trong một trời thơ riêng của Cao Tần. Phải nói thơ Cao Tần là một hiện tượng độc đáo lúc bấy giờ. Thơ vượt lên trên lòng thù hận, sự ác độc, dối trá, ngu si, của cuộc Nội Chiến Nam Bắc trong giai đoạn 1954-1975 và còn kéo dài về sau.

Hôm nay, Tháng Tư Đen lại về, chúng tôi mời các bạn đọc lại và chia sẻ một số bài thơ của Cao Tần.

SAO KHUÊ

cảm khái

 

Trong ví ta này chứng chỉ tại ngũ

Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu

Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ

Tái tê cười: giờ gia hạn nơi đâu?

Trong ví ta này một thẻ căn cước

Hình chụp ngây ngô rất mực cù lần

Da xám ngoét như bị đời nhúng nước

Má hóp vào như cả tháng không ăn

Mười tám tuổi thành công dân nước Việt

Tên chụp hình làm ta xấu như ma

Thằng khốn nạn làm sao mà nó biết

Ta sẽ thành dân mất nước tan nhà!

Hai mươi tuổi ta đi làm chiến sĩ

Bước giày đinh lạng quạng một đời trai

Vừa đánh giặc vừa lừng khừng triết lý

Nhưng thằng này yêu nước chẳng thua ai…

Hình căn cước anh nào mà chẳng xấu

Tên chụp hình như một lão tiên tri

Triệu mặt ngây ngô bàng hoàng xớn xác

Cùng đến một ngày gẫy đổ phân ly

Nhìn hình chim in trên tờ chứng chỉ

Chợt nhớ câu thơ: “Gẫy cánh Đại Bàng…”

Ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ

Muôn anh hùng phút chốc hóa lang thang

Quanh mình xôn xao chuyện thay Quốc tịch

Ngậm ngùi bày dăm giấy cũ coi chơi

Thời cũ ố vàng, rách rời mấy mảnh

Xót xa đau như mình bỗng qua đời.

Hỡi kẻ trong hình mặt xanh, mày xám

Ngươi sắp thành tên mọi Mỹ rồi ư

Hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm

Mày lang thang đất lạ đến bao giờ

Ôi trong ví mỗi người dân mất nước

Còn một oan hồn mặt mũi ngu ngơ

Ôi trong trí những anh hùng thuở trước

Còn dậy trời lên những buổi tung cờ 

Tháng 6/77

Xem thêm:   Trang Châu

 

mai mốt anh về

 

Mai mốt anh về có thằng túm hỏi

Mày qua bên Mỹ học được củ gì

Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi

Nói mày hay ông thượng đẳng cu li

Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ

Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan

Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió

Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan

Nghệ thuật nói bỗng hóa trò lao động

Thằng nào nói nhiều, thằng ấy tay to

Tiếng mẹ đẻ thường chỉ dùng chửi đổng

Hay những đêm sầu tí toáy làm thơ

Ông học được Mỹ đất trời bát ngát

Nhưng tình người nhỏ hơn que tăm

Nhiều đứa hồn nhiên giống bầy trẻ nít

Còn hồn ông: già cốc cỡ nghìn năm

Bài học lớn từ khi đến Mỹ

Là ngày đêm thương nước mênh mang

Thù hận bọn làm nước ông nghèo xí

Hận gấp nghìn lần khi chúng đánh ông văng

Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa

Ông anh hùng ông cứu được quê hương

Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo

Lùa cả nước vào học tập yêu thương 

Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp

Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm

Bồ bịch hết không đứa nào là Ngụy

Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng. 

tháng 3/77

 

ta làm gì cho hết nửa đời sau?

 

Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn

Gánh sơn hà toan chất thử lên vai

Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn

Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai

 

Xem thêm:   Linh Phương

Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận

Xong hiệp đầu mây núi đã bâng khuâng

Hào khí bốc đủ mười thành chất ngất

Chuyện vá trời coi đã nhẹ như không

 

Một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn

Nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn

Nay đất khách kéo lê đời rất nản

Ta tính sẽ về vượt suối trèo non…

 

Sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động

Những hùm thiêng cựa móng thét rung trời

Và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy

Và cờ bay trên đất nước xinh tươi

 

Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối

Thần tự do giờ đứng ở nơi nào?

Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới

Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao…

 

Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh

Ta tiếc gì năm chục ký xương da

Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển

Những oan hồn ai bỏ giữa bao la…

 

Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc

Thấy chiến trường la liệt xác anh em

Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục

Đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm

 

Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi

Những hào hùng uất hận gối lên nhau

Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:

Ta làm gì cho hết nửa đời sau? 

Tháng 3-77